Monday, July 20, 2020

Vũ Linh 134: Cộng Đồng Tỵ Nạn và Bàu Cử Mỹ


Vũ Linh 134: Cộng Đồng Tỵ Nạn và Bàu Cử Mỹ
July 18, 2020

Chuyện ai cũng biết là hiện nay, mùa bầu cử Mỹ đã lên tới gần cao điểm. Tới sau hai đại hội của hai đảng, bắt đầu tháng Chín, có hai ứng cử viên chính thức lên võ đài, thì mới thực sự là hấp dẫn. Thiên hạ ào ào tranh cãi, chửi bới, TV, radio, báo chí trúng mùa, thu tiền mệt nghỉ. Mỗi năm mỗi khủng khiếp hơn những năm trước.
Chuyện này là chuyện bình thường ở xứ Mỹ, cứ bốn năm lại xẩy ra một lần.
Chuyện bất bình thường chỉ mới thấy năm nay thôi, là chuyện cộng đồng tỵ nạn Việt cũng nhẩy vào cuộc một cách hăng say như chưa từng thấy. Kẻ này sống ở Mỹ gần nửa thế kỷ, viết bình luận về chính trị Mỹ 13 năm nay, chưa bao giờ thấy cộng đồng tỵ nạn tranh cãi, chửi nhau điên cuồng như bây giờ.
       Sao lại có chuyện lạ vậy?
Xin thưa ngay, đó là ‘công trạng’ của ông thần Trump, không hơn không kém.
Bất kể ghét hay thích, ai cũng phải công nhận ông Trump có cái biệt tài hy hữu rất ít người có: đó là sức thu hút cá nhân. Xin các cụ DƯT cuồng chống Trump khoan nhẩy nhổm vội, thu hút ở đây phải hiểu theo nghĩa gây chú ý và xúc động, theo cả hai chiều, ghét hay thích. Đối với ông Trump, không có chuyện chẳng ai để ý, chẳng ai cần biết ông này nói cái gì, làm cái gì, hay có nghe có biết thì cũng hững hờ chẳng có phản ứng gì. Nhất cử, nhất động của ông đều khiến truyền thông chạy long tóc gáy để thu tin và truyền lại cho thiên hạ, trong khi thiên hạ cũng chạy long tóc gáy để tìm đọc và nghe những tin về ông Trump, hoặc để chửi, hoặc để khen. Trong lịch sử chính trị Mỹ, chưa có một chính khách nào mà tên tuổi được nhắc nhở nhiều, bênh hay chống mạnh mẽ như ông Trump. Cả nước lên cơn cuồng, cuồng chống và cuồng mê.
Mỹ gọi hiện tượng ám ảnh này một cách khôi hài là TT Trump đã chiếm được một phòng ngủ thường trực trong một góc trong đầu thiên hạ, ngủ trong đó miễn phí.
Theo các chuyên gia, yếu tố đặc biệt này đã giúp ứng cử viên Trump được TTDC Mỹ quảng cáo miễn phí trong suốt mùa bầu cử năm 2016, trị giá cả mấy trăm triệu đô, mà kết quả không ai ngờ được là ông ta đã thành công, hiên ngang bước vào Tòa Bạch Ốc, hạ được cả hai guồng máy chính trị vĩ đại của hai chính đảng, hạ luôn cả hai ‘gia tộc chính trị’ lớn nhất Mỹ khi đó là gia tộc Bush rồi Clinton, tránh cho nước Mỹ cảnh TT Bush cha, đến TT Clinton ông, tới TT Bush con, rồi TT Clinton bà. Mai mốt biết đâu lại thấy TT Bush cháu và TT Clinton con?
Trong chính trị bầu bán Mỹ, có một yếu tố sinh tử là sự hăng say của cử tri. Các chính khách Mỹ muốn đắc cử, bắt buộc phải làm sao để có thể lôi cử tri ra khỏi nhà đi bầu, chứ họ ủng hộ mà nằm nhà coi football thì hỏng chuyện hết. Ông Trump thắng bà Hillary chính là nhờ đã lôi được một số lớn cử tri ra khỏi nhà đi bầu cho ông [thực tế, tổng số dân đi bầu năm 2016 cũng chỉ bằng năm 2012 thôi, nhưng khác biệt là năm 2016, khoảng 25% dân da đen đã không đi bầu vì không còn Obama nữa, số giảm này được bù đắp lại bằng số tăng của dân da trắng trung lưu và lao động đi bầu cho ông Trump]
Trang tin tức tuần này có ghi nhận một bài nhận định của CNN -không phải Fox đâu- nhắc nhở thế đứng của TT Trump còn rất mạnh chứ không như các thăm dò của TTDC cho thấy ông sẽ thảm bại đâu, chính là vì TT Trump vẫn còn lá bùa hộ mạng, có khả năng vô địch kích động cử tri của ông đi bầu.
