Friday, February 2, 2018

Chị Thủy Thiên Nga

Ch Thy Thiên Nga

NHƯ NGà
(Viết theo lời kể của Chị Nguyễn Thanh Thuỷ K1/BTV, cựu Thiếu Tá, Biệt Đội Trưỏng Thiên Nga/Bài đã đăng trong Đặc San Phượng Hoàng Xuân Đinh Dậu 2017)
Đã lâu rồi, người ta hay gọi tôi là “Thủy Thiên Nga” để phân biệt tôi với những người có cái tên Thủy giống như tôi. Sở dĩ mọi người gọi tôi là Thủy Thiên Nga vì có thời tôi là người chỉ huy đội tình báo nữ mang tên Thiên Nga của ngành Cảnh Sát Quốc Gia Việt Nam Cộng Hoà. Cái chức vụ này đã cho tôi nhiều kỷ niệm vui buồn, nhưng đồng thời cũng làm cho tôi chịu nhiều khổ luỵ với 13 năm tù cộng sản sau tháng Tư 1975.
Nếu tôi nhớ không lầm thì Thủy Thiên Nga là cái tên đã bị báo chí Việt Cộng gán ghép cho tôi trước nhất. Khoảng năm 1988, lúc tôi mới được ra khỏi tù ít lâu, để mưu sinh, tôi có mở một cái quán cóc bán cà phê trên vỉa hè đường Trần Quý Cáp (nay là Võ Văn Tần), Quận 3 Sàigòn. Khách của tôi phần lớn là các anh chị cựu tù “cải tạo” đến để ủng hộ tôi đồng thời cũng là để có dịp gặp nhau hàn huyên tâm sự, ôn lại chuyện tù, đồng thời bàn tán chuyện thời sự linh tinh. Do đó, cái quán cóc của tôi chẳng bao lâu đã trở thành giống như một cái câu lạc bộ mini cho các anh em bạn tù gặp gỡ. Ngồi uống cà phê, chúng tôi nhắc lại những kỷ niệm trong tù, điểm danh những bạn bè xem ai còn ai mất mà ngậm ngùi nhớ đến những người bạn đã vĩnh viễn ra đi, hay vui cho những người đã vượt thoát đến được bến bờ tự do. Chúng tôi cũng bàn tán về những tin tức thời sự hàng ngày, nhất là những tin tức có liên quan đến đám cựu tù chúng tôi như chương trình H.O. đang được bàn tán xôn xao lúc đó. Nhưng cái quán của tôi cũng chẳng được yên thân, nó cứ bị công an phường đến làm khó dễ xua đuổi hoài viện cớ choán lề đường làm tôi cứ phải thường xuyên di tản từ chỗ này qua chỗ khác. Tuy nhiên, riết rồi chúng cũng làm ngơ vì thấy cái quán của tôi cũng nghèo nàn chẳng có gì đáng giá ngoài mấy cái ly tách cà phê kiểu dã chiến. Nhờ vậy, các bạn tù của tôi vẫn có chỗ tìm tới để tiếp tục ngồi tán gẫu. Có lần, một bạn tù đã mang đến quán cho tôi xem một bài báo trên tờ Công An TP.HCM của Việt cộng (VC), số Xuân Mậu Thìn 1988. Bài báo có tựa đề “Thủy Thiên Nga” của một tác giả tên Nam Phương. Nam Phương là một trong nhiều bút hiệu mới của tên ký giả nằm vùng Huỳnh Bá Thành tức họa sĩ Ớt ở Sàigòn trước 1975.


