Vài lời với TBT ĐCS VN Nguyễn Phú Trọng
Nguyễn Đắc Kiên
Chương trình Thời sự VTV1, 19h, ngày 25/2 đưa phát biểu tại Vĩnh Phúc của TBT ĐCS Việt Nam Nguyễn Phú Trọng như sau: “…
Vừa rồi đã có các luồng ý kiến thì cũng có thể quy vào được là suy thoái tư
tưởng chính trị, đạo đức, lối sống chứ gì nữa … Xem ai có tư tưởng là muốn bỏ
Điều 4 Hiến pháp không, phủ nhận vai trò lãnh đạo của đảng không? Muốn đa
nguyên đa đảng không? Muốn ‘tam quyền phân lập’ không? Hả? Muốn ‘phi chính trị
hóa quân đội’ không? Người ta đang có những quan điểm đấy!… Đưa cả lên phương
tiện thông tin đại chúng đấy. Thì như thế là suy thoái chứ còn gì nữa! Chỉ ở
đâu nữa nào? … Tham gia đi khiếu kiện, biểu tình, ký đơn tập thể … thì nó là
cái gì?! … Cho nên các đồng chí quan tâm xử lý cái này.”(*)
Bằng tất cả sự tôn trọng với
người đang đứng đầu một đảng chính trị của VN, tôi xin nói với ông Nguyễn Phú
Trọng vài lời như sau:
Đầu tiên, cần phải xác định, ông đang
nói với ai? Nếu ông nói với nhân dân cả nước thì xin khẳng định luôn là ông không
có tư cách. Ông là Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, nếu muốn dùng hai
chữ “suy thoái” thì cùng lắm là ông chỉ có thể nói với những người đang là đảng viên cộng sản, ông không
đủ tư cách để nói lời đó với nhân dân cả nước. Nếu ông và các đồng chí của ông muốn giữ Điều 4, muốn giữ vai trò lãnh đạo, muốn chính trị hóa quân đội, không muốn đa đảng, không muốn tam quyền phân lập, thì đó chỉ
là ý muốn của riêng ông và ĐCS của ông. Ông không thể quy kết rằng đó là ý muốn của nhân dân Việt Nam. Tuy nhiên, cũng cần phải nhấn mạnh rằng, những ý
muốn trên chỉ nên xem là của riêng ông TBT
Trọng, chưa chắc đã là tâm nguyện của toàn bộ đảng viên cộng sản hiện nay.
Tiếp theo, xin đi vào nội dung, ông nói suy
thoái về đạo
đức. Tôi muốn hỏi ông, đạo đức của ông đang muốn nói là đạo đức nào? Đạo đức làm người? Đạo đức công dân? Đạo đức dân tộc VN? … Tôi tạm đoán là ông đang muốn nói đến đạo
đức người cộng sản của các ông. Vậy, các ông cho
rằng chỉ có đạo đức cộng sản của các ông là đạo đức đích thực? Thế ra, cha ông tổ tiên chúng ta,
khi chưa có chủ nghĩa cộng sản vô đạo đức hết à? Thế ra, những người không theo
đảng cộng sản trên thế giới là vô đạo đức hết à?
Tiếp theo, xin đi vào nội dung suy
thoái chính trị, tư tưởng. Tôi muốn hỏi ông, chính trị, tư tưởng ông đang muốn nói là chính trị, tư tưởng nào? Có phải chính trị, tư tưởng của đảng cộng sản? Vậy
ra chỉ có đảng cộng sản của các ông là duy nhất đúng à? Cá
nhân tôi cho rằng, không một người có lương tri bình thường nào thừa nhận như thế. Cùng lắm ông chỉ có thể nói với các đảng viên cộng sản như vậy, nhưng ngay cả với các đảng viên cộng sản, ông cũng không thể quy kết tội suy thoái cho họ. Nếu không tin,
ông thử đọc lại Cương lĩnh chính trị và Điều lệ đảng các ông ban
hành xem.
Không có điều nào nói xóa bỏ Điều 4 là suy
thoái, muốn đa nguyên về chính trị là suy
thoái, muốn phi
chính trị hóa quân đội là suy
thoái, chỉ có tham ô, tham
nhũng… đi ngược lại lợi ích của nhân dân là suy
thoái. Ông đương kim
tổng bí thư ĐCS VN
thử đọc lại và nghĩ lại chỗ này xem.