Ngay trong tuần qua, trong hai cuộc bầu sơ bộ trong đảng CH, hai ứng cử viên thượng nghị sĩ  tại Alabama và dân biểu tại Texas ít người biết đã hạ đo ván các đối thủ nổi tiếng hơn, chỉ nhờ TT Trump lên tiếng ủng hộ họ, cử tri CH ào ào bỏ phiếu theo khuyến cáo của TT Trump. Ngược lại, bà thượng nghị sĩ CH Susan Collins, nổi tiếng hay chống TT Trump, đã mất hậu thuẫn của cử tri CH đến độ cái ghế của bà đang lung lay mạnh cho dù bà đã ngồi ghế này từ 24 năm qua, trong khi TT Trump không hé môi lên tiếng giúp bà. 
Sức thu hút của TT Trump mạnh đến độ cuộc bầu cử tới chỉ là một trưng cầu dân ý xem dân Mỹ chấp nhận hay chống TT Trump thôi, chẳng ai thèm để ý cụ Biden hay dở thế nào.
Nguồn gió kích thích mọi người cũng đã lan mạnh qua cộng đồng tỵ nạn Việt luôn. Cộng đồng tỵ nạn Việt đã hiện diện ở Mỹ 45 năm, nghĩa là đã trải qua hơn một chục lần bầu cử ở Mỹ, mà hầu hết vẫn lơ là, chưa bao giờ thắc mắc chuyện các ông bà chính khách Mỹ muốn làm gì, bất cần biết đảng DC hay đảng CH. Trong chừng một thập niên qua thì có chú tâm vào chính trị hơn trước vì bắt đầu có nhiều dân tỵ nạn tham gia vào chính trường, tranh cử các chức nghị viên, thị trưởng, dân biểu, nghị sĩ ở cấp địa phương hay tiểu bang. Nhưng trong cuộc bầu tổng thống thì vẫn hoàn toàn lơ là.
Từ ngày có ông Trump ra tranh cử thì dân tỵ nạn bắt đầu chú ý nhiều hơn, nhưng cũng không nhiều lắm. Cho đến sau khi ông Trump đã đắc cử, thì bất thình lình, chính trị Mỹ, hay chính xác hơn, TT Trump, đã biến thành đề tài lớn trên bàn nhậu, trong các bữa cơm gia đình, trong các buổi họp mặt của đủ thứ hội hè.
Đặc biệt hơn cả, trong khoảng từ hơn 1-2 năm nay, cả cộng đồng có vẻ như bất thình lình lên cơn say sóng, con vi khuẩn chính trị phe đảng lây lan nhanh gấp vạn lần vi khuẩn corona.
TT Trump thành đề tài sốt dẻo nhất, không thể không nói tới trong bất cứ buổi gặp gỡ nào. Mà không cần gặp gỡ thì ông Trump cũng là đề tài, lý do ra đời của cả trăm, cả ngàn báo, đài radio, TV, clip YouTube, diễn đàn,… Hộp thư email tràn ngập những tin thật, tin phịa, tin xuyên tạc, tin chửi bới, tin hoan hô,… ủng hộ hay chống TT Trump chết bỏ. 
Bạn bè nối khố mấy đời, huynh đệ chi binh mấy chục năm, cả anh em và bố con, bất thình lình vác bút đâm nhau vì bênh hay chống Trump, hay nhẹ nhất thì cũng cạch, không nói chuyện với nhau nữa. Không quen biết nhau thì dĩ nhiên, nếu không tặng nón cối cho nhau thì cũng nhục mạ hơn tát nước, bằng những thậm từ thô bỉ và tục tằn nhất. Một cụ cuồng chống Trump rất ‘hoành tráng’ tố những người ủng hộ Trump là “lên đồng” mà tiếu lâm thay, lại không nhìn thấy chính mình cũng đang lên đồng.
