Nhà tù không phải nơi để huỷ diệt nhân tính
Tuấn Khanh
2019-06-23
2019-06-23
Lời kể của chị Kim
Thanh, vợ của tù nhân Trương Minh Đức tại trại giam Thanh Chương, Nghệ An, là
một điểm nhấn tàn bạo khó tin về hệ thống nhà tù tại Việt Nam. Chuyện thật mới
mẻ, chỉ vào giữa tháng 6/2019 thôi, chỉ chưa đầy nửa năm, sau khi đại diện của
Nhà nước Việt Nam khẳng định trước Liên Hợp Quốc rằng không có chuyện đối xử
tàn tệ hay tra tấn tù nhân.
“Chắc anh không thể
còn về được để gặp em”, nhà báo tự do Trương Minh Đức, người bị tuyên án 12 năm
tù với tội danh “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền”. Nhân vật bị nhận định với
tội danh ghê gớm đó đã vô số lần bị an ninh thường phục đánh đập đến nhập viện,
bị câu lưu, giam tù 5 năm trước đó do đã viết bài ủng hộ cho giới công nhân bị
đàn áp, bị bóc lột bởi giới chủ cũng như bày tỏ quan điểm về một Việt Nam cần
một chính quyền tốt hơn.
Chị Kim Thanh kể lại
lời nhắn này trong sự thảng thốt. Người tù chính trị ở Việt Nam thường phải
chọn mãn hạn ra tù như một kẻ bị bẻ gãy ý chí, sống chấp nhận nhục nhằn với
quản giáo, hoặc không còn là mình nếu sống theo luật pháp và quyền con người
trong một trại giam. Anh Trương Minh Đức được nói lại với gia đình những điều
này, khi anh và thầy Đào Quang Thực, ông Nguyễn Văn Túc cùng tuyệt thực phản
đối sự đối đãi tàn tệ trong trại giam này. Đã hơn 2 tuần lễ của cuộc tuyệt thực
này diễn ra – điều cùng cục mà những người tù nhân lớn tuổi này quyết phải làm
– là bởi họ đã yêu cầu, kêu gọi bằng tiếng nói con người.
Mùa hè ở Nghệ An, nơi
những cành lá oằn mình cháy xém trước sự thiêu đốt lên đến hơn 40 độ. Thì nơi
nhà giam thấp, mái tôn, nhiều người bị giam chung, sức nóng có thể lên hơn
43-45 độ. Nhưng không có quạt, phòng giam nghẹt thở không có quạt để xua bớt
sức nóng. Khi mọi người xin mở quạt, thì giám thị đáp nhanh là “quạt hỏng”.
Nhưng đó chỉ là một lý do để không cải thiện tình hình, kéo dài sự hành hạ mà
mục đích là bóp chết dần sức sống của những tù nhân bệnh tật và cao tuổi.
Câu chuyện của tù nhân
Trương Minh Đức, Đào Quang Thực và Nguyễn Văn Túc chỉ là một góc nhỏ của nấm mồ
khồng lồ mang tên trại giam, trại cải tạo dành cho người Việt trên đất nước
hiện nay.
Đã có quá nhiều câu
chuyện kể, nối tiếp và kinh hoàng, từ cái chết của thầy giáo Đinh Đăng Định,
Huỳnh Anh Trí, mục sư Tin Lành Ksor Xiem… rồi những người bị tra tấn trong tù
một cách tàn bạo như mục sư Nguyễn Công Chính, Hoàng Bình, Nguyễn Văn
Hóa, Nguyễn Viết Dũng… Thậm chí những nghi vấn về thức ăn có chủ đích tàn phá
sức khỏe người bị giam giữ cũng đã được phát đi từ Trần Hoàng Phúc, Trần Huỳnh
Duy Thức… khiến lịch sử về nhà tù và thái độ ứng xử của một nhà nước với tù
nhân bất đồng chính kiến đã ngày càng được phác thảo rõ hơn.