Bây giờ, tôi trân trọng tuyên
bố những điều tôi muốn:
1- Tôi không chỉ muốn bỏ Điều 4 trong Hiến pháp hiện hành, mà tôi muốn tổ chức một Hội nghị lập hiến, lập một Hiến pháp mới để Hiến pháp đó thực sự thể hiện ý chí của toàn dân Việt Nam, không phải là ý chí của đảng cộng sản như Hiến pháp hiện hành.
2- Tôi ủng hộ đa nguyên, đa đảng, ủng hộ các đảng cạnh tranh lành mạnh vì tự do, dân chủ, vì hòa bình, tiến bộ của dân tộc Việt Nam, không một đảng nào, lấy bất cứ tư cách gì để thao túng, toàn trị đất nước.
3- Tôi không chỉ ủng hộ xây dựng một chính thể tam quyền phân lập mà còn muốn một chính thể phân quyền theo chiều dọc, tức là tăng tính tự trị cho các địa phương, xây dựng chính quyền địa phương mạnh, xóa bỏ các tập đoàn quốc gia, các đoàn thể quốc gia tiêu tốn ngân sách,
tham nhũng của cải của nhân dân, phá hoại niềm tin, ý chí và tinh
thần đoàn kết dân tộc.
4- Tôi ủng hộ phi chính trị hóa quân đội. Quân đội là để bảo vệ nhân dân, bảo vệ tổ quốc, bảo vệ cương vực, lãnh thổ không phải bảo vệ bất cứ một đảng phái nào.
5- Tôi khẳng định mình có quyền tuyên bố như trên và tất cả những người Việt Nam khác đều có quyền tuyên bố như thế. Tôi khẳng định, mình đang thực hiện quyền cơ bản của con người là tự do ngôn luận, tự do tư tưởng; quyền này mỗi người sinh ra đã tự nhiên có, nó được nhân dân Việt Nam thừa nhận và tôn trọng; quyền này không phải do đảng cộng sản của các ông ban
cho, nên các ông cũng không có quyền tức đoạt hay phán xét nó. Vì thế, tôi có thể xem những lời phán xét trên của ông, nếu có hướng đến tôi là một sự phỉ báng cá nhân. Và tôi cho rằng, những người nào chống lại các quyền trên là phản động, là đi ngược lại với lợi ích của nhân dân, dân tộc, đi ngược lại xu hướng tiến bộ của nhân loại.
Nguyễn Đắc Kiên – Nhà
báo, báo Gia Đình & Xã Hội 26-02-2013
(*) Nguồn: Chương trình Thời sự
VTV1, 19h, ngày 25/2; phần âm thanh và gỡ băng của Anhbasam.
“Bị thôi việc vì phản đối TBT
Trọng”
Cập nhật: 14:18 GMT – thứ ba, 26 tháng 2,
2013
Ông Nguyễn Đắc Kiên, phó phòng, biên tập viên trang
báo mạng của báo Gia
đình & Xã hội vừa bị buộc thôi việc vì bài viết nhận xét trên blog
phản đối lập luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về sự ‘suy thoái’.
Tờ báo Gia
đình & Xã hội ra thông cáo chưa đầy một ngày sau
khi ông Nguyễn Đắc Kiên đăng bài viết với tựa đề “Vài lời với TBT ĐCS VN
Nguyễn Phú Trọng” trên mạng internet.
Trả lời phỏng vấn BBC chiều tối ngày 26/2,
ông Kiên nói ban
biên tập tờ báo đã có buổi làm việc với ông ngay
sau khi nhận được thông tin
liên quan đến bài viết này
‘Nhận thức được hệ quả’
Ông Nguyễn Đắc Kiên nói bản thân ông hoàn toàn nhận thức hệ quả của việc viết bài viết trên.
