Phim “Saigon ‘68”: Phơi bày nửa sự thật bị cố tình lãng quên 50 năm
trước
Hòa Ái, phóng viên RFA
2018-02-14
2018-02-14
Nhân viên của Phòng
Triển lãm Nghệ thuật New South Wales chuẩn bị treo bức hình "Saigon
Execution" của Nhiếp ảnh gia Eddie Adams hồi ngày 23/11/2000 tại Sydney.
AFP
Truyền thông trong
nước, nhân kỷ niệm 50 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân nhắc lại
sự kiện bức ảnh lịch sử “Hành quyết tại Sài Gòn” (Saigon Execution) của nhiếp
ảnh gia Eddie Adams, mà họ gọi là kẻ sát nhân Nguyễn Ngọc Loan hành quyết chiến
sĩ biệt động giữa phố Sài Gòn gây sốc dư luận thế giới.
Đã 50 năm trôi qua,
hành động hành quyết của vị tướng Quân lực Việt Nam Cộng Hòa vẫn còn là một chủ
đề gây tranh cãi, mặc dù tác giả tấm ảnh đoạt giải Pulitzer này từng tuyên bố
rằng bức hình chỉ nói lên một nửa sự thật. Đạo diễn Douglas Sloan, cũng là nhà
sản xuất phim ở Hoa Kỳ đang thực hiện phim tài liệu “Saigon ‘68” để chuyển tải
phân nửa sự thật còn lại mà nhiều người không thể thấy qua bức hình lịch sử đó.
Phóng viên Hòa Ái có
cuộc trò chuyện với cô Thùy Lan Phan, một điều phối viên của dự án phim, Đạo
diễn Douglas Sloan và cựu Thiếu tướng Lê Minh Đảo của Quân lực Việt Nam Cộng
Hòa liên quan sự kiện lịch sử này.
Nhân chứng lịch sử lên tiếng
Hòa Ái: Xin chào Thùy Lan Phan. Rất cảm ơn Thùy
Lan đến Đài RFA để chia sẻ với quý khán thính giả về bộ phim “Saigon ‘68’”. Hòa
Ái được biết phim tài lệu này đã được trình chiếu rồi và vì sao dự án phim lại
được tiếp tục nữa?
Thùy Lan Phan: Ông Douglas Sloan thực hiện một bộ phim,
gọi là “Saigon ‘68”. Cách đây vài năm, phim được trình chiếu ở New York Film
Festival và trên toàn thế giới. Thông thường tại các liên hoan phim thì giới
chuyên môn bình luận về cách quay phim và kỹ thuật. Nhưng đặc biệt, phim
“Saigon ‘68”của đạo diễn Douglas Sloan thì đề tài được quan tâm nhiều hơn so
với kỹ thuật làm phim. Ông Douglas Sloan được nhận giải thưởng cho phim này và
các trường đại học mong muốn ông thực hiện bộ phim dài hơn.
Ban đầu, đạo diễn
Douglas Sloan chỉ phỏng vấn những người Mỹ, trong đó có các sử gia và những
người làm việc trong ngành báo chí. Lúc đó thì ông Douglas Sloan làm phim
“Saigon ‘68” cũng giống như các nhà làm phim ngoại quốc khác trong cùng đề tài
nói về chiến tranh Việt Nam. Nhưng đạo diễn Douglas Sloan nhận ra ông cần nghe quan
điểm của người Việt, nên ông muốn làm cuốn phim đặc biệt hơn và ông đã tìm đến
cộng đồng người Việt. May mắn là ông đã gặp được Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích.
Những gì mà phim mang
lại được, đó là tạo ra cảm hứng và một cuộc thảo luận về tính chất đạo đức của
chiến tranh, và những gì đã thực sự xảy ra trong bức ảnh đó cần được được thông
hiểu vào thời điểm nó được phổ biến
-Đạo diễn Douglas Sloan
-Đạo diễn Douglas Sloan
Giáo sư Nguyễn Ngọc
Bích là một người hiền hậu và hiểu biết rất nhiều. Giáo sư Bích đã giúp ông
khỏang 2 năm, nhưng không ai chịu phỏng vấn vì nói chung tấm hình “Hành quyết
tại Sài Gòn” làm tổn thương rất nhiều người, nhất là gia đình của Tướng Loan.