Quán Cà phê Thiên Nga vỉa hè Sàigòn 1988 (Hình do Chị Thủy TN cung cấp)
Sau ngày 30/4/1975, hầu hết bọn Việt cộng nằm vùng đều đã xuất đầu lộ diện không cần dấu diếm. Một trong số những tên đó là Huỳnh Bá Thành, người đã nhiều năm hoạt động nằm vùng len lỏi trong giới báo chí tại Sàigòn. Y tên thật là Huỳnh Thanh Tâm chuyên vẽ hí hoạ ký tên Hoạ Sĩ Ớt trên nhật báo Điện Tín của chủ nhiệm Hồng Sơn Đông. Sau Tháng Tư 1975, Huỳnh Bá Thành đã lộ nguyên hình là một Trung tá công an VC, một hung thần đối với giới ký giả, văn nghệ sĩ Sài Gòn cũ trong vụ án mà chúng gọi là vụ án “Những Tên Biệt Kích Cầm Bút”. Gần một chục nhà văn, nhà báo trong đó có Hoàng Hải Thuỷ, Doãn Quốc Sỹ, Dương Hùng Cường (tức Dê Húc Càn), Hiếu Chân Nguyễn Hoạt, Nhã Ca, Phan Nhật Nam, Dương Nghiễm Mậu,.… đều đã bị bắt rồi bị đưa ra toà xét xử với những bản án rất nặng nề chỉ vì họ là những người cầm bút chống cộng dưới chế độ cũ VNCH. Ngoài ra, y còn nổi tiếng với “Vụ án Hồ Con Rùa” và “Vụ án thập nhị Tăng Ni Già Lam”. Vụ án Hồ Con Rùa là vụ nhóm kháng chiến Phục Quốc đặt chất nổ ở Công Trường Quốc Tế trên đường Duy Tân, gần trường Đại Học Luật Khoa Sài Gòn; còn vụ án Tăng Ni Già Lam là vụ một số Tăng Ni thuộc Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất ở chùa Già Lam tranh đấu đòi tự do tôn giáo.
Khoảng giữa thập niên 1980, Huỳnh Bá Thành, khi đó đã là Đại Tá, được cử làm Tổng Biên Tập tờ tuần báo Công An Thành Hồ rất ăn khách. Nhưng con đường công danh mà y được hưởng của VC chưa bao lâu thì đang sống bỗng chuyển qua… từ trần ngày 25/1/1993 một cách đột ngột đầy nghi vấn. Nghe nói vì y có người em ruột vượt biên qua Mỹ nên đã bị thất sủng và bị đầu độc cho chết khi vừa từ Pháp trở về sau một chuyến công tác tại đây(?).
Một bài báo khác của Việt cộng đề cập đến tôi nữa là loạt bài “Thiên Nga Gẫy Cánh” của tác giả Thành Tín trên báo Quân Đội Nhân Dân. Sau này tôi mới biết, Thành Tín là bút hiệu của Bùi Tín khi đó đang là Phó Tổng Biên Tập báo Quân Đội Nhân Dân của VC, nay đã đào tị xin tỵ nạn tại Pháp từ đầu thập niên 1990. Cũng giống như bài “Thủy Thiên Nga”, bài báo “Thiên Nga Gẫy Cánh” cốt ý làm nhục, bêu riếu tôi bằng cách mô tả những công việc lao động khổ sai mà VC đã hành hạ tôi trong tù hàng ngày; không những vậy bài báo còn xuyên tạc những việc làm của Biệt Đội Thiên Nga là tay sai của Đế Quốc Mỹ, là cánh tay nối dài của CIA. Chúng kể công, mặc dù tôi đã đánh phá “Cách Mạng” và có nhiều nợ máu với nhân dân nhưng chúng vẫn khoan hồng tha cho tôi tội chết.
Ngoài hai bài báo nói trên, báo chí VC thỉnh thoảng vẫn còn nhắc đến cái tên “Thủy Thiên Nga” nhiều lần nữa trên các báo chí của chúng; tất cả cũng không ngoài mục đích bôi nhọ việc làm của Biệt Đội Thiên Nga mà tôi là người chỉ huy biệt đội này.
