Saturday, August 1, 2020

Buổi Điều Trần của Bốn Ông Lớn


Buổi Điều Trần của Bốn Ông Lớn
4 ông lớn công nghệ điều trần: Những lời phủ nhận và xua tay
Trong phiên điều trần chống độc quyền trước Quốc hội Mỹ diễn ra vào ngày 29/7 (giờ địa phương), 4 vị CEO quyền lực nhất ngành công nghệ đã phải trả lời các câu hỏi không hề đơn giản liên quan đến những cáo buộc về hành vi cạnh tranh không lành mạnh.

Cả 4 vị CEO đều lựa chọn hình thức họp từ xa và mở camera liên tục để ghi hình.
Để hạn chế tình trạng lây nhiễm virus corona, các thành viên tham gia được yêu cầu đeo khẩu trang và ngồi cách xa nhau 2m. Tuy là một sự kiện quan trọng, nhưng phiên điều trần được đánh giá là tổ chức kém về mặt công nghệ khi bị trễ gần 1 giờ đồng hồ vì yếu tố kỹ thuật.
Mở đầu, chủ tọa David Cicilline, Trưởng tiểu ban chống độc quyền của Hạ viện Mỹ đã yêu cầu cả 4 CEO gồm Mark Zuckerberg (Facebook), Jeff Bezos (Amazon), Sudar Pichai (Google/Alphabet), Tim Cook (Apple) giơ tay tuyên thệ rằng những phát biểu mà mình sắp đưa ra đều là sự thật. Họ đều ngồi trong phòng riêng với camera và micro để họp trực tuyến.
Ông Cicilline còn đề nghị tất cả không được trả lời dựa trên nội dung được cung cấp bởi các trợ lý phía sau hậu trường. Tuy nhiên, có vẻ như ông Sudar Pichai đã không làm như vậy khi liên tục nhìn về phía trái camera trong lúc suy nghĩ câu trả lời.
Trong quá trình đối chất, biểu cảm của mỗi người cũng không giống nhau. “Việc ngồi ở nhà để điều trần thay vì đến tòa nhà Quốc hội là lợi thế giúp che đi khuyết điểm của 4 CEO công nghệ,” theo tờ Washington Post.
Mark Zuckerberg
CEO Facebook Mark Zuckerberg có vẻ như là người nhận được nhiều câu hỏi hóc búa nhất từ Hạ viện Mỹ. Ông dùng góc máy cận mặt chứ không xuất hiện ở góc màn hình rộng với nửa thân người như các CEO khác. Xuyên suốt phiên điều trần, ông liên tục uống nước mỗi khi nhận được câu hỏi khó.
Đặc biệt, ông đã nhiều lần trả lời “tôi không nhớ” khi Hạ nghị sĩ Pramila Jayapaln hỏi về việc dùng ưu thế độc quyền để thâu tóm Instagram vào năm 2012, đến mức ông Pramila Jayapal phải nhắc cho CEO của Facebook nhớ rằng đầu buổi ông đã giơ tay thề sẽ cung cấp sự thật.
Tuy nhiên, ông Mark Zuckerberg thừa nhận đã sao chép sản phẩm của đối thủ cạnh tranh. Khi được bà Pramila hỏi Facebook có sao chép từ đối thủ cạnh tranh không, ông Mark không phủ định mà chỉ đáp: “Chúng tôi chắc chắn đã cải biến các tính năng mà người khác đã dẫn đầu.”.
Dẫu vậy, ông phủ nhận việc mạng xã hội này theo đuổi chiến lược gây áp lực để các đối thủ bán lại công ty cho Facebook.
Jeff Bezos
Phiên điều trần ghi nhận 90 phút vắng mặt của ông Jeff Bezos vì sự cố kỹ thuật. Khi đường truyền được kết nối trở lại, người xem thấy CEO của Amazon đang tranh thủ “ăn vặt”. (Ảnh: Chụp màn hình)
Ông Jeff Bezos bị hỏi về việc sử dụng dữ liệu của người dùng để cạnh tranh với chính các nhà bán lẻ đang kinh doanh trên nền tảng chợ điện tử của mình. Nghị sĩ Pramila Jayapal yêu cầu ông trả lời về vấn đề này, đồng thời viện dẫn bằng chứng cho thấy Amazon có quy định về sử dụng dữ liệu nhưng không chặt chẽ. Người giàu nhất hành tinh cho biết đúng là Amazon có một quy định cấm truy cập các dữ liệu của nhà bán lẻ để làm lợi cho các sản phẩm mang thương hiệu Amazon. Nhưng ngay sau đó, ông lại thừa nhận rằng “không thể nói chắc quy định này chưa từng bị vi phạm”.
Nghị sĩ Mary Scanlon hỏi ông Jeff Bezos về cuộc chiến giá giữa Amazon và Diapers.com mà cuối cùng Amazon đã mua lại và đóng cửa đối thủ. Bà Scanlon cho rằng Amazon đã thao túng giá để khiến đối thủ không thể cạnh tranh và biến mất, sau đó lại tăng trở lại khi đối thủ không còn tồn tại. “Tôi không nhớ là mọi chuyện diễn ra như vậy. Trong trí nhớ của tôi, chúng tôi chỉ có giá ngang bằng đối thủ,” ông Jeff Bezos trả lời.
