BÀI 69: CÁC TỔNG THỐNG MỸ VÀ VIỆT NAM (Phần I)
Vũ Linh
Cuộc chiến VN cần phải có cả vạn trang sách để tìm hiểu và thảo luận.
Tháng Tư Đen đương nhiên là một tháng u buồn, ảm đạm, chúng ta ngồi thương cho số phận đất nước. Nhưng đó là thái độ tiêu cực vô bổ. Điều cần làm là tỉnh táo nhìn lại lịch sử để biết cho rõ chuyện gì đã xẩy ra, chia sẻ với con cháu như những bài học biết đâu sẽ giúp chúng sau này.
Diễn Đàn Trái Chiều sẽ viết hai bài về các tổng thống Mỹ có liên quan đến vấn đề VN, xét lại vai trò và trách nhiệm của họ đưa đến số phận đen tối của đất nước ta. Hai bài này sẽ xét quan hệ Mỹ-Việt qua 2 giai đoạn: với Quốc Gia VN và với VNCH, cho tới năm 1975.
Trong khuôn khổ diễn đàn này, chỉ có thể tóm lược một cách đơn sơ nhất trong vài ngàn chữ thôi. Với những vị quen thuộc với Việt sử, bài này không có gì mới lạ, DĐTC chỉ là nhắc lại vài điểm chính cho những bạn trẻ ở Mỹ học lịch sử chiến tranh VN qua sách sử cấp tiến Mỹ, cũng như cho giới trẻ ở VN từ hồi nào đến giờ chỉ biết lịch sử cận đại VN qua cái diễn giải một chiều lố bịch của VC, kiểu súng lục bắn rớt B-52!
Bài này cũng không bàn về vai trò và trách nhiệm của người Việt, chính quyền cũng như dân chúng.
Trước khi đi xa hơn, có vài điều phải coi như tiền đề để thảo luận.
1. Quyền hạn của tổng thống Mỹ cực lớn, nhất là trong chính sách quốc phòng và đối ngoại, do đó chính sách của Mỹ đối với VN tùy thuộc gần như hoàn toàn vào cá nhân các tổng thống, có thể thay đổi hoàn toàn từ ông này đến ông khác. Tuy nhiên, quyền hạn của họ cũng bị giới hạn bởi quốc hội và nhất là dư luận quần chúng và nhu cầu bầu bán cho cá nhân họ cũng như cho đảng của họ. Tất cả những giả thuyết về thế lực ngầm quốc tế nào đó, theo ý kiến cá nhân, chỉ là chuyện vớ vẩn, không có căn bản và không đáng tin, tuy ai muốn tin vẫn có quyền tin.
2. Tất cả các tổng thống Mỹ đều lấy quyết định dựa trên mục tiêu tối hậu là quyền lợi của nước Mỹ và dân Mỹ, tuy ‘quyền lợi’ có thể khác nhau từ vị tổng thống này đến vị khác. Điểm mấu chốt cho chúng ta là xin đừng bao giờ nghĩ họ phải hành động vì quyền lợi của nước VN và dân VN. Đừng bao giờ trách cứ họ đã phản bội hay bán đứng VN, cũng như đừng bao giờ thắc mắc họ đã đặc biệt thương hay ghét dân Việt.
3. Tất cả các tổng thống Mỹ đều là con người, không ai là thần thánh hay ác qủy, tuyệt đối tốt hay xấu, tuyệt đối hoàn hảo hay rác rến. Họ cũng bị chi phối bởi những hỷ nộ ái ố, tự ái, thể diện, tham vọng, thói hư tật xấu, hay ngược lại bởi tính vị tha, nhân đạo cá nhân. Họ cũng đã phạm những sai lầm, sơ xuất như bất cứ người nào khác.
TỔNG THỐNG MỸ VÀ QUỐC GIA VIỆT NAM
Quốc Gia Việt Nam trên nguyên tắc ‘ra đời’ khi thực dân Pháp chính thức trao trả độc lập năm 1949 dưới sự lãnh đạo của Đức Quốc Trưởng Bảo Đại, khi đó không chính thức gọi là vua hay hoàng đế. Chính thức cáo chung tại miền bắc năm 1954 khi Việt Minh (VM) tiếp thu Bắc Việt, và miền nam năm 1955 khi Bảo Đại bị truất phế và VNCH ra đời. Đây là thời đại của các tổng thống Truman và Eisenhower.