Có lẽ cũng vì những bài báo đó mà tôi đã trở thành bất đắc dĩ “nổi tiếng”. Cho nên, từ khi được định cư ở hải ngoại, một vài báo chí Việt Mỹ cũng đã tìm gặp tôi để tìm hiểu, nhưng dĩ nhiên họ tìm hiểu để cảm thông với những việc làm của tôi, của  tình báo Thiên Nga nhiều hơn, không như báo chí của VC. Do đó, trước kia, chỉ  có một số ít anh chị em trong ngành Cảnh Sát Quốc Gia biết tôi là người chỉ huy Biệt Đội Thiên Nga, nhưng nay thì hầu như mọi người trong và ngoài ngành đều đã biết.
Mặc dù bị báo chí VC hạ nhục và bôi bẩn nhưng tôi vẫn hãnh diện về những việc làm của Thiên Nga. Qua những năm tháng làm việc dưới cái tên đẹp đẽ dễ thương này, tôi nghĩ tôi đã cống hiến, đóng góp một phần nhỏ công sức của mình vào việc giữ gìn an ninh trong công cuộc bảo quốc an dân của ngành CSQG mà tôi đã dấn thân phục vụ.
Vào đầu thập niên 1990, tôi được định cư ở Mỹ theo diện H.O. Sau ba năm đi làm công cho một nhà hàng ở vùng Little Saigon, năm 1995, tôi đã cố gắng dành dụm được một ít tiền đủ để mở một cái quán nho nhỏ. Vốn là người có biết chút căn bản về nấu nướng và làm bánh học được từ khi còn ở Sài Gòn, tôi đã mở một gian hàng bán thực phẩm “food to go” lấy tên là “Thiên Nga Deli” ở ngay trong Little Saigon. Cái tên Thiên Nga Deli không chỉ là cái cửa hàng cho tôi mưu sinh mà còn là cái tên để cho tôi gợi nhớ về một thời tôi từng gắn bó với những hoạt động của Thiên Nga. Một vài người bạn gặp tôi đã hỏi, bộ tôi không sợ sao lại đặt tên quán là “Thiên Nga” như vậy. Họ lưu ý tôi, coi chừng bọn VC nằm vùng ở hải ngoại này nhiều lắm, một người “nổi tiếng” như tôi từng có nhiều ân oán với chúng cần phải đề cao cảnh giác. Dĩ nhiên tôi luôn phải đề cao cảnh giác, nhưng tôi không sợ vì dù có lấy tên gì thì chúng cũng đã biết rõ tôi là ai rồi, chẳng trốn đi đâu được.


Quán Thiên Nga Deli ở Little Saigon (CA)
Gian hàng của tôi rất nhỏ ở trong thành phố Fountain Valley, ngay sát Little Saigon. Nói là tôi làm chủ là nói cho oai vậy thôi chứ tôi vừa là chủ vừa kiêm đủ thứ. Nào là, vừa là người đứng bán hàng, vừa là đầu bếp, kiêm tạp dịch,v.v… Còn ông xã tôi là người phụ bán hàng và dọn dẹp, giao hàng. Hàng ngày, tôi phải dậy sớm cùng ông xã đi chợ mua các thứ về để chuẩn bị thực đơn bán hàng cho một ngày. Mặc dù phải tất bật từ sáng sớm cho đến chiều tối nhưng tôi rất vui vì được tự mình làm chủ và phục vụ khách hàng. Cái quán Thiên Nga Deli này đã trở thành niềm vui và điểm tựa tài chánh cho cả gia đình. Nó tuy không giúp cho tôi làm giàu nhưng ít ra, tôi có thể hãnh diện, nó đã giúp cho chúng tôi có thể tự lực cánh sinh bằng chính công sức của mình.