“Sau khi nghe bài phát biểu của ông Tổng bí thư ĐCSVN
Nguyễn Phú
Trọng, với tư cách là công dân của nước Việt Nam, rất bất bình trước sự quy chụp về suy thoái lý tưởng, đạo đức,” ông nói. “Tôi sống ở Việt Nam từ nhỏ, làm báo từ năm 2006 đến giờ. Tôi nhận thức được hệ quả sẽ đến với tôi.”
‘Đã dự đoán được hệ quả’
Một nhà báo vừa bị buộc thôi việc vì bài viết trên mạng phản đối lập luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
“Nhưng tôi khẳng định tôi tôi viết bài này, cũng như những bài khác trên blog,
hoàn toàn do mệnh lệnh đạo đức của tôi.”
Bài viết của ông Kiên cho rằng “không có điều nào nói xóa bỏ Điều 4 là suy
thoái, muốn đa nguyên về chính trị là suy
thoái, muốn phi
chính trị hóa quân đội là suy
thoái, chỉ có tham ô, tham
nhũng… đi ngược lại lợi ích của nhân dân là suy
thoái.”
Tác giả nói:
“Tôi không chỉ muốn bỏ Điều 4 trong Hiến pháp hiện hành, mà tôi muốn tổ chức một Hội nghị lập hiến, lập một Hiến pháp mới.”
Thông cáo của báo Gia
đình & Xã hội nói “anh Nguyễn Đắc Kiên (nguyên phóng viên) vi
phạm Quy
chế hoạt động của Báo và Hợp đồng lao động nên Hội đồng Kỷ luật của Báo
Gia đình & Xã hội đã họp và ra Quyết định kỷ luật, buộc thôi việc đối với anh Nguyễn Đắc Kiên”.
“Hiện nay
anh Nguyễn Đắc Kiên không còn tư cách là phóng viên Báo Gia đình
& Xã hội và tự chịu trách nhiệm cá nhân trước pháp luật với các hành vi của mình.”
Khi BBC liên lạc chiều ngày 26/2,
Tổng Biên tập báo, ông Lê Cảnh Nhạc, từ chối trả lời về vụ việc.
Viết trên trang
Facebook cá nhân của mình, ông Nguyễn Đắc Kiên nói: “Tôi hiểu và tôn trọng quyết định của lãnh đạo báo.”
“Nếu ở cương vị của họ, có thể tôi cũng phải làm thế. Tôi hiểu là mọi thứ còn chưa bắt đầu,” ông Kiên viết.
Đã xuất hiện lời kêu gọi ủng hộ hành động của nhà báo Nguyễn Đắc
Kiên sau khi nhà báo này mất việc vì có bài viết phản bác lại Tổng bí thư
Nguyễn Phú Trọng.
Chỉ một ngày sau khi xảy ra vụ việc, nhà báo 30 tuổi Nguyễn Đắc
Kiên của báo Gia đình và Xã hội đã trở nên nổi tiếng và trở thành chủ đề được
bàn tán sôi nổi trên nhiều diễn đàn mạng.
‘Kính trọng anh Kiên”
Tại một hội thảo về vai trò của giới truyền thông trong lấy ý
kiến đóng góp của nhân dân đối với chính sách và chủ trương lớn của Nhà nước
diễn ra vào sáng thứ Tư ngày 27/2 tại Hà Nội, Tiến sỹ Nguyễn Quang A, nguyên
viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển IDS, đã kêu gọi các ‘nhà báo cũng như
toàn xã hội ủng hộ, hỗ trợ, bảo vệ bằng mọi phương cách có thể đối với những
nhà báo dũng cảm như Nguyễn Đắc Kiên’.
Tiến sĩ Quang A đã trực tiếp xác nhận với BBC về lời kêu gọi
này.
Ông nói bản thân ông không những ủng hộ mà còn rất kính trọng
Nguyễn Đắc Kiên mặc dù nhà báo này còn nhỏ tuổi hơn con trai của ông.
“Có những người như anh Kiên là sự đáng quý cho dân tộc Việt
Nam,” ông nói. “Tương lai Việt Nam là ở những người trẻ như anh Nguyễn Đắc
Kiên.”
“Tương lai Việt Nam là ở những người trẻ như anh Nguyễn Đắc
Kiên.”