1. TT Truman. Dân Chủ 1945-1953
TT Harry Truman kế nhiệm TT Roosevelt qua đời vì bệnh tháng 4/1945.
TT Roosevelt là người chống việc thực dân đô hộ các thuộc địa. Ông chủ trương ép các đồng minh Âu Châu phải trao trả độc lập cho các thuộc địa sau khi triệt hạ được trục phát-xít Đức-Ý-Nhật. Trong vấn đề Đông Dương, ông đề nghị ba nước Việt-Miên-Lào phải được đặt dưới một chế độ đặc biệt, gọi là ‘trusteeship’ dưới quyền cai quản của một ‘ủy ban quốc tế’ gồm có Pháp, Tàu, Nga, và đại diện ba nước, trong một thời gian chuyển tiếp có thể kéo dài vài chục năm từ thuộc địa qua độc lập trọn vẹn. Coi như thời gian ba nước thuộc địa cần có để ‘tập tự trị’.
TT Truman chấp chánh trong giai đoạn mới, khi Thế Chiến Thứ Hai sắp chấm dứt tuy vẫn còn đánh lớn tại Á Châu. Nhưng ông lại phải trực diện với một vấn đề gai góc hơn, đó là sự lớn mạnh của tân đế quốc đỏ Liên Xô. Vừa giải quyết xong cuộc chiến với Nhật, thì ông đã phải đối phó với sự lớn mạnh của Hồng Quân của Mao, đưa đến đại thắng của Tàu cộng năm 1949 với sự giúp đỡ tối đa của Liên Xô. Ngay sau đó thì bàn tay lông lá của Liên Xô bò qua bán đảo Triều Tiên, dựng lên và nuôi lớn bắc Triều Tiên với tham vọng thôn tính luôn nam Triều Tiên, đưa đến cuộc chiến nam-bắc Triều Tiên.
Trước mối đe dọa của CS quốc tế, TT Truman lo sợ mất Âu Châu, nên chú tâm củng cố việc phòng thủ Âu Châu, một mặt viện trợ kinh tế tối đa để tái thiết Tây Âu qua chương trình mang tên tướng Marshall, mặt khác tìm cách thành lập một liên minh quân sự chống Liên Xô, sau này ra đời với cái tên Liên Minh Bắc Đại Tây Dương, NATO.
Trong khối Tây Âu, nhân vật với cái tôi vĩ đại nhất lịch sử nhân loại, cái tôi cá nhân cũng như cái tôi quốc gia, chính là De Gaulle của Pháp. Tướng De Gaulle khi đó chưa là tổng thống, nhưng vì là người lãnh đạo chính quyền lưu vong Pháp dưới thời Hitler chiếm nước Pháp, ông có tiếng nói rất lớn. Điều kiện của De Gaulle để Pháp tham gia một liên minh quân sự chống Nga tại Âu Châu là Pháp phải được giữ Đông Dương, dù cho ba nước Đông Dương sẽ được độc lập trên nguyên tắc, nhưng trên thực tế vẫn phải lệ thuộc Pháp trong cái khối gọi là Liên Hiệp Pháp, và cả 3 ông vua của 3 nước đều là bù nhìn bình phong. Tướng De Gaulle nhất quyết không nhả các thuộc địa Đông Dương cũng như Phi Châu.
Mặt khác, TT Truman hiển nhiên cũng nhìn thấy nguy cơ làn sóng đỏ Trung Cộng tràn xuống VN và Đông Nam Á, nên cũng thấy cần Pháp trở lại Đông Dương để chặn.
Vì cần Pháp, TT Truman bỏ kế hoạch trusteeship của TT Roosevelt, gián tiếp chấp nhận và giúp Pháp trở lại chiếm vị thế tại Đông Dương. Đây có lẽ là quyết định có hệ quả quan trọng nhất cho số phận đất nước ta. Nếu như De Gaulle không yêu sách và nếu như TT Truman thi hành sách lược của TT Roosevelt, thì lịch sử đã đi về một hướng khác, có lẽ sẽ không có hai cuộc chiến tranh VN kéo dài 30 năm.