Cũng giống như thời gian làm cô hàng bán cà phê ở vỉa hè Sàigòn, cửa hàng “Thiên Nga Deli” của tôi ở Little Saigon cũng được bạn bè truyền tai nhau nên mọi người đã đến ủng hộ cho tôi khá nhiều. Phần lớn họ là những anh chị em cựu tù “cải tạo” đến Mỹ định cư theo diện H.O. như tôi. Tôi rất cảm kích tấm lòng của họ. Họ đến cửa hàng của tôi không hẳn vì những thức ăn của tôi ngon rẻ mà chỉ vì họ muốn thể hiện mối thân tình huynh đệ chi binh giữa những người từng cùng chiến tuyến, cùng cảnh ngộ. Gặp lại nhau nơi xứ người, chúng tôi lại có dịp ôn lại chuyện xưa, chuyện nay, chia sẻ những khó khăn khi hội nhập trên đất khách. Hầu hết chúng tôi khi đến Mỹ đều đã lớn tuổi, lại thêm ngôn ngữ bất đồng, tiếng Anh không giỏi, nên thật khó để hoà nhập vào cuộc sống mới; nhưng mọi người đều vui vì từ nay được hít thở không khí tự do, không còn lo bị bọn công an VC hạnh hoẹ làm khó dễ. Nói thì nói thế nhưng cá nhân tôi, nhiều khi trong giấc ngủ chập chờn thỉnh thoảng vẫn có những cơn ác mộng ám ảnh bởi những sự hành hạ, khổ ải mà tôi từng bị bọn VC khủng bố trong tù. Chúng tôi nay như được hồi sinh, vui mừng vì tương lai con cái có cơ hội được vươn lên. Ngay cả hai trong ba người con của tôi, là con gái, mặc dù bị khuyết tật nhưng chúng vẫn được đi học, được hướng dẫn vừa học nghề vừa đi làm, thỉnh thoảng chúng còn ra tiệm phụ giúp cho tôi làm bếp, bán hàng. Đó là những ngày tháng đã mang lại cho tôi những hạnh phúc không thể tả.
Khi thấy những đứa con tật bệnh của tôi được đi học, đi làm, tôi đã mừng và thầm cám ơn nước Mỹ. Chính sách của họ dành cho những con người kém may mắn bị khuyết tật như các con của tôi thật là cao cả, nhân đạo và nhân bản. Nếu chúng còn ở Việt Nam có lẽ chúng đã bị gạt ra bên lề xã hội. Chúng không chỉ bị kỳ thị vì có cha mẹ là người của chế độ VNCH cũ mà còn bị bỏ rơi vì những khuyết tật của chúng.
Nhưng niềm vui và hạnh phúc ấy đến với tôi không kéo dài được lâu. Đầu năm 2001, đứa con gái lớn đầu lòng của chúng tôi kém may mắn vì bị khuyết tật đã chẳng may qua đời vì bị một bệnh hiểm nghèo không vượt qua được. Cái chết của con gái tôi là một mất mát lớn không gì bù đắp. Cả hai vợ chồng tôi đều suy sụp tinh thần không còn thiết tha đến việc kinh doanh. Nỗi buồn chưa vơi thì họa vô đơn chí đến lượt tôi cũng bị mắc một căn bệnh hiểm nghèo. Sau cái chết của con gái chưa được bao lâu, trong một lần đi khám bệnh, bác sĩ đã phát hiện ra tôi bị ung thư cổ tử cung. Tin nghe như sét đánh ngang tai. Đây cũng là lý do khiến tôi phải dẹp tiệm Thiên Nga Deli để lo chữa bệnh, một căn bệnh mà tỷ lệ tử vong khá cao, nhất là trong giới phụ nữ Việt. Lúc đầu, tôi cứ tưởng bệnh của tôi chưa trầm trọng đến nỗi phải giải phẫu, nhưng sau nhiều lần xạ trị trong hơn một năm mà bệnh không thuyên giảm mà còn có vẻ nặng hơn, nên cuối cùng, bác sĩ đã đề nghị tôi phải giải phẫu, cắt bỏ toàn bộ tử cung. Dĩ nhiên, để sống sót tôi không còn chọn lựa nào khác. May mắn, cuộc giải phẫu đã diễn ra tốt đẹp. Sau đó, các thử nghiệm hậu phẫu đã có kết quả rất tốt, ung thư đã không lây lan nên tôi không phải xạ trị như phần lớn những bệnh nhân ung thư khác sau khi mổ. Đến nay đã 15 năm, mỗi năm tôi đều phải tái khám lại nhưng may mắn chưa có dấu hiệu bệnh tái phát.
