Biểu diễn ‘Vì người nghèo’: Chơi dại nhưng
hiệu quả cao
19/10/2018
Các tiết mục do Quốc hội,
chính phủ, Thành ủy TP.HCM biểu diễn để tuyên truyền cho tấm lòng của hệ thống
chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam với người nghèo rõ ràng là chơi… dại. Đáng
chú ý là trò chơi tuy bất trí vì bất màng nhân tâm ấy đã trở thành một cuộc trưng
cầu dân ý ngoài dự kiến, tốn kém không đáng kể nhưng hiệu quả rất cao…
***
Trung tuần tháng này,
Bộ Thông tin - Truyền thông, Bộ Lao động – Thương binh - Xã hội, Ban Thường trực
Ủy ban Trung ương của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam công bố kế hoạch hỗ trợ người
nghèo bằng cách gửi tin nhắn với ba ký tự VNN vào số 1409.
Ban Tổ chức cuộc vận động
“Cả nước chung tay vì người nghèo” cho biết, sẽ rút từ tài khoản của những người
gửi các tin nhắn như thế 20.000 đồng/tin nhắn để chuyển vào Quỹ Vì người nghèo…
Chưa rõ mức độ ủng hộ
của công chúng đối với kế hoạch quyên góp vừa kể sẽ như thế nào. Đến giờ chỉ mới
thấy hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam tích cực làm… gương.
Ngay sau khi bà Nguyễn
Thị Kim Ngân (Chủ tịch Quốc hội) đăng đàn kêu gọi “toàn Đảng, toàn quân, toàn dân”
tham gia đóng góp cho người nghèo, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và các Bộ trưởng
kéo nhau lên sân khấu, dàn thành một hàng ngang rồi cùng gửi tin nhắn góp tiền
giúp người nghèo.
Có lẽ vì nội các không
đông, hình ảnh hơn chục viên chức lãnh đạo chính phủ cùng gửi tin nhắn gây ấn tượng
không đủ mạnh, nên Thành ủy TP.HCM đã huy động toàn bộ cán bộ, nhân viên của cơ
quan này ra sân, xếp thành một khối, cùng nhắn tin, biểu diễn lại tấm lòng với người nghèo.
Đáng tiếc cho hệ thống
chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam là nỗ lực biểu thị sự quan tâm chân
thành của họ với người nghèo không được công chúng… chứng! Hàng chục triệu người
sử dụng mạng xã hội không những không khen mà còn… dè bỉu chẳng tiếc lời.
Ngay sau khi hệ thống
truyền thông chính thức công bố những tin, ảnh về sự kiện cán bộ, viên chức hệ
thống chính trị, hệ thống công quyền từ trung ương tới địa phương tại Việt Nam
gửi tin nhắn để góp tiền ủng hộ người nghèo, rất nhiều facebooker lập tức phản
hồi như Nguyen Dong Hung rằng, khoản tiền phải trả cho những SIM điện thoại mà
cán bộ, viên chức sử dụng để gửi tin nhắn là tiền thuế do dân, trong đó có người
nghèo đóng góp. Thành ra bản chất của việc gửi tin nhắn góp tiền ủng hộ người
nghèo chẳng khác gì “lấy lông kẻ khác làm đẹp mặt ta”. Cũng với suy nghĩ tương tự, Mai Thanh nhắn lại
với những cán bộ, viên chức đã tham gia biểu diễn gửi tin nhắn, đóng góp cho người
nghèo: Chúng mày có gửi cả ngàn tin thì cũng là tiền thuế của dân nhá! Tởm!. Còn Nguyễn Khoa Phước không bình mà làm hai
câu vè: Xếp hàng nhìn giống bọn điên. Nhắn tin ủng hộ từ tiền thuế dân.
Không chỉ trích, Văn Công
Hùng khen chuyện “các đồng chí lãnh đạo kính mến” xếp hàng biểu diễn, gửi tin
nhắn ủng hộ người nghèo bằng tiền lấy từ ngân sách là một “trò” cho thấy tác giả
của nó thuộc loại... “phi thường”. Phạm Ngọc Tiến thì tuyên bố sẽ đãi bia hơi
cho những người tham gia cuộc vận động gửi tin nhắn lấy tiền giúp đỡ người nghèo
tại một quán bia có địa chỉ cụ thể, ngày giờ ở Hà Nội nhưng nhấn mạnh, không mời những người được “bao cấp” về phí điện thoại.
Đợt biểu diễn tấm lòng
vì người nghèo của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam còn được
công chúng mổ xẻ dưới nhiều góc độ khác. Chẳng hạn Hanh Phuc tâm tình, đã định
tham gia cuộc vận động gửi tin nhắn, góp tiền hỗ trợ người nghèo nhưng chợt nghĩ,
chắc gì người nghèo nhận được phần trăm nào trong số tiền mình gửi. Thôi thì muốn
giúp người nghèo, cứ gửi cho những nơi, những người mà mình tin là họ thật lòng vì người nghèo. Suy nghĩ giống hệt như vậy, Hoang Anh Dũng
cho biết, trước kia, Dũng vẫn tham gia những cuộc vận động giúp đỡ người nghèo,
chia sẻ những khó khăn của các giới chịu nhiều thua thiệt trong xã hội nhưng bây
giờ thì “quên đi” vì “niềm tin ...không còn”. Dũng nói thêm, nhìn những tấm ảnh
cán bộ, viên chức hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam biểu diễn tấm
lòng vì người nghèo chỉ thấy buồn cười. “Thời buổi này những hình ảnh như thế không còn giá
trị gì nữa đâu các bố ạ!”. Một số facebooker khác như Hung Le Van thì tính toán, cứ cho là
có một triệu người ủng hộ cuộc vận động hỗ trợ người nghèo thì Ban Tổ chức cũng
chỉ thu được 20 tỉ - khoản tiền thu được chỉ đủ xây… tam cấp của Nhà hát Thủ
Thiêm. Thành ra đừng “bòn nơi khố rách đãi nơi quần hồng”!
