Con lãnh đạo lại làm lãnh đạo - dân cười, vì sao?
Diễm Thi, RFA
2020-07-24
2020-07-24
Cả họ làm quan
Chuyện ông Nguyễn Nhân
Chinh được điều động làm bí thư thành ủy Bắc Ninh bị dư luận xã hội đem ra châm
chọc, mỉa mai trên mạng xã hội kèm những icon mặt cười. Chẳng hạn như: “Một
người làm quan cả họ được nhờ. Cả họ làm quan, chất kịch độc cho dân tộc”; “Tương
lai dân Bắc Ninh sẽ giỏi cờ vua”; “Nhân giống thuần chủng”; “Nguyễn Thành Ủy
con của Nguyễn Tỉnh Ủy, cháu Nguyễn Quân Ủy. Ủy nào cũng là quỷ”…
Ông Nguyễn Nhân Chinh
tốt nghiệp đại học chuyên ngành cờ vua; thạc sĩ quản lý giáo dục. Vào đảng năm
2011. Ông Chinh là con trai ruột của ông Nguyễn Nhân Chiến, đương kim ủy viên
trung ương đảng, bí thư tỉnh uỷ, trưởng đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Bắc Ninh.
Báo trong nước dẫn lời
ông Vũ Quốc Hùng, nguyên ủy viên trung ương đảng, nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban
Kiểm tra Trung ương rằng, ông chưa tiếp cận với văn bản nào cấm việc bố làm bí
thư tỉnh ủy và con làm bí thư thành ủy.
Ông Trần Văn Lĩnh,
nguyên thành viên Hội đồng Nhân dân Đà Nẵng từng nói với RFA rằng, luật pháp
phải có quy định. Quyền lực nếu không muốn trở thành một trò chơi nguy hiểm cho
chính nó và cho cả chế độ thì quyền lực ấy phải được kiểm soát bởi một chế độ
kiểm soát quyền lực. Cho đến giờ này, luật pháp Việt Nam không có đoạn nào cấm
người ta sử dụng con cháu vào cơ quan hay tổ chức của mình cả. Điều đó chỉ có
quy định trong nội bộ đảng thôi.
Luật sư Đặng Đình Mạnh
nêu suy nghĩ của ông về phản ứng của những người dân khi các lãnh đạo lại có
con làm lãnh đạo như trường hợp ông Nguyễn Nhân Chinh:
“Họ cười cợt là phải
vì hầu như họ thấy những chức vụ trong chính quyền nó giống như là những món
quà trong gia đình người ta ban phát cho nhau. Ví dụ như người vừa được điều
động làm Bí thư Thành ủy Bắc Ninh, về học vấn lại là cử nhân cờ vua mà lại nắm
một chức vụ rất cao trong đảng như vậy. Trong tỉnh Bắc Ninh thì ông cha là
người đứng đầu, Bí thư tỉnh ủy, còn ông con là Bí thư Thành ủy Bắc Ninh, một
thành phố thủ phủ của tỉnh Bắc Ninh.”
Sở dĩ người dân mỉa
mai, cười cợt như vậy có lẽ vì đây không phải lần đầu họ được nghe những tân
lãnh đạo có quan hệ thân thuộc ruột thịt với những vị lãnh đạo đương chức. Có
những ‘con quan’ giữ chức cao khi còn rất trẻ, con đường thăng tiến quá nhanh.
Một trong những lãnh
đạo nổi tiếng trên mạng xã hội với việc ‘cả họ làm quan’ hai năm trước đây là
ông Triệu Tài Vinh ở tỉnh Hà Giang. Gia đình ông có ít nhất 8 người thân ruột
thịt và họ hàng làm công chức nhiều ban ngành, địa phương trong tỉnh. Trong đó
có vợ ông, em trai ông, em gái ông, em rể ông, anh và em họ ông.
Còn những trường hợp
con quan lại làm quan khi còn rất trẻ có thể kể đến là ông Nguyễn Xuân Anh là
con ông Nguyễn Văn Chi, nguyên Chủ nhiệm Ủy Ban Kiểm Tra Trung ương. Ông Anh
được đề bạt lên tới chức bí thư tỉnh ủy Thành phố Đà Nẵng khi chưa đầy 40 tuổi;
Nguyễn Thanh Nghị con trai cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, được giữ chức Phó chủ
tịch Kiên Giang khi mới 38 tuổi và năm sau thì được làm bí thư tỉnh khi mới 39
tuổi; Lê Phước Hoài Bảo là con trai nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Nam Lê Phước
Thanh, được bổ nhiệm chức giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư khi mới 30 tuổi; Lê
Trương Hải Hiếu, là con trai nguyên Bí thư thành ủy TP. HCM Lê Thanh Hải, được
đề bạt lên phó bí thư quận ủy, chủ tịch quận 12 khi mới 34 tuổi…
PGS-TS Hoàng Dũng nhận
định, một người nào đó con ông to tiếp tục làm quan chỉ là bề ngoài. Đằng sau
nó là vấn đề thể chế:
“Sở dĩ ở Việt Nam
người ta phản ứng ầm ỹ vì ai cũng biết đằng sau việc thăng quan tiến chức đó
không phải do lựa chọn một cách dân chủ, mà do ý chí của một người có quyền lực
họ đưa lên. Như thế, đằng sau nó là một thể chế chứ không phải là một phản ứng xã
hội bình thường đâu.”
Liệu có thực tài?