Đúng là tột cùng của vô lýTrump đến rồi đi, không vài tháng nữa thì vài năm nữa, sao lại phải cuồng và hận thù đến vậy? Qua Mỹ nửa đời người vẫn chưa hiểu nên không thể tôn trọng tự do tư tưởng được sao? Mà cái lạ là càng nhiều tóc bạc thì lại càng cuồng hơn đám ngựa non háu đá, đúng như các cụ ta vẫn nói, gừng càng già càng cay. Và càng trí thức thì càng chửi giống du đãng, chỉ khác là du đãng không biết viết, chỉ chửi miệng, không thể cay nghiệt bằng trí thức chửi nhau bằng văn chương.
Nghĩ cho cùng, tiếng nói của cộng đồng ta hăng say như vậy, có dư âm hay hậu quả gì trên chính trường Mỹ không? Hay chỉ là một đám khùng điên tranh nhau làm dã tràng?
Không cần phải là chuyên gia nghiên cứu sâu xa gì thì ai cũng biết tiếng nói chính trị của cộng đồng tỵ nạn rất nhỏ, nhỏ hơn tiếng muỗi vo ve trong đêm tịch mịch.
Có nhiều yếu tố khiến tiếng nói của chúng ta rất nhỏ.
Cộng đồng tỵ nạn quá ít người. Theo những thống kê mới nhất, tổng cộng số dân tỵ nạn Việt ở Mỹ chưa tới 1,5 triệu, chưa tới 0,4% dân số Mỹ. Mà lại rất ít để ý đến chính trị, nhất là chính trị của ‘người ta’ (Mỹ) chứ không phải của ‘ta’. Cũng không quen thuộc với chuyện bầu bán, không nhìn rõ nhu cầu phải đi bầu. Không có ông bà tỵ nạn nào rảnh hơi đứng xếp hàng cả nửa ngày để đi bỏ phiếu, trừ khi đi bỏ phiếu cho ông bạn của bố, hay cho ông con của ông bạn già cùng binh chủng.
Cũng không thể quên tuyệt đại đa số dân tỵ nạn ta qua đây với hai bàn tay trắng, nhưng với quyết tâm thành đạt, chú tâm lo làm ăn kiếm sống, lo chuyện ăn học của con cái, không muốn nằm ngửa chìa tay xin trợ cấp, không rảnh xía vào chuyện chính trị Mỹ là chuyện mà nhiều người vẫn coi là chuyện… thừa giấy vẽ voi không liên quan gì đến mình.
Nhưng lý do chính tiếng nói cộng đồng Việt rất nhỏ vẫn là thiếu đoàn kết. Người ta nói với dân Tầu, một người nổi lên, cả họ công kênh lên cao hơn; với dân Việt, một người ngoi lên, cả họ xúm lại lôi chân xuống.
Thành phố Westminster có một ông gốc Việt làm thị trưởng, cộng đồng phấn khởi chăng? Thưa không, vì ông này cũng là thị trưởng duy nhất của Cali bị truất nhiệm, phải ra tranh cử lại, mà lại bị truất nhiệm không phải bởi dân Mỹ trắng hay đen hay nâu gì, mà bởi chính người đồng hương, cùng con cháu bà Âu Cơ hết. Chuyện thật đáng tủi hổ cho cả cộng đồng. Áo có dơ thì giặt trong nhà, đợi cuộc bầu tới tính chuyện, sao lại phải đánh nhau tới truất nhiệm?
Nếu tính theo tỷ lệ, có lẽ không có một khối dân nào có nhiều hội đoàn, nhiều tổ chức bằng dân Việt tỵ nạn. Hội đoàn với một tá hội viên là chuyện bình thường, tất cả đều có chức vị hết, từ hội trưởng đến đệ nhất phó hội trưởng, đến nhị, đệ tam, rồi tổng thư ký, phó tổng thư ký, và cả chục trưởng ban, mà việc để làm thì hai người đã thừa rồi. Ai cũng mê bằng cấp và chức tước, như thể chỉ có bằng cấp và chức tước mới định giá được con người. Ai cũng là sĩ hết. Các danh từ như tiến sĩ, thạc sĩ, bác sĩ, dược sĩ, nha sĩ, văn sĩ, thi sĩ, ca sĩ, ... luôn luôn phải đi kèm theo tên, ngoại trừ trường hợp các... binh sĩ.
Tỷ lệ dân Mỹ đi bầu tổng thống, là cuộc bầu được nhiều người tham gia nhất, luôn luôn xấp xỉ cỡ 30% dân Mỹ (tổng số phiếu của ông Trump và bà Hillary là 138 triệu trên tổng số 320 triệu dân Mỹ)Nếu chỉ tính trên số những người có quyền đi bầu, không kể trẻ em, tù nhân,… thì tỷ lệ đi bầu lên được tới khoảng 55%.
