Nghi ngờ Trịnh Xuân Thanh 'bị đưa sang Slovakia'
Bộ Nội vụ Slovakia tuyên bố rằng họ quan ngại về việc chuyến
thăm của Bộ trưởng Công an Việt Nam Tô Lâm hồi năm ngoái có thể đã bị 'lợi
dụng' cho những mục đích vượt ra ngoài phạm vi hợp tác và hữu nghị song phương,
truyền thông nước này hôm 29/4 nói.
TASR, hãng thông tấn của Slovakia, dẫn nguồn từ Vụ Báo chí thuộc
Bộ Nội vụ nói rằng Bộ đang phải phản hồi các thông tin từ truyền thông Đức,
theo đó nói chuyến công du của ông Tô Lâm có thể có liên hệ tới hoạt động của
cơ quan an ninh Việt Nam tại Đức.
Truyền thông Đức trong những ngày gần đây nói rằng Slovakia 'có
thể đã có dính líu' vào vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh hồi 7/2017 tại Berlin.
Chính phủ Slovakia không xác nhận tin báo chí này nhưng nói hôm
29/04:
"Kể từ tháng 8 năm ngoái, Bộ Nội vụ Slovakia đã làm việc
chặt chẽ với các cơ quan của Đức để làm rõ vấn đề, để hợp tác tối đa thông qua
việc trợ giúp pháp lý quốc tế."
"Nếu như thông tin từ phía Đức đưa ra được xác nhận, thì
chúng tôi sẽ coi đó là việc đối tác Việt Nam đã hành xử không công bằng, lạm
dụng lòng hiếu khách của chúng tôi để làm những việc không nằm trong phạm vi
quan hệ hữu nghị, và việc đó làm bất ổn quan hệ song phương vốn đang rất tốt
đẹp giữa hai nước," Bộ Nội vụ Slovakia được TASR dẫn lời nói.
Vụ việc đang tiếp tục làm rung động quan hệ Đức - Slovakia,
khiến đương kim Thủ tướng Slovakia, ông Peter Pellegrini (Đảng Smer-SD) đã phải
trả lời truyền hình và xác nhận nước ông bị cho là "có dính líu" đến
vụ Trịnh Xuân Thanh.
Theo trang slovensko.hnonline.sk, Thủ tướng Pellegrini hứa ông
sẽ yêu cầu có cuộc điều tra về vụ này.
Khách sạn Borik
Cuộc họp giữa Bộ trưởng Nội vụ khi đó của Slovakia, Robert
Kalinak, và ông Tô Lâm, diễn ra tại khách sạn Borik ở Blatislava hồi 7/2017.
Theo Bộ Nội vụ, cuộc họp được thu xếp trong chuyến đi trước đó
của phái đoàn Slovakia tới Việt Nam nhằm củng cố quan hệ hợp tác giữa hai nước.
Tờ FAZ (Frankfurter AllgemeineZeitung) của Đức, số ra ngày
25/4/2018, nói rằng chỉ ba ngày sau vụ bắt cóc ở Berlin, vào ngày 26/7/2017,
nhiều nhân vật tình nghi trong vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh đã từ Prague trên
các xe thuê chạy tới Pressburg và đỗ xe tại bãi đỗ của khách sạn Borik.
Báo này cũng nêu rõ Khách sạn Borik là nơi nằm dưới sự chủ quản
của chính phủ Slovakia và là nơi đã diễn ra cuộc gặp gỡ giữa Tướng Tô Lâm, Bộ
trưởng Công an Việt Nam với Bộ trưởng Nội vụ Robert Kalinak, người đồng thời là
Phó thủ tướng cho đến ngày 12/03.
Bài tường thuật của FAZ nói trong phái đoàn Việt Nam có cả Tướng
Đường Minh Hưng, người hiện đang bị cơ quan điều tra Đức cho là đã trực tiếp
chỉ huy vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh tại Berlin.
Cơ quan công tố Đức nói Tướng Hưng đã rời Berlin về Việt Nam
ngay sau vụ bắt cóc, và trong những ngày đó, Đức tin rằng ông Trịnh Xuân Thanh
vẫn đang còn bị giữ tại một địa điểm bí mật nào đó ở Châu Âu.
FAZ nói rằng ông Hưng đã quay ngay trở lại châu Âu để tham dự
cuộc gặp giữa phái đoàn Việt Nam với các chính trị gia cao cấp của Slovakia, và
đặt câu hỏi phải chăng đây là cuộc gặp để hai bên thương lượng trong việc
Slovakia giúp đỡ Việt Nam đưa ông Trịnh Xuân Thanh về nước.