Quân đội Pháp dưới quyền tướng Leclerc rầm rộ trở lại Đông Dương với sự hậu thuẫn của Mỹ và tiếp sức của quân đội Anh có trách nhiệm giải giới quân Nhật trong Nam, và quân đội của Tầu khi đó dưới quyền Tưởng Giới Thạch lo giải giới quân Nhật tại miền Bắc. Tướng Leclerc trục xuất VM ra khỏi Hà Nội và tất cả các tỉnh lớn.
Chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất ra đời tháng Chạp 1946. Chính quyền ‘độc lập’ của Quốc Gia VN với Bảo Đại mất chính nghiã. VM lớn mạnh trong rừng núi Bắc Việt.
Cuộc chiến ra đời trong tinh thần ái quốc chống thực dân Pháp mau mắn chuyển hướng thành cuộc chiến quốc cộng vài năm sau, khi Trung Cộng công khai giúp đỡ VM và VM bắt đầu thi hành các chính sách cộng sản như cải cách điền địa theo mô thức Tàu cộng trong những vùng chiếm được, trong khi Mỹ công khai giúp Pháp và chính quyền Bảo Đại từng bước tìm độc lập thật sự, nhưng từng bước quá nhỏ và quá chậm. Người Việt ái quốc bị kẹt trong thế phải lựa chọn: một là đi theo cộng sản VM chống Pháp đến cùng, hai là chấp nhận Bảo Đại như một bước tiến đến độc lập hoàn toàn không lệ thuộc thực dân cũng chẳng bị nhuộm đỏ. Rất nhiều người yêu nước thật sự, đi theo VM nhưng sau ít lâu, không chấp nhận CS, ‘về thành’ như các ông Nguyễn Khánh, Nguyễn Văn Thiệu và Phạm Duy. Nhiều người khác đi theo Việt Quốc hay Việt Cách, cho đến khi các tổ chức này bị VM tiêu diệt, đành phải về với Bảo Đại.
Cuối trào Truman cũng là giai đoạn cam go nhất khi VM với viện trợ quân sự ào ạt của Mao sau khi đã chiếm được cả lục địa Tầu, đã đủ lớn mạnh để tung ra những trận đánh biển người, nướng lính theo sách lược của Mao trong khi Pháp thẳng tay diệt dưới quyền tướng De Lattre de Tassigny. Cuộc chiến leo thang, thanh niên Việt cả hai bên chết hàng vạn, nhưng vẫn bất phân tháng bại.
Kết luận đơn giản nhất, TT Truman có ‘tội’ vì đã giúp Pháp trở lại VN, đẻ ra cuộc chiến tranh Đông Dương thứ nhất. Cũng phải nói ngay nếu TT Truman không giúp Pháp trở lại, thì cả nước VN đã bị cộng sản hóa ngay sau cái gọi là Cách Mạng Tháng 8/45 khi VM chiếm chính quyền trong khoảng trống sau khi Nhật đầu hàng. Các đảng phái quốc gia khi đó đơn độc, hiển nhiên không đủ khả năng chống đỡ VM với TC và Liên Xô đứng sau lưng.
2. TT Eisenhower. Cộng Hòa 1953 -1960
Cựu tư lệnh lực lượng đồng minh đánh tan Hitler, tướng Dwight Eisenhower đắc cử tổng thống Mỹ, nhậm chức đầu năm 1953.
Ông tiếp nhận một tình trạng dở dở ương ương tại Đông Dương. Ông giúp Pháp một cách bất đắc dĩ vì là đồng minh chính trị nhưng trong thâm tâm không ưa Pháp và muốn giúp VN được độc lập thật sự và mau chóng.
Bất ngờ, ông bị đặt trước chuyện đã rồi khi Pháp quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ, đóng chốt tại con đường tử huyệt của VM qua Lào, để câu VM đến đánh, ngõ hầu Pháp có cơ hội dùng hỏa lực mạnh hơn để tiêu diệt hết. VM chấp nhận thách đố, mang quân đến bao vây ĐBP với ý định ngược, tiêu diệt quân Pháp một lần cho trọn.
