Việt Nam:
Nhịn và giới hạn chịu đựng
Nguyễn Hà HùngGửi tới BBC từ Hà Nội
Di chuyển tại Hà Nội và nhiều thành phố lớn trên đất nước xinh
đẹp này, nhiều người nhịn thở vì mùi hôi thối. Nhịn là một phản xạ tự nhiên,
khi sợ, khi không thể làm khác.
Sống nhịn là một phương châm cản trở sự phát triển xã hội Việt
Nam. Thật nguy hiểm khi cả cộng đồng mặc kệ rác rưởi ung dung phát tán mầm bệnh
đến giống nòi và kiên trì tô điểm bộ mặt dân tộc. "Một điều nhịn, chín
điều lành" là một triết lý khiếm khuyết. Rất dễ nhận thấy điều đó, khi xét
đến yếu tố nghĩa vụ công dân, hay chỉ số hữu ích cho cộng đồng. Càng áp dụng nó
rộng rãi, càng nhiều người thực hành, càng tồn tại lâu, càng bộc lộ hư hỏng.
'Càng nhịn càng tốt'
Điểm yếu cơ bản của triết lý nêu trên là nhấn mạnh lợi ích bản
thân và gia đình. Nó không đề cập, không khuyến khích trách nhiệm, bổn phận cá
nhân đối với cộng đồng, ứng xử theo luật pháp. "Chữ nhẫn là chữ tương
vàng, ai mà nhẫn được thì càng sống lâu", tục ngữ Việt Nam. Đọc Khúc ca
trăm chữ nhẫn, (Bách nhẫn ngâm, một kinh điển nhường nhịn, xuất bản tại Việt
Nam từ thế kỷ 19 bằng chữ nôm), đối tượng hưởng lợi từ thái độ và hành vi nhẫn
nhịn cũng là cá nhân, gia đình người thực hành, rộng nhất chỉ là bạn bè của họ.
Vì được cổ xúy, nhiều người tin càng nhịn càng tốt.
Một xã hội nhịn, mọi người sống
theo phương châm bưng mắt (nhẫn mục), bịt tai (nhẫn nhĩ), không lên tiếng (nhẫn
khẩu), đấu tranh với ngang trái thì bất công tồn tại công khai. Nó không bị đe
dọa, không đối mặt nguy cơ bị loại bỏ. Không lên tiếng thì không biết khi nào
không gian sống của chúng ta sạch sẽ, tránh sao được "Việt Nam có số lượng bệnh nhân
ung thư nhiều nhất thế giới". Nếu không có điều kiện
trải nghiệm phố phường Hà Nội, xin đọc bài "Sáng nay, nhiều tuyến đường ở
Hà Nội bỗng dưng bốc mùi thối khủng khiếp khiến người đi đường kinh hãi"
đăng trên trang điện tử thuộc Thế giới di sản, hay bài "Rác thối xộc vào
mũi, nín thở đi trên đường Hà Nội" trên Vietnamnet và nhiều bài khác.
Người Việt đã nhịn rất lâu. Từ
thời bao cấp, nhịn đói, nhịn khát đã đành, ở nhà nhịn ỉa, đi học nhịn đái, yêu cũng
nhịn. Vì không có chỗ, không chịu nổi chuồng xí xú uế. Nhịn lâu quá, kiên định
"không chịu phát triển". Bo bo lo giữ mình và gia đình, bỏ mặc cộng
đồng. Người Việt chỉ quét nhà mình, vứt rác dọc đường, nên phố bốc mùi thành
chuyện nhỏ, chuyện của người khác. "Khi nào họ đổ rác vào nhà mình hẵng
hay". Vì con người thờ ơ, quan niệm và lối sống vị kỷ, những điều vô lý
nghiễm nhiên tồn tại, thu phí bò ăn cỏ, vịt ra đồng. Đường ống nước sạch (nước
ăn) vỡ đến hơn 20 lần cũng ngó lơ, chừng nào vỡ ống nhà mình hãy nói. Đánh thuế
nhà có giá trị từ 700 triệu đồng ư? Mới chỉ là dự thảo thôi. Cứ từ từ.
Cho rằng, "nếu không nhịn, làm sao giữ được hòa khí?",
ý kiến này đặt không khí bình lặng, ổn định lên trên, không kể đúng - sai. Theo
lẽ đó, người chăn vịt cứ nhẹ nhàng nộp phí, cán bộ cứ nhẹ nhàng thu tiền của
dân, người chứng kiến cứ nhẹ nhàng "hết sức bình tĩnh", bố mẹ cứ nhẹ
nhàng mất ngủ, hàng xóm cứ nhẹ nhàng "chuyện nhỏ", người đọc cứ nhẹ
nhàng lướt sang tin khác, vợ cứ nhẹ nhàng thức đêm kiếm việc làm thêm, con cái
cứ nhẹ nhàng "học tăng cường" năm này qua năm khác. Cái sai cứ nhẹ
nhàng sống khỏe, sống lâu, rút kinh nghiệm sâu sắc.
"Nếu không nhịn, để cảm xúc chi phối làm đầu óc tăm tối,
không phân biệt được phải - trái, phạm sai lầm". Quan điểm này cũng không
đầy đủ. Thay vì nêu ý kiến của mình đứng về phía nào, bảo vệ lẽ phải hoặc lên
án cái xấu, nó vẫn chú trọng quản lý cảm xúc bản thân, làm họ thiếu tự tin, trở
nên yếu đuối, thậm chí nhu nhược. Nó làm cho người thực hành tin rằng, việc
khống chế cảm xúc của mình là quan trọng nhất, thậm chí là nhiệm vụ duy nhất.
Nó biến cái sai của người thành cái sai của mình. Khi ống nước ăn vỡ, ngay từ
lần đầu, phải bày tỏ ngay lập tức, ngăn chặn tái diễn, chứ không chờ vỡ hết lần
này đến lần khác.
Chúng ta đã sống gần hết thập niên thứ hai thế kỷ 21, đang nhiệt
liệt biểu dương tinh thần cách mạng công nghệ 4.0, nhiều thành phố lớn là đầu
tàu cả nước, chúng ta không thể để tình trạng nhà nhà trồng rau, người người
nuôi lợn, tự cung tự cấp cho mình do thực phẩm nhiễm độc tràn lan. Nhẫn nhịn bỏ
qua mọi thứ biến con người trở nên vô cảm, "nhẫn tâm" để cái bất hợp
lý, cái ác trong xã hội thành chuyện đương nhiên. "Một nhịn, chín
lành" chỉ phù hợp phần nào trong không gian hẹp, cách sống này không tạo
xung lực để xã hội phát triển. Người trưởng thành là người có trách nhiệm với
cộng đồng, với môi trường sống. Xã hội văn minh là nơi con người sống theo luật
và đặt luật pháp trên tất cả.
No comments:
Post a Comment