Mỹ lo ngại TQ xây 'căn cứ quân sự' ở El Salvador
·
4 giờ trước
Mỹ cảnh báo Bắc Kinh về ý đồ sử dụng cảng La Union của quốc gia
đồng minh mới El Salvador, cho mục đích quân sự.
Cảnh báo này được đại sứ Mỹ tại
El Salvador đưa ra kể từ trước khi quốc gia Trung Mỹ cắt quan hệ ngoại giao với
Đài Loan hôm 21/8 để trở thành đồng minh chính thức của Trung Quốc, theo Bưu Điện Hoa Nam Buổi
Sáng.
Dù El Salvador chỉ là một quốc gia nhỏ, nhưng Mỹ lo ngại nước
này sẽ mang đến cho Trung Quốc nhiều hơn là ngoại giao đơn thuần: một cầu cảng
có thể phục vụ mục đích quân sự.
Trong khi Đài Loan buộc tội Bắc Kinh đã quyến rũ các đồng minh
của mình bằng các gói hỗ trợ hào phóng, Mỹ lo ngại động thái mới nhất này sẽ
giúp củng cố kế hoạch chiến lược và an ninh của Trung Quốc.
Tháng trước, bà Jean Manes, đại sứ Mỹ tại El Salvador đã lên
tiếng cảnh báo Trung Quốc biến cảng thương mại La Union ở đông El Salvador
thành cảng quân sự.
"Đây là một vấn đề chiến lược. Chúng ta cần để mắt đến
những gì đang diễn ra," bà nói.
Quay mặt ra Thái Bình Dương, El Salvador có diện tích bằng một
nửa Đài Loan và là quốc gia nhỏ nhất ở Trung Mỹ. Nền kinh tế El Salvador dựa
chủ yếu vào xuất khẩu cà phê, đường, vải vóc, quần áo, và lắp ráp hàng hóa
trung gian.
Một phần ba dân số trong 6,5 triệu dân El Salvador sống dưới mức
nghèo khổ.
Cảng vận chuyển La Union phần lớn vẫn bị bỏ hoang kể từ khi hoàn
thành vào năm 2008 vì thiếu lưu thông hàng hải khiến việc tìm nhà đầu tư khó
khăn.
Nelson Vanegas, chủ tịch Ủy ban Điều hành Cảng tự trị ở El
Salvador, cho biết trong tháng Bảy rằng có ít nhất ba công ty - từ châu Á, châu
Âu và châu Mỹ - quan tâm đến việc điều hành cảng.
Một quá trình đấu thầu mới để tìm nhà điều hành dự kiến sẽ bắt
đầu vào tháng tới.
Hôm thứ Ba 21/8, Ngoại trưởng Đài Loan Joseph Wu cho biết Đài
Loan đã từ chối yêu cầu tài trợ phát triển cảng của El Salvador, nhưng không
nêu tên cảng La Union, vì lo ngại rằng khu vực này không bền vững.
Nhưng tháng trước, Bộ trưởng Kinh tế El Salvador, bà Luz
Estrella Rodriguez nói Bắc Kinh rất muốn đầu tư để khôi phục lại cảng, ngoài
việc đầu tư vào các lĩnh vực khác của nước này.
Bà cho biết các công ty Trung Quốc như Citic Group, thuộc sở hữu
nhà nước, đã gặp gỡ các quan chức El Salvador trong nhiều năm để bàn về các cơ
hội kinh doanh không chỉ tại cảng, mà còn ở sân bay quốc tế và đường rầy.
"Việc Trung Quốc muốn có một cảng tại El Salvador là hết
sức bình thường. Nước này nằm ở Trung Mỹ, đóng vai trò như một trung tâm thương
mại và vận chuyển nối với Bắc và Nam Mỹ," Xu Shicheng, một nhà nghiên cứu
của Viện Nghiên cứu Mỹ Latinh tại Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, nói.
"Mỹ thích nói rằng nó sẽ được sử dụng vì mục đích quân sự
chỉ vì họ có một khu quân sự rất lớn trong khu vực, nhưng trên thực tế, Trung
Quốc không khu quân sự nào ở khu vực này," Xu nói.
Trung Quốc đã mở căn cứ quân sự nước ngoài đầu tiên ở Djibouti
vào năm ngoái, và có thể đang phát triển một căn cứ tại cảng Gwadar ở Pakistan,
nhưng các nhà quan sát cho biết có thể sẽ không có kế hoạch xây dựng một cảng
quân sự ở El Salvador.
Collin Koh, chuyên gia về hải quân tại Trường Nghiên cứu Quốc tế
S Rajaratnam ở Singapore, bình luận rằng nói Bắc Kinh thấy cảng này là
"cơ sở tiềm năng" thì hơi quá lời, nhưng rõ ràng là họ đang tìm cách
đạt được hoặc giúp phát triển các cảng tại các địa điểm chiến lược ở nước ngoài
có thể phục vụ lợi ích lâu dài của mình.
Koh cho biết: "Xây dựng một căn cứ trong khu vực này có thể
tạo nguy cơ kích động một phản ứng quyết liệt hơn của Mỹ."
No comments:
Post a Comment