Trung
Quốc đã muốn thì phải chiều
05/09/2018
Quyết định của Thống
đốc Ngân hàng Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Từ 12 tháng 10 năm
2018, cho phép sử dụng Nhân dân tệ (Yuan) tại bảy tỉnh tiếp giáp với biên giới
Trung Quốc (Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hà Giang, Lai Châu, Lào Cai, Cao Bằng, Điện
Biên) là bằng chứng mới nhất, rõ nhất về việc Trung Quốc đã muốn thì phải
chiều, bất kể chuyện chiều theo ý muốn của Trung Quốc nguy hại như thế nào cho
vận mệnh quốc gia, tương lai dân tộc, độc lập - tự chủ về kinh tế - xã hội và
xa hơn nữa là chính trị…
Để cảm nhận một cách
rõ ràng “Trung Quốc đã muốn thì phải chiều” xin cùng xem lại sự kiện, ý kiến về
việc có nên cho phép sử dụng Yuan tại Việt Nam cách nay ba năm rưỡi…
***
Tháng 1 năm 2015, ngay
sau khi Hiệp hội Doanh nghiệp Trung Quốc tại Việt Nam và Ngân hàng Công Thương
của Trung Quốc (ICBC) đề nghị Việt Nam cho phép sử dụng Yuan (Nhân dân tệ của
Trung Quốc) trong các giao dịch tại Việt Nam, thông qua báo giới, mạng xã hội,
doanh giới, các chuyên gia kinh tế trong và ngoài Việt Nam đã đồng loạt phân
tích - cảnh báo hàng loạt hậu quả theo sau việc chấp nhận đề nghị này.
Lúc ấy, một trong
những người khuyến cáo chính phủ Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam không nên
gật đầu với đề nghị cho phép sử dụng Yuan tại Việt Nam là ông Cao Sỹ Kiêm – cựu
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ông Kiêm nhấn
mạnh: Cho dù mối quan hệ giao lưu hàng hóa giữa Việt Nam và Trung Quốc rất rộng
nhưng vì sức cạnh tranh và khả năng quản lý thị trường của Việt Nam còn kém,
việc từ chối hay cho phép sử dụng Yuan ở Việt Nam sẽ dẫn tới hệ quả là kinh tế
Việt Nam lệ thuộc vào Trung Quốc ít hay nhiều.
Khi được đề nghị bình
luận về nhận định của ông Lê Đăng Doanh (một chuyên gia kinh tế - người cho
rằng đề nghị của Hiệp hội Doanh nghiệp Trung Quốc tại Việt Nam và ICBC, vi phạm
chủ quyền của Việt Nam), ông Kiêm cho rằng, chủ quyền của Việt Nam có bị xâm
hại hay không là do Việt Nam. Nếu sức cạnh tranh đã đủ lớn, hợp thức hóa việc
sử dụng Yuan bằng các quy định mà có thể kiểm soát chặt chẽ thì sẽ bảo vệ được
chủ quyền. Ngược lại, không giữ được độc lập về kinh tế, độc lập trong việc
quản lý chính sách thì chủ quyền sẽ bị xâm hại (1).
Không chỉ có ông
Doanh, ông Kiêm, ông Nguyễn Minh Phong – một chuyên gia kinh tế làm việc tại
Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế - Xã hội Hà Nội, cũng tin rằng, chấp nhận sử
dụng Yuan để thanh toán các giao dịch thương mại tại Việt Nam sẽ đẩy kinh tế
Việt Nam đến chỗ đối mặt với hai nguy cơ: Gia tăng rủi ro đối với doanh nghiệp
Việt Nam vì Yuan chưa phải là ngoại tệ được tự do chuyển đổi trên thị trường
quốc tế. Mặt khác, nhập siêu từ Trung Quốc rất lớn, ở vị thế yếu hơn về thương
mại, doanh giới Việt Nam sẽ phải vay Yuan từ Trung Quốc, Việt Nam sẽ không chỉ
lệ thuộc Trung Quốc về hàng hóa mà còn lệ thuộc cả về tài chính.
Ông Nguyễn Đức Thành,
Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Kinh tế (VEPR), khẳng định nguyên
tắc, thanh toán cho các giao dịch trên lãnh thổ của quốc gia nào phải sử dụng
tiền tệ của quốc gia đó. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam từng làm đủ cách để loại
bỏ tình trạng vàng hóa, đô la hóa, tại sao lại có thể chấp nhận cho sử dụng
Yuan trên lãnh thổ Việt Nam (?) (2). Tương tự, bà Phạm Chi Lan – một chuyên gia
kinh tế khác – ví von, nội tệ cũng như quốc kỳ, cho phép sử dụng Yuan tại Việt
Nam cũng như cho phép treo cờ Trung Quốc trên lãnh thổ Việt Nam (3).
