Sunday, July 26, 2020

Những đảng viên không chịu lớn


Những đảng viên không chịu lớn
21:45 | 22/07/2020

Họ vào Đảng như rơi vào trạng thái mộng du khi ai đó “bảo vào”, thành đảng viên rồi họ không tốt lên là mấy cũng không xấu đi là bao. Tại các cuộc họp họ không bao giờ phát biểu, gật theo số đông mà lắc cũng theo đa số. Tạm gọi họ là những đảng viên không bao giờ chịu lớn.
Dư luận cả nước đang rất chăm chú theo dõi tình hình đại hội Đảng các địa phương, các bộ ngành. Trong bầu không khí rất nóng tỏa ra từ cái lò mang sứ mệnh khó khăn là đốt cháy những thứ dơ dáy đã và đang bám vào và làm suy yếu cây trụ thiêng Đảng lãnh đạo, các đảng viên chân chính và người dân cả nước  thiết tha chờ đợi sự đổi mới thật sự trong Đảng ở hầu khắp các lĩnh vực, từ công tác kết nạp đảng viên mới, thực hiện nghiêm kỉ luật đảng, đổi mới cách thức sinh hoạt chi bộ; cách thức nhận xét, đánh giá chất lượng đảng viên, công tác đào tạo, giám sát các đảng viên có chức vụ…
Ở đây, xin đề cập đến một tình trạng, dù không nặng nề nhưng tôi cho rằng nó có tính phổ biến, kéo dài và mỗi cuộc họp của tổ chức đảng cơ sở qua đi nó dần bào mòn bản lĩnh, tính chiến đấu của đảng viên và tổ chức đảng, làm bạc nhược phẩm chất đảng viên và không ít chi bộ, đảng bộ cơ sở. Cùng với hàng loạt biện pháp củng cố tổ chức đảng, nâng cao chất lượng đảng viên và tổ chức cơ sở đảng đang được thực hiện, theo tôi, tình trạng này cần sớm được nghiên cứu cụ thể, đánh giá đúng tác động của nó đối với công tác phát triển đảng và sớm có các biện pháp giải quyết cụ thể. Đó là tình trạng có rất nhiều đảng viên từ ngày được kết nạp đến khi tuổi đảng đã nhiều, trong tất cả các kì họp chi bộ gần như không phát biểu gì, trừ câu biểu quyết “nhất trí, không nhất trí”hay vào mỗi cuối năm cầm bản kiểm điểm tự đọc. Tôi gọi họ là những đảng viên không chịu lớn.
Trước hết cũng cần đánh giá khách quan rằng, hầu hết những đảng viên dạng được nhắc đến trên là những cán bộ, nhân viên, người lao động tốt, thường là họ hoàn thành công việc được giao ít nhất ở mức “hoàn thành tốt nhiệm vụ”. Họ có nhận thức để phân biệt cái đúng, cái sai xảy ra trong cơ quan, chi bộ. Thậm chí khi trong cơ quan, chi bộ xảy ra chuyện nọ, điều kia họ cũng biết nên phải làm gì là đúng lẽ phải, đúng điều lệ Đảng, đúng nguyên tắc chung. Nhưng khi vào cuộc họp, một vấn đề được đưa ra trong chi bộ cần có các ý kiến thảo luận để phân tích, đánh giá đúng sai mà việc phân định đúng sai này ảnh hưởng đến các cá nhân cụ thể, nhất là ảnh hưởng đến người lãnh đạo cơ quan, chi bộ, thì họ chọn cách ngồi im, không nói gì, chờ cho sự việc cuối cuộc họp trôi theo hướng nào họ sẽ dựa theo số đông để gật hay lắc. Chưa kể khi phải thảo luận những vấn đề mang tính đụng chạm, ngay cả những cuộc họp của chi bộ với tính chất là hạt nhân lãnh đạo cơ quan bàn về các chủ trương, kế hoạch, giải pháp để thực hiện nhiệm vụ, họ cũng vẫn ngồi im để bí thư độc thoại, câu phát biểu duy nhất là “đồng ý”khi được hỏi về những điều bí thư vừa trình bày.
Tại sao trong đảng có, thậm chí có rất nhiều những đảng viên luôn chăm chỉ đi họp nhưng luôn lười biếng phát biểu ? Có nhiều lý do dẫn tới tình trạng này.
Mặc dù thừa nhận đó là những cán bộ, nhân viên, người lao động tốt nhưng phải nói thẳng: hầu hết với những người này, việc vào đảng là theo kiểu “thời thế thế thời phải thế”. Một vị bí thư thấy lực lượng “của mình” chưa mạnh lắm, dụ dỗ họ-những người không theo ai, vào đảng để củng cố lực lượng. Họ vào như việc “cũng chẳng mất gì nhà bọ”. Một số thì thấy mọi người vào đảng nườm nượp, quần chúng còn lại trong cơ quan  ít quá, sợ lạc lõng, được chi bộ đưa vào chỉ tiêu sẽ kết nạp, cũng “đưa chân”vào cho vui ! Không ít người tỏ ra “tốt bụng”vào đảng là để giúp chi bộ hoàn thành chỉ tiêu kết nạp đảng viên mới trong năm. Đối với họ, là đảng viên chỉ khác người ngoài đảng là được/phải dự họp chi bộ và đóng đảng phí.