Giáo sư Nguyễn Ngọc
Bích qua đời và tôi gặp ông đạo diễn Douglas Sloan tại đám tang của Giáo sư
Nguyễn Ngọc Bích. Tôi được nghe ông chia sẻ không biết làm gì với dự án phim
này nữa nên ông cần giúp gì thì tôi giúp. Tôi tìm những người có mặt tại hiện
trường và những người làm việc trực tiếp với Tướng Nguyễn Ngọc Loan là những người
biết sự thật ra sao.
Hòa Ái: Thùy Lan có nhắc đến Giáo sư Nguyễn Ngọc
Bích, ông từng giữ vai trò Giám đốc của Ban Việt ngữ Đài Á Châu Tự Do. Sau khi
Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích qua đời, Hòa Ái được biết Thùy Lan là một điều phối
viên của dự án phim gốc Việt duy nhất. Thông điệp của Thùy Lan muốn gửi đến
khán giả của bộ phim sắp công chiếu là gì?
Thùy Lan Phan: Thông điệp của tôi là thứ nhất mình muốn
nói lên sự thật. Tôi cũng hy vọng giới trẻ người Việt sau này, kể cả những
người trẻ lớn lên ở Hoa Kỳ biết được sự thật về chiến tranh Việt Nam và biết
được những câu chuyện của các nạn nhân trong chiến tranh. Và, tôi cũng muốn
giải oan cho Tướng Loan, không phải bênh vực cho Tướng Loan mà là vì sự thật đã
bị chôn vùi trong 50 năm qua.
Thông điệp của tôi là
khi chúng ta nhìn thấy một bức ảnh thì nó không nói hết sự thật. Người Mỹ có
câu nói là “một nửa sự thật không phải là sự thật”.
Nửa sự thật chưa được kể
Hòa Ái: Vừa rồi là chia sẻ của cô Thùy Lan Phan
về dự án phim tài liệu “Saigon ‘68”. Và bây giờ, chúng tôi mời quý vị cùng gặp
gỡ với đạo diễn và nhà sản xuất phim “Saigon ‘68” Douglas Sloan để tìm hiểu
nhiều hơn về quá trình ông thực hiện bộ phim này. Xin chào đạo diễn Douglas
Sloan, câu hỏi đầu tiên dành cho ông là cơ duyên nào ông quyết định làm bộ phim
“Saigon ‘68”, thưa ông?
Đạo diễn Douglas
Sloan: Tôi quyết định
làm bộ phim này là vì hầu hết mọi người, trong đó có tôi tại thời điểm xảy ra
vụ việc đã không biết được câu chuyện sự thật ở phía sau bức hình Tướng Loan
hành quyết tên Việt cộng giết người. Đây là một lý do và lý do thứ hai nữa là
vì tôi nhận thấy chúng ta đang tiếp cận thời đại mà hiểu biết bằng thị giác.
Hiểu biết về xã hội là điều vô cùng quan trọng và chúng ta cần phải biết cách
nhận thức qua hình ảnh.
Hòa Ái: Khán giả xem phim “Saigon ‘68” đã có
những bình luận như thế nào?
Đạo diễn Douglas
Sloan: Chúng tôi đã làm
một phim ngắn, ban đầu là một đoạn giới thiệu để giúp gây quỹ cũng như gây chú
ý cho cho dự án phim. Phản ứng của khán giả ở các liên hoan phim khác nhau trên
khắp thế giới, có thể nói là vô cùng “cảm tính thị giác” (visual). Tôi nghĩ
rằng đó là môt từ ngữ tốt nhất mà tôi có thể diễn tả. Mọi người phản ứng với cả
hai mặt của cuộc tranh luận. Có người biện minh cho hành động của Tướng Loan xử
bắn những người trong cuộc nổi dậy. Ngược lại, cũng có người cho rằng đó là tội
ác chiến tranh. Nhưng tôi có thể nói một cách tổng quát rằng phim tài liệu này
đã tạo nên sự quan tâm của dư luận để bàn cãi về tính chất đạo đức. Những gì mà
phim mang lại được, đó là tạo ra cảm hứng và một cuộc thảo luận về tính chất
đạo đức của chiến tranh, và những gì đã thực sự xảy ra trong bức ảnh đó cần
được được thông hiểu vào thời điểm nó được phổ biến.
