Chính
sách kinh tế Hoa Kỳ sau bầu cử
Nguyễn Xuân Nghĩa
2018-11-13
2018-11-13
Hoa Kỳ đã hoàn tất cuộc
bầu cử giữa nhiệm kỳ tổng thống với kết quả cơ bản là hai đảng Cộng Hòa và Dân
Chủ cùng chia quyền trong Quốc Hội. Điều ấy sẽ ảnh hưởng thế nào đến đường lối
chính sách kinh tế của Hoa Kỳ và cách giải quyết các mâu thuẫn về kinh tế quốc
tế? Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu chuyện này.
Chính trị Hoa Kỳ và hồ sơ kinh tế
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam
xin kính chào chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa. Dù chưa có kết quả chính
thức thì cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ tổng thống tại Hoa Kỳ cũng đã hoàn tất với
việc đảng Cộng Hòa tăng cường đa số tại Thượng viện và đảng Dân Chủ kiểm soát
Hạ viện trong khi Tổng thống Donald Trump cũng tự cho là đã chiến thắng. Nếu
vậy thưa ông, cục diện chính trị tại Hoa Kỳ sẽ là gì và ảnh hưởng thế nào đến các
hồ sơ kinh tế?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi thiển nghĩ rằng cũng như cuộc bầu
cử năm 2016, kết quả là một sự bất ngờ vì cả hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ đều
cho là mình thắng khi phe Cộng Hòa củng cố đa số tại Thượng viện và phe Dân Chủ
giành lại đa số tại Hạ viện. Tổng thống Donald Trump cũng cho rằng mình thắng
vì các ứng cử viên vào chức vụ Nghị sĩ và Thống đốc mà ông trực tiếp ủng hộ
trong mấy ngày vận động cuối cùng đều thắng và các ứng cử viên dân biểu bên
Cộng Hòa không muốn ông ủng hộ hoặc có lập trường trái ngược với Tổng thống đều
thất cử. Nhìn trên toàn cảnh thì có lẽ cử tri trao quyền cho cả hai đảng tại cả
hai viện để có thế cân bằng lực lượng nhưng cũng lại gây hiện tượng gọi là “ách
tắc chính trị” và một số chính sách của ông Trump sẽ gặp trở ngại tại Hạ viện.
- Riêng về lĩnh vực
kinh tế thì tình hình khả quan nhờ sản lượng tăng, thất nghiệp giảm và lợi tức
cao hơn có thể là lợi thế cho đảng Cộng Hòa đang cầm quyền, nhưng sự thật lại
chẳng như vậy. Cả ông Trump và đảng Dân Chủ đối lập ít nói đến hồ sơ kinh tế mà
chú trọng tới các vấn đề xã hội, như chính sách di dân hay sắc tộc, giới tính
hoặc tôn giáo của cử tri. Hiện tượng phân cực với lập trường chính trị cực đoan
hơn ở cả hai phía cho thấy Hoa Kỳ đang kịch liệt tranh luận về các giá trị tinh
thần hay “bản sắc của quốc gia”. Vì vậy, tôi nghĩ rằng sẽ chẳng có thay đổi
nhiều về kinh tế, ngoại trừ chính sách thuế khóa.
Nguyên Lam: Khi nạn phân cực gia tăng và quốc hội
lại chia quyền giữa hai đảng thì hiện tượng “ách tắc chính trị” mà ông vừa nói
tới có thể nào làm nước Mỹ bị tê liệt hay không? Thí dụ như Hành pháp trong tay
đảng Cộng Hòa sẽ khó thực hiện các chính sách mà ông Trump đề xướng hay không?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thật ra, trong nền dân chủ của Hoa Kỳ,
Tổng thống không có toàn quyền như người ta, ông ta hay bà ta nghĩ vì phải chia
quyền với lưỡng viện Quốc hội, với nền Tư pháp là các tòa án độc lập, trên cùng
là Tối cao Pháp viện, với các Thống đốc tiểu bang và một định chế tự trị là
Ngân hàng Trung ương. Ông Trump cố mở rộng ảnh hưởng của Hành pháp và trong gần
hai năm, thường xuyên về các địa phương vận động thành phần cử tri của mình để
gián tiếp tác động vào Quốc hội. Trong một số lãnh vực, ông thành công, nhưng
thất bại trong nhiều lãnh vực khác, chưa kể là đảng Dân Chủ và truyền thông triệt
để chống đối và có tác động vào tâm lý cử tri. Về đối ngoại, ông Trump muốn xóa
bỏ trật tự cũ và tăng cường vai trò của Hoa Kỳ mà cũng muốn giảm thiểu phí tổn
cho nước Mỹ. Trong lãnh vực đó, ông có thành công mà cũng gặp trở ngại.