Trong cộng đồng tỵ nạn ta, kẻ này không có thống kê chính thức, nhưng phỏng đoán có thể nói nhiều lắm là 10%, hay 150.000 người đi bầu. Tối đa là 200.000 người. Muối bỏ biển so với 130 triệu dân Mỹ.
Đã vậy, phần lớn dân tỵ nạn lại sống trong những tiểu bang thiên hẳn về một bên từ nhiều thập niên qua rồi. Chẳng hạn như Cali hay Texas, Washington State hay Washington DC, những nơi mà cho dù tất cả dân Việt ta đi bầu hay không đi bầu cũng chẳng thay đổi được kết quả.
Một cách hết sức thực tế, cộng đồng tỵ nạn chúng ta chưa có tiếng nói chính trị tương xứng với số lượng dân tỵ nạn, với những đóng góp kinh tế của chúng ta, và với vai trò ngày càng quan trọng của dân tỵ nạn thế hệ hai và ba trong xã hội Mỹ.
 Nghe thì thật là … nản thật. Tất cả là đánh nhau vì công cốc. Hay vì thỏa mãn tự ái cá nhân? Nhất là trong cuộc chiến ‘sinh tử’ này lại có thêm không biết bao nhiêu lính đánh thuê từ Âu Châu, Úc Châu, Canada, Congo,… cũng nhào vô đánh hội đồng chết bỏ luôn cho dù họ chẳng ăn cái giải rút gì.
Như vậy thì tất cả những ồn ào phe phái đánh nhau chí tử vì ủng hộ hay chống TT Trump có nghĩa lý gì? Hoàn toàn vô bổ thì sao phải choảng nhau mạnh thế? Thật ra, dân tỵ nạn cũng có tiếng nói chứ không phải hoàn toàn vô hình. Ít ra, cũng có hai cách để hiện hình. Qua cuộc bầu tổng thống và qua cuộc bầu quốc hội.
Trước khi đi vào câu chuyện để xem chúng ta có thể có tiếng nói bằng cách nào, ta phải xem lại tại sao ta cần có tiếng nói, phải đi bầu, phải dính dáng vào chính trị của xứ ‘người ta’?
Phải nói ngay nếu đi bầu chỉ vì chuyện cảm tính, cảm tình cá nhân, thì tốt hơn hết ở nhà chơi với con cháu hay coi phim bộ Hàn Quốc có lý hơn, chứ không có cái lý do gì mà ta phải ra đứng xếp hàng cả mấy tiếng đồng hồ -hay lâu hơn nữa trong tình trạng cách ly hiện nay vì dịch COVID- để bầu bán chỉ vì ghét ông này hay thích bà kia. Một lá phiếu thích hay ghét chẳng ai biết tới, sao mất công vậy? Muốn cho đỡ giận, mua hình người mình ghét về xé rồi đạp lên cho bõ ghét, hay mua hình người mình thích dán ngay giữa phòng khách, ngày ngày đi qua cúi đầu vái chào cũng tốt hơn.
Có nhiều người dẫy nẩy, hô hoán “Không, tôi không làm chính trị, không muốn dây dưa đến chính trị”. Xin lỗi, tất cả những dân liều mạng trốn chạy CS qua Mỹ tỵ nạn đều đã ‘làm chính trị’ rồi, đã ‘bỏ phiếu bằng chân’ rồi, và đã ra tuyên cáo ‘chống cộng, ủng hộ Mỹ’ rồi.
Trong khi đó, trong cuộc sống hiện tại, chính trị ở Mỹ chính là cuộc sống đó. Trong cái thành đồng của dân chủ này, người dân là người đi bầu cho những người có quyền lấy những quyết định có hậu quả lớn trong cuộc sống của chúng ta. Khác xa dưới chế độ CS khi mà tiếng nói của dân đúng là có zero giá trị, vì tất cả đều do đám chóp bu trong đảng quyết định hết, bất chấp ý dân.