Trong một lần trao đổi
với báo chí bên hành lang Quốc hội vào năm 2015, Phó bí thư Thành ủy TP.HCM, bà
Nguyễn Thị Quyết Tâm phát biểu rằng, con em lãnh đạo lại tiếp tục được giao
trọng trách lãnh đạo thì đó là điều hạnh phúc của dân tộc, của đảng. Không có
gì nghi ngại cả. Đó là sự kế thừa truyền thống, họ giữ gìn truyền thống đó và
biết phát huy truyền thống đó để làm tiếp sự nghiệp mà cha ông họ đã đi.
Theo bà, ở tuổi trên
dưới 40 không thể gọi là trẻ để đảm nhận những chức danh như bí thư tỉnh ủy.
Không chỉ bà Nguyễn
Thị Quyết Tâm phát biểu như vậy, bà Bùi Thị An, đại biểu quốc hội Hà Nội nhiệm
kỳ 2011 - 2016 cũng từng nói, có những gia đình có tố chất di truyền. Tố chất
ấy được thể hiện trong lãnh đạo, trong các ngành chuyên môn.
Luật sư Đặng Đình Mạnh
cho rằng, người dân phản ứng là họ lên tiếng về vấn đề bổ nhiệm chứ không phải
chuyện có tài hay không. Ông nói:
“Cũng có thể họ có tài
thật sự nhưng có điều chưa thấy cái tài nó phát lộ ra, công chúng không nhìn
thấy. Nhưng đó không phải là điều công chúng quan tâm. Điều họ quan tâm là đầu
vào của chức vụ lãnh đạo. Họ quan tâm là tại sao, bằng cách nào mà người đó lại
giữ chức vụ cao như vậy? Nếu như họ không phải là con các quan chức lãnh đạo
thì liệu họ có khả năng leo lên chức vụ cao như vậy không?”
Theo ghi nhận của RFA,
người dân phản ứng với việc ‘con quan lại làm quan’ không hẳn vì khả năng, vì
thực tài của những con quan đó. Điều người dân quan tâm là làm sao để tất cả
những ai có thực tài đều có cơ hội bước vào các vị trí lãnh đạo trong chính phủ
để xây dựng đất nước. Với thể chế như hiện nay thì những cán bộ thực tài có thể
sẽ bị mang tiếng oan, có những người thực sự giỏi không được trọng dụng.
PGS-TS Hoàng Dũng nêu
nhận xét:
“Nói cho đúng thì
không phải cứ con lãnh đạo thì không có thực tài. Nhưng như đã nói, nếu mà theo
một sự lựa chọn bình thường thì khó lòng mà tưởng tượng họ đi lên nhanh như
vậy. Tại sao họ đi lên nhanh được như thế? Cái đó do quyền lực thôi. Do ý chí
của một cá nhân nào đó đưa người này người kia lên theo kiểu mà người ta gọi là
‘nhất quan hệ’...
Một người nào đó con
ông to tiếp tục làm quan chỉ là bề ngoài. Nó đặt ra vấn đề là đất nước chọn
người lãnh đạo không qua bầu cử thực sự dân chủ. Chính vì thế mà có thể có một
con quan to có năng lực thực sự có thể bị mang tiếng oan. Mà người muốn đưa
người này lên đôi khi họ cũng ngại vì mang tiếng.”
Ở Việt Nam cũng có
những cuộc thi tuyển công chức hoặc những cuộc thi tuyển lãnh đạo, nhưng đa số
người dân cho rằng đó chỉ là “đầu voi, đuôi chuột". Những cuộc thi tuyển
như vậy không bảo đảm được mức độ công bằng, vô tư, khách quan mà hầu như chỉ
mang tính hình thức.
oOo
Truyện cười “minh họa”
cho bản tin
(Xem thêm nhiều truyện cười khác tại đây >>>https://www.blogger.com/blogger.g?blogID=6047623839145604242#editor/target=page;pageID=5147653374879570261;onPublishedMenu=pages;onClosedMenu=pages;postNum=10;src=link
ĐẠI TANG
Trước cổng cơ quan nhà nước, một bác nông dân thập thò, nghiêng
ngó. Thấy vậy, anh bảo vệ quát to:
- Ông kia! Tới có chuyện gì?
- Tôi muốn gặp giám đốc xin cái giấy xác nhận!
- Hôm nay giám đốc nghỉ lo đám tang. Bố giám đốc vừa mất!
- Vậy cho tôi gặp phó giám đốc được không?
- Cũng không được! Vì bố phó giám đốc cũng vừa mất!
Vẻ thất vọng lộ rõ trên gương mặt bác nông dân, nhưng bác vẫn cố
hỏi thêm:
- Vậy cho tôi gặp trưởng phòng được không?
- Không được! Bố chồng của trưởng phòng vừa mất.
- Vậy cho tôi gặp phó phòng!
- Không được! Hôm nay phó phòng nghỉ lo đám tang. Ông nội phó
phòng vừa mất!
- ĐKM! Anh đùa tôi đấy à? Chết đéo gì mà lắm thế?
- ĐKM! Ông chửi ai đấy hả? Đã không biết thì im mồm đi! Chết mỗi
người chứ lấy đéo đâu ra mà lắm! Bố của giám đốc thì cũng là bố của phó giám
đốc, thì cũng là bố chồng của trưởng phòng và là ông nội của phó phòng. Vì giám
đốc là anh ruột của phó giám đốc, là chồng của trưởng phòng và là bố đẻ của phó
phòng. Ông dù chỉ chửi một người nhưng lại là chửi cả cái cơ quan này đó! Ông
biết chưa hả? Thôi, về đi cho tôi đóng cổng cơ quan!
- Vẫn sớm mà! Sao đóng vội thế?
- Tôi phải về lo đám tang. Bác tôi vừa mất!
No comments:
Post a Comment