Saturday, February 3, 2018

Thể thao dưới chế độ cộng sản-Trần Trung Đạo

Thể thao dưới chế độ cộng sản
Trần Trung Đạo
“…Nhưng lịch sử cũng cho thấy, dù phô trương hình thức bao nhiêu, một vài thành tựu thể thao không cứu được chế độ và nuôi sống một dân tộc nghèo đói cả vật chất lẫn tinh thần…”
Hai mặt trong cùng một mục đích tuyên truyền của mọi chế độ CS gồm (1) củng cố tính chính danh và (2) che giấu bên trong một chế độ độc tài, lạc hậu, thối nát đang dần dần rã mục.
Phương tiện hữu hiệu để nhanh chóng đạt mục đích hai mặt đó là thể thao thể dục.
Về đối nội, các hào quang chiến thắng trong các bộ môn thể thao thể dục tác động trực tiếp vào nhiệt tình của tuổi trẻ và làm cho họ tuân phục chế độ nhiều hơn. Hữu hiệu bởi vì có khả năng tạm thời xoa dịu sự phẫn uất của người dân trước các vấn nạn của đất nước do chế độ gây ra.
Về đối ngoại, các thành tựu trong thể dục thể thao là cơ hội để đánh bóng chế độ và để nhân loại có cái nhìn kính trọng về chế độ.
Chính vì hai lý do trên, các chế độ CS tập trung ngân sách lớn vào việc đào tạo các tài năng trong mọi ngành thể thao thể dục.
CSVN, giống như Trung Cộng và Bắc Hàn, sẽ lợi dụng các thành tựu bóng đá vừa qua để củng cố tính chính danh và nâng cao uy tín của đảng. Chiếc bẫy thể thao đang được đảng giăng và không ít cá sẽ vướng vào.
Phần lớn nhân loại đã biết và ghê tởm chế độ CS nhưng bất hạnh thay, một phần không nhỏ những người Việt đang bị chế độ đày đọa, bị chế độ cướp đi những quyền căn bản nhất của một con người thì lại không.
Một triệu chứng tâm lý học có thể dùng để mô tả số người Việt này là “Triệu chứng nô lệ hạnh phúc” (Happy slave syndrome). Khái niệm hạnh phúc trong “Triệu chứng nô lệ hạnh phúc” được quy định bởi xã hội, trong trường hợp Việt Nam là cơ chế CS, và đóng đinh sâu vào trong nhận thức của con người. Những người bị cơ chế hóa này vẫn cảm thấy hạnh phúc dù đang là nô lệ.
Thành phần nô lệ không hẳn chỉ là những người thiếu học nhưng còn có những người học cao, những chuyên viên trong nhiều lãnh vực, ngành nghề. Họ biết, hiểu nhưng không thể vượt qua và cuối cùng quy phục, ngoan ngoãn làm nô lệ cho đảng CS.
Lịch sử các nước cựu CS cho thấy, thời điểm nào thể thao thể dục được phô trương cao nhất thì thời điểm đó dân tộc bị trấn áp và đày đọa trầm trọng nhất.
Nhưng lịch sử cũng cho thấy, dù phô trương hình thức bao nhiêu, một vài thành tựu thể thao không cứu được chế độ và nuôi sống một dân tộc nghèo đói cả vật chất lẫn tinh thần.
Tại Đông Đức, năm chiếc huy chương vàng vô địch bơi lội thế giới do cô Petra Schneider đoạt được không cứu nổi chế độ Erich Honecker, và tương tự tại Romania, những huy chương vàng thể dục dụng cụ của Nadia Comaneci không cứu được mạng vợ chồng Nicolae Ceausescu lúc 4 giờ chiều ngày 25 tháng 12, 1989.
Năm 2005, Petra Schneider đã can đảm yêu cầu Ủy Ban Thế Vận xóa bỏ kỷ lục thế vận do cô lập nên trước đó. Nữ lực sĩ thể dục dụng cụ Nadia Comaneci cuối cùng đã đào thoát sang Mỹ vì không thể tiếp tục làm chiếc bình phong cho chế độ đang đày đọa hàng ngàn em bé thiếu dinh dưỡng đang chết đói dần trong các trại mồ côi, các bịnh viện nhi đồng không ai chăm sóc.
Tình trạng Việt Nam còn trầm trọng hơn Đông Đức, Romania nhiều. Bên cạnh độc tài chính trị, băng hoại xã hội, suy đồi đạo đức, ô nhiễm môi trường, Việt Nam còn phải đối phó với chủ nghĩa Tập Cận Bình được hình thành sau đại hội đảng CS Trung Quốc lần thứ 19 vừa qua.
Những vấn đề cả thế giới đang quan tâm không chỉ một Trung Cộng trổi dậy trong quá khứ mà một Trung Cộng đang bành trướng hôm nay và ôm mộng sẽ là nước đứng đầu thế giới vào dịp kỷ niệm 100 năm thành lập nhà nước Trung Cộng 2049.
Theo tác phẩm đang gây sóng gió “Fire and Furry” của Michael Wolff, Steve Bannon, cựu chiến lược gia của TT Donald Trunp so sánh Trung Cộng hôm nay với Đức Quốc Xã trong giai đoạn 1920, 1930. Điều này có nghĩa chỉ hơn một thập niên nữa và nếu không có một giải pháp hòa bình cho xung đột Thái Bình Dương, Việt Nam có khả năng cao sẽ là Ba Lan trong một cuộc chiến tranh quốc tế.
Bao nhiêu người Việt quan tâm đến những tai họa như thế có thể sắp xảy cho đất nước Việt Nam? Chắc không nhiều.
Có người ước ao, phải chi đám đông cuồng nhiệt kia xuống đường chống Formosa, chống Trung Cộng, đòi lại Hoàng Sa, giành lại Trường Sa thì may cho đất nước biết bao nhiêu. Không, đừng kỳ vọng gì nơi họ. Lịch sử được viết bằng những người yêu nước tỉnh táo, nhìn xa, trông rộng chứ không phải bằng đám đông bị đánh bùa mê.
Trần Trung Đạo


No comments:

Post a Comment