Bên ngoài Việt Nam,
sau khi phân tích lợi – hại nếu chấp nhận đề nghị cho phép dùng Yuan thanh toán
trực tiếp trên lãnh thổ Việt Nam mà phần bất lợi Việt Nam gánh hết, ông Vũ
Quang Việt – một chuyên gia kinh tế từng là Vụ trưởng Vụ Tài khoản Quốc gia
thuộc Cục Thống kê của Liên Hiệp Quốc – nhận định, không quốc gia nào muốn có
nền kinh tế độc lập, lại xóa bỏ khả năng điều hành chính sách tiền tệ của mình
bằng cách cho phép sử dụng rộng rãi vàng hay ngoại tệ trong thanh toán nội địa,
dù nó là đồng Yuan hay Mỹ kim. Sử dụng ngoại tệ một cách rộng rãi chứng tỏ rằng
người dân không còn tin nội tệ và muốn giữ nó, đưa đến việc nội tệ mất giá.
Ông Việt đưa ra hàng
loạt dẫn chứng từ thực tế (chẳng hạn cho phép mỗi người dân ở biên giới, mỗi
ngày được mang lượng hàng hóa Trung Quốc trị giá hai triệu đồng vào Việt Nam),
cáo buộc chính quyền Việt Nam đang tự cho phép mình mất chủ quyền về tiền tệ ở
vùng biên giới, biến các tỉnh này thành vùng đầu tầu giúp Trung Quốc tấn công,
xâm nhập vào thị trường Việt Nam. Ông Việt nêu thắc mắc, phải chăng những chính
sách kiểu đó là lý do khiến Việt Nam không kiểm soát được hoạt động nhập cảng
từ Trung Quốc cũng như chất lượng hàng nhập cảng từ Trung Quốc? Tiếp tục mở
rộng theo đề nghị của phía Trung Quốc là mở rộng khả năng Yuan đuổi đồng nội tệ
ra khỏi thị trường Việt Nam và sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc điều hành nền
kinh tế Việt Nam và chính trị ở Việt Nam. Ông Việt khuyên chính quyền Việt Nam
nên xem lại chính sách tiền tệ và thương mại với Trung Quốc ở khu vực biên
giới, thực hiện mậu dịch qua ngân hàng bằng đồng tiền chuyển đổi được trên thị
trường thế giới, còn nếu không thì dựa trên việc thành lập qua ngân hàng một
quĩ chuyển đổi giữa đồng Việt Nam và Yuan, bên Việt Nam có thể mua hàng bằng
đồng Việt và bên Trung Quốc có thể mua hàng bằng Yuan, phần còn lại được giải
quyết bằng đồng chuyển đổi, đó mới là hợp tác nhằm có biện pháp phù hợp cân
bằng thương mại giữa hai quốc gia (4).
Ngoài chuyện giới
thiệu ý kiến của các chuyên gia kinh tế, hồi tháng 1 năm 2015, báo giới Việt
Nam còn dẫn ý kiến của các doanh nghiệp Việt Nam đang có quan hệ thương mại với
doanh nghiệp Trung Quốc để chứng minh, chính họ cũng không mặn mà với đề nghị
của Hiệp hội Doanh nghiệp Trung Quốc tại Việt Nam và ICBC. Ông Nguyễn Lâm Viên,
Tổng Giám đốc VINAMIT – một doanh nghiệp có nhiều đối tác thương mại ở Trung
Quốc, cho biết, hầu hết hợp đồng giữa hai bên đều chọn ngoại tệ thứ ba là Mỹ
kim làm phương tiện thanh toán. Nếu chuyển sang thanh toán bằng Yuan thì thiệt
thòi của doanh nghiệp Việt Nam sẽ rất lớn vì phải trả thêm 0,5% phí chuyển đổi
từ Mỹ kim sang Yuan. Ông Viên lưu ý, năm 2014, nhập siêu từ Trung Quốc khoảng
29 tỉ Mỹ kim, cứ tính 0.5% khoản này sẽ thấy. Đó cũng là điều mà Giám đốc một
ngân hàng thương mại chuyên mở L/C cho các doanh nghiệp Việt Nam có giao thương
với Trung Quốc bảo với tờ Thanh Niên rằng, bởi các giao dịch với Trung Quốc
thường quy đổi thành Mỹ kim, giao dịch bằng Yuan chiếm tỉ lệ rất nhỏ so với các
đồng tiền khác nên chắc chắn không doanh nghiệp Việt Nam nào mặn mà với ý tưởng
dùng Yuan thanh toán thương mại…
Tháng 1 năm 2015, ông
Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam, gọi đề nghị của
Hiệp hội Doanh nghiệp Trung Quốc tại Việt Nam và Ngân hàng Công Thương của
Trung Quốc (ICBC) là một đề nghị kỳ quặc, phi lý, thiếu khả thi vì Yuan là loại
tiền tệ mà Trung Quốc tìm mọi cách vẫn chưa thể quốc tế hóa và tất nhiên không
thể chấp nhận vì gật đầu là chấp nhận bị khống chế, lệ thuộc (6)…
***
Tháng 1 năm 2015, ông
Phạm Sỹ Thành - Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc (VCES)
thuộc VEPR từng tỏ ra rất lạc quan trước đề nghị của Hiệp hội Doanh nghiệp
Trung Quốc tại Việt Nam và ICBC bởi đó chỉ là một đề nghị và đâu phải đề nghị