Từ khởi nguồn “vào cho vui”ấy, họ bắt đầu cuộc hành trình sinh hoạt đảng mang sắc thái lờ đờ, thuần túy chỉ để bảo đảm cuối năm làm bản kiểm điểm viết được là “tham gia sinh hoạt đầy đủ”. Gần 30 năm sinh hoạt đảng, ở chi bộ nào tôi cũng thấy những đảng viên im lặng này, tiếc thay, tỉ lệ là không nhỏ trong mỗi chi bộ. Không thể lôi những đảng viên này ra kiểm điểm vì họ không làm điều sai, nhưng sự im lặng của họ gây hệ lụy: với những bí thư, thủ trưởng cơ quan thực sự muốn thực hành dân chủ trong đảng, trong cơ quan, cần các ý kiến nhiều chiều để tìm kiếm giải pháp đúng cho công việc thì gặp khó khăn; nhưng với những bí thư, thủ trưởng cơ quan độc đoán, dính khuyết điểm thì lại dễ bề “lướt sóng” dư luận. Tác hại lớn nhất của tình trạng đảng viên ngại/lười/né/ phát biểu là làm ảnh hưởng trực tiếp đến vai trò lãnh đạo của chi bộ, làm chi bộ mất tính chiến đấu, làm cho nguyên tắc dân chủ trong sinh hoạt bị vô hiệu, làm nhạt nhòa ranh giới giữa đảng viên và người không phải là đảng viên; kết quả là cái tốt không được phát huy, cái xấu có cơ hội lan rộng. Đây cũng là một nguyên nhân dẫn đến kết luận về một số tổ chức đảng cơ sở: đông nhưng không mạnh. Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng vừa qua đã kỉ luật hàng loạt đảng viên là cán bộ cao cấp vì những dạng khuyết điểm rất khác nhau. Có thể khẳng định rằng, trong số các lý do khiến những đảng viên cấp cao này “lướt ván” qua mặt được hàng loạt nguyên tắc, quy định, kỉ luật đảng trong quá trình công tác từ thấp lên cao là có sự “góp phần”của không ít những đảng viên cả năm sinh hoạt không phát biểu một lần ở ngay trong các chi bộ mà các đảng viên bị kỉ luật này sinh hoạt.
Trong lịch sử xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam, các thời kì chiến tranh đã phải áp dụng các tiêu chuẩn đặc biệt “cứng”để tuyển chọn những công dân thực sự ưu tú gia nhập đảng. Thời kì hòa bình, xây dựng đất nước, điều kiện, tiêu chuẩn lựa chọn người vào đảng cũng “mềm”hơn. Nhưng, những yếu kém chết người tồn tại quá lâu, ngày càng trầm trọng, chậm được khắc phục trong đảng mà hệ quả là tới nay ngày càng có nhiều cán bộ cao cấp, trong đó có cả những ủy viên Bộ Chính trị, tướng lĩnh công an, quân đội bị kỉ luật nặng, bị ra tòa phải chăng có một lý do bắt nguồn từ sự dễ dãi, coi nhẹ ở hai khâu: kết nạp đảng viên và duy trì sinh hoạt chi bộ đảng. Có bao nhiêu đảng viên từng sinh hoạt cùng chi bộ với những đảng viên bị kỉ luật, ra tòa vừa rồi, biết đồng chí của mình sai từ việc nhỏ đến việc lớn mà ngại/lười/né/lên tiếng tại các cuộc họp ? Tưởng chỉ thời chiến tranh mới phải đặt ra những tiêu chuẩn cứng về đảng viên vì liên quan đến sự thành bại của cuộc chiến, đến sinh mệnh mỗi con người; nhưng những gì mà đảng đang đối diện với chính mình, với yêu cầu đổi mới của đất nước, của thời cuộc quốc tế, buộc đảng phải có sự thắt chặt mới ở tất cả các khâu công tác, bắt đầu từ phương châm “ít mà tinh”trong phát triển đảng viên. Không nhất thiết trong một cơ quan đa số là đảng viên, nhưng đã là đảng viên thì phải khác người ngoài đảng, trước hết thể hiện ở tính trung thực, khách quan, thẳng thắn, bản lĩnh và dám chịu trách nhiệm với lời nói, việc làm của mình. Thà làm một công dân ngoài đảng tốt còn hơn làm một đảng viên nhờ nhờ, nhàn nhạt.
Đức Nguyện


No comments:

Post a Comment