Pháp đã đánh giá VM sai lầm hoàn toàn, bị đe dọa tiêu diệt thật. Cầu cứu TT Eisenhower mang bom nguyên tử chiến lược –nhỏ- tiêu diệt hầu như toàn bộ lực lượng VM đang tập trung quanh ĐBP. TT Eisenhower tham khảo với Anh Quốc, lo ngại việc tham gia quá lớn của Mỹ sẽ mang tai tiếng cho Mỹ, sẽ bị gắn liền với việc bảo vệ thực dân Pháp duy trì thuộc địa. Ông quyết định chỉ tham gia mạnh nếu có một liên minh quốc tế trong đó có Anh, Úc, Tân Tây Lan và vài quốc gia Á Châu như Phi Luật Tân, Thái, Mã Lai. Liên minh không thành vì Anh Quốc lo ngại sẽ xẩy ra đại chiến thế giới thứ ba hay ít nhất đại chiến Á Châu và TC sẽ đánh Ấn Độ, Mã Lai, Tân Gia Ba, là những tử huyệt của Anh. Anh khi đó đã trả độc lập lại cho Ấn Độ và Mã Lai, nên cũng không thấy lý do gì phải giúp Pháp duy trì thuộc địa Đông Dương.
Không có sự tham gia của Anh, TT Eisenhower từ chối can thiệp mạnh hơn, tuy có tăng cường phi vụ thả bom chung quanh ĐBP cho có, nhưng không đủ để cứu Pháp.
TT Eisenhower có thể đã tính đường khác. Chấp nhận cho Pháp thua để Mỹ vào thay thế đánh VM mà không bị mang tiếng là đồng minh của thực dân, đưa cuộc chiến đi thêm một bước nữa vào cuộc chiến tư bản - cộng sản quốc tế, không còn mang cái áo chiến tranh dành độc lập của một thuộc địa nữa.
Pháp thất trận ĐBP, qua Hòa Ước Geneve, tháo chạy, trao một nửa nước cho VM, phần miền nam còn lại, bán cái qua cho Mỹ.
TT Eisenhower mang con bài của mình về nước, thủ tướng Ngô Đình Diệm chấp chánh với hậu thuẫn mạnh mẽ của cả TT Eisenhower lẫn đảng đối lập DC qua các thượng nghị sĩ Mike Mansfield và John Kennedy, cũng như yểm trợ tích cực của khối công giáo của Hồng Y Francis Spellman.
Thủ tướng Diệm quan niệm VN cần phải lột xác, xóa bỏ tận gốc mọi dấu vết của chế độ thuộc địa mới có hy vọng thành công trong cuộc chiến sống còn chống CS. Bắt đầu bằng cách truất phế quốc trưởng bù nhìn Bảo Đại chỉ lo ăn chơi tại Hồng Kông và Nice, trục xuất tất cả quan chức Pháp, xóa bỏ mọi dấu vết của chế độ thuộc địa, và tiêu diệt tận gốc tất cả băng đảng, giáo phái tay sai của Pháp như Bình Xuyên, và cả các quan lại trong các đảng gọi là ‘quốc gia’. Ông mau mắn chứng minh cho dân Việt và cả thế giới thấy ông là người yêu nước chân chính, có khả năng và được hậu thuẫn mạnh của những người Việt quốc gia không chấp nhận Pháp nhưng cũng chống CS.
TT Eisenhower và cả đảng DC tích cực hậu thuẫn thủ tướng rồi tổng thống Diệm, từ kinh tế đến quân sự và cả chính trị, xã hội. Đưa đến thời cực thịnh của miền Nam, dưới chế độ Đệ Nhất Cộng Hòa cuối thập niên 1950 và đầu thập niên 1960. VN trở thành mô thức phát triển mẫu mực cho một nước chậm tiến mới thoát khỏi đô hộ, vừa phải ổn định chính trị, vừa phải lo định cư một triệu người bắc di cư, vừa lo chống đỡ đe dọa CS xâm lăng. Một gương sáng mà thủ tướng Lý Quang Diệu của Tân Gia Ba khi đó còn phải ước mơ.
Nhìn chung, TT Eisenhower là người có ‘tội’ là đã bỏ qua cơ hội tiêu diệt VM tại ĐBP, nhưng sau đó lại là người có công lớn đã củng cố miền Nam dưới Đệ Nhất Cộng Hòa.
