Thursday, March 29, 2018

Nội các bát nháo?-Vũ Linh


Vũ Linh: Ni các bát nháo?
Thời gian qua, TTDC đã hò hét bể nhà về cái mà họ gọi là rối loạn trong chính quyền Trump. Chủ tịch Hội Đồng Cố Vấn Kinh Tế Gary Cohn ra đi, ngoại trưởng Rex Tillerson bị sa thải. Rồi mới Thứ Năm vừa qua, lại thêm cố vấn An Ninh McMaster bị thay thế.
Chuyện gì đang xẩy ra?
Nhiều cụ tỵ nạn thông ngôn mừng rớt nước mắt vì có chuyện để đánh Trump, ào ào tung emails khắp xứ, xúm vào sỉ vả TT Trump ngu dốt không biết lựa người, lựa toàn những tay lờ mờ, không gian ác tham nhũng, cũng bất tài làm sai, làm hỏng đủ chuyện. Nếu không vì nhân viên nội các cùi, thì cũng chỉ vì Trump là loại bốc đồng hay độc tài, coi bộ trưởng như gia nhân, sáng mướn tối đuổi.
Ta thử bình tâm nhận định xem chuyện gì đang xẩy ra, tại sao và hậu quả như thế nào. Trước hết, phải hiểu cho rõ vấn đề nhân sự trong chính trị Mỹ.
Ê-kíp của một tổng thống luôn luôn gồm có hai nhóm khác nhau vì khả năng chuyên môn khác nhau.
NHÓM VẬN ĐỘNG TRANH CỬ
Nhóm thứ nhất là các chuyên viên vận động tranh cử. Đây là những chuyên gia về thăm dò dư luận, cách gây qũy, quảng cáo, các phương tiện truyền thông, luật bầu cử của từng tiểu bang, từng địa phương, tổ chức mít-ting, và kỹ thuật nói chuyện trước công chúng. Nhóm này cần thiết để bảo đảm ứng cử viên được đắc cử. Tất cả các ứng viên tổng thống trong lịch sử cận đại Mỹ đều cần nhóm này.
Vấn đề của ông Trump rắc rối hơn cả.
Kẻ này đã viết ngay từ hơn năm nay, ông Trump trước khi ra tranh cử tổng thống, không là chính trị gia, có rất ít quan hệ với giới chính khách, DC cũng như CH. Ông hầu như chẳng quen biết ai chứ đừng nói là hiểu rõ ai là ai.
Ngay từ trước khi ra tranh cử, bà Hillary và các chính khách chuyên nghiệp như thống đốc Jeb Bush chẳng hạn, đều có sổ điện thoại với tên của cả ngàn chính khách và chuyên gia có thể nhờ giúp đỡ, vận động, ủng hộ tiền bạc, hay tham gia nội các. Họ cũng có sẵn cả trăm cơ sở địa phương khắp các tiểu bang. Trong khi ông Trump chỉ có một danh sách các doanh gia đối tác làm ăn kinh doanh, mù tịt về chuyện vận động hay tổ chức bầu cử. Và chẳng có một cơ sở nào ngoài cái phòng làm việc của ông trong Trump Tower!
Kết quả là ông đã phải vồ chộp tứ tung, bạ ai coi tạm được, có chút kinh nghiệm tý ti, đều được kêu vào ê-kíp để giúp ông. Dĩ nhiên, ông cũng đã có những cuộc ‘phỏng vấn’ sơ để biết thêm chút đỉnh về những cộng sự viên mới. Thực tế và công bằng mà nói, ‘phỏng vấn’ tức là nói chuyện khơi khơi vài tiếng đồng hồ tối đa, làm sao lựa người hoàn hảo được? Phải điều tra kỹ hơn? Ai điều tra? Làm sao điều tra? Mất bao lâu để điều tra?
Cái thể thức tuyển lựa phụ tá cao cấp nhất kiểu này, còn sơ xài gấp vạn lần tuyển lựa ca sĩ kẻ này thường đi coi mỗi sáng chủ nhật tại rạp Thanh Bình ở Sàigòn hồi xưa.
Kết quả là ông Trump, nhờ giới thiệu qua lại, kiếm được một lô chuyên gia, hầu hết ông quen biết lần đầu, giúp ra tranh cử. Nói chung, họ có khả năng thật. Bằng chứng là họ đã giúp ông Trump đắc cử đấy, hạ được 16 ông bà đối thủ CH, rồi hạ luôn cả guồng máy của đảng DC và bà Hillary.