nào cũng “hợp lý”, “có hiểu biết”. Chưa kể về mặt kỹ thuật, Việt Nam và Trung
Quốc chưa có Hiệp định Hoán đổi tiền tệ (Swap Agreement), giao dịch trực tiếp
của tư nhân trong thương mại tại biên giới là phạm pháp, chắc chắn Bộ Công
Thương sẽ lắc đầu, Ngân hàng Nhà nước không thể đồng ý. Cứ theo nhận định của
ông Thành thì đề nghị đó không thể chấp nhận vì gật đầu sẽ giúp “hệ thống ngân
hàng Trung Quốc bùng nổ tại Việt Nam”. Nếu tỷ trọng vốn của Trung Quốc trong
nền kinh tế Việt Nam lớn hơn sẽ “tác động tiêu cực đến an ninh tài chính, an
ninh tiền tệ của Việt Nam”. Chưa kể với tỷ trọng thương mại chiếm 10% xuất khẩu
và 25% nhập khẩu, rổ dự trữ thanh toán sẽ phải giảm tỷ trọng Mỹ kim và thêm vào
đó tỷ trọng Yuan – làm phức tạp hơn cho quản lý trong bối cảnh trình độ quản lý
tiền tệ của Việt Nam vẫn còn chưa có nhiều kinh nghiệm. Ngoài ra sẽ không bao
giờ dẹp được giao dịch trực tiếp qua biên mậu, và theo đó, những vấn đề như nhập
siêu, quản lý chất lượng hàng hóa sẽ không thể cải thiện được…
Ông Thành quả là chủ
quan, mà chẳng phải chỉ có ông Thành… Ba năm đủ để phân tích, khuyến cáo, cảnh
báo của các chuyên gia kinh tế trong và ngoài Việt Nam, góp ý của doanh giới
hóa… bùn. Tháng 1 năm nay, chính phủ Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam ban
hành Nghị định 14/2018/NĐ-CP “Quy định chi tiết về hoạt động thương mại biên
giới”. Đúng tám tháng sau, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 19/2018/TT-NHNN
“Hướng dẫn về Quản lý ngoại hối đối với hoạt động thương mại biên giới Việt Nam
- Trung Quốc”, theo đó, sử dụng Yuan để thanh toán trực tiếp cho các giao dịch
thương mại trên lãnh thổ Việt Nam và ủy thác thanh toán qua hệ thống ngân hàng
sẽ có hiệu lực vào tháng tới.
Hai tuần trước Quốc khánh
lần thứ 73 của Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, hệ thống chính trị, hệ thống
công quyền Việt Nam công khai báo động về khả năng biểu tình vào dịp 2 tháng 9.
Song song với khuyến cáo được phát cho từng gia đình, lực lượng vũ trang rùng
rùng chuyển động – nhanh chóng bày ra quyết tâm đè bẹp, trừng trị thẳng tay tất
cả các hành động phản kháng ôn hòa. Đây có lẽ là lần đầu tiên kể từ khi quốc
gia thống nhất, Quốc khánh của Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam trôi qua
trong tình trạng các lực lượng vũ trang” được đặt vào tình huống “sẵn sàng
chiến đấu” trên toàn lãnh thổ.
Có một điểm mà tới giờ
này, những người quan sát các diễn biến thời sự tại Việt Nam vẫn chưa tìm được
câu trả lời cho thắc mắc: Hệ thống công quyền Việt Nam dựa vào đâu để dự đoán
sẽ có biểu tình trên diện rộng vào dịp Quốc khánh? Nếu xem mạng xã hội là một
thứ phong vũ biểu và so diễn biến trên mạng xã hội trong nửa đầu tháng 6 năm
nay (thời điểm hệ thống chính trị Việt Nam thúc ép Quốc hội Việt Nam thông qua
luật đặc khu) với nửa cuối tháng 8 vừa qua thì rõ ràng những dấu hiệu cho thấy
khả năng bùng phát biểu tình, bạo động trên diện rộng vào dịp Quốc khánh rất mờ
nhạt. Liệu chuỗi hành động báo động – quảng bá quyết tâm – biểu diễn năng lực
trấn áp của hệ thống công quyền Việt Nam có liên quan đến Thông tư
19/2018/TT-NHNN không, khi “răn đe” vẫn được xem như một giải pháp hữu hiệu để
duy trì quyền lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của Đảng CSVN?
Cách nay ba năm rưỡi,
đề nghị của Hiệp hội Doanh nghiệp Trung Quốc tại Việt Nam và ICBC – cho phép sử
dụng Yuan trong các giao dịch thương mại trên lãnh thổ Việt Nam - từng làm dư
luận Việt Nam dậy sóng. Giờ, khi đề nghị đó trở thành hiện thực, tại sao phản
ứng của báo giới, của các chuyên gia kinh tế, doanh nhân, doanh giới Việt Nam
lại khẽ khàng, nhẹ nhàng như đó là chuyện tất nhiên của thực trạng Trung Quốc
đã muốn thì Việt Nam phải chiều?
Chú thích
No comments:
Post a Comment