Wednesday, July 15, 2020

TC hăm dọa sự tồn vong của thể chế chính trị Việt Nam!


Trung Quốc hăm dọa sự tồn vong của thể chế chính trị Việt Nam!
Diễm Thi, RFA
2020-07-13

Chỉ trích Hoa Kỳ và hăm dọa Việt Nam
Tờ Hoàn Cầu Thời Báo, phiên bản tiếng Anh của Nhân Dân Nhật báo - cơ quan ngôn luận chính thức của đảng cộng sản Trung Quốc có bài viết nhan đề “Nói vài lời thật lòng với người Việt Nam” của tổng biên tập Hồ Tích Tiến. Bài báo xuất hiện vào dịp Việt Nam và Hoa Kỳ kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Tác giả “khuyên” Việt Nam cảnh giác trong mối quan hệ với Hoa Kỳ bởi mục đích lớn nhất của Mỹ khi phát triển quan hệ với Việt Nam là “lợi dụng Việt Nam”, “chia cắt mối quan hệ Việt Nam và Trung Quốc”.
Bên cạnh việc nhắc lại chuyện Mỹ đã ném hàng ngàn, hàng vạn tấn bom xuống miền Bắc Việt Nam thời chiến tranh, ông Hồ Tích Tiến ca ngợi chính sách láng giềng hữu nghị lâu dài của Trung Quốc với Việt Nam. Bài báo kết luận rằng thể chế chính trị Việt Nam khó trường tồn lâu dài nếu chính trị Trung Quốc không ổn định.
Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp nhận định về bài báo này:
“Bài này là của một người theo trường phái “diều hâu mất dạy” ở bên Trung Quốc. Tờ Hoàn Cầu Thời Báo là tờ báo đối ngoại của đảng cộng sản Trung Quốc, thế mà họ để cho một người như thế nói ra những nội dung càn rỡ và lại còn để sứ quán Trung Quốc ở Việt Nam đăng lại bằng cả tiếng Việt lẫn tiếng Trung. Đây là chuyện càn rỡ chưa từng thấy, giống như là cùng đường.
Thực tế thì Việt Nam và Trung Quốc là hai quốc gia độc lập và hai đất nước có hai đảng cầm quyền có cùng tên là đảng cộng sản. Thế thôi!
Còn với quan hệ với Mỹ, nhìn lại chặng đường 25 năm qua thì thấy có nhiều bước tiến, thành tích, thành tựu rất tích cực và sự tích cực trong mối quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ là quan hệ song phương, chả ảnh hưởng gì đến Trung Quốc cả. Thế mà đảng cộng sản Trung Quốc để cho một học giả ăn nói càn rỡ như thế thì nó bộc lộ ra sự yếu kém, không ra thể thống gì của những người ở Bắc Kinh.”
Ngày 11 tháng 7 năm 1995, Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton và Thủ tướng Việt Nam Võ Văn Kiệt chính thức tuyên bố bình thường hóa, thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Trải qua 25 năm, cả hai phía Việt Nam và Hoa Kỳ đều thừa nhận đã trở thành bạn bè và đối tác toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Việt Nam chủ trương “gác lại quá khứ, hướng tới tương lai”, cùng Hoa Kỳ xây dựng quan hệ hợp tác trên nguyên tắc hợp tác cùng có lợi, bình đẳng, tôn trọng thể chế chính trị, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau.
Trong khi đó, Việt Nam và Trung Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 18 tháng 1 năm 1950. Ngày 17 tháng 2 năm 1979, Trung Quốc đem quân tấn công các tỉnh dọc biên giới của Việt Nam với mục đích ‘dạy cho Việt Nam một bài học’. Hai nước trở thành kẻ thù của nhau.
Đến năm 1991, hai nước Việt Nam và Trung Quốc tuyên bố bình thường hóa quan hệ theo phương châm 16 chữ vàng và 4 tốt: “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” và “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”.
Với bài viết của tác giả Hồ Tích Tiến, nhà nghiên cứu Biển Đông Đinh Kim Phúc nêu nhận định:
“Vừa chỉ trích vừa hăm dọa Việt Nam trong dịp kỷ niệm 25 năm ngày Việt Nam và Mỹ bình thường hoá quan hệ. Tất cả những nội dung mà ông Hồ Tích Tiến nêu ra nhằm răn đe Việt Nam trong mối quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ hiện nay. Ông ta giở giọng kẻ cả như dạy đảng và nhà nước Việt Nam một bài học để mà phải có thái độ khác trong mối quan hệ với Mỹ.