Chẳng hạn, quý vị muốn bớt đóng thuế thì hãy rủ nhau đi bầu cho ông A là người chủ trương bớt thuế, ngược lại, quý vị muốn nhiều tiền trợ cấp thì đi bầu cho bà B là người chủ trương trợ cấp đủ loại cho tất cả mọi người. Nếu người quý vị chọn được nhiều người bầu, có nhiều phiếu hơn thì ý muốn của quý vị sẽ được toại nguyện. Đóng thuế chính là chuyện chính trị rồi. Quý vị có muốn dính dáng hay không dính dáng cũng vậy, chính trị đã bám chặt vào người quý vị rồi.
Việc tham gia vào chính trị có thể khởi đầu từ ‘chuyện nhỏ’ trước, tức là trong tầm mức địa phương hay tiểu bang, đi bầu và hơn thế nữa, ra ứng cử những trách nhiệm cấp địa phương và tiểu bang.
Từ hơn một chục năm gần đây, đã có nhiều người gốc Việt tỵ nạn tham gia trực tiếp vào guồng máy chính trị Mỹ, nhưng đáng tiếc thay, vai trò của các chính khách này vẫn còn rất yếu.
Ở cấp liên bang, trong khi đã có một bà gốc Thái làm thượng nghị sĩ (bà Tammy Duckworth của tiểu bang Illinois), môt bà gốc Tầu làm bộ trưởng, thì ta chưa có ai và trong tương lai gần cũng chưa thấy ai có triển vọng gì.
Trong Hạ Viện liên bang, trước đây ta có một ông Andrew Cao ‘ngáp’ được một nhiệm kỳ dân biểu đúng hai năm rồi biến mất, bây giờ thì có một bà làm dân biểu DC tại Orlando, nhưng bà này là ‘Mỹ con’ 100%, lấy tên Mỹ, chỉ nói chuyện tiếng Mỹ, có quan điểm cấp tiến cực đoan khác rất xa khối người Việt, chủ trương chấp nhận phá thai cho tới ngày sanh luôn. Biết đâu chừng bà này nhìn bản đồ cũng chẳng biết VN ở đâu nữa. Trong khi các cộng đồng nhỏ xíu Somalia và Palestine đều đã có được dân biểu liên bang rất có ảnh hưởng là các bà Ilhan Omar và Rashida Tlaib. Dân Cuba qua Mỹ trước chúng ta chỉ khoảng 15 năm, đã có cả lô ứng cử viên tổng thống, thượng nghị sĩ, dân biểu, thống đốc,… Nôm na ra, tiếng nói của cộng đồng Việt ở cấp liên bang là đúng zero!
Ở cấp dân biểu tiểu bang thì tôi chỉ biết có một ông ở Texas và một bà ở Massachusetts thôi, ngoài ra, không rõ. Trước đây cũng có một bà nghị sĩ tiểu bang tại Cali nhưng không thọ. Cấp địa phương thì có một số thị trưởng, nghị viên thành phố,… nhưng ít triển vọng đi xa hơn. Tiếng nói thật rất yếu.
Trở lại vấn đề cộng đồng tỵ nạn thật sự có thể có tiếng nói hay không, tất nhiên là có, tuy giới hạn, trong cuộc bầu tổng thống và trong các cuộc bầu quốc hội và bầu tiểu bang và địa phương.

BẦU TỔNG THỐNG
Trong các cuộc bầu tổng thống, ta có thể có tiếng nói nếu hiểu rõ thể thức bầu cử Mỹ.
Xin nhắc lại, Mỹ bầu tổng thống một cách gián tiếp qua việc bầu cử tri đoàn đại diện cho tiểu bang đi bầu tổng thống. Nói cách khác, là các tiểu bang đi bầu tổng thống của liên bang. Tính theo tiểu bang thì như vừa viết, có những tiểu bang ngả hẳn về một phe, DC hay CH, trong đó tiếng nói của cộng đồng tỵ nạn là đúng … zero. Nhưng cũng có nhiều tiểu bang mà số phiếu hai bên ngang ngửa, do đó một ứng cử viên có thể thắng/thua với số phiếu khác biệt có khi rất nhỏ, do đó đây là những nơi ta có thể có tiếng nói.
[Muốn biết thêm về thể thức bầu tổng thống, xin mời đọc:
Chắc hẳn chưa ai quên năm 2000, TT Bush con sau khi đếm phiếu đi đếm phiếu lại cả tháng trời, đã thắng PTT Al Gore đúng 537 phiếu, mang lại cho ông chiến thắng trên cả nước luôn. Nói trắng ra, ông Bush con đã là tổng thống nhờ đúng hơn 500 phiếu trong một nước với hơn 320 triệu dân. Các cụ gọi đây là chuyện con ruồi làm lệch cán cân.
