Monday, June 1, 2015

Giai thoại về kép cải lương Hùng Cường bước sang điện ảnh



Giai thoại về kép cải lương Hùng Cường bước sang điện ảnh
Ngành Mai, thông tín viên RFA
2015-05-30
Trước đây, thời thập niên 1960 thỉnh thoảng người ta vẫn thấy các tuồng cải lương được quay thành phim như: Đôi Mắt Người Xưa – Lỡ Bước Sang Ngang – Con Gái Chị Hằng... Những tuồng cải lương nói trên được chuyển thể thành phim, được bỏ đi bài bản ca cổ nhạc, đồng thời thêm bớt chút ít lời đối thoại là coi như xong. Tài tử đóng phim cũng thế, các đào kép chánh như Thanh Nga, Hữu Phước, Thành Được vẫn đảm nhận các vai trò nòng cốt, có nghĩa là ở sân khấu nghệ sĩ đóng vai nào thì lúc quay phim vẫn giữ vai trò của mình trong tuồng đó. Toàn bộ như vậy, coi như là tuồng cải lương được điện ảnh hóa, mà khi đi xem phim thì cảm tưởng của khán giả chẳng khác gì coi cải lương.
Cuộc “cách mạng điện ảnh
Thế nhưng, đến năm 1969 thì đạo diễn Bùi Sơn Duân đã làm một cuộc “cách mạng điện ảnh” bằng cách sắp đặt tất cả tài tử diễn viên là người của điện ảnh (mới hoặc cũ), chỉ đặc biệt vai chánh là chọn một kép hát cải lương đương thời là Thanh Tú, đóng vai chánh trong phim “Ba Cô Gái Suối Châu” của Trung Tâm Quốc Gia Điện Ảnh.
Thấy đường lối trên làm ăn khá, khán giả cải lương hoan nghinh đạt kết quả tốt đẹp về tài chánh nên nhiều hãng phim khác đã bắt chước.
Vào khoảng cuối năm 1969 hãng phim Liên Ảnh công ty do ông Quốc Phong làm giám đốc, đã quyết định mời kép cải lương Hùng Cường đảm trách vai chánh trong cuốn phim “Chân Trời Tím”, tình tiết chuyện phim phóng tác theo tác phẩm tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Văn Quang. Sự kiện đã gây chấn động xôn xao trong làng điện ảnh lẫn cải lương, và đây là thời điểm mà thời vận tốt đưa đến cho một số nam nữ nghệ sĩ cải lương tên tuổi như Thanh Nga, Thanh Tú, Bạch Tuyết, Hùng Cường...
Số nghệ sĩ cải lương được may mắn đã gia nhập làng điện ảnh mà còn lại chiếm ngôi vị độc tôn ở lãnh vực này, nắm giữ hầu hết các vai trò quan trọng của phim mà họ có mặt. Sự thể trên là một bất lợi ngó thấy cho một số tài tử điện ảnh chuyên nghiệp, và sự bất mãn khiến cho mấy tay này “quậy” tìm lum, châm chích đủ thứ, mà cái đáng trách hơn hết là dùng từ ngữ “cải lương” để bôi bát, nói xấu. Lúc bấy giờ thiên hạ nhiều giới nghe qua là biết rõ những tay này do mất chỗ đứng, bị ra rìa nên phản ứng bằng cách chê bai cho đỡ tức tối, chứ chẳng làm gì được để ngăn cản sự xâm nhập của đào kép cải lương.
Từ những thập niên trước cho đến lúc bấy giờ, người ta luôn nghĩ cải lương và điện ảnh là 2 nghệ thuật khác nhau, việc ai nấy làm, chớ không có vấn đề người cải lương đi làm phim ảnh, hay là người điện ảnh đi làm cải lương, trừ vài trường hợp ngoại lệ đặc biệt sẽ đề cập ở phần dưới đây. Người ta cũng thừa biết rằng khán giả cải lương thuần túy họ hiếm khi đi coi hát bóng; ngược lại khán giả xi nê thì cũng chẳng mấy thích vào rạp coi cải lương, nói rằng cải lương là rên rỉ, than khóc... Chẳng những thế mà một số người còn khi dễ cho rằng cải lương chỉ dành cho hạng khán giả bình dân, thậm chí còn nhạo báng rằng cải lương trước khi chết phải ca xong 6 câu vọng cổ rồi mới chết!