Và nếu tất cả đang
diễn ra đồng bộ mở mọi trại giam, mọi quản giáo và mọi thời điểm, bất kỳ ai
cũng có thể nhìn thấy đó hoàn toàn có tính hệ thống chứ không thể là của một
vài cá nhân có thói quen tàn bạo – như kiểu Thượng tướng Lê Quý
Vương từng trả lời trước Liên Hợp Quốc (LHQ) về công ước
chống tra tấn, vào tháng 11/2018, là có sai lầm của một vài cá nhân cán bộ.
Không chỉ trong nhà
giam, mà cách hành xử bên ngoài với dân thường ở các trại tạm giam, nhục hình
điều tra, thậm chí khi không có lệnh khởi tố… cũng là những hình ảnh khác nhức
nhối về một nhà nước Việt Nam tự ứng cử vào ghế Hội đồng Bảo an LHQ. Ngay cả
với câu trả lời các sai lầm thuộc về cá nhân cán bộ - người ta phải tự đặt câu
hỏi, vì sao ngành công an Việt Nam – đặc biệt là trong trại giam lại tuyển dụng
nhiều kiểu người tàn bạo và phi nhân tính như vậy?
Có rất nhiều thứ để
người ta phải ngẫm nghĩ về đạo đức của một nhà cầm quyền, dẫu đó là loại đạo
đức giả hiệu. Từ sau năm 1989 đến nay, thế giới vẫn chưa bao giờ ngừng thu thập
các tài liệu về các vụ tra tấn thể chất và chà đạp tinh thần con người trong
các nhà tù cộng sản ở Ba Lan, Đức, Rumani, Nga Sô… những kẻ thi hành nhiệm vụ
cho đến những kẻ ra lệnh vẫn luôn được gọi tên và đưa ra xét xử. Nhưng điểm
chung của tất cả các trại giam và phạm nhân chính trị ấy đều có chung một đặc
điểm là một bên thì cố bẻ gãy ý chí, thậm chí bào mòn sức sống của tù nhân bằng
mọi cách. Một bên thì cố giữ lại phần nhân tính của mình để dành lại cho quê
hương mai sau không còn cộng sản – mà điều ấy chắc chắn sẽ đến. Nột bật hơn
hết, là trò kỳ quái, khi đã kết án, các trại giam và các quản giáo xay thịt
luôn buộc các phạm nhân phải viết bản nhận tội và tự thú thành khẩn trong những
năm tháng bị giam hãm.
Nhiều ví dụ ở Việt Nam
cũng đang cho thấy điều đó, tương tự.
Khi bạn đọc được những
dòng chữ này. Ở Việt Nam, vẫn còn ai đó đang tuyệt thực. Vẫn có ai đó đang bị
chà đạp tinh thần hay thân thể trong các trại giam. Và ở đâu đó, vẫn còn những
con người Việt Nam luôn muốn sống với luật pháp, với tư duy văn minh và đòi một
làn gió cho mình, bất chấp nhà cầm quyền có thể chối bỏ hay che lấp những số phận
đó.
Nếu bạn là yêu sự công
bằng. Yêu sự tồn tại đường hoàng của con cái mình trong tương lai, ở một quốc
gia tiến bộ và có quyền con người, bạn cần lắng nghe thấy họ, và lên tiếng cho
những người như ông Trương Minh Đức, Đào Quang Thực, Nguyễn Văn Hóa, Hoàng
Binh, Nguyễn Trung Tôn, Trần Hoàng Phúc, Phan kim Khánh… rất nhiều ở Việt Nam
lúc này, không thể kế hết. Bạn cần lên tiếng cho những con người đang chịu tù
đày – dù đúng hay sai đi nữa – vì nơi đó không phải là để dành cho
việc hủy diệt nhân tính.
Bạn hãy lên tiếng, kể
cả khi tôi không có thể lên tiếng cùng bạn, như ngày hôm nay.
No comments:
Post a Comment