Theo Geekwire, dù Jeff Bezos không thừa nhận một điểm sai nào của Amazon, tuy nhiên, việc ông trả lời khá loanh quanh trước các bằng chứng đã cho thấy cách hoạt động của Amazon có thể vi phạm luật chống độc quyền.
Sudar Pichai
Ông Sudar Pichai liên tục xin lỗi Hạ viện để nghiên cứu và trả lời sau. Ngoài ra, ánh mắt của ông liên tục nhìn về một bên của máy ảnh như đang đọc theo ghi chú của ai đó.
Các câu hỏi hướng tới ông Pichai chủ yếu liên quan tới công cụ tìm kiếm Google và quyết định rút khỏi dự án với quân đội Mỹ sau những phản đối từ chính nhân viên Google.
Chủ tịch phiên điều trần David Cicilline mở đầu bằng cáo buộc Google đã ăn trộm nội dung từ các website khác để giữ người dùng ở lại công cụ của mình. Cụ thể, ông Cicilline chỉ ra rằng Google đã hiển thị các bài đánh giá của Yelp ngay cạnh kết quả tìm kiếm các địa điểm và đe doạ loại Yelp khỏi danh sách hiển thị nếu công ty này phản kháng. Trước vấn đề này, Ông Pichai cho biết Google có rất nhiều đối thủ tìm kiếm trong từng hạng mục cụ thể, ví dụ là Amazon khi người dùng muốn mua sắm. Vị CEO cho rằng phần lớn kết quả tìm kiếm của Google không có quảng cáo, và Google chỉ giúp đỡ người dùng khi làm nổi bật các câu trả lời.
Bên cạnh đó, theo số liệu của Statcounter, thị phần tìm kiếm của Google trên toàn cầu là khoảng 92%. Với thị phần quá lớn như vậy, rất nhiều website phụ thuộc vào Google để có lượng truy cập. Vài năm nay, Google đã loại bỏ nhiều công ty bất động sản khỏi danh sách tìm kiếm, thay vào đó tự cung cấp kết quả khi người dùng tìm các dịch vụ, khách sạn hay chuyến bay. Hành động này khiến cho nhiều đơn vị kinh doanh khốn đốn khi không có khách truy cập.
Ngoài ra, Những nghị sĩ đảng Cộng hòa đã hỏi rất kỹ về việc Google rút khỏi hợp đồng phát triển hệ thống phân tích drone cho Bộ Quốc phòng Mỹ, trong khi vẫn duy trì một phòng nghiên cứu AI tại Trung Quốc. Trước câu hỏi này, ông Pichai phủ nhận việc Google hợp tác với quân đội Trung Quốc, đồng thời nói thêm rằng Google vẫn đang làm việc với quân đội Mỹ trong nhiều dự án, như một dự án an ninh mạng với Bộ Quốc phòng.
Tim Cook
Câu hỏi dành cho ông Tim Cook cũng không hề đơn giản. Cụ thể, Apple đã xoá bỏ các ứng dụng giúp kiểm soát thời gian sử dụng thiết bị trên App Store ngay sau khi họ tích hợp tính năng này vào iOS 12. Trước câu hỏi của các nghị sĩ về lý do, CEO Tim Cook cho rằng Apple bỏ các ứng dụng với lý do bảo mật chứ không phải cạnh tranh.
Ngoài ra, trong vụ mâu thuẫn với AirBnB và ClassPass về mức phí, nghị sĩ Jerrold Nadler cho rằng Apple đang “thu lợi từ đại dịch.” CEO của Apple cho biết các quy định của Apple yêu cầu những công ty kinh doanh dịch vụ số phải trả phí cho Apple, nhưng họ cũng đang làm việc với nhau để điều chỉnh khoản phí này vì những khó khăn do dịch COVID-19 gây ra.
Những quy định của Apple đối với các nhà phát triển được cho là chèn ép, lợi dụng quyền lực của họ. CEO Tim Cook mở đầu cuộc điều trần bằng tuyên bố mọi nhà phát triển đều được đối xử công bằng. Tuy nhiên, bằng chứng do hội đồng đưa ra cho thấy vào năm 2014, ông từng email cho CEO Baidu rằng công ty này sẽ “được đánh giá ứng dụng nhanh hơn” với hai nhân sự. Nghị sĩ Hank Johnson cũng chỉ ra rằng Apple cho phép Amazon được miễn khoản phí 30% cho dịch vụ phim trên nền tảng iOS, đổi lại thì các dịch vụ và sản phẩm của hai công ty sẽ được tích hợp tốt hơn. Ông Tim Cook cho rằng mọi công ty đều có thể đạt được thoả thuận tương tự với Apple.
Khi nghị sĩ Lucy McBath hồi đáp cho Apple, câu trả lời của bà cũng có thể áp dụng cho những vị CEO khác:
“Bằng chứng của chúng tôi cho thấy công ty của ông đã dùng quyền lực để làm hại đối thủ và thu lợi cho mình.”
“Điều này về cơ bản là bất công,” bà nói.
Phan Anh (tổng hợp)


No comments:

Post a Comment