Cuối đời
Bác Sĩ Hồ Ngọc Minh
“Xuân,
Hạ, Thu, Đông”, rồi thì, “Sinh, Lão, Bệnh, Tử”.Làm người ai cũng
hiểu nguyên lý đó, nhưng rất ít người yêu mến mùa Đông, cũng như không mấy ai
thích đề cập đến giai đoạn cuối của cuộc đời cả.
Trực
diện với giai đoạn cuối của cuộc đời đòi hỏi nhiều quyết định không chỉ riêng
cho bác sĩ, người thân mà ngay cho chính đương sự. Những quyết định ấy bao gồm
quyền tự quyết của bệnh nhân về sự sống của chính họ, về y đức và những phương
pháp chữa trị tối ưu có thể có, và về sự cân bằng giữa lý trí cũng như tình cảm
dành cho người thân thuộc. Để rồi cuối cũng vẫn là phẩm chất của cuộc sống
trong những ngày cuối đời sẽ đưa đến quyết định: nên hay không nên cúp hết
những nguồn hỗ trợ cho sự sống.
Rất
nhiều tình huống đã xảy ra, gia đình thường rối rắm, không biết phải hành xử ra
sao khi người thân của mình sắp sửa ra đi. Đa phần chỉ biểu lộ được qua những
ân cần, những cử chỉ nhỏ nhặt như chải tóc, thoa dầu, nắm tay, hay vỗ về người
sắp chết.
Hầu
hết, không phải người ra đi mà chính là người ở lại phải chịu đựng, đau và khổ.
Chính sự sợ hãi về cái chết của chính mình đã ảnh hưởng đến những suy nghĩ,
thái độ và hành động, có khi dẫn đến những xung đột, hay đổ thừa trách nhiệm
giữa những người thân trong gia đình với nhau. Ví dụ, người con ở xa thường hay
trách móc người ở gần tại sao không hết lòng chăm lo cho bố hoặc mẹ và hay đòi
hỏi bác sĩ phải làm đủ mọi thứ, có khi không thực tế. Đây là hội chứng có thật
mà trong y khoa gọi là “Daughter from California syndrome” (tạm dịch nghĩa là,
hội chứng “Người Con Gái từ California về”).
Cái
chết là một tiến trình tự nhiên của cuộc sống khi mà cơ thể bắt đầu ngưng làm
việc. Sau đây là một số dấu hiệu của người sắp ra đi. Tất cả các dấu hiệu dưới
đây không nhất thiết phải xảy ra theo thứ tự, và xảy ra tùy mỗi trường hợp:
1.Nhiệt
độ cơ thể lạnh hơn, nhất là tứ chi. Bàn tay và bàn chân lạnh hơn bình thường.
Màu da cũng thay đổi và có vân giống như đá cẩm thạch. Nên tìm cách giữ cho họ
được ấm bằng cách đắp chăn, mền.
2.Thiếu
minh mẫn. Họ có thể không còn ý thức về thời gian và không gian và không nhận
diện được tất cả người thân. Có khi, họ thường nhắc nhở đến những người không
hiện diện hay đã khuất mặt. Khi nói chuyện với họ nên nhắc nhở mình là ai, tên
gì.
3.Ngủ
nhiều, không tỉnh táo. Đương sự có thể không nói được, á khẩu, và khó lay tỉnh.
Trong tình trạng này, nên kiên nhẫn ngồi bên cạnh họ, nắm tay, và tiếp tục nói
chuyện. Rất có thể họ vẫn còn nghe và hiểu được.
4.Không
kiềm chế được tiểu tiện và đại tiện. Đây là dấu hiệu rất thông thường của người
ở thời điểm cuối đời. Nên giữ cho người thân được sạch sẽ.
5.Bức
rứt. Đương sự có thể có những động tác lặp đi lặp lại như cấu xé quần áo, chăn
đắp. Đây là vì thiếu dưỡng khí trong máu, khi phổi không hấp thụ được oxygen.
Không nên cản trở hay cột trói họ, mà nên dịu dàng như xoa đầu vuốt tóc, hay
nếu được, hát nhỏ cho họ nghe.
6.Thở
khò khè. Đương sự thở khó khăn, nghe như tiếng lục đục, rổn rang trong buồng
phổi. Những dấu hiệu nầy không nhất thiết là họ bị đau đớn mà do phản xạ của hệ
thống hô hấp không còn được hữu hiệu nữa. Nên giữ cho được sạch sẽ, lau miệng,
lau mặt cho họ.
7.Đi
tiểu ít. Nước tiểu có màu nước trà đậm do thiếu nước hay hai trái thận đã kiệt
quệ. Nên liên hệ với bác sĩ hoặc y tá xem có cần truyền nước biển hay không.
8.Không
ăn, không uống. Người thân sắp ra đi có thể không thèm ăn uống gì nữa. Cơ thể
biết là không cần nhiều nguồn năng lượng nữa nên không cần đến thức ăn. Không
nên ép buộc người ta ăn, nếu người ta không muốn ăn nữa.
9.Nhịp
thở không điều hòa. Có khi họ thở không sâu, xen kẻ với nhiều giây đồng hồ
ngưng thở, hoặc có khi thở rất nhanh và dồn dập. Nhịp thở nầy liên hệ đến sự
ngưng trệ của hệ thống tuần hoàn, máu lưu thông không đều nữa. Áp suất máu và
nhịp tim có thể bị rối loạn. Nên kê gối cho đương sự dễ thở hơn.
10.Bị
sốt. Thay vì lạnh, có khi đương sự bị sốt. Lý do vì trung tâm điều khiển thân
nhiệt không còn hoạt động bình thường nữa.
Khi
phải đối diện với cái chết, câu hỏi thường được nêu ra là, “khi nào thì cái
chết sẽ đến?” Hoặc, “còn bao nhiêu thời gian nữa?” Ta thường nghe nói, “bác sĩ
nói còn chừng đó ngày tháng, nhưng không phải vậy.” Bác sĩ chỉ cho một ước
lượng chung chung để gia đình chuẩn bị mà thôi. Không một ai có thể trả lời
được, cho dù rất cận kề.
Thường
thường, có hai giai đoạn tiến đến sự chết: “giai đoạn mở đầu” và “giai đoạn
động”. Giai đoạn mở đầu thường kéo dài đôi ba tuần, và giai đoạn động của giờ
phút cuối kéo dài khoảng hai hay ba ngày. Một số trường hợp cả hai giai đoạn có
thể kéo dài nhiều tháng. Không ai biết được, chỉ có Trời mới biết.
Dường
như chúng ta không bao giờ có thể chuẩn bị chu đáo cho cái chết, nhưng có thể
dễ dàng hơn đôi chút nếu chúng ta hiểu rõ vấn đề. Chúng ta nên chuẩn bị tư
tưởng cho chính mình, cho người thân yêu. Thí dụ, nên nói cho người thân, bác
sĩ biết ước nguyện của mình trong trường hợp sẽ đối mặt với cái chết không thể
tránh khỏi.
No comments:
Post a Comment