TS Nguyễn Quang A
“Anh Kiên là người trẻ có công ăn việc làm tử tế. Anh ấy biết rõ
những hậu quả có thể xảy ra với việc nêu chính kiến của anh ấy nhưng anh ấy vẫn
mạnh dạn lên tiếng,” ông A giải thích vì sao ông kính trọng ông Kiên.
“Nếu tất cả mọi người chúng ta đều im lặng thì vô hình chung
chúng ta đồng lõa với những thế lực muốn dân tộc này chìm đắm trong cõi u mê,”
ông nói thêm.
Ông cho biết tại hội thảo sáng nay, tên Nguyễn Đắc Kiên ‘đã được
nêu lên không dưới 20 lần với sự kính trọng không chỉ của tôi mà của rất nhiều
người khác’.
Về nội dung bài viết của ông Nguyễn Đắc Kiên, Tiến sỹ Quang A
‘đồng cảm về mọi mặt’ vì đây cũng là những nội dung chính trong bản Kiến nghị
72 về sửa đổi Hiến pháp mà ông tham gia ký tên.
“Trong hội thảo người ta có nêu sáng kiến lập một quỹ để hỗ trợ
các nhà báo gặp ‘tai nạn’ về pháp lý và không loại trừ những hỗ trợ về mặt vật
chất,” ông nói. “Đã có nhiều người thuộc nhiều lĩnh vực ủng hộ ý tưởng này.”
Trước câu hỏi tại sao có quá ít người dám cất lên tiếng nói của
mình như Nguyễn Đắc Kiên, ông Quang A trả lời:
“Trong một chế độ toàn trị và với sự đàn áp vô cùng tinh vi của
chính quyền thì người dân phải hết sức tỉnh táo và tìm mọi cách để cất lên
tiếng nói của mình.”
“Có những người đi tiên phong thì bị sự đàn áp hết sức trắng
trợn và dã man của bản thân tòa báo cũng như những thế lực nào đó ra lệnh cho
tòa báo của anh ta,” ông nói thêm.
Sau bài nói chuyện của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ở Vĩnh Phúc
hôm 25/2 trong đó ông lên án những ai đòi thay đổi điều 4 Hiến pháp là ‘suy
thoái tư tưởng, đạo đức’, Nguyễn Đắc Kiên đã có bài viết nói rằng ông Trọng
‘không có tư cách’ để nói như vậy với người dân Việt Nam.
Ông Kiên cũng kêu gọi soạn thảo một Hiến pháp mới ‘thực sự là ý
chí của toàn dân Việt Nam’, kêu gọi thực hiện đa nguyên đa đảng, tam quyền phân
lập và phi chính trị hóa quân đội.
Ngay sau đó ông đã bị ban biên tập báo Gia đình xã hội kỷ luật
và buộc thôi việc vì ‘vi phạm quy chế hoạt động của báo’.
Trả lời BBC hôm 26/2, Nguyễn Đắc Kiên nói rằng ông đã lường
trước hậu quả của hành động của ông.
Trên trang facebook của BBC Việt Ngữ, chủ đề về Nguyễn Đắc Kiên
đã thu hút từ hơn 500 đến trên 600 lượt ‘thích’.
“Anh là một nhà báo dũng cảm, vượt qua được nỗi sợ hãi của người
đang phụ thuộc miếng cơm manh áo ở một tờ báo của Đảng,” một người có tên
Nguyen Trong Tan bình luận.
Còn một người khác có tên Tuan Vu thì viết: “Chân thành cảm ơn
bài viết của anh đã đem đến cho chúng tôi về một hy vọng về tương lai dân tộc.”
“Anh ấy là một anh hùng,” Ngoc Luong ca ngợi.
Tuy nhiên cũng có ý kiến ngược lại.
“Chia buồn với anh (Kiên) nhưng em không thể ủng hộ cho anh
được,” Nguyễn Tuấn viết.
Còn Tieu Phu Thuy thi viết:
“Không có Đảng, không có cuộc sống như ngày nay. Lúc trước bị đô
hộ, đói nghèo không có thằng nào đứng ra lãnh đạo mà bây giờ hòa bình rồi lại
đòi đa nguyên đa đảng.”
Nguồn BBC
No comments:
Post a Comment