TỔNG THỐNG MỸ VÀ VIỆT NAM CỘNG HÒA
Quốc Gia Việt Nam cáo chung năm 1955 khi thủ tướng Ngô Đình Diệm truất phế Bảo Đại, thành lập chế độ Cộng Hòa, chấp chánh như tổng thống đầu tiên của VN. VNCH tồn tại 20 năm, tới 1975 khi CSVN chiếm trọn miền Nam.
3. TT Kennedy. Dân Chủ 1961 – 1963
(Đoạn này trích dẫn từ bài #18: TT Kennedy Và VN đã đăng trên DĐTC tháng 4/2018:
Năm 1960, TNS John Kennedy đắc cử tổng thống. Ông tin tưởng một thể chế trung lập Lào với sự chấp nhận của Liên Xô sẽ bảo đảm Lào thành trái độn ngăn cản con đường ‘nam tiến’ của CSBV. TT Kennedy vận động Nga để rồi cuối cùng đẻ ra được hiệp định trung lập hóa Lào năm 1962. Một thể chế trung lập quái đản, trao vào tay Pathet Lào, con đẻ của CSBV, một nửa đông-nam của lãnh thổ Lào, giáp giới với CSBV, VNCH, và Căm Pu Chia, tức là để nguyên hành lang này cho CSBV chuyển quân vào Nam VN qua cái sau này gọi là ‘đường mòn HCM’.
Đây là sai lầm chiến lược vĩ đại mang theo hậu quả cực kỳ tai hại cho miền Nam VN của tân tổng thống trẻ không bao nhiêu kinh nghiệm. TT Eisenhower đã đúng hoàn toàn khi tiên đoán CSBV sẽ không bao giờ tôn trọng trung lập của Lào bất kể thái độ của Liên Xô, và sẽ chiếm Căm Pu Chia và VNCH qua ngã Lào không sớm thì muộn.
Nhiệm kỳ của TT Kennedy cũng trùng hợp với sự ra đời chính thức và lớn mạnh của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam VN như công cụ của CSBV.
Năm 1963 là cái mốc đổi đời của VNCH. Cuộc chiến leo thang mạnh khi CSBV bắt đầu chuyển quân ào ạt vào miền Nam trong khi TT Diệm gặp khó khăn chính trị lớn khi biến cố Phật giáo miền Trung nổ ra, rồi sau đó bị lật đổ.Năm này cũng là năm truyền thông Mỹ đổ bộ vào miền Nam và tin tức chiến sự VN cũng như những khó khăn chính trị của TT Diệm bắt đầu tràn ngập mặt báo và TV Mỹ. Hàng đoàn ký giả Mỹ thay vì chỉ làm nhiệm vụ thông tin trung thực thì đều đã biến thành chuyên gia sách động cho việc Mỹ chấm dứt can thiệp vào cuộc chiến, triệt để bôi bác miền Nam, tiếp tay cho bộ máy tuyên truyền của CSVN trong dư luận Mỹ.
Năm 63 cũng là năm TT Kennedy rất sợ tin xấu vì ông chuẩn bị tái tranh cử trong năm 64. TT Kennedy nhìn thấy rõ hai lựa chọn của ông: một là phủi tay, chấm dứt mọi can thiệp, và hai là can thiệp mạnh hơn. Nhất chín nhì bù, không có giải pháp lằng nhằng ở giữa.
Giải pháp rút lui ngay khó làm được vì Mỹ vẫn còn bị chi phối bởi thuyết domino, lo sợ sẽ mất hết cả Đông Nam Á nếu bỏ Nam VN, chưa kể TT Kennedy vẫn bị ám ảnh bởi hình ảnh một tổng thống yếu đuối bị Khrushchev coi thường, thất bại hai lần ở Cuba (trong vụ đổ bộ tại Vịnh Con Heo, và vụ tháo gỡ hỏa tiễn nguyên tử của Liên Xô tại Cuba), cũng như viễn tượng phải tranh cử chống ông diều hâu Nixon trong kỳ bầu cử tới. Ngược lại, can thiệp mạnh chỉ có thể thực hiện được nếu loại bỏ được anh em ông Diệm-Nhu vì TT Diệm không chấp nhận can thiệp sâu hơn của Mỹ.