Hòa Ái: Tôi được biết ông đã gặp gỡ với nhiều
nhân chứng lịch sử, là những người từng làm việc cũng như có mặt ở hiện trường
nơi xảy ra sự kiện liên quan đến bức ảnh “Hành quyết tại Sài Gòn”. Những người
này nói gì về nhân cách của Tướng Nguyễn Ngọc Loan?
Đạo diễn Douglas
Sloan: Tất cả đều nói
rằng Tướng Loan làm việc với anh em trong quân ngũ rất thân tình và ông ấy
không phải là người mà có lòng dạ muốn giết người hay hành quyết ai cả. Tướng
Loan chịu trách nhiệm chỉ huy hơn 70 ngàn cảnh sát cũng như phụ trách về an
ninh tại thời điểm đó, tương đương với tổ chức CIA của Hoa Kỳ và Tướng Loan là
một người rất mạnh mẽ, ông đã quên đi bản thân để làm tròn trách nhiệm theo
những yêu cầu của chính phủ Việt Nam Cộng Hòa thời đó.
Tướng Loan đã làm việc
và tin cậy binh lính của ông. Một số người cho rằng tình huống xảy ra là tâm
điểm của cuộc chiến và bức ảnh đó đã hủy hoại cuộc đời của Tướng Loan. Những
người biết Tướng Loan mà chúng tôi được tiếp xúc nói rằng nhân cách của ông
hoàn toàn ngược lại với hành động đã hủy hoại thanh danh bởi dư luận Hoa Kỳ.
Một tình huống mà những người Mỹ chúng tôi phê phán chỉ qua những gì nhìn thấy
trên truyền thông, thì không nên vội vã phán đoán về sự việc đã diễn ra đó.
Một, hai người đã nói
với chúng tôi rằng tại thời điểm đó có thiết quân luật được ban hành, quy định
nếu như một người bị bắt mà mặc quần áo thường dân nhưng có súng trong tay thì
sẽ bị giống như là hành quyết và Tướng Loan chỉ thi hành luật pháp. Đây là một
câu chuyện khác.
Thông điệp của tôi là
muốn giải oan cho Tướng Loan...vì sự thật đã bị chôn vùi trong 50 năm qua và
khi chúng ta nhìn thấy một bức ảnh thì nó không nói hết sự thật. Người Mỹ có
câu nói là “một nửa sự thật không phải là sự thật
-Thùy Lan Phan
-Thùy Lan Phan
Bộ phim được đổi tựa
là “Khoảnh khắc của sự thật” (Moment of the truth). Và, tôi nghĩ rằng rất tương
tự với thời buổi bây giờ của xã hội chúng ta. Chúng ta không đón nhận thông tin
bằng chữ viết nữa, mà bằng hình thức giao tiếp qua âm thanh và hình ảnh. Và
chúng ta không hiểu được ngôn ngữ hình ảnh là một ngôn ngữ rất giàu cảm xúc,
tác động nhanh hơn ngôn ngữ của chữ viết, bởi vì chúng ta nhìn thấy điều gì đó
và lập tức chúng ta phản ứng ngay, nhanh hơn đối với những gì chúng ta đọc
được.
Điều này đã xảy ra đối
với bức ảnh “Hành quyết tại Sài Gòn” của Eddie Adams. Họ đã phản ứng trước khi
họ biết được chuyện gì đã xảy ra. Quan trọng là cần phải có thời gian để hiểu được
những gì chúng ta nhìn thấy, không nên phản ứng theo quan điểm cá nhân hoặc
thực tại của chúng ta với những gì chúng ta nhìn thấy.
Hòa Ái: Bộ phim được dự kiến khi nào trình
chiếu?
Đạo diễn Douglas
Sloan: Chúng tôi hiện
giờ đã hoàn chỉnh kịch bản phim dài 90 phút, khoảng 90% bộ phim được hoàn
thành. Chúng tôi vẫn còn một số việc phải làm, như thực hiện thêm các cuộc
phỏng vấn. Giống như các công ty sản xuất phim, thì chúng tôi cũng cần gây quỹ
để hoàn thành bộ phim. Nếu như chúng tôi gây quỹ thành công, nhiều người lắng
nghe và chú ý tới dự án phim và hỗ trợ tài chính cho chúng tôi thì hy vọng bộ
phim sẽ được phát hành trong vòng 6 tháng nữa.