Chọn đào kép cải lương giao vai chánh
Tóm lại là có 2 dạng khán giả khác nhau, do đó mà nghệ thuật nào cũng cố gắng trau dồi nghề nghiệp để làm vừa lòng khán giả của lãnh vực mình phục vụ. Riêng các tài tử chiếu bóng thì luôn thăm dò nghe ngóng xem các hãng phim có sắp sửa thực hiện cuốn phim nào chăng, và luôn hy vọng mình sẽ được mời, để có một vai trò càng cao càng tốt. Cũng như trong tâm tư họ đã không hề nghĩ tới cái việc có một ngày nào đó các hãng phim đã không cần tài tử chuyên nghiệp như họ nữa, mà lại chọn đào kép hát cải lương để giao cho vai chánh.
Thật vậy, trong lúc ông Quốc Phong, giám đốc Liên Ảnh công ty tiếp xúc với nhà văn Văn Quang để thương lượng về bản quyền tác phẩm “Chân Trời Tím” mà thời gian trước đó đăng hằng tuần trên tạp chí tuần báo Phụ Nữ Diễn Đàn rất được nhiều người đọc. Nghe rục rịch như vậy thì số tài tử quá nhiều hy vọng mình sẽ được mời, và đang tính đến chuyện “làm giá” như đã từng làm. Một vài tài tử gạo cội từng đóng nhiều phim đã ngồi chờ, nhưng chờ mãi chẳng thấy ai mời, kế đó lại hay tin Liên Ảnh mời Hùng Cường bên cải lương và đang nói chuyện giá cả cũng như vai trò sẽ giao cho.
Thật là một tin như sét đánh cho người tài tử điện ảnh! Lúc đầu thì mấy tay này không tin đây là chuyện có thật, nhưng sau đó thấy báo chí tường thuật kết quả cuộc thương lượng giữa Hùng Cường và Liên Ảnh công ty thì mấy tài tử chuyên nghiệp mới thật sự tin là có, và họ bắt đầu lo lắng cho thân phận “bị ngó lơ” của mình. Bởi một khi kép cải lương Hùng Cương “lọt” được vào nghệ thuật màn ảnh, thì những đào kép cải lương khác bước vào chỉ là còn thời gian ngắn hay dài thôi! Sự lo ngại kia cũng đúng thôi, bởi khi vừa đóng xong phim “Chân Trời Tím” thì kép cải lương Hùng Cường được nhiều hãng phim mời cộng tác, và họ cũng nhắm vào đào kép cải lương khác để mời thêm.
Ông giám đốc Quốc Phong được coi như là người làm thương mại, ông đã nhắm vào con số đông đảo khán giả cải lương, nên đã mời Hùng Cường cộng tác và phim đã thành công như nhiều người biết.
Lúc mới bước sang lãnh vực điện ảnh, kép cải lương Hùng Cường bị những người trong giới này châm chích quá mạng, họ đã dùng từ ngữ “cải lương” để chê bai. Thế nhưng, sau khi thành công với phim đầu tiên “Chân Trời Tím” thì Hùng Cường mạnh dạn đứng trên sàn quay, nhiều hãng phim đã mời Hùng Cường cộng tác và phim nào có tên anh cũng ăn khách. Hãng phim Kim Thân đã trả tiền thù lao khá cao để mời Hùng Cường và Mai Lệ Huyền đóng cặp trong phim “Mãnh Lực Đồng Tiền”. Đào Thanh Nga cũng có mặt trong phim với vai trò “đào thương” kể như vai chánh (phim này Thanh Nga chỉ thu hình, tiếng nói do người khác thu tiếng).
Và sau việc Hùng Cường bị châm chích thì người ta tự hỏi, phải chăng nghệ thuật điện ảnh chỉ dành riêng cho một số người mà thôi sao, những ai đang làm nghề nghiệp khác nếu bước vào thì cũng bị “tai họa” như Hùng Cường!