Nói vậy để thấy có những tiểu bang mà khác biệt vài trăm phiếu có thể quyết định ai là người sẽ vào Tòa Bạch Ốc. Nghĩa là cộng đồng Việt tỵ nạn với trên dưới 200.000 người đi bầu, vẫn có thể có tiếng nói quyết định trong cuộc bầu tổng thống, nếu chọn đúng ‘chiến trường’, nghĩa là phải có tiếng nói đúng chỗ, đúng tiểu bang.
Hiện nay, có xấp xỉ một chục tiểu bang có thể ngả qua DC hay CH, chưa ai biết được. Đó là các tiểu bang Arizona, Florida, Iowa, Michigan, Nevada, New Hampshire, North Carolina, Ohio, Pennsylvania, Wisconsin. Đó là các tiểu bang mà tiếng nói của cộng đồng có thể có hậu quả.
Trong thời gian qua, ta đã thấy có nhiều nhóm Việt tỵ nạn được thành lập để ủng hộ ứng cử  viên tổng thống. Muốn khỏi lãng phí công sức, tiền bạc thì cần phải tập trung nỗ lực tại những nơi mà tiếng nói có thể có hậu quả, tức là tại những tiểu bang trên. Chứ ra sức hô hào tại những nơi như Bolsa, Bellaire, Eden,… thì chỉ là công dã tràng, vô ích cho dù đó là nhưng nơi tập trung đông đảo người Việt.

BẨU QUỐC HỘI VÀ CÁC TRÁCH NHIỆM ĐỊA PHƯƠNG
Thế thì ngày bầu cử, dân tỵ nạn ta tại những tiểu bang khác, đỏ xậm hay xanh lè phải nằm nhà coi phim bộ Hàn Quốc sao? Không, vì vẫn có tiếng nói quan trọng trong các cuộc bầu cử khác, như bầu quốc hội liên bang, hay bầu cấp tiểu bang và cấp địa phương.
Trước hết là chuyện bầu quốc hội liên bang.
Trong thể chế chính trị Mỹ, tổng thống có rất nhiều quyền, nhưng cũng vẫn cần phải có sự hợp tác của quốc hội. Vai trò của các nghị sĩ, dân biểu liên bang hết sức quan trọng, nếu đa số cùng đảng với tổng thống thì sẽ giúp tổng thống thi hành chính sách của ông và của đảng của ông. Ngược lại, nếu phe đối lập nắm đa số thì có làm tổng thống cũng như không, chỉ ngồi cãi nhau mà chẳng làm ra trò trống gì. Hoặc giả muốn làm được gì, cần phải trả giá, nhượng bộ hay đổi chác với phe đối lập, chứ không thể làm hoàn toàn theo ý mình hay đảng mình.
Do đó, tại những tiểu bang như Cali hay Texas, cộng đồng tỵ nạn ta vẫn có thể có tiếng nói khi đi bầu quốc hội liên bang, để bầu cho các đồng minh của tổng thống để giúp ông, hay địch thủ của ông để cản ông. Trong phạm vi tiểu bang thì không nhất thiết có chuyện hoàn toàn lệ thuộc vào một đảng như bầu cử tổng thống. Chẳng hạn như ở Cali, vẫn có nhưng dân biểu CH, hay ở Texas, vẫn có dân biểu DC. Dù vậy, cũng phải nói ngay, chỉ có hậu quả trong việc bầu dân biểu liên bang thôi, chứ ở cấp thượng nghị sĩ thì cũng giống như ở cấp tổng thống, tức là TNS CH thì vô phương thấy trong các tiểu bang DC như Cali hay New York, hay TNS DC thì không thể có ở Texas hay Idaho.
Xuống thêm một cấp, cộng đồng tỵ nạn ta có thể có tiếng nói lớn trong những khu đông dân tỵ nạn như Cali, Texas, Maryland, Virginia, Washington State,… khi ta đủ đoàn kết để bầu các chức vụ tiểu bang (dân biểu và nghị sĩvà địa phương (nghị viên, thị trưởng,…)
Nếu thật sự đoàn kết, trong một quận như Orange ở Cali, nơi mà dân Việt chiếm tới gần 10% dân số, người Việt đáng lẽ phải có tiếng nói lớn hơn nhiều.
Do đó, ngoài việc bầu tổng thống, dân ta vẫn cần tích cực đi bầu. Tr


No comments:

Post a Comment