Người có trách nhiệm giống Tướng Loan sẽ làm
gì?
Hòa Ái: Thưa quý vị, chúng ta được nghe cô Thùy
Lan Phan và đạo diễn Douglas Sloan chia sẻ họ đang cố gắng thực hiện một phim
tài liệu nói lên sự thật phía sau bức hình “Hành quyết tại Sài Gòn” vào năm
1968. Tiếp tục cuộc trò chuyện hôm nay, còn có sự góp mặt của cựu Thiếu tướng
Lê Minh Đảo, Tư lệnh Sư đoàn 18 Bộ Binh Quân lực Việt Nam Cộng Hòa, Mời
quý vị nghe ông chia sẻ về vai trò của Tướng Nguyễn Ngọc Loan trong thời điểm
lịch sử Biến cố Mậu Thân năm 1968 tại Sài Gòn. Xin chào cựu Thiếu tướng Lê Minh
Đảo. Thưa ông, sau khi hình ảnh Tướng Loan bắn chết người chiến sĩ biệt động
Sài Gòn là Nguyễn Văn Lém, tự Bảy Lốp được phổ biến thì dư luận thế giới phản
đối rất dữ dội, bởi vì họ cho rằng đó là một hành động rất dã man và tàn ác.
Còn dư luận ở trong nước tại thời điểm đó như thế nào, thưa ông?
Ông Lê Minh Đảo: Bây giờ để nói cho có đầu có đuôi, thứ nhất là
năm 1968 gọi là Mậu Thân, Cộng sản từ trong rừng họ đã đem chiến tranh vào
thành phố. Họ vi phạm hiệp định ngừng bắn và thủ đô Sài Gòn lúc đó đang an bình
trở thành một chiến trường rất ác liệt và đẫm máu. Tôi nói về sự liên quan của
Việt Nam Cộng Hoà đối với Cộng sản, thì Việt Nam Cộng Hoà thường gọi Cộng sản
Việt Nam không phải là Cộng sản đơn thuần mà gọi là Cộng sản khủng bố. Không
phải chỉ Việt Nam Cộng Hoà gọi thôi. Tôi xin nói là các nước chống cộng sản như
Malaysia, Anh quốc, họ gọi là Cộng sản khủng bố như chúng tôi gọi. Điều này
được dẫn chứng là khi tôi đi học ở trường quân đội, học về chương trình chống
du kích trong rừng, thì người Anh cũng gọi Cộng sản ở Malaysia là “CT”
(Communist Terrorist) y như chúng tôi đã gọi. Và, trong luật pháp của Việt Nam
Cộng Hoà từ đời Tổng thống Diệm cho đến đời Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đều đặt
Cộng sản ra ngoài vòng pháp luật, chứ không có xét xử theo luật pháp thông
thường. Thành ra, khi đặt công Cộng sản khủng bố đem đặc công vào Sài gòn, đánh
vào toà Đại sứ, vào các nơi…trong đó tên khủng bố Bảy Lốp này trước đó đã giết
rất nhiều đồng bào, sát hại đồng bào và xua đuổi đồng bào ra trước làn đạn để
che đạn cho chúng nó thì bị bắt và đã bị hành quyết.
Ông tướng chỉ huy trưởng
cuộc hành quân đó là Tướng Nguyễn Ngọc Loan. Trong một chiến trường đang sôi
động như vậy, thì việc loại một tên khủng bố tại chiến trường là không có gì
sai trái cả. Tôi cũng xin nói thêm về việc này, thế giới sau đó làm rùm beng,
còn đối với trong nước, từ Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu trở xuống cho đến một
người binh sĩ khắp mọi nơi trong vùng miền Nam Việt Nam, cho đến đồng bào dân
chúng ở thủ đô và thậm chí cả những nhà báo độc lập tự do tư tưởng, tự do phát
biểu, họ không có một sự phê phán nào về hành động loại trừ tên Bảy Lốp do
tướng Loan làm; ngầm hiểu rằng tất cả mọi người trong nước chúng tôi đều đồng
tình, không có gì sai trái về hành động của tướng Loan cả.