- Cuộc bầu cử vừa qua
cho thấy làn sóng xanh của đảng Dân Chủ vào Hạ viện không mạnh như người ta
nghĩ lại còn đụng vào bức tường đỏ của phe Cộng Hòa tại Thượng viện. Mâu thuẫn
khi kiểm phiếu tại các tiểu bang xôi đậu như Florida, Arizona hay Georgia chỉ
là tái diễn chuyện phân cực mà thôi. Một đặc tính khác của nền dân chủ Hoa Kỳ
là cả hai đảng đều tự chuẩn bị cho viễn ảnh bầu cử năm 2020 sắp tới và chính
trường có bị ách tắc thì kinh tế và xã hội vẫn vận hành chứ không bị tê liệt.
Đấy là một nghịch lý khác của nước Mỹ.
Chính sách thương mại Mỹ được quan tâm
Nguyên Lam: Chúng ta bước vào chuyện cụ thể làm
nhiều quốc gia quan tâm là chính sách thương mại của nước Mỹ sau này, ông dự
đoán tình hình sẽ ra sao?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Lập pháp bị chia hai như Quốc hội Khóa
116 sẽ tuyên thệ nhậm chức vào Tháng Giêng tới đây sẽ không chặn được đối sách
thương mại của Hành pháp Donald Trump. Lý do thứ nhất là các ứng cử viên Dân
Chủ đã kịch liệt chống chính sách ngoại thương của ông Trump đều không thắng,
tức là cử tri ngấm ngầm ủng hộ chính sách này. Thứ hai và nhìn trong dài hạn
thì từ xưa rồi, Quốc hội vẫn cho Hành pháp nhiều quyền hạn về ngoại thương qua
việc đàm phán các hiệp ước mậu dịch rồi đệ trình lên Quốc hội để phê chuẩn trọn
gói chứ không từng bước thương thuyết dưới sự giám sát của các ủy ban trong
Quốc hội.
- Bây giờ, với đa số
tại Hạ viện, đảng Dân Chủ có thể hâm nóng nhiều đề nghị cũ là thu hẹp thẩm
quyền thương mại của Tổng thống khi áp dụng Khoản 232 của Đạo luật Thương mại
Mở rộng năm 1962 theo đó Hành pháp có thể nhân danh an ninh quốc gia mà áp thuế
nhập nội hoặc nâng hạn ngạch nhập khẩu. Tuy nhiên các đề nghị ấy của phe Dân
Chủ nhắm vào Hiệp ước Tự do Thương mại Bắc Mỹ với hai láng giềng là Canada và
Mexico gọi là NAFTA và Chính quyền Trump đã khéo hoàn tất vào giờ chót việc cải
sửa Hiệp ước này thành một hiệp ước tay ba giữa Hoa Kỳ và hai nước kia, gọi là
USMCA.
- Năm tới, nhờ đa số
tại Hạ viện và làm Chủ tịch Ủy ban Chuẩn chi, đảng Dân Chủ sẽ giám sát kỹ lưỡng
hơn việc đàm phán thương mại với Liên hiệp Âu Châu, Nhật Bản hay Vương quốc Anh
Thống nhất, nhưng qua Thượng viện trong tay đảng Cộng Hòa thì chưa chắc phe Dân
Chủ đã thành công. Chưa kể là tại Thượng viện. các Nghị sĩ Cộng Hòa kịch liệt
chống đối chính sách thương mại của Tổng thống đều không còn nữa.
Nguyên Lam: Mấy chi tiết rắc rối phức tạp đó có thể
làm thính giả của chúng ta phân vân, Nguyên Lam xin đề nghị ông tóm lược lại
cho dễ nhớ có được không?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Hoa Kỳ có đạo luật cho Hành pháp tiến
hành việc đàm phán thương mại theo thủ tục nhanh gọn, gọi là “Trade Promotion
Authority”, hay Fast Track. Đàm phán xong thì Chính phủ xin Quốc hội phê chuẩn
trọn gói, như chúng ta đã thấy với Hiệp ước Đối tác Xuyên Thái Bình Dương TPP
năm 2015. Khi ấy, đa số trong Quốc hội và các ứng cử viên tranh cử Tổng thống
đều chống nên Hành pháp Barack Obama không dám đưa qua xin Quốc hội phê chuẩn
dù ông Obama đã ráo riết vận động mà không thành và ông Trump đã rút khỏi hiệp
ước đó như đã hứa khi tranh cử.
- Bây giờ, với đa số
tại Hạ viện, đảng Dân Chủ có thể đòi Chính quyền Trump chú trọng đến các ưu
tiên của đảng trong hiệp ước thương mại, như nâng cao tiêu chuẩn bảo vệ môi
sinh và điều kiện lao động. Thật ra, điều ấy không làm thay đổi nhiều chính
sách thương mại của nước Mỹ.
- Tuy nhiên, riêng với
Việt Nam, trong kịch bản của việc đàm phán một Hiệp ước Tự do Thương mại Song
phương với Hoa Kỳ sau này, tiêu chuẩn về môi sinh và lao động sẽ được đặc biệt
quan tâm. Do đó, Việt Nam nên sớm phê chuẩn và thi hành các cam kết trong Hiệp
ước TPP đã cải tiến với 10 quốc gia còn lại về việc bảo vệ môi sinh và về vai
trò của các công đoàn độc lập vì điều ấy sẽ có lợi khi thương thuyết với Mỹ sau
này.
