Dấu
chỉ huy hoàng của tham nhũng
17/04/2019
Thông qua báo chí, ông
Lê Minh Khái, Tổng Thanh tra của chính phủ Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam,
vừa bảo với đồng bào rằng, lực lượng Thanh tra của chính phủ sẽ “rà soát”
chuyện giới lãnh đạo của lực lượng này lũ lượt dắt díu nhau đi ngoại quốc bằng
công quỹ để “làm việc, trao đổi kinh nghiệm, học tập về phòng chống tham
nhũng”, trước khi… đồng loạt nghỉ hưu (1).
Cho dù hệ thống chính
trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam đang ra sức chứng minh nỗ lực phòng –
chống tham nhũng là hết sức… quyết liệt, không hề có… vùng cấm nhưng chuyện
Thanh tra thuộc chính phủ từ cao cấp đến trung cấp, lũ lượt dắt díu nhau đi
ngoại quốc trong lúc “chờ hưu”, chính là ví dụ minh họa mới nhất, rõ ràng nhất
cho thấy thời đại tham nhũng từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài sẽ còn… huy
hoàng.
***
Đầu tuần trước, tờ
Tuổi Trẻ công bố một thống kê, theo đó, từ tháng 8 năm ngoái đến tháng ba năm
nay, lực lượng Thanh tra của chính phủ Việt Nam liên tục thành lập các “Đoàn
công tác”, cử đến Đan Mạch, Nga, Nam Hàn, Nhật, Hồng Kông. Thành viên trong các
“Đoàn công tác” này bao gồm viên chức Thanh tra đủ cấp, từ những cá nhân cao
cấp nhất đến lãnh đạo cấp Vụ, cấp phòng, kể cả nhà báo của cơ quan ngôn luận
thuộc ngành Thanh tra.
Tờ Tuổi Trẻ không cho
biết tổng chi phí cho các “Đoàn công tác” là bao nhiêu mà chỉ kể rằng, tất cả
thành viên của các “Đoàn công tác” đều được ngân sách đài thọ từ tiền mua vé
máy bay khứ hồi quốc tế, tiền mua vé máy bay, vé tàu, thuê phương tiện đi lại ở
các quốc gia mà họ đến trong thời gian công tác, đến chi phí khách sạn, ăn
uống, điện thoại, kể cả tiền… tiêu vặt, cùng với đủ thứ chi phí khác (bảo hiểm,
thuê phiên dịch,…), theo đúng qui định chi tiêu cho công vụ ở ngoại quốc mà Bộ
Tài chính ban hành.
Điểm đáng chú ý là cho
dù mục tiêu của các đợt công tác tại ngoại quốc được minh định nhằm “làm việc,
trao đổi kinh nghiệm, học tập về phòng chống tham nhũng” nhưng “Đoàn công tác”
nào cũng có các viên chức đã nhận được quyết định cho nghỉ hưu như: Ông Lê Khả
Thanh (Phó Văn phòng của lực lượng Thanh tra thuộc chính phủ Việt Nam), ông
Nguyễn Thanh Hải (Tổng Biên tập báo Thanh tra), ông Đặng Quang Trọng (cán bộ Vụ
Giám sát thẩm định và xử lý sau thanh tra),…
Cũng vì vậy, sau khi
cùng với các “Đoàn công tác” ra ngoại quốc “làm việc, trao đổi kinh nghiệm, học
tập về phòng chống tham nhũng”, những viên chức có tên như vừa kể đều đã nghỉ
hưu ngay sau đó. Dù muốn những Lê Khả Thanh, Nguyễn Thanh Hải, Đặng Quang
Trọng,… cũng chỉ có thể chia sẻ kinh nghiệm, ứng dụng kiến thức đã thu thập
được từ châu Âu, châu Á với… vợ con, cháu chắt, rộng hơn là với các đồng chí
đang sinh hoạt trong… tổ hưu!
***
Tham nhũng không đơn
thuần là lạm dụng công quyền để thu đoạt các lợi ích vật chất có thể định danh,
định tính, định lượng một cách dễ dàng. Tham nhũng còn là lạm dụng công quyền
để thủ đắc lợi ích dưới những hình thức hết sức đa dạng khác. Không phải tự
nhiên mà phòng ngừa tham nhũng luôn luôn song hành với chống lãng phí. Lãng phí
không chỉ tạo tiền đề thuận lợi cho tham nhũng. Lãng phí là một trong các dạng
thức tham nhũng.