Hôm 24/4, phiên tòa xử nghi phạm vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh bắt
đầu tại Berlin.
Cơ quan điều tra Đức nói rằng một phụ nữ đi cùng ông Trịnh Xuân
Thanh vào thời điểm xảy ra vụ bắt cóc cũng bị bắt đi.
Theo nội dung cáo trạng, chiếc xe chở những người bị bắt đã chạy
thẳng về Đại sứ quán Việt Nam tại Berlin. Người phụ nữ bị bắt cóc cùng ông
Thanh, được nêu danh tính là cô Thi Minh P. D., đã rời Đức về Việt Nam ngay
trong ngày, qua ngả Bắc Kinh.
Tuy nhiên, cơ quan công tố Đức nói rằng ông Thanh sau khi bị đưa
về Đại sứ quán đã được đưa về Việt Nam "bằng cách nào đó không rõ".
Các điều tra viên nghi ngờ rằng đối tượng bị bắt cóc có thể đã
được đưa vào xe dịch vụ cứu thương để đưa tới thủ đô Bratislava của Slovakia,
sau đó bay về Hà Nội, nhật báo Đức Tageszeitung tường thuật.
Trịnh Xuân Thanh bị điều tra 'rửa
tiền'?
Phiên tòa ở Berlin xử ông Nguyễn Hải Long, bị cáo buộc có liên
quan tới vụ 'bắt cóc Trịnh Xuân Thanh', đã tạm nghỉ sau hôm khai mạc 24/4.
Tòa án sẽ mở lại vào hai ngày 7 và 8/5.
Truyền thông Đức đã đăng nhiều tin bài về phiên xử, trong đó có
thông tin gây chú ý từ tuần báo Focus hôm 26/4.
Tờ báo này nói vào năm 2013, giới chức Đức chú ý một tài khoản
mà người vợ ông Trịnh Xuân Thanh đã mở ở ngân hàng Sparkasse ở Đức.
Tài khoản này nhận vào 635.000 euro. Người gửi, tờ báo Focus
ghi, là ông Hong Quang NL, đăng ký chỗ ở giống địa chỉ nhà vợ ông Thanh.
Tờ Focus cũng tường thuật giới chức Đức tìm thấy danh sách ghi
các tài khoản ở Đức của vợ chồng ông Thanh.
Đến ngày 28/4, cũng tờ Focus lại đăng bài thứ hai, nói rằng
chính nhân vật Hong Quang NL, thông qua một luật sư, đã liên lạc với cảnh sát
Đức, hai ngày sau khi xảy ra vụ "bắt cóc Trịnh Xuân Thanh" ở Berlin.
Nhân vật NL này, theo báo Focus, đã cung cấp các thông tin như
tin về một cô gái được cho là người tình của Trịnh Xuân Thanh, thẻ tín dụng ông
Thanh, và các chuyến bay mà có thể đã đưa ông Thanh ra khỏi nước Đức.
Trước tin của tờ Focus về cuộc điều tra cáo buộc rửa tiền, nhà
báo tự do Lê Mạnh Hùng từ Berlin bình luận:
"Theo tôi, có hai vấn đề riêng rẽ. Cáo buộc rửa tiền, giả
sử ông Thanh vẫn còn đang ở Đức, nhưng lý do xin tị nạn bị xem là không xứng
đáng, rằng ông chạy trốn như tội phạm kinh tế, chưa chắc ông ấy đã được cho tị
nạn."
"Nhưng trong khi thủ tục xin tị nạn của ông Thanh chưa
xong, chưa đến ngày thẩm vấn thì xảy ra vụ mà Đức gọi là bắt cóc, sau đó bị xử
án mà tưởng có nguy cơ bị tử hình. Dường như vì vậy Đức đã cấp cho ông quyền cư
trú tị nạn chính trị."
Ông Hùng đặt giả thuyết: "Giờ đây ví dụ ông Thanh lại được
quay lại Đức, biết đâu ông ấy lại phải ra tòa vì cáo buộc rửa tiền."
Bộ trưởng Nội vụ Slovakia Robert Kalinak và thủ tướng Robert
Fico đều đã từ chức sau khi bị hàng vạn dân biểu tình phải đối vì vụ việc có
liên quan đến cái chết của nhà báo Jan Kuciak và vị hôn thê.
No comments:
Post a Comment