Nhưng mặt trái là nhiều nhân vật đó có tài nhưng cũng lắm tật. Trong nhóm đó, đã có 4 ông bây giờ đã bị công tố Mueller truy tố đủ tội lăng nhăng, chờ ngày ra tòa. Dù những tội này không dính dáng gì đến chuyện bầu bán, thì TT Trump cũng vẫn bị vạ lây và TTDC vẫn có cớ đánh tổng thống.
Thông thường thì nhóm này được lưu giữ trong một thời gian chuyển tiếp sau bầu cử, rồi cho nghỉ vì tới lúc tổng thống cần những phụ tá với những khả năng khác. Tất cả các tổng thống đều làm như vậy, nhất là từ thời TT Clinton.
Sau khi ông Obama đắc cử năm 2008, nhóm chuyên gia vận động bầu cử của ông được lưu giữ một thời gian chuyển tiếp từ vài tháng đến hai năm, rồi cho nghỉ hết, trong đó có cố vấn David Axelrod, giám đốc Ban Vận Động David Plouff, giám đốc Tài Chánh Penny Pritzker, giám đốc thông tin liên lạc Robert Gibbs,…
Với TT Trump cũng không khác. Ông Steve Bannon, giám đốc Ban Vận Động, được lưu nhiệm làm cố vấn trong thời gian đầu. Ông Sean Spicer cũng được lưu nhiệm làm phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc trong thời gian đầu. Sau đó, cả hai đều cho nghỉ. Không khác gì TT Obama đã làm.
Phải nói là TT Trump lưu giữ nhiều người hơn TT Obama, như các ông Jeff Sessions, Ben Carson được bổ nhiệm là bộ trưởng, cố vấn Kellyane Conway được lưu giữ làm cố cấn cho tới nay, giám đốc thông tin Jason Miller vẫn còn làm việc,…
Nhưng cái khác biệt quan trọng là khi các tổng thống Clinton, Bush và nhất là Obama giải nhiệm gần hết những người trong ban vận động, TTDC coi như chuyện bình thường không bàn tới, nhưng khi TT Trump làm y chang thì TTDC lập danh sách tràng giang đại hải rồi đả kích rùm beng là Tòa Bạch Ốc rối loạn, Trump ăn cháo đá bát. Một cụ tỵ nạn phán “Ai dám làm việc với Trump nữa?”
NHÓM ĐIỀU HÀNH CHÍNH QUYỀN
Sau khi ông Trump đắc cử thì đến lúc phải tuyển lựa ca sĩ mới. Nhóm thứ hai là nhóm cố vấn, phụ tá và nhân viên nội các thực sự giúp tổng thống điều hành cả guồng máy chính quyền. Bây giờ, những người ông cần là những người đòi hỏi nhiều điều kiện khó khăn hơn là khả năng vận động tranh cử.
Từng bước từng người, ê-kíp đầu mà khả năng không còn thích hợp và cần thiết nữa, lần lượt ra đi khi TT Trump cần chuyên gia quản trị việc nước.
Tiến trình cũng không khác mấy so với việc tuyển lựa phụ tá khi ra tranh cử. Nghĩa là trong những ngày đầu, TT Trump vẫn mù tịt, chẳng quen biết những ông bà tai to mặt lớn, đầy kinh nghiệm nào, nên chỉ có thể trông cậy vào những giới thiệu, gửi gắm của những người ông quen biết, hay các lãnh tụ đảng CH, hay các cựu viên chức quan trọng của chính quyền TT Bush trước đây.
Chẳng hạn, nhìn vào việc bổ nhiệm ngoại trưởng. Tân TT Trump chẳng biết ai, nghĩ đến thượng nghị sĩ Bob Corker, cựu thống đốc Mitt Romney, và cựu thị trưởng New York Rudolph Giuliani,… nhưng cuối cùng không thành. Rồi bà cựu ngoại trưởng Condolizza Rice và ông cựu bộ trưởng quốc phòng Robert Gates giới thiệu ông Rex Tillerson, một đại doanh gia, chủ tịch đại tập đoàn Exxon, một người có kinh nghiệm giao dịch với cả trăm quốc trưởng, thủ tướng, trên thế giới. Kinh nghiệm quốc tế hơn tất cả những người khác.
Việc bổ nhiệm các bộ trưởng khác cũng tương tự: qua giới thiệu, ‘phỏng vấn’ sơ sài, rồi bổ nhiệm.
Cũng không khác gì các cố vấn và phụ tá tranh cử, các nhân viên nội các này, hầu hết TT Trump chẳng quen biết gì trước đó, nên việc bổ nhiệm phần lớn có tính cách… hên xui may rủi, có người hợp quan điểm, hợp tính, hợp cách làm việc, có người không. TT Trump kiên nhẫn làm việc với họ trong hơn một năm qua, khi nội các nói chung đã tồn tại 14-15 tháng.