Sau khi chữa lành bệnh ung thư, tôi bị rơi vào bệnh trầm cảm khi đứa con gái út còn lại của tôi cũng bị bệnh phải giải phẫu. Nỗi lo sợ lại bị mất con một lần nữa khiến cho tôi hoảng sợ, Nhưng may mắn thay, lần này cả mẹ và con, bệnh đều được chữa lành.
Sau những bất hạnh dồn dập đến cho tôi và gia đình, tôi đã chính thức ngưng hẳn việc điều hành Thiên Nga Deli để dành thời giờ chăm sóc cho gia đình riêng nhiều hơn. Tuy nhiên, vì vốn là người năng động, tôi không muốn suốt ngày cứ quanh quẩn ở trong nhà nên tôi đã tình nguyện tham gia vào những công tác xã hội, thiện nguyện. Từ nhiều năm nay, tôi là một thiện nguyện viên công tác trong Hội H.O. Cứu Trợ Thương Phế Binh và Quả Phụ Việt Nam Cộng Hòa hiện do cựu Nữ Trung Tá Nguyễn Thị Hạnh Nhơn làm Hội trưởng. Nhiệm vụ của tôi là tiếp nhận và xác minh hồ sơ của các quả phụ VNCH gởi tới Hội xin giúp đỡ. Có nhiều người thắc mắc nghĩ rằng, đã hơn 40 năm qua rồi những người phụ nữ góa bụa ấy mấy ai còn là quả phụ. Điều ấy đúng, nhưng cũng không đúng vì không thiếu những người phụ nữ đã ở vậy thờ chồng nuôi con. Là người từng trải qua những đau thương, tôi hiểu những nỗi bất hạnh và bi thương của họ. Họ là những người vợ lính VNCH trung trinh đáng được tuyên dương; họ nay còn ở trong nước đang phải gánh chịu những thiệt thòi, đày đọa và bất công. Việc làm của tôi chỉ là góp một bàn tay cùng các anh chị khác trong và ngoài Hội để an ủi một phần nào những người vợ của những người đã một thời từng là chiến hữu của tôi.
Đã hơn 40 năm rồi, những cánh chim Thiên Nga đã không còn tung cánh như ngày nào, nhưng không phải vì vậy mà chúng gẫy cánh. Những cánh chim Thiên Nga chúng tôi ngày nay đã bay tản mác khắp bốn phương trời. Ngoài những công việc nội trợ hàng ngày như bao phụ nữ khác, hầu hết chúng tôi đều tham gia vào những sinh hoạt ngoài xã hội hay trong những hội đoàn – trong đó có những hội CSQG – tại địa phương. Ngày xưa, những thiên nga chúng tôi phải bí mật xâm nhập vào các tổ chức của địch để thu thập những tin tức tình báo; nhưng ngày nay, chúng tôi công khai tham gia những sinh hoạt cộng đồng với lòng ước mong, qua sự  góp sức của mình, sẽ làm cho cộng đồng ngày một vững mạnh và thăng tiến. Tuy nhiên, mặc dù chúng tôi không còn thực hiện những công tác tình báo nhưng cái nghiệp dĩ năm xưa vẫn luôn đeo bám chúng tôi. Nó đã nhắc nhở chúng tôi luôn luôn phải đề cao cảnh giác, và dưới con mắt nghiệp vụ, chúng tôi biết rằng, kẻ thù đang dấu mặt ở quanh đây và chúng đang tìm cách len lỏi trong cộng đồng để tìm cách gây phân hóa, xáo trộn. Để vượt qua được nó, điều mong ước của tôi là, chúng ta phải có một cộng đồng đoàn kết, thống nhất và vững mạnh ở hải ngoại. Mong lắm thay !!!
NHƯ NGÃ.


No comments:

Post a Comment