Chuyện kể tháng Tư
Tuấn Khanh
2018-04-28
2018-04-28
Người Sài Gòn di tản
hôm 29/4/1975.
AFP
Năm 1992, khi những
hình ảnh của Việt Nam thiên sử truyền hình (Vietnam: A Television History) đột
nhiên được cho phép phát trên truyền hình nhà nước, những ngày đón coi bộ phim
tài liệu đó đã trở thành những cơn sốc lặng lẽ cho tuổi thiếu niên tôi, ngày
tháng ấy.
Là một đứa trẻ vào lớp
một sau năm 1975, trang vở đầu tiên đã ướt đẫm nền giáo dục xã hội chủ
nghĩa, đó lần đầu tôi được nhìn thấy cuộc chiến tranh trên quê hương mình
từ phía sau các tấm bảng tuyên truyền. Cảm giác thật lạ lùng. Khi màn hình đã
tắt, mọi người đã ngủ say, tôi vẫn nằm nhìn lên trần nhà trong đêm tối, trằn
trọc vẩn vơ nghĩ thật nhiều điều. Cuộc chiến đầy những mảng màu rực rỡ trên
sách giáo khoa, rồi trên loa phóng thanh ở các ngã tư mỗi sáng sớm, bỗng chợt
hiện ra trong tôi lõi trắng đen trần trụi, và để lại quá nhiều suy nghĩ.
Dẫu đã bị cắt đi những
điều bất lợi cho phe miền Bắc, nhưng chí ít, ngôn ngữ dẫn dắt bình thản của
Will Lyman trong phim đã để lại rất nhiều thông điệp cho tôi để chiêm nghiệm.
Thật ngạc nhiên, trong trí óc bé nhỏ đầy những câu chuyện về "bác Hồ"
và anh "giải phóng quân" của mình, vốn bị khóa chặt trong các bài học
giáo khoa từ năm 1976, có cái gì đó bật lên trong tôi một cảm giác mơ hồ khác
lạ rằng tôi đang nghe những lời nói dối.
Quả là những ngày
tháng mới mẻ trong suy nghĩ. Tôi bắt đầu kéo tấm rèm che, nhìn qua cửa sổ và
nhìn thấy nhiều người miền Nam đang cố làm quen với một đời sống cộng sản ngột
ngạt, và nhìn thấy không ít người miền Bắc đang tin rằng cuộc chiến mười ngàn
ngày ấy, là một cuộc giải phóng vĩ đại.
Trong phim, tôi nhớ
hoài những chiếc trực thăng trên hàng không mẫu hạm Mỹ ở ngoài khơi Thái Bình
Dương bị đẩy xuống biển để nhường chỗ cho những tốp người tỵ nạn cập vào. Hình
ảnh đó sao cứ loay hoay, chưa bao giờ dứt trong trí nhớ, suốt nhiều năm dài.
Như những con chim sắt
kiêu hãnh bay lượn trên bầu trời, chúng đáp xuống và mở bụng ra trên boong tàu,
đẩy những con người chấp chới và yếu đuối chạy ra. Đó là những người Việt không
quen biết. Tôi còn nhớ ánh mắt họ mệt mỏi, vô định. Nhiều năm sau, tôi vẫn tự
hỏi những thanh niên, cô gái, cụ già ấy... năm xưa ấy nay đang ở đâu?
Non nửa thế kỷ, vào
lúc rất nhiều người miền Nam không ngại nói ra trên các trang mạng xã hội rằng
họ không thích cộng sản, cũng như rất nhiều người miền Bắc nói rằng ngày 30
tháng 4 chẳng có gì đẹp để nhà cầm quyền ăn mừng, ngẫu nhiên tôi gặp được một trong
những người luôn nằm trong ký ức của mình. Một người đã lái chiếc trực thăng
UH1 đáp xuống hàng không mẫu hạm US Midwway, thuộc Hạm đội 7 Hoa Kỳ.