Dĩ nhiên, trong thời gian đó, đã có nhiều sóng gió, vì cả tổng thống lẫn những nhân viên nội các đều là những người thành đạt, có tính độc lập mạnh, ít khi chịu thua ai dễ dàng.
TT Trump còn có cá tính rất đặc biệt, không giống bất cứ tổng thống nào khác. Trong khi các tổng thống khác mở miệng là phải uốn lưỡi bẩy lần thì ông Trump muốn nói gì là nói ngay. Muốn khen là vỗ vai khen ngay. Muốn chửi là công khai mạt sát ngay, chẳng khách sáo gì hết, để rồi vài hôm sau, lại vui vẻ ôm vai bá cổ.
Trong khi các tổng thống khác bổ nhiệm hay sa thải các phụ tá một cách rất thận trọng, cân nhắc những yếu tố chính trị như bổ nhiệm sẽ có hậu quả như thế nào, cách chức thì chuyện gì sẽ xẩy ra? Lấy ví dụ, muốn giải nhiệm một ông bộ trưởng thì phải tham khảo lãnh tụ quốc hội xem ông bộ trưởng này thuộc phe cánh nào, ai ủng hộ ai chống; nếu ông này là dân công giáo của South Carolina chẳng hạn, thì cách chức sẽ gây phản ứng như thế nào từ ông giám mục tiểu bang này? Sẽ mất bao nhiêu phiếu cử tri South Carolina? Hay ngược lại, bổ nhiệm bà bộ trưởng nọ sẽ có thể có thêm bao nhiêu phiếu của cử tri phụ nữ. Đó là những tính toán căn bản của các tổng thống… bình thường.
Nhưng với ông tổng thống không bình thường Trump thì ông chỉ nhìn vào cái mà doanh gia Mỹ gọi là ‘bottom line’ tức là kết số cuối cùng. Có dấu cộng, có thành quả hữu hiệu? Ô kê, cho làm tiếp, có khi còn thăng chức, bốc điện thoại khen mấy tiếng cho vui. Ngược lại, có dấu trừ, công việc không như ý muốn, tuýt một tràng chửi rủa, dọa cách chức ngay. Chẳng cần biết được thêm hay mất đi bao nhiêu phiếu cử tri của tiểu bang nào hay của khối quyền lợi nào. Đây là cách hành xử của một doanh gia, một ông xếp Mỹ bình thường mà tất cả những người đã đi làm thuê cho công ty Mỹ, có xếp Mỹ như kẻ này và hầu hết quý độc giả, đều biết rõ vì đã từng trải qua. Khác xa cách hành xử của một chính trị gia chuyên nghiệp, lúc nào cũng lo tính toán, và vuốt ve hay chửi rủa đều cân nhắc hậu quả chính trị kỹ lưỡng.
Cách hành xử của TT Trump là một thứ gà để trứng vàng cho TTDC và các cụ thông ngôn. Từ cả năm nay, lúc nào cũng đầy tin sốt dẻo tung lên mặt báo như những xì-căng-đan lớn nhất lịch sử nhân loại: tổng thống nhục mạ thứ trưởng này, sắp cách chức bộ trưởng nọ, giám đốc kia sắp từ chức, tổng giám đốc nọ nói ngược lại tổng thống,… Nội các như nồi cháo heo. TTDC hân hoan tiếp tay quậy thêm cho nhuyễn. Nếu tin vào những cái tít lớn của TTDC thì tính đến nay, hơn một nửa nội các đã bị sa thải hay tự ý từ chức rồi.
Thực tế là cho đến ông Tillerson, không kể ông bộ trưởng Y Tế Tom Price bị áp lực từ chức vì dính đáng vào xì-căng-đan cá nhân, còn thì chẳng có bộ trưởng nào bị giải nhiệm hay từ chức [giám đốc FBI Comey không kể vì là người của chế độ cũ].
Như đã bàn, các phụ tá, bộ trưởng đều là những người phải thi hành sách lược của tổng thống, không cãi lý gì hết. Và khi sách lược đó thay đổi thì những vị đó cũng phải bị thay đổi.
