Tuesday, August 21, 2018

Mỹ-TC và Biển Đông - Nguyễn Thứ Dân


Mỹ-TC và Biển Đông.

Nguyễn Thứ Dân


Về mặt Quốc phòng: Quốc Hội Hoa Kỳ vừa bắn một viên đạn cảnh cáo TC bằng cách nhanh chóng, nhanh nhất trong 41 năm qua, chấp thuận ngân sách Quốc phòng cho năm 2019 là 717 tỉ Mỹ Kim (USD), với điều khoản đặc biệt như: Đòi hỏi Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ phải thông báo cho Quốc Hội rõ ràng, và thường xuyên hơn, về các hoạt động quân-sự-hóa, và sự bồi đắp đảo nhân tạo ở Biển Đông  của TC. Đồng thời loại TC ra khỏi các cuộc tập trận RIMPAC cũng như cấm trao đổi (mua, bán) một số trang bị viễn thông liên hệ tới an ninh và quốc phòng. Hai quân chủng Hải và Không Quân Hoa Kỳ được phần ngân sách nhiều nhất để tăng cường:

·         77 phản lực cơ chiến đấu tối tân nhất F-35 Joint Strike Fighters - phản lực cơ lên thẳng không cần phi đạo dài, 
·         15 phản lực cơ tiếp liệu, tiếp tế xăng trên không, KC-46 Pegasus, và
·         129 triệu Mỹ Kim (USD) để cải tiến động cơ cho vận tải cơ C-130.
·         1 Hàng Không Mẫu Hạm nguyên tử loại Ford-class (hiện đang có 3 chiếc),
·         3 Littoral Combat Ships, loại chiến hạm có thể đi vào những vùng biển cạn để tấn công,
·         Vệ Binh Quốc Gia (National Guard) được tăng cường 6 trực thăng chiến đấu.
·         Quốc Hội cũng chấp thuận việc kiến tạo phi đạn nguyên tử hạng nhẹ được phóng đi từ tàu ngầm. Nhưng, trong tương lai, những dự án về kiến tạo các phi đạn nguyên tử hạng nhẹ này phải đệ trình lên Quốc Hội, để được xem xét, và chấp thuận trước khi thi hành.
Đồng thời, cuối tuần qua, Bộ Trưởng Ngoại Giao Hoa Kỳ, Mike Pompeo, tuyên bố: Hoa Kỳ cam kết 300 triệu Mỹ Kim (USD), để tăng cường an ninh cho vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương.

Theo sắc lệnh của Tổng Thống Donald Trump, hôm thứ Năm 9 tháng Tám, Phó Tổng Thống Hoa Kỳ, Mike Pence, tuyên bố: Việc cải tổ Bộ Quốc Phòng và thành lập một Lực lượng Quân sự mới "Space Force - Lực Lượng Không Gian”, với lịch trình hoàn tất vào năm 2020. Lực lượng Không gian này không phải là việc "làm lại từ đầu”, mà rút ra từ những thành viên đang điều hành các Chương trình Vũ trụ, và Không gian của Hoa Kỳ (NASA và Không Quân). Đây sẽ là một Bộ (Department) mới trong chính phủ, hoặc một Quân chủng (Branch) mới của quân đội. Phó Tổng Thống Pence tuyên bố: "Bây giờ, đã đến lúc chúng ta viết một chương tuyệt vời tiếp theo trong lịch sử của Lực Lượng Vũ Trang Hoa Kỳ - để chuẩn bị cho chiến trường tương lai, để ngăn chặn, và đánh bại bất cứ mối đe dọa đến từ nơi nào. Đã đến lúc thành lập Lực Lượng Không Gian Hoa Kỳ !”.

