Wednesday, July 4, 2018

Blogger: Bịt miệng dân qua Luật An Ninh Mạng


Blogger: Bịt miệng dân qua Luật An Ninh Mạng
RFA
2018-06-12
Cấm…và cấm
Luật an ninh mạng vừa được Quốc hội VN thông qua với tỷ lệ phiếu thuận cao, hơn 86% đại biểu Quốc hội đồng tình.
Luật này gồm bảy chương, 43 điều quy định về hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên không gian mạng; trách nhiệm của cơ quan chức năng.
Nhiều quy định được đưa ra trong luật bị nói là vi phạm quyền tự do ngôn luận của người dân. Ví dụ như điều 8 cấm hoạt động hay đào tạo người chống Nhà nước, xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, phá hoại khối đoàn kết dân tộc,…
Luật an ninh mạng gây ra làn sóng phản đối từ phía người dân, đặc biệt những người thường xuyên nêu lên những mặt tiêu cực của xã hội. Nhà hoạt động Nguyễn Lân Thắng, ở Hà Nội, nói với RFA:
Ở một số điều trong bộ luật an ninh mạng, tôi thấy có điều phi lý nhất là tội phỉ báng lãnh tụ. Lãnh tụ ở VN là những con người mà thông qua tuyên truyền họ không còn là họ nữa, những thông tin về họ không còn là sự thật nữa. Mỗi khi có ai chỉ cần nhắc đến và nói đến những thông tin các nhà sử gia và nhà nghiên cứu lịch sử đưa ra bằng chứng nhưng đi ngược lại với những điều được tuyên truyền, thì lập tức những người đó sẽ bị cho là phản động. Bây giờ có thêm luật an ninh mạng nữa thì tội này sẽ trở nên rất nặng.
Quy định cấm xúc phạm lãnh tụ mà nhà hoạt động Nguyễn Lân Thắng nhắc tới được đưa ra trong điều 16 của Luật an ninh mạng. Theo đó thì những thông tin có nội dung tuyên truyền chống Nhà nước, kích động bạo loạn, gây rối an ninh,… không được phát tán trên mạng.
Trong đó, những thông tin tuyên truyền chống Nhà nước được quy định rõ: Tuyên truyền xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân, kích động chiến tranh xâm lược, chia rẽ, gây thù hận giữa các dân tộc, tôn giáo và nhân dân các nước; xúc phạm dân tộc, quốc kỳ, quốc huy, quốc ca, vĩ nhân, lãnh tụ, danh nhân, anh hùng dân tộc.
Có thể nói ngắn gọn đây là luật bịt miệng dân, tức là nó vi phạm quyền tự do tư tưởng và biểu đạt chính kiến của mình.
-Blogger Nguyễn Tường Thụy
Blogger Nguyễn Tường Thụy cho biết về những nội dung trong bộ luật anh không tán thành:
Chẳng hạn như việc đặt máy chủ ở VN, hay mỗi người sử dụng mạng phải công khai danh tính. Rồi cấm này cấm khác. Tất nhiên những cấm đó nếu thi hành tốt thì cũng tốt thôi, nhưng nhân dân nói đúng có thể vẫn phải coi chừng. Trong khi đó phía nhà cầm quyền thoải mái nói, thoải mái tuyên truyền thông tin sai sự thật, bóp méo sự thật rất nhiều nhưng họ chẳng sao.