Chính trị Mỹ và cuộc thương chiến Mỹ-Trung
Nguyên Lam: Trong bối cảnh của trận thương chiến gay
gắt giữa Hoa Kỳ với Trung Quốc, cục diện chính trị mới tại Mỹ có làm thay đổi
gì không, thưa ông?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi trộm nghĩ là không, như Bắc Kinh
sẽ thấy trong đợt đàm phán sắp tới. Lý do là chủ trương cứng rắn của Chính
quyền Trump với Trung Quốc - đến độ mỗi tuần lại gây thêm một áp lực mới trên
nhiều trận tuyến khác nhau - lại được cả hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa ủng hộ.
Nếu lãnh đạo Bắc Kinh tưởng rằng cuộc bầu cử vừa qua sẽ đem lại lợi thế cho họ
thì họ sẽ thất vọng và nên rà soát lại khả năng thẩm định của mình.
- Thứ nhất, suốt năm
qua, Quốc hội Khóa 115 đã tăng sức ép với Bắc Kinh về quan hệ thương mại song
phương và về đầu tư cùa Trung Quốc vào thị trường Hoa Kỳ. Trong hồ sơ Mỹ-Hoa
này, việc chuyển giao hay đánh cắp công nghệ cao cấp và việc Bắc Kinh không tôn
trọng luật lệ bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ là mối quan tâm lưỡng đảng. Qua năm
tới, Trung Quốc còn gặp nhiều trở ngại mới với Quốc hội Khóa 116 sẽ nhậm chức.
Nguyên Lam: Dường như là trong quan hệ giữa Hoa Kỳ và
Trung Quốc, hồ sơ Đài Loan cũng được Quốc hội Mỹ đặc biệt quan tâm, ông nghĩ
sao về việc đó?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Xưa nay, Lập pháp Hoa Kỳ thường có lập
trường bảo vệ Đài Loan còn dứt khoát hơn Hành pháp. Với Chính quyền Trump đặc
biệt quan tâm và ráo riết bênh vực Đài Loan thì lập trường đó được cả hai đảng
ủng hộ. Bây giờ, bốn Nghị sĩ nổi tiếng cứng rắn bảo vệ Đài Loan như các ông
Marco Rubio, Ed Markey, Robert Mendenez hay Cory Gardner đều có mặt trong
Thượng viện Khóa 116 cho nên Bắc Kinh sẽ gặp trở ngại mới khi tranh thủ các
nước để cô lập Đài Loan. Chúng ta có dịp kiểm nghiệm chuyện này vào ngày 24 tới
đây, khi các lực sĩ Đài Loan tham dự Thế vận hội sẽ có cuộc trưng cầu dân ý để
xưng danh là Đài Loan thay vì “Trung Quốc – Đài Loan” như một phần của Trung
Quốc.
- Nhìn rộng ra ngoài,
động thái bành trướng và quân sự hóa vùng biển Đông Nam Á của Bắc Kinh cũng là
mối quan ngại của Quốc hội Hoa Kỳ vì quyền lợi an ninh và kinh tế của nước Mỹ
trong khu vực chiến lược đó. Quốc hội mới sẽ không cản trở đối sách cứng rắn
của Chính quyền Donald Trump mà chỉ kêu gọi ông Trump vận động thêm đồng minh
và chẳng lấy rủi ro gây ra xung đột.
Nguyên Lam: Kết thúc chương trình tuần này, ông rút
tỉa ra những gì đáng quan tâm nhất sau cuộc bầu cử vừa qua?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Phong cách của ông Trump cứ như lửa đổ
thêm dầu và gây tranh luận gay gắt trong thời sự hàng ngày, nhưng chính sách
thương mại của ông ta lại có nhiều điểm khả thể. Ông sẽ gặp nhiều trở ngại với
Quốc hội mới về chính sách thuế khoá trong nội bộ chứ không bị chống đối nhiều
về ngoại thương.
- Sau cùng, trong trận
chiến mậu dịch về kỹ nghệ ráp chế xe hơi và sản xuất phụ tùng với Âu Châu và
Nhật Bản là các nước nằm ngoài hệ thống giao dịch Bắc Mỹ, có khi Chính quyền
Trump lại được hậu thuẫn kín đáo của các nghiệp đoàn xưa nay vẫn thiên về đảng
Dân Chủ vì điều ấy có lợi cho giới lao động Mỹ. Và ngay trong hồ sơ cá biệt
này, lãnh đạo Hoa Kỳ thuộc cả hai đảng đều không muốn Trung Quốc trục lợi mà
tuồn hàng của mình cho xứ khác bán vào Mỹ.
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng
Nguyên Lam xin cảm tạ chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phân tích kỳ
này, và xin hẹn quý thính giả tuần sau.
No comments:
Post a Comment