Những sự kiện trên đã khiến cho Bộ Trưởng Ngoại Giao của TC, Wang Yi, phải lên tiếng lo ngại vì nhận thấy: Ngoài cuộc "Chiến Tranh Mậu Dịch", Hoa Kỳ chuẩn bị quân đội cho một cuộc "Chạy Đua Vũ Trang" trên không, và trên biển, đặc biệt nhắm vào TC. Sự kết hợp của hai cuộc chiến tranh mậu dịch, và chạy đua vũ trang là hai yếu tố chính của một cuộc "Chiến Tranh Lạnh," và như thế, thế giới sẽ lại được chứng kiến một cuộc "Chiến Tranh Lạnh Thứ Nhì." Lịch sử cận đại đã cho thấy: Khối Cộng Sản Liên Xô đã sụp đổ vì kiệt quệ trong cuộc "Chiến Tranh Lạnh" với Hoa Kỳ. Lần này, kẻ đối đầu với Hoa Kỳ là TC, một quốc gia chuyên cung cấp nhân công rẻ tiền, không có khả năng phát triển khoa học hay kỹ thuật - chỉ nhắm vào việc ăn cắp tài sản trí tuệ của Hoa Kỳ. Thế cho nên một số các thành phần ưu tú của cả trong và ngoài chính phủ TC đã nhận xét rằng: "Hoa Kỳ sẽ thắng, và TC sẽ đầu hàng nhanh chóng để tồn tại, nếu không thì cũng sẽ chịu chung số phận với khối cộng sản Liên Xô !”.

Theo tin mới nhất trong tuần, thì TC tỏ vẻ hoan nghênh bản dự thảo của khối ASEAN về Bộ Quy Tắc Ứng Xử Trên Biển Đông (Code of Conduct on the South China Sea). Đây là một điều đáng để ý và lo ngại, vì lịch sử cho thấy một quốc gia mạnh (TC) chỉ đồng ý một cách nhanh chóng khi những quy tắc được soạn thảo có lợi cho họ. TC vẫn thúc đẩy một bản quy tắc dựa trên sự thương thảo giữa hai quốc gia đang có sự tranh chấp mà thôi, không có sự can thiệp của quốc gia thứ ba, hay Đồng minh của đôi bên. Thế cho nên Bộ Trưởng Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, Mike Pompeo, trong các cuộc họp với các Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Đông Nam Á tại Singapore đã khẳng định vị trí của Hoa Kỳ về bản dự thảo quy tắc nói trên. Ông Pompeo đã nhấn mạnh rằng: Bất kỳ một bản quy tắc ứng xử nào về Biển Đông đều phải có điều khoản liên hệ đến sự quan tâm, và quyền lợi của quốc gia thứ ba, cũng như phải tôn trọng các nguyên tắc đã được quy định trong UNCLOS (Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển).

Trung Cộng vẫn hành xử như kẻ "vừa đánh trống, vừa ăn cướp," một mặt bành trướng quân sự trên Biển Đông, dùng vũ lực áp đảo các quốc gia yếu thế trong vùng, mặt khác lại kêu gào với quốc tế khi Nhật Bản làm lễ "hạ thủy" cho một Khu trục hạm mới loại Atago-class có trang bị hệ thống chống hỏa tiễn tầm xa hàng đầu của Hoa Kỳ (Aegis Baseline J7 combat system), và hệ thống radar AN/SPQ-9B của Northrop Grumman, có khả năng phát hiện, và truy tầm các phi đạn chống chiến hạm siêu âm có độ bay thấp, khó phát hiện bởi các loại radar thông thường.

Tưởng cũng nên nhắc lại là sau Đệ Nhị Thế Chiến, Hiến Pháp Nhật Bản chỉ cho phép quân đội Nhật được tổ chức như là một Lực lượng Phòng thủ (Self-defense Force), và chiếc Khu trục hạm mới này cũng mang ý nghĩa phòng thủ quốc gia mà thôi. Thế nhưng với mộng bá chủ ở Biển Đông, TC đã mô tả chiến hạm này của Nhật là việc khởi đầu cho sự đe dọa an ninh trong vùng, hoặc khôi phục lại quyền lực, và vị trí của thời quân phiệt.

Với những dữ kiện nêu trên, hy vọng rằng: Chúng ta có được một tầm nhìn bao quát hơn về tình hình Biển Đông, vì tất cả những biến chuyển trong khu vực này đều ảnh hưởng đến an ninh của nhiều quốc gia có chung một vùng nước biển của Thái Bình Dương, nếu không muốn nói là ảnh hưởng đến an ninh của toàn thế giới.

Nguyễn Thứ Dân.


No comments:

Post a Comment