Cườm mắt (cataract)
22/06/2018
Thính giả T. Trương
hỏi:
“Thưa Bác sĩ,
Tôi muốn hỏi về mổ cườm mắt.
Tôi muốn hỏi về mổ cườm mắt.
Cườm mắt và đục thủy
tinh thể có phải là cùng một chứng [bệnh] của mắt không?
Nguyên nhân gây ra
cườm mắt, cách phòng chống và chữa trị?
Biến chứng sau khi mổ
cườm mắt?
Khác nhau giữa ‘cườm
nước’ và ‘cườm khô’?
Có người khi mổ cườm
mắt, bác sĩ gắn thấu kính cận thị/viễn thị vào trong để rồi người đó không phải
mang contact lens hay kính ở bên ngoài nữa. Xin Bác sĩ mô tả và giải thích.
Cảm ơn các Bác sĩ.”
Bác sĩ Hồ Văn Hiền:
Theo gốc Hy lạp và La
tinh, cataract có nghĩa đổ xuống, giống như một cái thác nước, thuỷ tinh thể
mắt (lens, cristallin (French)) đổi qua màu trắng như một màng trắng buông
xuống, chặn ánh sáng vào mắt; khác với “cườm nước”, hay glaucoma. Do nghĩa gốc
glaucoma là màu xanh vert (xanh lá cây, green), cũng có nghĩa là đục, đờ đẫn
(dull sheen), là cái nhìn không thần sắc của người mù mắt. Mấy ngàn năm trước
thời, La-Hy, người ta chưa phân biệt cataract và glaucoma. Bịnh glaucoma do áp
suất các chất dịch trong tròng mắt quá cao. Cả hai loại cườm đều có thể hiện
diện trong mắt; cataract to quá trong một số trường hợp có thể gây ra glaucoma,
cũng như giải phẫu chửa glaucoma có thể gây biến chứng là cataract. Nên hỏi bác
sĩ ngoài vấn đề cườm khô mình có bịnh cườm nước hay bịnh gì khác hay không.
Trong bịnh cataract,
hoặc cườm khô, có một vết đục trong thủy tinh thể của mắt (lens). Trong một cái
máy chụp hình, nhìn vào phía trước, chúng ta thấy một thấu kính (camera lens)
để cho ánh sáng đi vào phía sau và ánh sáng in hình lên phim hoặc trên màng
phim tiếp nhận. Mắt chúng ta cũng tương tự như một cái máy chụp hình, ánh sáng
cũng đi qua một bộ phận như một cái thấu kính, bộ phận đó là thủy tinh thể
(lens). Lúc cườm khô (cataract) mới xuất hiện, người bịnh thường không thấy
thay đổi gì trong khả năng mình trông thấy, nhưng từ từ theo thời gian, vết đục
càng ngày càng ảnh hưởng tới thủy tinh thể mắt, làm cho người bịnh biết mắt mờ
đi (blurred vision), hình thể sự vật bị méo mó, người bịnh xốn mắt, khó chịu
lúc nhiều ánh sáng và dễ bị chóa mắt lúc nhìn vào một ngọn đèn (glare).
Cataract không chữa bằng thuốc uống được. Cách chữa duy nhất là giải phẫu (mổ),
bằng cách lấy cái thuỷ tinh thể đã vẫn đục ra khỏi cái vỏ (capsule) chứa đựng
nó và thay thế vào đó bằng một kính nhân tạo bằng plastic (silicone hay
acrylic) (intraocular lens, IOL). Bác sĩ có thể chọn IOL thích hợp để chữa luôn
bệnh cận thị, viễn thị hay loạn thị của người bệnh.
Về câu hỏi, lúc nào
thì nên giải phẫu lấy cườm khô ra, sau đây tôi xin sơ lược một số điểm căn cứ
trên thông tin của hội các bác sĩ chuyên khoa mắt của Hoa Kỳ (American Academy
of Ophthalmology, AAO) (1):
1) Bác sĩ định bịnh
cataract cho bạn không có nghĩa là phải giải phẫu ngay. Lúc đầu, bịnh nhẹ, đo
mắt và mang kính (gương) để sửa lại một số rối loạn về khúc xạ (refraction) như
cận thị, viễn thị, loạn thị, hay nhờ kính đặc biệt làm bớt loá do đèn ban đêm,
có thể làm thị giác khả quan hơn, thấy rõ hơn.
2) Tuy nhiên, với thời
gian, cườm khô sẽ "chín mùi" hơn ("mature") và cuộc sống
hàng ngày có thể bị ảnh hưởng, giới hạn. Mặc dù nhiều bịnh nhân sợ mổ, phẫu
thuật lấy cườm khô là phẫu thuật phổ biến nhất được thực hiện trên người già
trong chương trình Medicare (bảo hiểm cho người trên 65 tuổi tại Mỹ).
