Giáo
viên bị quỳ - nền giáo dục khiếm khuyết
Diễm Thi, RFA
2018-03-07
2018-03-07
“Tôn sư trọng đạo” vốn
là truyền thống của người Việt Nam được truyền dạy từ thế hệ này sang thế hệ
khác từ bao đời nay. Thế nhưng vừa rồi vụ việc được cho là chưa từng xảy ra, là
một giáo viên cho biết bị áp lực của phụ huynh phải quì xin lỗi do trước đó
phạt học sinh quì.
Vụ việc lại dấy lên
tranh luận về nền giáo dục Việt Nam hiện nay.
Vụ việc được truyền
thông cho biết xảy ra tại trường tiểu học Bình Chánh, xã Nhựt Chánh, huyện Bến Lức,
tỉnh Long An. Tin nói cô giáo trẻ tên Nhung bị phụ huynh kéo đến trường buộc
phải quỳ gối xin lỗi trước mặt họ suốt 40 phút. Lý do vì đã phạt con họ quì.
Hành xử của cả phụ huynh và người thầy
Sau khi thông tin được
loan đi, nhiều ý kiến tỏ ra bất bình với cách hành xử của phụ huynh và ngay cả
của cô giáo. Một giáo viên không muốn nêu tên cho biết ý kiến:
Mình đặt trường hợp
đồng nghiệp của mình bị thì mình không thể để cô quỳ 40 phút như vậy, mình sẽ
bắt cô đứng lên hoặc ai đó cứu cô ấy. Nếu mình làm không được thì mình sẽ kiếm
người giúp đỡ cô này.
Một giáo viên dạy cấp
1 ở quận 7 cũng muốn ẩn danh nói với RFA qua điện thoại rằng, thực hư vụ việc
chưa biết ra sao, nhưng dù thế nào đi nữa thì cô vẫn trách người giáo viên trẻ
đã chấp nhận quỳ gối trước phụ huynh học sinh. Theo cô thì người giáo viên này
đã đánh mất nhân cách người thầy trong mắt mọi người. Nếu là cô thì cô sẽ không
làm thế dù có thể sẽ bị phụ huynh hành hung.
Một giáo viên khác
đồng tình với suy nghĩ trên nhưng cũng trách thêm những đồng nghiệp không có
hành xử phù hợp:
Kỹ năng sống của cô
giáo cũng chưa được tốt vì nếu kỹ năng tốt thì cô sẽ không quỳ xuống. Cô sẽ có
cách nói để phụ huynh hài lòng và người ta sẽ bớt giận và mình dứt khoát không
quỳ. Việc thứ hai là những giáo viên đứng xung quanh thấy cô giáo quỳ 40 phút
mà không người nào đỡ cô lên. Không thể nào nhìn như vậy được.
Các giáo viên trách
những người phụ huynh đó đã chà đạp lên truyền thống tôn sự trọng đạo, hành xử
như xã hội đen chứ không phải trong môi trường học đường, nơi họ gửi gấm con
mỗi ngày.
Một số phụ huynh học
sinh mà chúng tôi tiếp xúc cũng có quan điểm giống hai giáo viên vừa rồi là
trách cả hai phía.
Nỗi đau của ngành giáo dục
Ngành giáo dục Việt
Nam hiện nay chủ trương giáo viên không được đánh, phạt học sinh. Chủ trương đó
được qui định cụ thể bằng văn bản.
Một phụ huynh cũng là
cô giáo cho rằng chính văn bản cấm không được đánh, phạt học sinh của ngành
giáo dục là nguyên nhân dẫn đến câu chuyện đau lòng trên. Cô nói:
Mình nghĩ tất cả là do
thông tư mới không cho giáo viên trách phạt học sinh bất kỳ trường hợp nào.
Không được đánh, không được phạt nên giáo viên bị áp lực. Người phụ huynh làm
việc này họ nắm được thông tư đó, nắm được luật bảo vệ trẻ em nên họ dựa vào
đó. Cái thứ hai nữa là phụ huynh đó cũng có “chút quyền” gì đó nên họ mới mạnh
dạn đến như vậy.
Ngày xưa học sinh đến
trường bị thầy cô phạt hay thậm chí đánh đòn là chuyện bình thường bởi quan
niệm của toàn xã hội “thương cho roi cho vọt”, không bao giờ có chuyện phụ
huynh lên trường xúc phạm giáo viên, đòi “ăn thua đủ” với giáo viên như vụ việc
tại Long An.
Tin cho biết khi vụ
việc xảy ra, người hiệu trưởng nhà trường có mặt; nhưng không có biện pháp ngăn
chặn. Và đây cũng bị cho là một nguyên nhân dẫn đến chuyện đáng tiếc. Một giáo
viên bày tỏ:
Người mình trách đầu
tiên là Hiệu trưởng, tại thầy hiệu trưởng là người đầu nhà trường mà thầy đứng
ngay đó nữa mà thầy bỏ đi thì đương nhiên áp lực của phụ huynh quá lớn nên cô
giáo đồng ý quỳ.
Trả lời VTC News về vụ
việc cô giáo bị bắt quỳ tại trường tiểu học ở Long An, đại biểu Quốc hội Dương
Trung Quốc cho rằng, vụ việc này là một bài học đắt giá trong ứng xử và trong
giáo dục ở cả phía giáo viên và cả phụ huynh, nó cũng cho thấy phần nào những
bất cập trong công tác giáo dục cũng như đảm bảo an ninh, an toàn cho các giáo
viên đứng lớp hiện nay.
Khía cạnh luật pháp
Để một xã hội vận hành
tốt về mọi mặt thì phải có nền luật pháp nghiêm minh, công bằng và những người
sống trong xã hội phải tuân thủ pháp luật
Vụ việc cô giáo bị bắt
quỳ đang lan rộng và gây bất mãn trong xã hội cũng không là ngoại lệ. Nếu pháp
luật không nghiêm minh thì e rằng tình trạng như thế sẽ còn tiếp diễn khi mà
những học sinh non nớt hiện nay sẽ trở thành phụ huynh và giáo viên trong tương
lai.
Chúng tôi nêu vụ việc
ra với luật sư Đặng Đình Mạnh ở sài Gòn và ông trả lời với tính cách tham khảo
như sau:
Giả thiết sự việc đúng
như cô giáo trình bày thì sự thúc ép cô giáo quỳ gối là không đúng. Trước sự
hiện diện của một số người khác, một số phụ huynh khác chứng kiến, thì điều đó
theo tôi có thể là yếu tố cấu thành tội làm nhục người khác. Cho nên với cái
nhìn nghiêm khắc thì phụ huynh có thể bị truy cứu với tội danh đó.
Từ xưa đến nay, người
thầy không là người dạy học trò phải ngả nón chào mình mà phụ huynh phải dạy
điều đó. Khi phụ huynh không còn tôn trọng giáo viên thì cũng đồng nghĩa với
việc gieo mầm họa cho thế hệ tương lai.
Một tuần sau khi sự
việc xảy ra, chiều 6 tháng 3, Bộ trưởng Giáo dục- Đào Tạo Phùng Xuân Nhạ gửi
công văn tới Chủ tịch UBND tỉnh Long An đề nghị có giải pháp bảo vệ danh dự, uy
tín nhà giáo, rằng “sự việc này tác động xấu tới hoạt động giáo dục của nhà
trường, làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới lòng tự trọng, danh dự của nhà giáo và
truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc ta”.
No comments:
Post a Comment