Nhìn những gì mà Hồ Tích Tiến trình bày thì chúng ta nhìn lại cái quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc từ khi thiết lập bang giao đến nay như thế nào? Trung Quốc ngày càng muốn không chế Việt Nam. Muốn Việt Nam thần phục để Trung Quốc dễ dàng bành trướng xuống phương Nam.”
Theo ông Đinh Kim Phúc, “người đồng chí cộng sản” Trung Quốc liên tục phản bội Việt Nam. Ông Phúc nêu phản bội đầu tiên là trên bàn Hội Nghị Genève năm 1954. Trung Quốc cố tình chia cắt lâu dài đất nước Việt Nam để biến miền Bắc Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thành khu vực đệm bảo vệ miền Nam Trung Hoa cho Trung Quốc được an toàn xây dựng cái gọi là XHCN của Trung Quốc.
Tình hình Biển Đông
Năm 2014, Trung Quốc là quốc gia đầu tiên tiến hành cải tạo với quy mô lớn các thực thể là bãi đá ngầm đang do nước này chiếm hữu, thuộc quần đảo Trường Sa thành các căn cứ hậu cần quân sự, đường băng đáp máy bay…
Bốn năm sau, tổng diện tích các đảo hoàn toàn nhân tạo mà Trung Quốc bồi đắp trên các đá ngầm thuộc quần đảo Trường Sa đã lên tới hơn 13,21 km2, tập trung chủ yếu trên 3 bãi đá Vành Khăn, Xu Bi và Chữ Thập.
Vào tháng 7 năm 2019, Trung Quốc đã điều tàu khảo sát Hải Dương Địa Chất 8 với sự hộ tống của các tàu hải cảnh, vào khu vực Bãi Tư Chính, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam quấy nhiễu hoạt động thăm dò dầu khí của Việt Nam với một công ty dầu khí của Nga.
Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp nói về quan hệ Việt Nam và Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông:
“Hai bên đều thấy câu chuyện ở Biển Đông là tranh chấp chủ quyền. Tuyên bố chủ quyền thì Trung Quốc không bao giờ ngừng chiếm còn và Việt Nam thì không bao giờ để Trung Quốc chiếm. Việt Nam đã nói mọi chuyện phải phù hợp với luật pháp quốc tế trong đó có công ước về luật biển 1982.”
Tháng 5 năm 2020, tàu tác chiến cận bờ USS Gabrielle Giffords của Hoa Kỳ đã đối đầu với tàu Hải Dương 8 trên Biển Đông. Hải quân Mỹ cho hay, USS Gabrielle Giffords đang thực hiện đợt triển khai luân phiên, hoạt động trong khu vực Hạm đội 7 phụ trách nhằm nâng cao khả năng tích hợp với các đối tác và sẵn sàng ứng phó.
Mới đây, hai hàng không mẫu hạm của Hoa Kỳ tập trận ở khu vực Biển Đông vào khi Trung Quốc cũng đang có cuộc tập trận ở khu vực quần đảo Hoàng Sa. Bắc Kinh lên tiếng cho rằng Hoa Kỳ là nước phải chịu trách nhiệm về việc gia tăng căng thẳng trong khu vực.
Nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc cho rằng, từ trước đến nay thái độ của Việt Nam là muốn trung hòa quan hệ Việt Trung và các siêu cường khác trên thế giới. Việt Nam muốn yên ổn để phát triển nhưng Trung Quốc ngày càng ép Việt Nam đi vào con đường cùng, chỉ có tròn quan hệ là quan hệ với nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Liệu đây có là giọt nước làm tràn ‘cái cốc nước kiên nhẫn’ của lãnh đạo Việt Nam hiện nay hay không? Ông nêu cảnh báo:
“Tôi nghĩ cái hăm dọa của Hồ Tích Tiến là một thái độ làm cho những ai ngày nay còn mơ hồ vào tinh thần 4 tốt 16 chữ vàng trong quan hệ Việt Trung phải thay đổi ngay cái não trạng của mình. Phải bắt đầu chuẩn bị nếu như Trung Quốc gây chiến tranh thì Việt Nam cũng buộc lòng phải tiến hành chiến tranh để bảo vệ đất nước”.
Năm 1979, khi Trung Quốc đem quân tấn công Việt Nam giết hại hàng ngàn dân Việt và san bằng nhiều khu dân cư, nhà máy của Việt Nam, Trung Quốc tuyên bố “dạy cho Việt Nam một bài học”.
Bài viết của tổng biên tập Tờ Hoàn Cầu Thời báo với tựa đề “Nói vài lời thật lòng với người Việt Nam” cho thấy rõ ý đồ thực sự của Bắc Kinh khác với những lời hoa mỹ thường được đưa ra qua phương châm ‘16 chữ vàng và 4 tốt’.


No comments:

Post a Comment