Trước khi bàn thêm, ta phải hiểu rõ thể chế chính trị Mỹ. Hiến Pháp Mỹ muốn thấy một bộ máy chính quyền hữu hiệu, thuần nhất, tập trung và mạnh, nên cho tổng thống rất nhiều quyền. Tổng thống vừa là quốc trưởng, vừa là người điều hành guồng máy chính trị và hành chính. Trong tổ chức chính quyền Mỹ, không có phân chia quốc trưởng và thủ tướng. Tổng thống toàn quyền bổ nhiệm những người hợp tác tuy một số phải được Thượng Viện phê chuẩn (trên thực tế, 90% được phê chuẩn). Trong nội các Mỹ, tất cả mọi người đều bắt buộc phải là ‘người của tổng thống’, phải cùng quan điểm và không chống lại tổng thống. Không hội đủ những điều kiện này, không thể ngồi trong nội các, bất kể khả năng hay hậu thuẫn chính trị cá nhân. Và tổng thống có quyền sa thải, thay thế không cần lý do, tùy ý thích của tổng thống. Khác rất xa nội các Âu Châu, thường là loại ‘chính phủ liên hiệp’ của nhiều đảng phái họp lại để lập một liên minh nhất thời. Thủ tướng nhiều khi miễn cưỡng phải mời những người khác đảng, khác quan điểm chính trị, vào nội các. Tổng thống Mỹ không cần liên minh với bất cứ ai hết.
Đó là những nguyên tắc căn bản cần phải hiểu cho đúng.
Thời gian gần đây, TT Trump đã rõ ràng rẽ mạnh qua hướng bảo thủ cứng rắn, từ việc tăng thuế quan đến việc chuẩn bị đàm phán với Bắc Hàn
TTDC làm rùm beng về vụ cố vấn kinh tế Gary Cohn từ chức, mà không nói rõ ông này thật ra là đảng viên DC có ghi danh –registered Democrat-, ủng hộ bà Hillary từ đầu. Nhưng ông chủ trương giảm thuế, và nhận giúp TT Trump ra luật giảm thuế. Luật làm xong, ông ra đi vì quá nhiều khác biệt quan điểm với TT Trump và các đồng nghiệp bảo thủ CH như các ông bộ trưởng Tài Chánh và ông giám đốc Ngân Sách, không thể tiếp tục làm việc chung được. Dù sao, ông Cohn cũng chỉ là một cố vấn thôi, quyền hạn không thể bằng ông bộ trưởng Tài Chánh, nên ông phải là người ra đi.
Tin chấn động mới nhất là việc thay thế tướng McMaster, cố vấn An Ninh Quốc Gia, là người đụng độ nhiều lần với TT Trump như trong vụ đối phó với Iran, với Do Thái và Palestine, hâm nóng địa cầu,… Việc thay thế tướng McMaster đã được đồn đãi từ lâu, nhưng giọt nước làm tràn ly là việc một khuyến cáo bí mật của tướng McMaster, khuyên TT Trump không nên chúc mừng Putin đắc cử, bị lộ ra ngoài, gây bối rối lớn cho TT Trump khi ông chúc mừng Putin. Bối rối vì cho thấy lại có mâu thuẫn với tướng McMaster, và bối rồi vì lại bị xì tin mật từ văn phòng tướng này. Việc thay thế ông trở thành chuyện ‘khi nào’ thôi. Ông được thay thế bởi ông John Bolton, một nhà ngoại giao kỳ cựu, trước đây đã từng là đại sứ tại Liên Hiệp Quốc dưới thời TT Bush con. Ông này là loại diều hâu hạng nặng, chủ trương mạnh tay tối đa với Iran, Nga, TC, và Bắc Hàn. Ông Bolton trước đây đã được TT Trump phỏng vấn vào chức ngoại trưởng, nhưng rớt đài, nghe nói vì bộ ria mép không được lịch lãm, ngoại giao lắm. Tin vừa loan báo, ông Bolton chưa nhậm chức, TTDC đã xúm vào đánh ông rồi.
Cả hai ông Cohn và McMaster dù sao cũng chỉ là cố vấn, có trách nhiệm góp ý, khuyến cáo thôi. Nếu họ khác quan điểm với tổng thống, làm sao cố vấn tổng thống được nữa?
Ngoại trưởng Rex Tillerson là bộ trưởng đầu tiên bị giải nhiệm. Trường hợp ông này cũng đáng bàn. Như đã viết phần trên, TT Trump chẳng quen biết gì ông này trước nhưng đã bổ nhiệm theo khuyến cáo của hai vị bộ trưởng của TT Bush. Ngay từ đầu, hai ông Trump và Tillerson đã có vấn đề khi bắt tay vào làm việc với nhau. Ngoại trưởng Tillerson hoan nghênh hiệp ước hâm nóng địa cầu, ủng hộ hiệp ước kiểm soát nguyên tử với Iran của TT Obama và muốn tiếp tục quan hệ thân thiện với Nga, đồng thời chủ trương đàm phán ôn hòa với Bắc Hàn. Tất cả đều đi ngược lại đường hướng của TT Trump. TT Trump cũng chê ông Tillerson có quan điểm quá ôn hòa, không đủ bảo thủ.
