Sunday, March 25, 2018

Điệp viên Phạm Xuân Ẩn: Ông là ai?


Điệp viên Phạm Xuân Ẩn: Ông là ai?
Tina Hà Giangbbcvietnamese.com
·         24 tháng 3 2018
Hơn 40 năm sau Cuộc chiến Việt Nam, các góc độ về cuộc đời ông Phạm Xuân Ẩn (1927-2006), điệp viên cộng sản nổi tiếng thời chiến, vẫn thu hút nhiều chú ý.
Điều này có thể thấy qua chuyện vừa có thêm cuốn 'The Punji Trap: Pham Xuan An - The Spy Who Didn't Love Us' của tác giả Luke Hunt, mới được Talisman Publishing xuất bản đầu tháng 2 năm 2018.
"Chúng ta có thể có thêm một trăm cuốn sách nữa về nhân vật này, và vẫn còn rất nhiều điều chưa ai biết về cuộc đời của ông ta...,'' Luke Hunt nói với BBC Tiếng Việt.
Sử gia Larry Berman thì trong lúc trả lời phỏng vấn của BBC, đang có kế hoạch về Việt Nam để nói chuyện về nhân vật mà giới nghiên cứu chiến tranh Việt Nam coi là 'kỳ bí', ông Phạm Xuân Ẩn.
Phạm Xuân Ẩn làm việc với những ai?
Cuộc đời ông Phạm Xuân Ẩn đến nay vẫn còn gây nhiều tranh cãi. Trong khi Thomas Bass gọi Phạm Xuân Ẩn là một gián điệp tứ trùng (quadruple agent) thì Luke Hunt và Larry Berman quả quyết ông Ẩn chỉ trung thành với Đảng Cộng sản Việt Nam.
Về quan hệ của Phạm Xuân Ẩn với CIA, Thomas Bass nói:
''Ông Ẩn làm việc trong lãnh vực tâm lý chiến với Edward Lansdale và CIA của Hoa Kỳ trong một thời gian ngắn. Ông Lansdale chính là người giúp Phạm Xuân Ẩn đến Hoa Kỳ để theo học ngành báo chí. Trở về Việt Nam sau khi được đào tạo như một nhà báo, ông Ẩn làm việc cho tình báo của Nam Việt Nam, và dĩ nhiên, ông là một điệp viên tầm cỡ của Bắc Việt trong cuộc chiến Việt Nam.'
Ông tin vào một nền báo chí tự do, thế mới chết!Larry Berman nói về Phạm Xuân Ẩn
''Chúng ta phải hiểu rằng, khi là một gián điệp tứ trùng thì bạn nhận được tin tức từ nhiều nguồn khác nhau, đồng thời cũng cung cấp tin tức cho những nguồn này, đấy là một quá trình hết sức phức tạp. Đó là lý do tại sao Phạm Xuân Ẩn chắc chắn phải là một trong những điệp viên vĩ đại nhất của thế kỷ thứ 20, người có thể tung hứng công việc của một gián điệp tứ trùng thì phải là một người xuất sắc.''
Larry Berman bác bỏ quan điểm của Thomas Bass. Ông nói với BBC:
''Thomas Bass làm gì có bằng chứng nào về việc đó. Tôi đã thảo luận về điều này trong cuốn sách của tôi. Thực ra Phạm Xuân Ẩn đã được CIA và vài cơ quan khác tuyển dụng, nhưng đó chỉ là vì họ thấy ông ta là một nhà báo người Việt Nam làm việc cho tạp chí Time. Ẩn nói với tôi rằng anh ta đã hỏi ý cấp trên xem có nên nhận việc của CIA không. Nhưng vai trò của ông Ẩn rất quan trọng cho sự thành công chiến lược của cộng sản, và làm việc với CIA quả là điều quá nguy hiểm.
