Sunday, June 30, 2019

Cuộc Gặp Gỡ Lịch Sử Trump-Un tại biên giới Nam Bắc Hàn


Cuc Gp G Lch S Trump-Un
Cuộc gặp phá vỡ mọi chuẩn mực ngoại giao của Trump – Kim
Lời mời gặp đưa ra trên Twitter và các nhà ngoại giao hai nước dường như không đủ thời gian để thống nhất một kế hoạch chi tiết cho cuộc họp.


Hai hội nghị thượng đỉnh đầu tiên giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un là những sự kiện được sắp xếp trong thời gian dài, thông qua các kênh ngoại giao và quy trình chính thức. Thế nhưng, cuộc gặp thứ ba giữa hai lãnh đạo dường như là kết quả của một quyết định ngẫu hứng, phá vỡ mọi quy tắc ngoại giao thường thấy.
Mọi việc bắt đầu bằng bài đăng trên Twitter của Tổng thống Trump vào sáng sớm 29/6. "Sau một số cuộc họp rất quan trọng, bao gồm cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, tôi sẽ rời Nhật Bản đến Hàn Quốc để gặp Tổng thống Moon Jae-in. Trong thời gian tôi ở đó, nếu Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un nhìn thấy dòng tweet này thì tôi sẵn sàng gặp ông ấy ở biên giới Hàn - Triều, Khu Phi quân sự bán đảo Triều Tiên (DMZ) chỉ để bắt tay và chào hỏi", Trump viết.
Thông báo của Trump dường như làm tất cả mọi người bất ngờ, kể cả các cố vấn thân cận của ông. Chỉ ba giờ trước đó, Nhà Trắng ra thông báo về chuyến thăm của Tổng thống tới Hàn Quốc, nhưng không đề cập đến kế hoạch tới DMZ gặp lãnh đạo Triều Tiên.
Ngay cả người được mời, lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, cũng bị bất ngờ. Trong cuộc gặp ở Khu vực An ninh Chung sau đó, ông Kim thừa nhận rằng đã rất ngạc nhiên khi Tổng thống Mỹ gửi lời mời gặp mặt qua Twitter và đến tận chiều muộn ngày 29/6, ông mới có thể nhận lời.
Những gì diễn ra ở DMZ chiều 30/6 hoàn toàn trái ngược với hai hội nghị thượng đỉnh ở Singapore và Hà Nội, nơi mọi thứ được sắp xếp tỉ mỉ đến từng chi tiết. Tại Singapore, hai lãnh đạo tiến ra từ hai bên sân khấu vào cùng một thời điểm, dừng lại ngay chính giữa bục và bắt tay, phía sau là những lá cờ Mỹ, Triều Tiên được sắp xếp xen kẽ, với số lượng bằng nhau.
Còn lần này, không ai dám chắc hai lãnh đạo sẽ tiến về phía đường phân định biên giới Hàn - Triều vào lúc nào. Với lời mời được đưa ra chỉ một ngày trước đó qua Twitter, các nhà ngoại giao hai nước dường như không đủ thời gian để thống nhất một kế hoạch chi tiết cho cuộc gặp.
Khi Trump chuẩn bị bước tới đường phân định, ai đó ngó ra từ Nhà Tự do bên phía Hàn Quốc, vẫy vẫy tay về phía Triều Tiên, như ra hiệu rằng Tổng thống Mỹ sắp xuất hiện. Vài giây sau, Trump bước ra khỏi cánh cửa kính, trong khi Kim bắt đầu rời khỏi tòa nhà Panmungak ở phía bắc.
Dù Trump đã cố gắng đi chậm hết mức có thể, ông vẫn đến đường phân định sớm hơn Kim vài giây. Sau khi bắt tay, Trump bất ngờ ngỏ lời với Kim: "Ông có muốn tôi bước qua ranh giới không?" Trump sau đó thừa nhận rằng ông không biết trước Kim sẽ trả lời như thế nào và cũng không ai hình dung được Tổng thống Mỹ sẽ phản ứng ra sao nếu đề nghị đó bị từ chối.
