Trịnh
Xuân Thanh sắp được sang Đức theo thoả thuận giữa hai chính phủ
RFA
2018-06-09
2018-06-09
AFP
Quan chức ngành dầu
khí bị buộc tội tham nhũng Trịnh Xuân Thanh sắp được sang Đức theo thoả thuận
trao đổi giữa hai chính phủ Đức và Việt Nam. Tờ Frankfurter Allgemeine của Đức
hôm 9/6 loan tin này dựa vào các nguồn tin không nêu tên.
Ông Trịnh Xuân Thanh,
cựu Chủ tịch Hội đồng Quản trị (HĐQT) Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt
Nam, cựu Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang, hồi đầu năm nay bị hai phiên toà ở Việt
Nam kết án chung thân vì tội tham nhũng.
Trước đó Trịnh Xuân
Thanh đã chạy sang Đức xin tỵ nạn chính trị nhưng bị mật vụ Việt Nam bắt cóc
tại Berlin vào tháng 7 năm ngoái đưa về lại Việt Nam. Vụ bắt cóc đã khiến quan
hệ Việt Nam và Đức trở nên căng thẳng. Đức đã nhiều lần yêu cầu Hà Nội phải trả
Trịnh Xuân Thanh về lại Đức để phía Đức có thể tiến hành các thủ tục pháp lý
cần thiết, bao gồm cả việc xem xét đơn xin tỵ nạn của Trịnh Xuân Thanh. Hà Nội
từ trước đến nay vẫn một mực khẳng định Trịnh Xuân Thanh về nước xin đầu thú.
Tờ Frankfurter
Allgemeine cho biết Trịnh Xuân Thanh sẽ sang Đức sau khi phiên toà xử mật vụ
Việt Nam bắt cóc Trịnh Xuân Thanh tại Đức kết thúc. Hiện toà Thượng thẩm của
Đức đang xét xử nghi phạm Nguyễn Hải Long. Dự kiến phiên toà sẽ kết thúc vào
tháng 8 năm nay.
Cũng theo tờ
Frankfurter Allgemeine, trao đổi giữa Đức và Việt Nam lần này cũng bao gồm việc
Việt Nam trả tự do cho luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài và cộng sự là cô Lê
Thu Hà, trục xuất hai người này sang Đức hôm thứ sáu ngày 8/6.
Luật sư Nguyễn Văn
Đài, sáng lập viên của Hội Anh Em Dân Chủ và cô Lê Thu Hà bị Hà Nội tuyên án tù
15 năm và 9 năm về tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân trong phiên
toà ngày 5/4 vừa qua.
Luật sư Nguyễn Văn Đài
và cô Lê Thu Hà đã không kháng cáo lên phúc thẩm sau đó như 4 thành viên của
Hội Anh Em Dân Chủ cùng bị xử sơ thẩm trước đó.
Bộ Ngoại giao Đức hôm
8/6 xác nhận luật sư Đài cùng vợ và cô Lê Thu Hà đã đến Đức, gọi đây là
một bước đi nhân đạo đáng chú ý của phía Việt Nam và cũng là một tín hiệu tốt
đối với cộng đồng quốc tế.
Theo tờ Frankfurter
Allgemeine, Hà Nội hy vọng với việc trả tự do cho các trường hợp này qua hệ
giữa Việt Nam và Đức sẽ được cải thiện.
Hiện tại Việt Nam cũng
đang thúc giục quốc hội châu Âu thông qua hiệp tự do thương mại EU Việt Nam đã
kết thúc đàm phán vào năm 2015. Theo tờ Frankfurter Allgemeine, các đại diện
của Liên minh Châu Âu lưu ý với chính phủ Hà Nội rằng việc phê chuẩn Hiệp định
dự kiến vào đầu năm 2019 sẽ phụ thuộc vào sự chuẩn thuận của Đức.
No comments:
Post a Comment