''Với Thomas Bass, hoặc bất cứ ai tuyên bố rằng Phạm Xuân Ẩn là một gián điệp tứ trùng hoặc thậm chí nhị trùng, tôi sẽ hỏi họ là bằng chứng của bạn đâu? Là một học giả, tôi thấy không có bằng chứng gì cho thấy Ẩn làm việc cho bất kỳ cơ quan tình báo nào khác.''
Phạm Xuân Ẩn và những người bạn
Với quan hệ thường được nhắc đến giữa Phạm Xuân Ẩn với các ông Phạm Ngọc Thảo và bác sĩ Trần Kim Tuyến, ba vị tác giả đều thú nhận không có nhiều tin tức về ông Phạm Ngọc Thảo, một điệp viên cộng sản sau khi bị lộ diện đã bị VNCH tra tấn và giết chết, rồi sau này được Bắc Việt phong tướng.
Tác giả Thomas Bass nói với BBC:
"Tôi không biết về việc Phạm Xuân Ẩn làm việc với Đại tá Phạm Ngọc Thảo, và liệu ông Ẩn có biết Phạm Ngọc Thảo cũng là một điệp viên cộng sản không. Bạn biết rằng gián điệp hoạt động trong từng chi bộ tách biệt, bởi vì nếu không thế thì toàn bộ mạng lưới có thể bị phá hủy nếu một chi bộ bị lộ.''
Luke Hunt cho rằng: ''Tình bạn của họ với nhau rất chân thực. Trần Kim Tuyến và Phạm Xuân Ẩn nói với tôi rằng họ không biết là Phạm Ngọc Thảo là gián điệp.''
Nếu Đại tá Phạm Ngọc Thảo là nhân vật ít được biết đến, thì cả ba tác giả đều hiểu khá rõ về quan hệ giữa Phạm Xuân Ẩn và bác sỹ Trần Kim Tuyến, người chỉ huy hệ thống an ninh mật vụ của nền Đệ Nhất Cộng Hoà.
''Sau khi học xong báo chí ở Hoa Kỳ, ông Phạm Xuân Ẩn trở về Việt Nam năm 1961, trong một giai đoạn hết sức khó khăn, lúc chính quyền Ngô Đình Diệm đang bắt giam rất nhiều Việt Cộng. Phạm Xuân Ẩn nương náu tại nhà ông Tuyến khoảng 30, 35 ngày, vì sợ bị mật vụ của ông Diệm bắt nhốt. Bác sĩ Trần Kim Tuyến là người đã giúp ông Ẩn tìm được việc làm đầu tiên trong làng báo Việt Nam, rồi từ đó họ trở thành bạn.''
''Dĩ nhiên sau khi chiến tranh Việt Nam chấm dứt tháng 4 năm 1975, Phạm Xuân Ẩn là người đã cứu mạng Bác sĩ Trần Kim Tuyến bằng cách giúp ông ta trốn khỏi Việt Nam. Ẩn luôn luôn nói rằng ông làm thế vì tình bạn. Tôi thì tôi ngờ rằng ông ấy làm điều đó vì họ là bạn cũng có, và cũng bởi vì, và đây là điều rất quan trọng, cả hai đều biết nhiều bí mật về nhau."
Tác giả Thomas Bass đặt vấn đề:
''Giữa cuộc chiến, khi bạn cố dò tìm tin tức để giết quân địch và chiếm ưu thế quân sự, thì tình bạn là cái gì? Tình bạn ấy có thực sự, có chân thành không, hay là thứ tình bạn giúp người ta có thông tin quan trọng tới mức chết người? Phạm Xuân Ẩn và bác sĩ Trần Kim Tuyến quen biết nhau trong một thời gian rất dài, và bác sĩ Tuyến giúp nhiều cho sự nghiệp của Phạm Xuân Ẩn, nhưng đây cũng có thể là thứ tình bạn mang lại lợi ích song phương.''
Thất vọng và uẩn ức sau năm 1975
Dù sau này được phong thiếu tướng Quân đội Nhân dân Việt Nam, ông Phạm Xuân Ẩn đã bị buộc phải cải tạo tư tưởng và bị cấm tiếp xúc với báo chí, nhất là các nhà báo nước ngoài, trong nhiều năm sau 1975.
Larry Berman giải thích:
''Tất nhiên Phạm Xuân Ẩn không phải vào những trại tù cải tạo lao động như người miền Nam, nhưng họ cố gắng cải tạo lại suy nghĩ của ông ấy. Ông ta không còn tư duy của một người cộng sản nữa, vì đã tiếp xúc với cách suy nghĩ và giáo dục về báo chí của người Mỹ. Ông tin vào một nền báo chí tự do, thế mới chết! Và với những người cộng sản, đó là những ý tưởng phải được xóa sạch ngay ra khỏi tâm trí.''
Đặt nghi vấn có thể vì không muốn để bác sĩ Trần Kim Tuyến bị chính quyền mới bắt mà ông Ẩn đã giúp để ông Tuyến trốn đi khi Sài Gòn sụp đổ, ông Larry Berman nói với BBC Tiếng Việt:
''Giả thuyết của tôi là, Ẩn sợ nếu bác sĩ Tuyến bị bắt, ông ta sẽ bị tra tấn và sẽ tiết lộ những điều về Ẩn mà Ẩn không muốn lộ ra, như việc ông đã cứu mạng sống của nhiều người Mỹ trong chiến tranh, bảo vệ bạn bè người Mỹ. Cộng sản rất tức giận về việc Ẩn giúp bác sĩ Tuyến trốn thoát, đó là một trong những lý do khiến ông Ẩn bị bắt phải cải tạo.''
Nhà báo Úc Luke Hunt, người đã gặp và phỏng vấn ông Phạm Xuân Ẩn ở TPHCM đầu thập niên 1990, nói về nỗi thất vọng của Phạm Xuân Ẩn về chính quyền mới:
''Vâng, ông ấy đã rất thất vọng. Tôi nghĩ rằng có những kỳ vọng về những gì sẽ xảy ra khi chiến tranh kết thúc, và khi những kỳ vọng này không được đáp ứng, mọi người bắt đầu tự hỏi họ đã đấu tranh cho cái gì. Có phải đó là một cuộc chiến giành độc lập hay là một cuộc chiến cho chủ nghĩa cộng sản? Và tôi nghĩ không bao giờ có câu trả lời cho câu hỏi đó.''
Thomas Bass chia sẻ những gì Phạm Xuân Ẩn nói với ông về tình hình Việt Nam sau 1975 và sự chỉ trích với các nhà lãnh đạo khi đó, mà ông nói là "rất nhiều".
''Vâng, có quá nhiều chỉ trích nên rất khó xác định. Sau năm 1975 [chính quyền] Việt Nam đã mắc nhiều sai lầm dốt nát. Một là toàn bộ mạng lưới các trại cải tạo cưỡng bách lao động, hay nhà tù, trong đó họ giam giữ những người miền Nam đến mười bảy năm hay không biết là bao lâu. Hành xử kiểu này sau khi chiến tranh chấm dứt đã làm Phạm Xuân Ẩn kinh ngạc."
"Nỗ lực loại bỏ người Hoa khỏi việc kiểm soát thị trường gạo đã gây ra cuộc khủng hoảng cho thuyền nhân và làm cho nền kinh tế bị kiệt quệ, tạo ra nạn đói ở Nam Việt Nam. Việc điều hành nền kinh tế là một tai họa sau năm 1975, Phạm Xuân Ẩn chắc chắn phê bình về điều đó, quan hệ với Trung Quốc là một điều khác... cả một danh sách dài..."
Phạm Xuân Ẩn thất vọng đến mức nào?
Còn Larry Berman cho rằng, dù không đồng ý với một số việc làm của chính quyền mới, Phạm Xuân Ẩn vẫn dành nhiều nỗ lực hoà giải giữa Hoa Kỳ và Việt Nam:
"Phạm Xuân Ẩn có một sứ mệnh, sứ mệnh ấy là đẩy quân đội nước ngoài ra khỏi Việt Nam, và trong trường hợp này là quân đội Mỹ. Ông đã hoàn thành sứ mệnh của mình và dành nỗ lực vào việc hòa giải. Khoảng 50 trang sách của tôi đã được dành cho đề tài này, vai trò của Phạm Xuân Ẩn trong quá trình hòa giải, mà hầu như không ai nói đến."