Xung khắc giữa hai ông đã nổi bật cho cả thế giới thấy từ mấy tháng nay, nhưng TT Trump cũng đã cố gắng tự kềm chế trong khi ông Tillerson cũng cố nghiêm chỉnh thi hành bổn phận.
Rồi bất ngờ xẩy ra vụ Bắc Hàn đề nghị nói chuyện và TT Trump nhận lời. Bây giờ thì vai trò của ngoại trưởng trở nên cực kỳ quan trọng. TT Trump đi nước cờ lớn, trông cậy vào việc đàm phán với cậu Ấm sẽ có thành quả hết sức quan trọng, có thể nói để đời của ông. Và trong ván cờ này, ông thấy ông Tillerson không đủ cứng rắn đối phó với tên ma đầu Bắc Hàn, có thể sẽ nhượng bộ quá nhiều, cũng như không cùng quan điểm với tổng thống để có thể điều đình, bảo vệ quyền lợi của Mỹ như TT Trump mong đợi. Cuộc điều đình này quá quan trọng, không thể trông cậy vào một người mà TT Trump không tin tưởng hoàn toàn được, và nhất là không chia sẻ quan điểm chiến lược cũng như chiến thuật với tổng thống. Nhất là khi TT Trump muốn gửi một thông điệp thật rõ ràng cho cậu Ấm Ủn là Mỹ sẽ rất cứng rắn, đừng mơ tưởng đến nước Mỹ của Obama.
TT Trump cũng đã gửi một thông điệp rất rõ cho Trung Cộng, các đồng minh và cả thế giới luôn: trên phương diện chính sách đối ngoại nói chung và mậu dịch quốc tế nói riêng, Mỹ sẽ bảo vệ quyền lợi của Mỹ mạnh hơn trước đây rất nhiều.
Nói chung, TT Trump đang rẽ mạnh qua hướng bảo thủ, đảng DC, TTDC, và cả thế giới cần nhìn cho rõ.
Đây là lý do giải thích những thay đổi nhân sự mới nhất.
TTDC quậy tung trời, mở ngay chiến dịch đoán mò, cho rằng ngay trước mắt, ít ra một nửa nội các sắp bị sa thải, trong đó có các bộ trưởng Tư Pháp, Giáo Dục, Nội Vụ, Cựu Chiến Binh, Gia Cư, luôn cả ông con rể và bà con gái cũng sắp bị đuổi. Trước đây, TTDC đã la hoảng bộ trưởng Quốc Phòng và cả tân giám đốc FBI cũng đang chờ ngày bị sa thải, hay đang viết đơn từ chức. Luôn cả tướng Kelly, Chánh Văn Phòng vì tội là tướng thủy quân lục chiến, áp đặt kỷ luật làm việc quá cứng rắn, quy củ, trói tay TT Trump và các phụ tá quan trọng nhất.
Cách TTDC đánh TT Trump là cứ loan tin loạn xà bần, không cần biết chính xác hay không. Nếu sau đó không ai từ chức thì cũng chẳng sao, chẳng ai chất vấn. Truyền thông tỵ nạn thì chỉ lo chăm chỉ dịch cho đúng là xong.
Cho đến nay chưa có nhân viên nội các nào ra đi hết, trừ ông Ngoại Trưởng. Chỉ có một ông bộ trưởng ra đi sau 14 tháng, có gì ghê gớm mà TTDC làm như tsunami đang nhận cả Tòa Bạch Ốc xuống biển?
Các cố vấn và bộ trưởng ra đi thì ta có thể tiếc khả năng hơn người của họ, nhưng cũng phải hiểu TT Trump có quyền và cần có những phụ tá cùng chia sẻ quan điểm chính trị cũng như sách lược quản trị đất nước của ông. Quan điểm và sách lược đó đúng hay sai là chuyện khác.
Nói cho cùng thì chung quy cũng chỉ là loạn bàn về cách làm việc của TT Trump, mà quên mất dân Mỹ bầu tổng thống vì chương trình, sách lược kinh tế, an ninh, quốc phòng, giáo dục, y tế,… cho cả nước, chứ không ai bầu tổng thống vì ‘cách làm việc’ của ông ta. Cũng chẳng ai bầu cho các ông Cohn, McMaster, Tillerson,…
Vũ Linh, 24/3


No comments:

Post a Comment