Đợt biểu diễn tấm lòng
vì người nghèo của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam lên đến
cao trào khi Trương Châu Hữu Danh thử kiểm tra dữ liệu lưu trữ tại Cổng Thông
tin điện tử Nhân đạo Quốc gia và phát giác, tính đến hết ngày 19 tháng 10 chỉ có
7/106 Đại biểu Hội đồng nhân dân TP.HCM (tương đương 6%) – những cá nhân từng bỏ
phiếu, minh định sự nhất trí 100% trong việc xây dựng Nhà hát Thủ Thiêm trị giá
1.508 tỉ - gửi tin nhắn, góp tiền hỗ trợ người nghèo. Dẫu hình ảnh cán bộ, nhân
viên Thành ủy TP.HCM đổ ra sân, xếp thành khối, cùng biểu diễn màn gửi tin nhắn,
góp tiền hỗ trợ người nghèo được giăng đầy trên hệ thống truyền thông chính thức
vào ngày 15 tháng 10 nhưng đến 17 giờ 36 phút ngày 15 tháng 10, khi dư luận đã
dậy lên thành bão vì “tưởng vậy mà không phải vậy”, thiên hạ mới nhìn thấy tin
nhắn bà Nguyễn Thị Quyết Tâm (Phó Bí thư Thành Ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân
TP.HCM) gửi để góp tiền cho người nghèo trong kho dữ liệu lưu trữ.
***
Ý tưởng tổ chức cho hệ
thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam biểu diễn tấm lòng vì người
nghèo rõ ràng là một sáng kiến tồi vì chẳng những không đem lại chút “son, phấn”
nào cho hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam trang điểm lại
dung mạo của mình, mà còn tạo thêm “tro, trấu” để công chúng “trây, trét” thêm
khiến dung mạo ấy nhầy nhụa, bệ rạc hơn. Tuy thực tế là như vậy nhưng kết luận
như vậy có thể bị cho là… thiếu thiện chí!
Nếu nhìn thực tế bằng
thành tâm, thiện ý, ý tưởng vừa kể có chỗ tích cực.
Từ giữa thập niên 1940
đến nay, dẫu chưa bao giờ tổ chức trưng cầu dân ý, cho dù số lượng ủng hộ viên
các ý kiến, nhận định bị xếp vào loại “thù địch, phản động” càng ngày càng đông
nhưng giới lãnh đạo Đảng CSVN vẫn thường xuyên khẳng định, họ không buông bỏ độc
quyền lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối ở Việt Nam là vì nhân dân tín nhiệm. Xét về
tính chất, phản ứng của công chúng đối với đợt biểu diễn tấm lòng vì người nghèo
của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam chẳng khác gì một đợt
trưng cầu dân ý ngoài dự kiến.
Chẳng rõ khi đám đông
gồm toàn những người với những ý kiến kiểu như - TuanAnh Vu: Em không gây ra đói
nghèo nên em không tham gia. Nên tìm những thằng, những con gây ra đói nghèo, bắt chúng nó chịu trách nhiệm với người nghèo. Hoặc Nguyễn Thúy Hạnh: Hành động thiết nhực
nhất đối với người nghèo là các người bớt ăn cắp, bớt lãng phí, bớt tượng đài,
nhà hát, bảo tàng, người nghèo chỉ cần thế thôi và thế là phúc lắm rồi. Hay Nguyen Thuy Tien, nếu các vị lãnh đạo thật
lòng muốn dân không còn nghèo khổ thì có hai cách rất đơn giản, một – tất cả các
vị từ chức, hai – nếu tự giác từ chức khó quá thì các vị đừng làm gì cả, ngồi
im một chỗ đến cuối tháng lãnh lương. Chỉ cần các vị làm một trong hai, người
ta tự khắc hết nghèo, hết khổ, chẳng ai cần các vị ủng hộ 20.000 đồng đâu. Trần Thái Hòa, chỉ cần các bộ trong chính phủ
làm đúng chức năng, không tham nhũng, không ăn cướp, không tạo ra những”quả đấm
thép”, không để thương lái ngoại quốc thao túng thị trường Việt Nam thì đó đã là…
phúc cho dân. Chẳng cần các bộ phối hợp cùng hệ thống Mặt trận Tổ
quốc Việt Nam đi xin cho người nghèo đâu!… - các thành viên của tổ chức chính trị duy
nhất ở Việt Nam có thấy thẹn không? Có còn mạnh dạn khẳng định về sự “tài tình,
sáng suốt”, dẫn dắt Việt Nam “đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác” nên luôn
xứng đáng là “đội ngũ tiên phong” hay không?
No comments:
Post a Comment