Với tác giả Luke Hunt, nỗi thất vọng của Phạm Xuân Ẩn trầm trọng hơn nhiều, đến nỗi ông đã 'nhiều lần tìm cách trốn khỏi Việt Nam'.
Tác giả người Úc nói với BBC:
''Bác sĩ Trần Kim Tuyến và ông Phạm Ngọc Đình, một nhân viên của Reuters tại Sài Gòn, cho tôi biết rằng Phạm Xuân Ẩn đã ba lần tìm cách trốn khỏi Việt Nam, giống như ông Bùi Tín, người đã trốn qua Paris năm 1992. Phạm Xuân Ẩn muốn theo bước chân ông ấy.''
Nhưng Thomas Bass hoàn toàn bác bỏ điều này.
Dù có những nhận định khác nhau, tựu trung các tác giả nước ngoài đều cảm phục lý tưởng cuộc đời của Phạm Xuân Ẩn.
Nhà báo Luke Hunt khẳng định rằng dù đã làm gì, ông Ẩn vẫn là một 'nhà báo vĩ đại', và không phải điệp viên cho nhiều bên:
Ông không bao giờ có nhiều tiền, bởi vì ông không phải là một người tham lam. Ông tin ở Hồ Chí Minh và tận tụy với niềm tin của mìnhLuke Hunt nói về Phạm Xuân Ẩn
''Không, tôi không tin ông ấy làm việc cho ai khác. Chắc chắn là một nhà báo, ông ấy sẽ chia sẻ và cung cấp thông tin cho mọi phía, nhưng ưu tiên hàng đầu của ông ấy là Hà Nội. Phạm Xuân Ẩn không phải là người phản bội hay có thể bị mua chuộc. Ông không bao giờ có nhiều tiền, bởi vì ông không phải là một người tham lam. Ông tin vào Hồ Chí Minh và tận tụy với niềm tin của mình. Tôi có bằng chứng cụ thể rằng ông là một nhà báo vĩ đại.''
Họ còn đồng ý ở một điểm nữa là cuộc đời Phạm Xuân Ẩn vẫn còn nhiều bí ẩn.
''Cho đến khi chính phủ Việt Nam chính thức giải mật hồ sơ Phạm Xuân Ẩn hiện được niêm phong tại Hà Nội, không ai trong chúng ta sẽ biết sự thật, vì vậy chúng ta chỉ có thể suy đoán. Sự suy đoán của tôi khác hẳn với hai tác giả khác đã viết về Phạm Xuân Ẩn, " ông Larry Berman nói.
Về ba tác giả:
Larry Berman là tác giả cuốn 'Perfect Spy: The Incredible Double Life of Pham Xuan An, Time Magazine Reporter and Vietnamese Communist Agent' (2008). Bản tiếng Việt của sách đã bị kiểm duyệt nhiều đoạn ở Việt Nam.
Thomas A. Bass ra cuốn 'The Spy Who Loved Us: The Vietnam War and Pham Xuan An's Dangerous Game' năm 2009 và sẽ bổ sung thêm nhiều chi tiết cho lần tái bản cuối năm 2018.
Luke Hunt ra cuốn 'The Punji Trap: Pham Xuan An - The Spy Who Didn't Love Us', đầu tháng 2/2018, gọi Phạm Xuân Ẩn là 'Điệp viên không hề yêu quý chúng ta', như để bác bỏ cách nhìn của Thomas Bass.
BBC Tiếng Việt sẽ lần lượt đăng tải toàn bộ ba cuộc phỏng vấn với ba tác giả này do Tina Hà Giang thực hiện trong tháng 2/2018.
Xem thêm về Cuộc chiến Việt Nam:
Tin liên quan
·        

·        

·        

·        

·        

·        

·        

·        



No comments:

Post a Comment