Nếu bây giờ phong trào
khủng bố ở tại Timesquare, New York có một tên khủng bố Hồi giáo y như Bảy Lốp,
nó thảm sát đồng bào ở đó và vị chỉ huy trưởng của một lực lượng bảo vệ an ninh
tại đó thanh toán anh ta liền tại chỗ, bắn anh ta để anh ta không làm những
việc gây thêm thảm khốc cho đồng bào nữa, thì vị chỉ huy trưởng đó đối với quý
vị có phải là người anh hùng không?...Do đó, những vị chỉ huy nào có trách
nhiệm đều phải thi hành giống như Tướng Loan
-Cựu Thiếu tướng Lê Minh Đảo
-Cựu Thiếu tướng Lê Minh Đảo
Hòa Ái: Dạ thưa, thêm
một câu hỏi dành cho ông rằng trong cương vị một vị tướng và giả định sự việc
đó diễn ra đối với ông thì ông sẽ hành xử ra sao?
Ông Lê Minh Đảo: Câu hỏi này thì tôi xin được nói như thế này,
từ đầu cuộc chiến tranh thứ nhất cho tới chiến tranh thứ hai và thậm chí cho
đến ngày tết Mậu Thân năm 1968 thì nước Mỹ được diễm phúc đặc ân của ơn trên
Thượng đế ban cho cũng như các nước Âu Châu lúc đó khác với chúng tôi chịu sự
đau khổ của chiến tranh, sự tàn phá của chiến tranh, sự tàn ác của Cộng
Sản khủng bố đất nước chúng tôi gần 30 năm. Do đó mà mình thấy rằng cái cách
nghĩ, cách nhìn và cách giải quyết của những người Hoa Kỳ và những người Âu
Châu khác hẳn với những người Việt Nam phải chiến đấu một mất một còn để gìn
giữ đất nước mình. Điều này khác nhau rất nhiều.
Tôi thấy có một điều
là sau khi Osama bin Laden và al-Qaeda làm một cuộc khủng bố đánh sập hai toà
tháp đôi ở New York, mà chúng ta thường gọi là vụ khủng bố 911 và tiếp theo là
những phong trào khủng bố lan rộng khắp thế giới, xảy ra ở Anh, Pháp và các
nước trên thế giới, thì bây giờ cái nhìn của quý vị có lẽ đã khác. Quý vị có lẽ
phần nào thông cảm những việc làm của chúng tôi lúc đó. Và tôi đặt thử thế này,
nếu bây giờ phong trào khủng bố ở tại Timesquare, New York có một tên khủng bố
Hồi giáo y như Bảy Lốp, nó thảm sát đồng bào ở đó và vị chỉ huy trưởng của một
lực lượng bảo vệ an ninh tại đó thanh toán anh ta liền tại chỗ, bắn anh ta để
anh ta không làm những việc gây thêm thảm khốc cho đồng bào nữa, thì vị chỉ huy
trưởng đó đối với quý vị có phải là người anh hùng không? Người anh hùng mà dân
chúng New York tôn vinh, quý vị có nghĩ vậy không?
Điều mà chúng ta thấy
quan trọng và cách cấp bách nhất là những người chỉ huy, những người có trách
nhiệm là phải bảo vệ cho đồng bào của mình khi bị khủng bố, làm thế nào tránh
cho đồng bào sự thảm sát có thể do tụi khủng bố gây ra. Do đó, những vị chỉ huy
nào có trách nhiệm đều phải thi hành giống như Tướng Loan cả. Ở vào trường hợp
đó, những người cấp chỉ huy chúng tôi có trách nhiệm bảo vệ an ninh quốc gia,
chúng tôi cũng phải làm như vậy, bởi vì chúng tôi nhắc lại lần nữa là đặt Cộng
sản khủng bố ra ngoài vòng pháp luật và nhiệm vụ chính yếu của chúng tôi là bảo
vệ, đừng để chúng gây tan tốc cho đồng bào. Đó là ý kiến của tôi.
Hòa Ái: Xin chân thành cảm ơn cựu Thiếu tướng Lê
Minh Đảo, đạo diễn Douglas Sloan và cô Thùy Lan Phan dành thời gian cho cuộc
trò chuyện này với RFA.
Tin, bài liên quan
No comments:
Post a Comment