Lúc đầu thì các nữ tài tử điện ảnh rất ngại đóng cặp với kép hát cải lương, nghe nói thì hình như Liên Ảnh công ty trước khi mời Kim Vui đã có ngỏ ý mời Thẩm Thúy Hằng đóng cặp với Hùng Cường nhưng cô từ chối (có lẽ do vấn đề “cải lương” trên). Rồi sau đó thấy Kim Vui nổi bật trong phim Chân Trời Tím và phim lại được giải của tổng thống, nên người đẹp Bình Dương mới tiếc rẻ.
Càng về sau thấy Hùng Cường tiếp tục thành công, trở thành tài tử “gạo cội” thì các nữ tài tử điện ảnh tên tuổi đã không còn e ngại đóng phim với Hùng Cường, và trong đó có nữ tài tử Kiều Chinh.
Tháng 9, 1971 hãng Trùng Dương Film, đạo diễn Lưu Bạch Đàn đưa nhóm tài tử ra Nha Trang khởi sự quay phim “Bảo Tình” và người ta thấy Kiều Chinh – Hùng Cường có mặt cùng đóng phim.
Trung Tá Ôn Văn Tài (chồng của ca sĩ Thanh Thúy) cũng giữ một vai trò trong phim, nhưng ít xuất hiện. Đặc biệt cuốn phim “Bảo Tình” này có quay cảnh mãn khóa 22 Sĩ Quan Hải Quân tại Nha Trang, và phim đã ra mắt khán giả khoảng cuối 1971.
Trước đây, thỉnh thoảng vẫn có người cải lương đứng ra làm phim, như trường hợp đoàn Kim Chung ở ngoài Bắc, năm 1953 đã từng đưa đào kép của đoàn sang Hồng Kông quay cuốn phim “Kiếp Hoa”. Ba năm sau (1956) ở trong Nam nghệ sĩ Năm Châu cộng tác với hãng phim Mỹ Vân thực hiện cuốn phim “Quan Âm Thị Kính” với toàn bộ đào kép cải lương của Ban Việt Kịch Năm Châu làm tài tử đóng phim. Cả hai phim Kiếp Hoa và Quan Âm Thị Kính đều thành công rực rỡ về tài chánh, dù rằng kỹ thuật hình ảnh, âm thanh lúc đó quá kém.
Tóm lại nếu ham thích và có đầu óc thương mại, cộng thêm vốn liếng thì người làm cải lương cũng có thể đi vào khai thác điện ảnh dễ dàng. Trường hợp Liên Ảnh công ty đã dẹp bỏ mọi dư luận, mọi thành kiến và cả sự công kích của một số người.
Thời điểm đó nhiều cuốn phim Việt trình chiếu, khán giả có dịp thưởng thức món ăn tinh thần cây nhà lá vườn, thay vì cứ ăn mãi cái món ngoại quốc nhập vào, không hạp với khẩu vị của nhiều người, nhất là giới khán giả bình dân họ ít khi nào đi xem phim Âu Mỹ, mà có chăng là phim Nhựt, phim Ấn Độ được chuyển âm tiếng Việt.
Phong trào phim Việt Nam sinh khí sôi động làng điện ảnh, nhiều người chưa từng ở trong nghề, không có một kinh nghiệm nào hết cũng nhập cuộc nhảy vào kinh doanh nghệ thuật, vừa thỏa nguyện ước mơ làm chủ hãng phim lại vừa làm thương mãi, ở một địa hạt mà nếu may mắn gặp thời, phim ăn khách thì “vốn một mười lời” như trường hợp phim “Biển Động” của hãng Kim Cương Film. Lúc ấy ở mấy quán cà phê gần rạp hát thiên hạ bàn tán khá nhiều, và cứ mỗi xuất chiếu thấy người ta chen chân mua vé là có người nói: “Như thế này thì bạc tiền Kim Cương để đâu cho hết, kỳ nữ chưa có chồng mà”!
Nguồn: http://www.rfa.org/vietnamese/programs/TraditionalMusic/traditional-music-05302015-nm-05302015071700.html


No comments:

Post a Comment