Nỗi lo về chất lượng thiết bị y tế từ Trung Quốc
Diễm Thi, RFA
2020-04-03
2020-04-03
Hôm 2 tháng 4 năm
2020, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc có cuộc điện đàm với Thủ tướng Trung
Quốc Lý Khắc Cường về việc hợp tác phòng chống dịch Covid-19. Hai bên thông báo
tình hình và kết quả phòng chống dịch Covid-19 của mỗi nước.
Ông Nguyễn Xuân Phúc
cảm ơn sự hỗ trợ của Trung Quốc qua các hình thức như trao đổi kinh nghiệm và
một số tỉnh thành, doanh nghiệp Trung Quốc hỗ trợ vật tư y tế cho Việt Nam. Ông
Lý Khắc Cường cảm ơn sự ủng hộ của Việt Nam khi dịch bệnh tại Trung Quốc ở cao
điểm, đồng thời thông báo Bắc Kinh sẽ viện trợ và cung cấp vật tư, thiết bị
phòng chống dịch cho Việt Nam.
Ngay khi báo Thanh
Niên loan tin, nhiều độc giả bày tỏ sự lo lắng về chất lượng của những sản phẩm
từ Trung Quốc dưới bản tin này.
Cô Trang từ Bà
Rịa-Vũng Tàu viết rằng: Sự giúp đỡ chân thành thì tất nhiên chúng ta sẽ cảm
kích, nhưng tôi nghĩ các công ty nhập khẩu hàng hóa nói chung, vật tư y tế nói
riêng nên kiểm tra về chất lượng cũng như sự an toàn trước hết...
Bà Nguyễn Thị Thanh Hà
từ Đà Nẵng viết ngắn gọn: Hy vọng đó là những vật tư thiết bị y tế có chất
lượng.
Không phải tự nhiên mà
người dân Việt Nam lo ngại về chất lượng sản phẩm từ Trung Quốc, nhất là các
sản phẩm về y tế.
Tháng 11 năm 2012,
Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam giải mã gần như toàn bộ thành phần các viên
chất rắn và dịch lỏng trong áo ngực phụ nữ ghi nhãn xuất xứ từ Trung Quốc,
khẳng định sự hiện diện của một chất có khả năng gây ung thư, rối loạn nội
tiết…
Đầu năm 2014, Chi cục
Quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa miền Nam ra thông báo về sản phẩm bóng hơi
cho trẻ em chứa chất phthalate vượt mức cho phép hàng trăm lần. Tất cả sản phẩm
này đều do Trung Quốc sản xuất. Chất này làm suy giảm sự phát triển của bộ phận
sinh dục nam, khiến cho cơ quan sinh sản của nam giới bị teo lại. Nếu trẻ ngậm,
tự thổi món đồ chơi này, chất phthalatses sẽ trực tiếp và nhanh chóng đi vào cơ
thể.
Không chỉ hàng tiêu
dùng xuất xứ từ Trung Quốc chứa chất gây ung thư được nhập vào Việt Nam. Chiều
29 tháng 1 năm 2013, Đội Quản lý thị trường số 1, thuộc Chi cục Quản lý thị
trường Hà Tĩnh, thông báo họ phát hiện và thu giữ một khối lượng lớn mực khô đã
xé tơi, nghi là mực khô giả được làm bằng nhựa có nguồn gốc Trung Quốc.
Ông Nguyễn Đình Ngọc
từ Sài Gòn cho rằng, sản phẩm tiêu dùng từ Trung Quốc đã không tin được. Trong
tình hình dịch bệnh như bây giờ mà nhập những sản phẩm y tế kém chất lượng thì
hậu quả khôn lường. Ông nêu quan điểm của mình với RFA:
“Dù cho đó là bán hay
viện trợ thì với tư cách là một người Việt Nam đang sống tại Sài Gòn, thú thật
là tôi không tin vô chất lượng những món hàng từ Trung Quốc. Thực tế Tây Ban
Nha và Séc đã phải trả lại những bộ kit xét nghiệm mua từ Trung Quốc do nó
không đạt chuẩn. Còn về lịch sử Trung Quốc thì hầu như ai cũng biết họ là vua
xài độc dược. Thứ hai, Trung Quốc là bậc thầy về hàng giả. Thứ ba, trong tình
hình hiện nay dịch bệnh lan truyền khủng khiếp trên thế giới, Trung Quốc là
người phải chịu trách nhiệm mà họ còn trốn tránh thì làm sao tôi có thể đặt
niềm tin vào chuyện viện trợ của họ?"
