Nguyễn Hùng bắt đầu viết báo từ năm 1995 cho tờ Vietnam Investment Review và hai năm sau được Liên Hiệp Quốc chọn là một trong một vài nhà báo châu Á xứng đáng nhận giải thưởng mang tên cố tổng thư ký Dag Hammarskjold. Nguyễn Hùng đến London năm 2000, trở thành phát thanh viên, biên tập viên và phó ban Việt ngữ BBC. Trong vài năm trước khi rời BBC hồi năm 2017 để trở thành giảng viên báo chí kỹ thuật số ở Goldsmiths, University of London, Nguyễn Hùng phụ trách mảng mạng xã hội cho Vùng Đông Á và mảng kỹ thuật số cho Vùng Nam Á của BBC World Service. Nguyễn Hùng là người đồng sáng lập chương trình Bàn tròn Thứ Năm của BBC Tiếng Việt. Anh cũng sẽ chia sẻ blog này qua trang Facebook - https://www.facebook.com/haynhi3005/.
Tướng
Hùng ơi, truyền thông không thể là tấm gương thủng
Nguyễn Hùng
17/08/2018
·
Nguyễn
HùngNghe tin Thiếu tướng
Nguyễn Mạnh Hùng được cử làm quyền Bộ trưởng Thông tin Truyền thông tôi nghĩ
ông ắt phải khá hơn người tiền nhiệm Trương Minh Tuấn. Tôi từng xem vài video
trong đó Tướng Hùng có những phát biểu khá ấn tượng. Trong lần phát biểu ở một
sự kiện của Vingroup khi còn là tổng giám đốc Viettel, ông đã nói về tầm
quan trọng của sự khác biệt: “Nếu mình không tìm ra được một cách tiếp cận khác
biệt thì cương quyết không làm.” Trong một video khác trên Facebook ông lại nói
về chuyện Viettel có
nhiều người giỏi vì tập đoàn hay làm những cái mới và khó nên ai dốt sẽ không
thể làm được.
Ngay sau khi về Bộ
Thông tin Truyền thông, ông Hùng lập tức nói ông chỉ muốn thấy 10% tin xấu trên
báo chí. Về lý thuyết mà nói, bộ của ông Hùng và những người phụ trách văn hoá
tư tưởng của Đảng quản lý tất tần tật các cơ quan truyền thông nên ông muốn gì
mà chẳng được. Nhưng nếu ta coi truyền thông như tấm gương phản chiếu xã hội
thì chuyện hạn chế tin xấu chẳng khác nào muốn có một tấm gương thủng. Đa số
người dân và lãnh đạo nhìn vào đó sẽ chỉ thấy phần nào hiện trạng xã hội. Tôi
nói đa số chứ không phải tất cả vì nhiều lãnh đạo còn có các nguồn tin tham
khảo khác, đôi khi được coi như tài liệu không phổ biến rộng rãi. Và nhiều
người dân giờ cũng đã đủ thông minh để đa dạng hoá nguồn thông tin thay vì chỉ
xem VTV và đọc các báo trong nước. Thực tế người ta đã nghe BBC, VOA… từ lâu
nhưng giờ lại có thể đọc tin của các hãng quốc tế trên internet và mạng xã hội.
Nói lý thuyết có thể
trừu tượng nên xin dẫn hai ví dụ về hai tin xảy ra trong tuần này để Tướng Hùng
dễ hiểu. Tối 15/8 ca sỹ Nguyễn Tín cùng bạn bè hát phục vụ vài chục người trong
một quán cà phê ở quận 3, thành phố Hồ Chí Minh như khán giả Nguyễn Lân Thắng
đã tường thuật trực tiếp. Một sự kiện văn hoá được những người yêu
nghệ thuật trong đó có cả em nhỏ và người có tuổi tham dự cuối cùng đã bị phá
hỏng. Đông đảo nhân viên an ninh và công an tới yêu cầu mọi người ra về một
cách vô văn hoá sau khi đòi kiểm tra giấy tờ tuỳ thân và thậm chí đã hành hung
ba người trong đó có nhà hoạt động Phạm Đoan Trang, ca sỹ Nguyễn Tín và nhà tổ
chức Nguyễn Đại, theo lời kể lại của hai Facebooker Lê Bảo Nhi và Võ Hồng Ly.
Chắc hẳn đây là tin vô cùng xấu vì không thấy báo nào trong nước đưa tin. Nhưng
nó lại có trên Facebook và trên các trang tin nước ngoài như RFA mà ca sỹ
Nguyễn Tín dẫn lại với lời
bình “đêm kinh hoàng”. Đây là biểu hiện của sự lạm quyền của ngành
công an mà đỉnh điểm của nó là vụ một loạt tướng công an bị xử lý gần đây. Nó
cũng cho thấy xu hướng dùng bạo lực để giải quyết các mâu thuẫn trong xã hội.
Nhưng chiếc gương truyền thông đã thủng lỗ chỗ từ trước khi Tướng Hùng về Bộ 4T
tịnh không thấy đưa tin và chẳng có lý do gì để ông khoan thêm vài lỗ nữa.
Ví dụ thứ hai sẽ cho
thấy không những gương truyền thông đã thủng mà có chỗ nó còn làm cho bộ mặt xã
hội biến dạng, trông vậy mà chẳng phải vậy. Đó là vụ ông Lê Đình Lượng bị toà
án ở thành phố Vinh tuyên án tới 20 năm tù giam vì “tội” lật đổ. Truyền thông
trong nước nói là xử công khai, nhưng đâu phải ai muốn tới dự
là được. Trên mạng xã hội đã có những cáo buộc về chuyện một số người tới dự bị
bịt mặt đưa đi và bị đánh đập. Theo lời thuật lại của Luật sư Đặng
Đình Mạnh, hai nhân chứng chống lại ông Lượng đều đã phản cung vì
cho rằng bị ép cung và cũng không thể có mặt tại toà với lý do sức khoẻ. Và
trong khi Viện Kiểm sát chỉ đề nghị tối đa là 18 năm tù giam, hội đồng xét xử
đã kết án tới 20 năm. Phải chăng đây là một phần đòn trả thù cho việc ông Lê
Đình Lượng là một trong những bị cáo quan trọng đầu tiên giữ quyền im lặng mà
luật pháp Việt Nam đã công nhận? Nếu chỉ theo dõi truyền thông trong nước không
thôi người ta sẽ có cách hiểu khác về sự nghiêm minh của công lý ở Việt Nam mà
nhiều người nói thực ra “chỉ là một vở hài kịch”.
Tôi không kỳ vọng
Tướng Hùng sẽ làm được gì nhiều để truyền thông Việt Nam trung thực hơn và có
tính cạnh tranh hơn với truyền thông thế giới. Nhưng chính ông đã nói phải tìm
sự khác biệt và phải làm cái gì mới. Chỉ mong ông thêm hai chữ ‘tử tế’ vào hai
điều ông nói.
No comments:
Post a Comment