Ở đây không phải chỉ là việc TT Diệm bác bỏ ý kiến đổ bộ lính Mỹ vào VN, mà còn là việc ông chống lại ý định của Mỹ muốn gia tăng kiểm soát cuộc chiến quân sự cũng như kiểm soát chính trị và kinh tế. Người Mỹ muốn nắm quyền quyết định quân sự, nắm luôn hầu bao viện trợ quân sự và kinh tế, đồng thời ép TT Diệm thi hành những cải tổ chính trị theo ý của họ. Những yêu sách quá lớn mà TT Diệm cương quyết không nhượng bộ.
Về phiá VNCH thì một số tướng lãnh đã rục rịch tính chuyện lật đổ TT Diệm vì họ cho rằng ông này đã thất bại, mất hậu thuẫn dân, khiến VC ngày càng lớn mạnh, đe dọa sự tồn vong của cả miền Nam. Nhưng các tướng cũng chỉ có thể đảo chánh nếu nhận được bảo đảm Mỹ sẽ không can thiệp cản trở đảo chánh, hay nếu đảo chánh thành công, sẽ tiếp tục hậu thuẫn cuộc chiến chống CSBV. Chứ nếu đảo chánh xong, Mỹ rút đi không yểm trợ cho cuộc chiến thì nguy nặng vì VNCH sẽ không thể nào đương đầu được với CSBV vẫn nhận được viện trợ quân sự hùng hậu từ khối Liên Xô và TC.
Sau nhiều lưỡng lự và tranh luận nội bộ, chính quyền Kennedy lựa con đường can thiệp mạnh, chuyển qua giai đoạn tích cực áp lực các tướng lật đổ TT Diệm.
Cuộc đảo chánh năm 63, bất kể nguyên nhân và diễn biến, là một biến cố ‘đổi đời’, làm suy yếu nền tảng chính trị và quân sự của chính quyền VNCH, nhất là các tướng cả 3 năm sau vẫn bận rộn ‘chỉnh lý’ nhau, thay đổi các tư lệnh quân sự và chỉ huy địa phương như chong chóng.
Nhìn vào những sự kiện lịch sử trên, ta thấy rõ ta thua không phải năm 75, mà đã thua từ năm 63 với những khó khăn chính trị bị TTDC Mỹ khai thác tiếp tay cho VC, và khi TT Diệm bị lật đổ, hay xa hơn, thua từ năm 62 khi TT Kennedy phạm sai lầm chiến lược vĩ đại, ký hiệp ước ngớ ngẩn ‘trung lập hóa’ Lào.
TT Diệm trong 6 năm đầu là một vĩ nhân có công lớn khi đã thành công xây dựng nên một VNCH tương đối thịnh vượng và hùng mạnh từ đống tro tàn do thực dân Pháp để lại, nhưng ông cũng đã phạm nhiều sai lầm lớn trong 3 năm sau đó, khi gặp khó khăn chính trị nội bộ. Càng gặp khó khăn, TT Diệm càng tự cô lập, càng dựa vào gia đình, và càng trở nên độc đoán, đưa đến việc mất lòng dân rất nhiều, cuối cùng đi đến đảo chánh. Việc dân miền Nam nói chung khi đó bất mãn chế độ, ào ạt biểu tình chống TT Diệm trong vụ Phật giáo để rồi vui mừng xuống đường hoan hô Cách Mạng 1/11/1963 là những dữ kiện lịch sử, không thể phủ nhận, viết lại được.
Nếu TT Eisenhower có công lớn giúp TT Diệm gây dựng nên một VNCH tương đối thịnh vượng và hùng mạnh, thì TT Kennedy chính là người đã lấy 2 quyết định cực tai hại là mở hành lang ‘đường mòn HCM’ bên Lào cho CSBV xâm nhập và giúp lật đổ TT Diệm mở toang cửa cho TT Johnson can dự mạnh, khiến cuộc chiến của miền Nam mất hết chính nghiã, cuối cùng đưa đến việc mất cả miền Nam VN vào tay CSBV. Hơn tất cả các tổng thống khác, TT Kennedy đã là người chịu trách nhiệm lớn nhất trong việc mất miền Nam VN vào tay CSBV.
(Còn tiếp kỳ sau với vai trò quan trọng hơn của các TT Johnson, Nixon và Ford)
No comments:
Post a Comment