Tuesday, August 21, 2018

Microsoft: Tin tặc Nga nhắm tấn công các think-tank bảo thủ của Mỹ


Microsoft: Tin tặc Nga nhắm tấn công các think-tank bảo thủ của Mỹ
21/08/2018
Microsoft cho biết là tập đoàn này hồi tuần trước đã chặn đứng các âm mưu tấn công nhắm các tổ chức tư vấn chính sách bảo thủ của Mỹ bằng cách khống chế các trang web mà tin tặc đã thiết kế để nhái các trang web của Viện Cộng hòa Quốc tế (International Republican Institute- IRI) và Viện nghiên cứu Hudson (Hudson Institute). Khách truy cập được chuyển tới một địa chỉ giả mạo và tại đây được yêu cầu điền tên người dùng và mật khẩu.
Chính quyền Nga chưa bình luận ngay lập tức về tin này nhưng dự kiến điện Kremlin sẽ có phản ứng trễ hơn trong ngày hôm nay, thứ Ba 21/8. Điện Kremlin thường bác bỏ các cáo buộc cho rằng họ đã dùng tin tặc để ảnh hưởng tới các cuộc bầu cử và quan điểm chính trị tại Hoa Kỳ.
Coi những cáo buộc như này như là một phần trong chiến dịch chống Nga được thiết kế để biện minh cho các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga, họ nói rằng họ muốn cải thiện không làm tồi tệ thêm mối quan hệ với Washington.
"Chúng tôi lo ngại rằng những âm mưu như thế này và các nỗ lực khác đặt ra một mối đe dọa an ninh cho một loạt các tổ chức có liên kết với cả hai đảng chính trị Mỹ trong cuộc bầu cử năm 2018".
Tập đoàn Microsoft
Đêm 20/8, tập đoàn Microsoft tải thông điệp sau đây lên trang blog của họ:
"Chúng tôi lo ngại rằng những âm mưu như thế này và các nỗ lực khác đặt ra một mối đe dọa an ninh cho một loạt các tổ chức có liên kết với cả hai đảng chính trị Mỹ trong cuộc bầu cử năm 2018".
Viện Cộng hòa quốc tế có một Hội đồng Quản trị gồm nhiều nhân vật tai to mặt lớn trong đảng Cộng hòa, trong đó có Thượng nghị sĩ John McCain, người thường xuyên chỉ trích các quan hệ giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump với Nga, và những tai tiếng của Moscow về nhân quyền.
Viện Hudson, một tổ chức bảo thủ khác, thường xuyên tổ chức các buổi hội thảo về nhiều chủ đề trong đó có an ninh mạng. Viện này còn theo dõi sự leo thang của các ‘chế độ đạo tặc’ (kleptocracy), đặc biệt là ở Nga. [Kleptocracy được định nghĩa là một chế độ chính trị tham nhũng, nơi mà chính phủ tồn tại để làm giàu cá nhân và củng cố thế lực chính trị của giới thống trị]. Viện Hudson cũng thường chỉ trích nhà nước Nga, theo tường trình của tờ New York Times.
Giám đốc của dự án Bảo vệ Nền Dân chủ Kỹ thuật số của Đại học Harvard, ông Eric Rosenbach, nói với tờ New York Times:
“Người Nga đang tiếp tục các cuộc tấn công mà họ cho là nhắm vào các lợi ích quốc gia của chính họ”.
Ông nói tiếp:
"Mục đích của họ là gây gián đoạn và hạ uy tín của bất kỳ tổ chức, đoàn nhóm nào dám thách thức Nga và các hoạt động của chính quyền Nga ở trong nước cũng như trên khắp thế giới."
Tập đoàn Microsoft lên tiếng trong bối cảnh căng thẳng trên mạng giữa Moscow và Washington đang leo thang trong thời gian dẫn tới các cuộc bầu cử quốc hội Mỹ vào tháng 11 năm nay.
Hồi tháng 7, một bồi thẩm đoàn liên bang tại Hoa Kỳ đã kết tội 12 nhân viên tình báo Nga về tội xâm nhập hệ thống máy tính của ứng cử viên tổng thống đảng Dân chủ Hillary Clinton và Đảng Dân chủ.
Công tố viên đặc biệt Robert Mueller đang điều tra vai trò của Nga trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 và liệu chiến dịch tranh cử của ông Trump có thông đồng với người Nga trong cuộc đầu phiếu hay không. Nga bác bỏ những lời tố cáo cho rằng họ đã can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ, và Tổng thống Trump cũng bác bỏ những cáo buộc, nói rằng không có bất kỳ sự thông đồng nào với Nga.
Cuối tháng trước, Facebook (FB) cho biết đã xóa bỏ 32 trang mạng và nhiều tài khoản giả mạo sử dụng FB, trong một nỗ lực chống lại can thiệp của nước ngoài trong thời gian dẫn tới các cuộc bầu cử tại Hoa Kỳ.


No comments:

Post a Comment