Wednesday, July 4, 2018


Các giáo sư 'khóc thét' với đề Toán THPT
·         30 tháng 6 2018
Hôm 25/6, gần một triệu học sinh đã trải qua kỳ thi Toán THPT Quốc gia 2018, nhưng nhiều giáo sư, học giả toán học cho rằng chính bản thân họ còn khó có thể giải hết đề này trong thời gian quy định.
Đề thi gồm phần trắc nghiệm 50 câu, yêu cầu được giải trong 90 phút với nhiều mã đề khác nhau với mức độ khó khác nhau.
Tuy nhiên, nhiều giáo sư toán học đã phản ánh rằng đề toán năm nay quá khó trong một số mã đề.
Nhà toán học Nguyễn Hữu Việt Hưng, người đọat giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2015, nói khi làm mã đề số 119, "Tôi nghiêm chỉnh thừa nhận rằng, 90 phút không đủ cho tôi làm 50 câu của đề thi."
"Tôi cũng không tin rằng có thầy cô giáo dạy Toán THPT nào có thể giải kịp 50 câu của đề Toán trong vòng 90 phút. Có rất nhiều câu đòi hỏi phải tính toán trong 10 đến 15 phút."
Còn Giáo sư Nguyễn Tiến Dũng, người từng đạt Huy chương Vàng Olympic Toán Quốc tế IMO năm 1985 thì nói đề toán năm nay là "phản động, phá hoại nền giáo dục".
Ông nói sau khi xem 5 bài trong mã đề 120, ông mất gần một tiếng để giải 4 trong bài, còn bài cuối cùng thì "khóc thét", không thể giải nổi trong vòng một tiếng.
Vị giáo sư đang dạy Toán tại Đại học Toulouse, Pháp phân tích tiếp: "Về nguyên tắc, một học sinh nắm vững kiến thức như trong sách giáo khoa là phải làm được mọi bài kiểm tra. Còn ở đây, giỏi mấy cũng không làm nổi nếu không học mẹo trúng tủ."
"Người ta chống chế rằng các học sinh được luyện thi sẽ giải được, sẽ không thấy đề quá khó. Đấy chính là một sự phản giáo dục khi biến việc học thành trò luyện thi. Với kiểu này, thì "Việt Nam không còn một nền giáo dục mà chỉ còn một nền thi cử," GS. Tiến Dũng viết.
Thi trắc nghiệm có nhiều hạn chế
Nhiều giáo sư cho rằng việc đặt các câu hỏi phức tạp vào phần trắc nghiệm khiến đề trở nên quá khó.
Thầy giáo Nguyễn Anh Dũng nói với VTC rằng "Hầu hết những câu này tương đương với những câu trong đề thi tự luận. Người thi chỉ có một cách duy nhất là làm như một bài tự luận đến kết quả cuối cùng rồi mới chọn được phương án đúng. Tôi tin rằng không một giáo viên Toán nào làm được 20 câu cuối trong 90 phút".
"Nếu 5 phút không ra thì đành chọn đáp án theo cảm tính vậy," thầy Dũng, từng có ba học sinh đạt huy chương Olympic Toán Quốc tế nói.
Tiến sĩ Lê Thống Nhất cũng đồng tình:"Chỉ có tự ngồi tìm phương án đúng mới thấy rõ sự nặng nề quá mức của đề thi Toán năm nay!"
GS Việt Hưng thì phân tích: "Cái dở của trắc nghiệm vẫn còn đó: học trò không cần và do đó sẽ không biết cách trình bày bài giải, không rèn rũa cách suy luận, chỉ cắm cổ tính cho thật nhanh; người khoanh kết quả đúng chưa chắc là người giải đúng."
Nhưng ông cũng an ủi: "Học trò rất vững vàng về kiến thức có lẽ chỉ được chừng 5,5 đến 6 điểm Toán. Các bạn học sinh năm nay đừng buồn nhé. Tôi biết các bạn không kém như điểm số mà các bạn thu được."
Hôm 27/6, ông Sái Công Hồng, phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục nói với báo giới rằng, nội dung đề thi các môn năm nay không vượt quá chương trình học.
"Có ý kiến cho rằng Bộ lại thay đổi là không đúng. Đề thi vẫn phân bố 60% là kiến thức cơ bản, 40% kiến thức nâng cao. Dù 40% là kiến thức nâng cao nhưng nội dung này vẫn nằm trong chương trình lớp 11 và lớp 12."
"Không phải tất cả các câu trong học sinh trung bình hoàn toàn có thể làm được dễ dàng. Một số câu khác dùng để phân loại. Muốn phân loại được thì độ khó phải tăng lên," ông Hồng nói.
Dư luận nói gì?
Nguyễn Tấn Thành: Thấy thật sốc khi 90 phút phải giải 50 câu, có nhiều câu phải vẽ hình. Thấy giải được nhanh và đúng thế thì cần gì học đại học. Thấy thế là chưa thấy, phải thấy:
- Xã hội Việt đang thịnh tay nhanh hơn não, không chỉ cụ thể trong bài thi tốc độ tay này, mà còn khắp nơi kể cả chương trình đường lên đỉnh Olympia.
- Đất nước Việt đang toàn những người cái gì cũng biết cũng ào ào, nhưng làm hay nghĩ sâu cái gì thì chịu.
Le Kinh Tai: Tui chỉ mong các con mình sớm kết thúc các chương trình bậc PTTH. Một hệ đào tạo cải cách giáo dục bậc PTCS và PTTH với quá nhiều tham vọng ngu xuẩn và dốt nát ở nền giáo dục VN hiện thời...
Tui hỏi các ông, nếu để test "sự thông minh" của học trò ? Các ông nên áp dụng vào nơi khác, hoàn cảnh khác, trong các cuộc thi toán học vui, nhằm nâng nâng cao kiến thức cơ bản như "Đường lên đỉnh Olympia" chẳng hạn.
Còn với các kỳ tuyển sinh, tui thiển nghĩ, các đề thi phải nên đúng với trình học sinh trung bình và khá, thậm chí học sinh giỏi. Bởi các ông có thể "cải cách" để đào tạo học sinh giỏi, hoặc thật giỏi, chứ không thể đào tạo các yếu tố để trở thành người thông minh được, đó là bản năng tư duy nhạy cảm, là cách suy nghĩ vô thức trong vận dụng chỉ số IQ, là kiểu tư duy logic riêng biệt của một số ít con người…
Mõ Phường: Mấy đêm nay, Mõ cứ nằm vắt tay lên trán suy nghĩ mãi. Hay là Bộ GD&ĐT ra đề khó thế để nhà nhà, người người phải cố gắng thành thiên tài như Ngô Bảo Châu.
Cả nước vui mừng khi có một Ngô Bảo Châu. Cả nước sẽ hạnh phúc khi có thêm 10 Ngô Bảo Châu. Nhưng nếu chúng ta có 1 triệu Ngô Bảo Châu, 90 triệu Ngô Bảo Châu thì sẽ là nỗi bất hạnh của cả dân tộc. Đấy chỉ có thể là một dân tộc quái thai, dị dạng.
Nghĩ mà thương con 18 năm qua không có tuổi thơ, giờ lại mịt mù trước tương lai. Lại thương đất nước này chẳng biết rồi sẽ đi đâu về đâu.

No comments:

Post a Comment