Thiếu úy Lê Văn Chiếu,
thuộc Không đoàn chiến thuật 84 Cần Thơ, người đang lái chiếc UH1 vào buổi trưa
ngày 30-4-1975 ở Sài Gòn thì nghe trên vô tuyến điện lời tuyên bố đầu hàng của
tổng thống Dương Văn Minh. Ông hoang mang nhưng không muốn dừng lại, mà bay
thẳng ra Côn Đảo, một căn cứ tiếp liệu của không quân ở đó. Chỉ có một mình,
mang trong bầu máu nóng của tuổi 20, ông chỉ muốn lấy đầy xăng và bay ra đi
hướng Hạm đội 7 chứ không chịu quay về nơi đã chấp nhận buông súng.
Ông Chiếu kể lại, khi
ông leo lên trực thăng để chuẩn bị bay, thì nhìn thấy trong đó đã đầy người di
tản chạy lên ngồi sẳn trong đó từ lúc nào. Mọi người không ai muốn ở lại, chỉ
muốn ra đi, bất chấp chuyện chiếc trực thăng đang quá tải. Sau vài lần thuyết
phục không xong, ông Chiến đành dỡ hết tất cả phi đạn và quân cụ trên máy bay
bỏ lại, năn nỉ mọi người bỏ bớt thêm hành lý để trực thăng có thể cất lên.
Đó chỉ là phần khởi
đầu của một chuyến đi phó thác cho số mạng. Chiếc trực thăng ì ạch rà lết gần
hết đường băng, mới có thể bay lên vào phút chót. Những con người căng thẳng,
nín thở chờ và khi thấy cuối cùng đã có thể bay lên, òa lên mừng rỡ, vỗ tay như
xem nhạc hội.
Chiếc trực thăng đó
mang một kỳ tích là chở 23 người Việt Nam (khả năng cho phép là 14 người), nhắm
hướng Hạm đội 7 Hoa Kỳ đi thẳng. Không ai nói với ai điều gì. Chỉ có tiếng cánh
quạt sầm sập quay đều và tín hiệu gọi cầu cứu lặp đi lặp lại đan xen nhau không
ngừng. Hướng ra biển chiều 30-4 ấy bỗng sầm sập mưa bão, đầy mây đen. Đã bay
gần một tiếng đồng hồ mà không nhận được tín hiệu đáp lại nào từ radio, cũng
không biết là đang đi về đâu, đã có lúc ông Chiếu nghĩ đến chuyện hết nhiên
liệu và rơi xuống biển.
Cứ bay mơ hồ như vậy
không ngừng, giữa cơn mưa và bầu trời tối đen, cuối cùng đột nhiên trên radio
vang lên lời đáp của một giọng người Mỹ. Ông Chiến kể rằng khi ấy, ông mừng đến
quýnh quáng, trả lời và nói rằng không biết mình ở đang đâu. Chỉ đến khi mã
nhận dạng và tìm địa điểm squawk (*) kết nối được, ông Chiếu mới thở phào nhẹ
nhõm vì chỉ còn hơn chục phút nữa là chiếc trực thăng sẽ hết nhiên liệu. Giọng
nói trên radio vang lên “chào mừng anh đến với USS Midway của Hạm đội 7”.
Đường bay đến boong
tàu hàng không mẫu hạm hôm ấy, bầu trời đầy những chiếc trực thăng không còn
đồng đội, không còn nơi chốn để quay về. Chiếc trực thăng của thiếu úy Lê Văn
Chiếu chỉ là một trong hàng trăm chiếc đang lao ra biển, mở đầu cho những ngày
tháng bi đát sau đó, của hàng trăm ngàn người Việt ở miền Nam Việt Nam muốn
được sống một đời sống không cộng sản.
Ông Chiếu kể lại, khi
ông đáp xuống, một tiểu đội Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ trang bị vũ khí nghiêm
ngặt khám xét từng người và chia ra. Khi thấy dòng người Việt không ngừng tuôn
ra từ chiếc trực thăng nhỏ của ông Chiếu, ai nấy đều kinh ngạc. Cất cánh và đáp
được trên biển với số người ấy, chỉ có thể là phép lạ.