Ngay khi lãnh đạo Triều Tiên nói rằng đây là "niềm vinh hạnh", Trump liền bước sang đường biên giới, trở thành Tổng thống Mỹ đương nhiệm đầu tiên đặt chân lên lãnh thổ Triều Tiên. Ông tiến 20 bước, bắt tay lãnh đạo Triều Tiên. Thực tế, theo lệnh cấm do chính quyền Trump đặt ra, các công dân Mỹ không được phép đến Triều Tiên nếu không có sự cho phép đặc biệt.
Khi mọi người chưa hết ngạc nhiên, Trump lại có hành động bất ngờ khi mời Kim bước vào lãnh thổ Hàn Quốc, dù ông không phải là lãnh đạo nước này.
Chung-in Moon, cố vấn đặc biệt của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, nói rằng việc Tổng thống Mỹ mời lãnh đạo Triều Tiên vào lãnh thổ Hàn Quốc là "điều khá bất thường và đáng ngạc nhiên".
Các quan chức cấp cao của Hàn Quốc dường như cũng bất ngờ khi thấy Trump -  Kim bước vào họp riêng tại Nhà Tự do trên lãnh thổ Hàn Quốc. Trump ban đầu nói rằng ông chỉ "chào hỏi và bắt tay Kim trong hai phút", nhưng rốt cuộc họ lại hội đàm riêng cùng nhau gần một giờ, trong khi các cố vấn thân cận nhất của Trump cũng không được tham dự.
Nhưng những bất ngờ trái quy tắc ngoại giao đó đã đem lại kết quả khả quan, khi Mỹ và Triều Tiên nhất trí sẽ tái khởi động tiến trình đàm phán phi hạt nhân hóa. Cuộc đàm phán này đã bị đình trệ kể từ sau hội nghị thượng đỉnh hồi tháng hai, bất chấp nỗ lực trung gian hòa giải của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in hay những tín hiệu phát đi từ Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo.
Chun Young-woo, cựu cố vấn an ninh quốc gia Hàn Quốc, cho rằng sự "tuyệt vọng" vì đàm phán bế tắc đã thúc đẩy Kim Jong-un nhanh chóng chấp nhận lời mời gặp mặt không theo bất cứ quy chuẩn ngoại giao nào của Trump. "Tôi có thể thấy rằng Triều Tiên rất muốn thoát khỏi tình cảnh kinh tế hiện nay, nhưng không rõ cuộc gặp có phải là dấu hiệu cho thấy Bình Nhưỡng sẽ thay đổi lập trường và điều kiện với Washington hay không", Chun nói.
Leif-Eric Easley, giáo sư Đại học Ewha của Hàn Quốc, thì cho rằng cuộc gặp Trump -  Kim lần này chỉ mang tính biểu tượng khi được tổ chức quá gấp gáp, không đủ làm chất xúc tác cho tiến trình hòa bình thực sự trên bán đảo Triều Tiên.
"Tiến trình hòa giải cần một nền tảng chính trị lâu dài, và trong trường hợp Triều Tiên, điều đó cần đến phi hạt nhân hóa và cải thiện nhân quyền", Easley nói.
Trong khi đó, Hong Min, chuyên gia nghiên cứu tại Viện Thống nhất Quốc gia Hàn Quốc, cho rằng cuộc gặp đầy bất ngờ ở DMZ đã tạo ra bầu không khí tích cực để các bên tìm ra điểm chung trong các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa sau này.
"Khi hai lãnh đạo nỗ lực xây dựng lại niềm tin lẫn nhau, họ sẽ từ bỏ những phương pháp cũ từng áp dụng trước đây và thể hiện sự linh hoạt nhất định trong những vòng đàm phán cấp làm việc tới đây", Hong nhận định.
Phương Vũ (Theo CNA/ Korea Herald


No comments:

Post a Comment