Không phải tự nhiên mà
Thanh tra của chính phủ Việt Nam – lực lượng chính trong công cuộc phòng, chống
tham nhũng tại Việt Nam – liên tục tổ chức thanh tra việc sử dụng công quĩ, cử
các đoàn đi công tác ở ngoại quốc. Năm ngoái, lực lượng này từng làm công chúng
bàng hoàng khi công bố kết quả thanh tra chuyện lập đoàn, cử người đi công tác
ở ngoại quốc của bốn bộ và sáu tỉnh: Chỉ trong bốn năm, từ 2012 đến 2016, bốn
bộ và sáu tỉnh này đã chi hơn 1.000 tỉ, lập 17.500 “Đoàn công tác” ở ngoại
quốc.
Kết luận thanh tra vừa
kể được công bố vào tháng 7 năm 2018. Lúc đó, Thanh tra của chính phủ Việt Nam
từng dõng dạc đề nghị Thủ tướng Việt Nam yêu cầu các bộ, địa phương có liên
quan tổ chức kiểm điểm, xác định hình thức xử lý tương xứng với vi phạm. Trong
đủ loại vi phạm các qui định hiện hành về thành lập “Đoàn công tác” cử người đi
ngoại quốc, có cả vi phạm sử dụng danh nghĩa công tác, lấy công quỹ đưa các
viên chức sắp, thậm chí đã nghỉ hưu đi du lịch ở ngoại quốc (3).
Giờ, người ta mới
biết, vào đúng thời điểm công bố Kết luận thanh tra việc các bộ: Tài chính,
Công Thương, Thông tin - Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước và các tỉnh: Vĩnh
Phúc, Hòa Bình, Thanh Hóa, Đắk Lắk, Đồng Nai, Tiền Giang thành lập 17.500 “Đoàn
công tác”, cử 53.000 lượt viên chức đi ngoại quốc trong bốn năm từ 2012 đến
2016, giới lãnh đạo lực lượng Thanh tra của chính phủ Việt Nam còn thản nhiên
phê duyệt kế hoạch thành lập các “Đoàn công tác”… tương tự!
Thanh tra của chính
phủ Việt Nam, lực lượng chuyên trách, được giao đảm nhận vai trò “tiếp nhận các
khiếu nại, tố cáo, tổ chức kiểm tra việc chấp hành, thực thi các qui định pháp
luật trong hệ thống công quyền, thông qua đó xác định nguyên nhân tham ô, lãng
phí để khuyến nghị các cấp có thẩm quyền đặt định những giải pháp hữu hiệu nhằm
phòng ngừa, giải quyết tận gốc tệ nạn tham nhũng, lãng phí” (4)mà cũng ô trọc,
trâng tráo như thế thì còn bàn tay nào đủ sạch để phòng – chống tham nhũng?
***
Chuyện lực lượng Thanh
tra của chính phủ Việt Nam cũng thành lập các “Đoàn công tác”, rồi chọn – cử
những thành viên từ cao cấp đến trung cấp đi châu Âu, châu Á “làm việc, trao
đổi kinh nghiệm, học tập về phòng chống tham nhũng”, trước khi… họ đồng loạt
nghỉ hưu cho thấy, dù tệ nạn đã trở thành quốc nạn, tham nhũng vẫn đang trong
giai đoạn… huy hoàng.
Sự huy hoàng đó được
chính lực lượng thanh tra tham gia tô điểm không chỉ bằng scandal vừa kể mà còn
bằng những khối tài sản khổng lồ ai cũng biết từ đâu mà ra của những Tổng Thanh
tra như: Trần Văn Truyền (5), Huỳnh Phong Tranh (6),… những Phó Tổng Thanh tra
như Ngô Văn Khánh (7),… Khi không phải Thanh tra viên, chỉ là nhân viên cấp
thấp như Hoàng Đức Cần mà cũng có thể khai thác cả uy thế lẫn ưu thế của lực
lượng chuyên trách phòng – chống tham nhũng để bóp cổ cả mẹ liệt sĩ lấy thù lao
giải quyết khiếu nại, tố cáo (8)thì thay vì chỉ “hưởng dương” tham nhũng dư
điều kiện để “hưởng thọ”.
Chú thích
(3) https://vnexpress.net/thoi-su/bon-bo-nganh-chi-hon-1-000-ty-di-nuoc-ngoai-mot-nhiem-ky-3775172.html
No comments:
Post a Comment