Ngay sau khi ông Chiếu
được ra vào bên trong tàu USS Midway, cũng là lúc ông nhìn thấy chiếc trực
thăng đó bị đẩy xuống biển. Ông lướt đi qua nhiều người với nỗi vui buồn lẫn
lộn. Một trong những người ông bước nhanh qua là Phó Tổng thống Nguyễn Cao Kỳ,
đang thọc tay vào túi quần, nhìn về đất liền.
Năm 1985, sau khi học
và làm nhiều nghề, ông Chiếu ghi danh trở lại làm phi công trực thăng cho
National Guard Hoa Kỳ cho đến khi ông về hưu. Hiện nay ông đang là người hướng
dẫn âm nhạc cho Giáo đoàn các Thánh tử đạo Việt Nam ở Lancaster, Pensylvania.
Tôi ngồi nghe câu
chuyện của ông Chiếu, cùng người bạn của ông, Vũ Hoàng, cũng là một cựu phi
công trực thăng chiến đấu. Họ kể lại rất nhiều chuyện của thời trai trẻ, nhưng
nói rất nhẹ nhàng và thoáng qua về những cuộc chiến mà họ tham gia. Ông Hoàng
nói rằng những gì gọi là chiến tích của mình, ông cũng không muốn nhắc lại, vì
dẫu có vinh quang, đó cũng là nỗi buồn của một dân tộc phải lưỡng bại câu
thương trong một cuộc chiến vô nghĩa.
Câu nói đó khiến mọi
người chùng xuống trong cuộc trò chuyện tháng Tư. Quả là có những ký ức cần
phải được ngủ yên, thì từng con người mới có thể thanh thản đi hết cuộc đời,
bao gồm cả những ký ức được gióng trống hô vang tên gọi “giải phóng”, và
gọi tên nhau là kẻ thù. Cuộc xâm lăng của miền Bắc Việt Nam Dân Chủ Cộng
Hòa vào quốc gia miền Nam Việt Nam Cộng Hòa có thể đem lại một định mệnh khác
của dân tộc là thống nhất, nhưng nếu ký ức không được trả lại sự thật, thì
tương lai của thống nhất ấy cũng sẽ mãi bấp bênh. Tương lai cả đất nước
chỉ duy nhất là một tháng Tư hỗn loạn và thương đau được trình chiếu mãi
mãi với từng thế hệ.
Tôi vẫn không sao dừng
được việc hỏi câu cuối cùng với thiếu úy Lê Văn Chiếu, là vì sao ông lại chọn
bay thẳng ra biển mà không quay về sống một đời thường dân trong Việt Nam. Ông
Chiếu trả lời bằng nụ cười hiền lành, nhỏ nhẹ nhưng rành mạch “Nước có thể mất,
nhưng người lính thì không thể đầu hàng, em à”.
-----------------------------------
(*) Đài không lưu cấp
cho mỗi máy bay trong vùng kiểm soát của mình một mã nhận dạng, gọi
là squawk. Phi công nhập con số này vào transponder. Từ lúc đó, mỗi khi
sân bay gửi tín hiệu, thiết bị sẽ tự động gửi mã squawk về sân bay và do đó đài
điều khiển không lưu ATC biết được máy bay nào đang ở vị trí nào.
Phi công cũng có thể
tự chọn một mã squawk và thông báo cho đài điều khiển không lưu ATC biết mã squawk
đó.
Mã squawk gồm 4 chữ
số, từ 0000 đến 7777, trong đó có 3 mã được quy định là phi công chỉ dùng trong
trường hợp đặc biệt: 7500 thông báo đang có không tặc trên máy bay, 7600 thông
báo mất liên lạc COMM, 7700 thông báo tình trạng khẩn cấp.
Tin, bài liên quan
No comments:
Post a Comment