Trước khi luật an ninh mạng được thông qua, hơn 500 cá nhân và 7 tổ chức trong và ngoài nước đã gửi một bức thư tới bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Quốc hội VN để phản đối dự thảo luật an ninh mạng. Bức thư cũng nhận được hơn 27.000 chữ ký đồng thuận trên mạng. Trong thư nêu rõ ba điều mà luật an ninh mạng có thể vi phạm. Thứ nhất là xâm phạm quyền riêng tư và quyền bí mật thư tín do nhà cung cấp dịch vụ mạng phải xác thực thông tin người dùng, và cung cấp nó cho cơ quan chấp pháp khi có yêu cầu mà không thông qua tòa án. Thứ hai Cản trở quyền tự do ngôn luận khi nhà cung cấp dịch vụ mạng phải xoá thông tin đăng tải trên mạng nếu thông tin bị xác định là “xấu”, “độc” theo yêu cầu của cơ quan chấp pháp. Và thứ 3 là cắt dịch vụ internet nếu người dùng vi phạm.
Nhà hoạt động Nguyễn Lân Thắng cho rằng VN học theo mô hình luật an ninh mạng của Trung Quốc đã được Bắc Kinh áp dụng lâu nay. Ông e ngại về hiểm họa trong tương lai từ thị trường Trung Quốc:
Các phần mềm, mạng xã hội từ bên Trung Quốc tôi nghĩ chỉ trong vòng một thời gian ngắn thôi sẽ chiếm lĩnh thị trường VN khi luật an ninh mạng ra đời. Đó là điều vô cùng nguy hiểm bởi vì bên Trung Quốc các nhà hoạt động phải đối mặt vô vàn khó khăn. Bức tường lửa cũng như các mạng xã hội của TQ bị quản lý rất nghiêm và kinh khủng. Bất cứ một bình luận trái chiều hay thông tin nào bất lợi thì ngay lập tức có hệ thống server cực mạnh phát hiện và thậm chí truy tìm ngay ra ai là người đưa thông tin đó. Nhiều nhà hoạt động đã phải vào tù vì cách quản lý của TQ.
Các phần mềm, mạng xã hội từ bên Trung Quốc tôi nghĩ chỉ trong vòng một thời gian ngắn thôi sẽ chiếm lĩnh thị trường VN khi luật an ninh mạng ra đời.
- Nhà hoạt động Nguyễn Lân Thắng 
Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nói rằng quốc gia nào cũng cần có luật an ninh mạng, nhưng ông quan ngại về luật an ninh mạng của VN:
Điều tôi quan tâm là khi ngăn cản người ta, nói là mất an ninh, thì họ có quyền khiếu nại và kiện ra tòa hay không. Phải mở ra một điều kiện như vậy, nếu không sẽ rất dễ tùy tiện.
Trong Bộ luật an ninh mạng mới được thông qua không hề nhắc tới việc người dân có thể khiếu nại nếu họ cho rằng bị chụp tội một cách oan sai.
Bịt miệng dân
Luật an ninh mạng được thông qua đã gây ra một làn sóng phản đối có thể nói là dữ dội từ phía dư luận. Các tổ chức nhân quyền quốc tế như Ân xá Quốc tế Amnesty International đã ra thông cáo phản đối bộ luật, cho rằng nó hủy hoại quyền tự do ngôn luận tại VN. Đây cũng là quan điểm của blogger Nguyễn Tường Thụy:
Có thể nói ngắn gọn đây là luật bịt miệng dân, tức là nó vi phạm quyền tự do tư tưởng và biểu đạt chính kiến của mình. Nói rộng hơn, nó vi phạm quyền con người mà Hiến pháp VN đã thừa nhận, và quyền dân sinh và chính trị của LHQ mà VN đã ký thừa nhận công ước đó.
Trên cả nước hiện đã diễn ra nhiều cuộc biểu tình phản đối luật an ninh mạng, đặc biệt từ giới trẻ và công nhân. Họ truyền nhau khẩu hiệu “Không lên mạng được thì xuống đường!”.
Luật an ninh mạng được thông qua chỉ một ngày sau khi hàng loạt cuộc biểu tình lớn xảy ra trên khắp cả nước để phản đối ý định cho Trung Quốc thuê đất 99 năm tại các đặc khu kinh tế, trong đó nhiều người tham gia biểu tình và chia sẻ thông tin trên Facebook đã bị bắt.


No comments:

Post a Comment