Đại biểu Quốc hội lo ngại việc 'một số
cán bộ liên minh với xã hội đen'
Ông Mai Sĩ Diến đề
nghị Bộ, ngành liên quan xây dựng kế hoạch nhận diện các mối quan hệ bất thường
của cán bộ.
Tại phiên thảo luận về công tác phòng, chống tội phạm chiều
13/11, ông Mai Sỹ Diến - Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hoá cho
rằng, "hiện nay một số cán bộ, công chức quan hệ phức tạp với cá nhân
ngoài xã hội".
Ông giải thích, "đó là liên minh giữa những người có
tiền với những người có quyền, thậm chí cả tiền - quyền - xã hội đen, hoạt động
với phương châm khép kín, giấu mình nhằm lẩn tránh dư luận xã hội".
Theo ông, từ những "liên minh" nêu trên hình thành
nên các nhóm chia sẻ việc công, tư liên quan đến lĩnh vực mà một người trong
nhóm được Nhà nước giao phụ trách nhằm trục lợi. Nhiều cán bộ có tài sản lớn
đứng danh người thân.
"Hàng loạt các vụ án đã và đang xét xử liên quan đến
cán bộ, công chức đã phần nào minh chứng cho nhận định của tôi", ông
nói.
Nhằm nâng cao tỷ lệ phát hiện và xử lý nghiêm tội phạm, ông
Diến đề nghị Bộ, ngành liên quan xây dựng kế hoạch nhận diện các mối quan hệ
bất thường nói trên. Từ đó, tổ chức thanh tra, kiểm tra, điều ra để kết luận,
xử lý và răn đe tội phạm có hiệu quả hơn.
"Những quan hệ không trong sáng, kể cả lợi ích không
quy thành tiền nhưng đem lại sự hài lòng, thoả mãn cho người nhận. Do vậy,
quyền lực phải được kiểm soát bằng cơ chế, quyền hạn phải được đảm bảo bằng
trách nhiệm để chống tha hoá cán bộ", ông nói.
Đại biểu Mai Sỹ Diến
phát biểu. Ảnh: Trung tâm thông tin Quốc hội
|
"Không sợ không còn cán bộ để
làm việc"
Ông Mai Sỹ Diến cho rằng, so với trước đây, sự nhũng nhiễu
một cách công khai, trắng trợn đã có chiều hướng giảm nhưng "vẫn chưa làm
hài lòng doanh nghiệp người dân, muốn được việc thì nhiều người vẫn phải bôi
trơn, lót tay".
Vì vậy, ông đề nghị đẩy mạnh cải cách hành chính, sàng lọc
đội ngũ cán bộ và xử lý nghiêm cán bộ vi phạm. "Công cuộc phòng, chống
tham nhũng với liều lượng, cường độ, nhịp độ như hiện nay được toàn dân ủng hộ
mạnh mẽ. Chúng ta không sợ không còn cán bộ để làm việc", ông Diến nói.
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa cũng nêu thực trạng tội
phạm diễn ra phức tạp, trong đó, đáng lưu ý là vấn nạn tham nhũng vặt.
"Nếu tham nhũng trục lợi chính sách, tham nhũng lớn làm suy kiệt nền kinh
tế thì tham nhũng vặt cũng có một sức tàn phá rất lớn đối với đời sống trong xã
hội, đặc biệt là làm giảm niềm tin của người dân vào bộ máy công quyền",
bà Hoa nói và đề nghị cơ quan chức năng đánh giá tổng thể nguyên nhân, tác
hại và có giải pháp ngăn chặn tham nhũng vặt.
Ông Nguyễn Anh Trí - Nguyên Viện trưởng Viện Huyết học
Truyền máu Trung ương đề nghị Quốc hội, Chính phủ sớm xây dựng quy định về việc
từ chức của cán bộ để có cơ chế xử lý những người có chức vụ, quyền hạn
nhưng không còn uy tín để làm việc.
"Người dân chờ đợi sự chủ động từ chức của những người
không đủ đức tài, đừng như con lươn, con trạch mà leo cao", ông Trí nói.
Trước đó, trong báo cáo thẩm tra công tác phòng, chống tham
nhũng do Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga trình bày trước Quốc hội, cơ quan
này nêu nhận định, mặc dù đã có quy định người đứng đầu, cấp phó của người đứng
đầu không được tham gia thành lập, quản lý, điều hành doanh nghiệp, không được
để người thân thích kinh doanh trong các ngành nghề thuộc lĩnh vực mình trực
tiếp phụ trách... nhưng qua giám sát, phản ánh của dư luận, cử tri và báo chí
cho thấy, việc thực hiện các quy định này chưa nghiêm.
"Có biểu hiện "nhóm
lợi ích", móc ngoặc giữa khu vực nhà nước và doanh nghiệp tạo "sân
sau", "công ty gia đình", dùng ảnh hưởng của
mình để đấu thầu cho các dự án, thâu tóm đất công...", bà Nga nói.
Sáng mai 14/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường
về công tác phòng, chống tội phạm.
Hoàng Thùy
No comments:
Post a Comment