Khi đại dịch Covid-19
lan khắp toàn cầu, nhiều nước nhập sản phẩm y tế từ Trung Quốc đã phải trả lại
vì chất lượng không đạt yêu cầu.
Hôm 28 tháng 3, AFP
dẫn một thông cáo của Bộ Y tế Hà Lan cho hay, Hà Lan mua 1.300.000 khẩu trang
từ Trung Quốc và nay phải thu hồi 600.000 chiếc đã được phân phát đến các bệnh
viện vì phát hiện lô hàng này không đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng.
Cũng trong tháng 3,
Tây Ban Nha đã đặt mua tại Trung Quốc một số thiết bị, vật tư y tế trị giá
tổng cộng 467 triệu đô la, bao gồm 5.500.000 bộ xét nghiệm, 950 máy trợ
thở, 11 triệu đôi găng tay và 500 triệu khẩu trang. Sau đó, giới y tế nước
này đã báo động là gần 70% bộ xét nghiệm mua từ Trung Quốc đã cho
kết quả không chính xác. Chính phủ Trung Quốc đổ lỗi cho một công ty
không được chính quyền Trung Quốc cấp phép.
Cộng hòa Séc cũng nhập
những bộ kit xét nghiệm từ Trung Quốc và một quan chức y tế địa phương của
nước này đã tố cáo kết quả xét nghiệm từ các bộ kit nhanh của Trung Quốc
cho kết quả sai đến 80%.
Cuối tháng 3, Thứ
trưởng Y tế Philippines thông báo kit thử Covid-19 của Trung Quốc có độ nhạy
chỉ 40%. Bộ Y tế nước này sau đó phải xin lỗi khi Bắc Kinh nổi giận.
Tiến sĩ - Bác sĩ Võ
Xuân Sơn làm việc tại Phòng Khám Quốc Tế EXSON ở Sài Gòn nhận định:
“Cá nhân tôi thì không
tin vào những sản phẩm từ Trung Quốc. Trên thực tế thì gần đây có một số nước
đã phản ánh chất lượng các bộ kit xét nghiệm nhập từ Trung Quốc. Do đó Việt Nam
cũng phải xem xét kỹ về chất lượng hàng viện trợ từ Trung Quốc. Nếu chất lượng
thật sự tốt thì mới xài còn không thì không nên xài. Nếu đã bỏ tiền mua thì
phải mua loại nào chất lượng tốt, độ tin cậy cao. Đồ Trung Quốc thì độ tin cậy
thấp.”
Bác sĩ Phạm Nhật An,
nguyên Phó Giám đốc Bệnh Viện Nhi Trung Ương kiêm trưởng Khoa Truyền Nhiễm Bệnh
Viện Nhi Trung Ương, thì có cái nhìn khác. Ông cho rằng nếu Trung Quốc viện trợ
thì cũng tốt và ông tin rằng Việt Nam sẽ kiểm tra lại chất lượng sản phẩm trước
khi dùng. Việt Nam có khả năng làm việc này. Ông nói thêm:
“Với những sản phẩm
trong ngành y tế, đặc biệt là những kít xét nghiệm thì phải có độ chuẩn xác
nhất định mới bảo đảm an toàn cho người bệnh cũng như cho việc chống dịch bệnh.
Mình không hiểu thực
chất độ nhạy, độ đặc hiệu của những test thử nghiệm từ Trung Quốc thì Việt Nam
phải kiểm định chất lượng chứ không thể chỉ tin vào thông tin của nhà sản
xuất.”
Tiến sĩ khoa học
Nguyễn Hồng Vũ từ California thì cho rằng, nhập thì cũng phải nhập vì Trung
Quốc hiện nay là nhà máy sản xuất của thế giới. Tuy nhiên cần chọn những đơn vị
sản xuất tin cậy và test hàng cẩn thận trước khi đưa vào sử dụng. Các test cần
làm cho các mặt hàng y tế lúc này là: test độ sạch, an toàn sinh học (bảo đảm
không nhiễm virus hoặc các chất độc); test tính năng để đảm bảo các thiết bị
đó hoạt động đúng theo yêu cầu kỹ thuật.
Qua những phát biểu
vừa nêu, nỗi lo về chất lượng, đặc biệt chất lượng của trang thiết bị, sản phẩm
y tế do Trung Quốc sản xuất, là một thực tế có thực được chứng minh qua những
bài học trước đây và hiện nay. Những kinh nghiệm đó không chỉ người Việt bao
lần trải nghiệm, mà nhiều nước khác cũng nêu rõ.
Tin, bài liên quan
No comments:
Post a Comment