3) Phẩm chất cuộc sống
gia tăng sau khi mổ, ít bị té hơn, ít bị tai nạn lưu thông hơn, cơ nguy chết về
lâu dài cũng ít hơn.
4) American Academy of
Ophthalmology (AAO) khuyên bịnh nhân tự hỏi:
Cườm khô có ảnh hưởng
đến hoạt động hàng ngày hay nghề nghiệp hay không? Ví dụ bạn có thể thấy mờ
hơn, chóa mắt/ loá hơn, màu vàng hơn, có thể thấy một thành hai trong cùng một
mắt (double vision in one eye), nếu nghề nghiệp của mình bị trở ngại. Ví dụ:
bác sĩ chuyên khoa da, hoạ sĩ, thợ sửa đồng hồ, tài xế, người thích chụp hình
(thay đổi màu sắc, không trung thực), nấu ăn, may vá (cần phân biệt chi tiết).
Cườm khô có ảnh hưởng
đến việc lái xe ban đêm một cách an toàn hay không (vd ánh đèn các xe ngược
chiều làm loá mắt); lấy bằng lái xe có bị trở ngại vì thị giác kém không?
Những người sinh hoạt
ngoài trời nhiều như đánh golf, trượt tuyết, bơi lội: cườm có ảnh hưởng gì
không. Nên để ý, nếu mắt mờ một bên, có thể không ước tính được độ xa gần chính
xác như người dùng 2 mắt phối hợp với nhau.
Những biện pháp giản
dị có giúp bạn thoải mái vừa đủ hay không: dùng màu sắc sáng hơn, tươi hơn (ví
dụ: điện thoại màu đỏ trên quầy bếp màu trắng dễ tìm hơn là nếu cả hai cũng màu
đen), thắp đèn sáng hơn ( ví dụ đường vào phòng tắm), hay đèn tự động sáng lúc
đi ngang qua. Mang kính mát dùng ánh sáng phân cực (polarized sun glasses),
mang nón/mũ vành rộng lúc ra ngoài nắng, dùng kính lúp để đọc sách. Theo bác sĩ
R. Goel, phát ngôn viên của hội AAO: "Nếu cườm không làm xáo trộn cuộc
sống của bạn, có lẽ còn đợi thêm được, và lúc nào nó thật sự bắt đầu làm phiền
bạn thì đi giải phẫu. Đối với những ai cảm thấy cườm làm sự vật nhìn thấy nhoà
và kém tươi, thủ thuật lấy cườm có thể giúp ích đáng kể.”
5) Người ta chỉ dùng
phẫu thuật cườm khô trong mục đích cải thiện, làm khả năng nhìn tốt hơn, rõ hơn
mà thôi. Trừ trường hợp phần sau mắt có bịnh cần khám theo dõi, chữa trị (vd
bịnh võng mạc) cần phải lấy cườm đục ra mới nhìn thấy được phía sau.
6) Một số trường hợp
nếu chờ lâu quá mới giải phẫu, thuỷ tinh thể (lens) có thể đặc quá (dense, hard
nuclei), cứng và nâu, có thể gây trở ngại cho bác sĩ giải phẫu lúc lấy thuỷ
tinh thể ra. (2) Hiện nay bác sĩ thường dùng kỹ thuật phacoemulsification,
nghĩa là "nhũ tương hoá thuỷ tinh thể" (bs dùng dụng cụ siêu âm để
phá vỡ thuỷ tinh thể thành từng mảnh nhỏ và hút ra ngoài, trước khi để thấu
kính nhân tạo vào trong vỏ của thuỷ tinh thể).(2)
Nói tóm lại, giải phẫu
lúc nào phần lớn do bịnh nhân cảm thấy mình có muốn và cần thị giác tốt hơn
hiện có hay không, mình có khả năng tài chánh để đài thọ những gì mình muốn hay
không (ví dụ các thấu kính nhân tạo (IOL) có nhiều loại khác nhau, khả năng
khác nhau và giá tiền khác nhau) và bác sĩ có đồng ý với sự lựa chọn của mình
hay không.
Biến chứng:
1) Vết đục mặt sau vỏ
bọc thuỷ tinh thể (Posterior Capsule Opacities, PCO).
Đây là một trong những
biến chứng thường xảy ra nhất. Lúc bác sĩ mắt lấy thuỷ tinh thể đã hư ra khỏi
vỏ bọc [capsule] trong suốt của nó để thay thế bằng thuỷ tinh thể nhân tạo,
trong chừng 20% các trường hợp, một số tế bào biểu bì của thuỷ tinh thể (lens
epithelial cells) còn sót lại và mọc lên trên mặt sau của vỏ capsule, làm vỏ
vẩn đục và bịnh nhân thấy mờ; thời gian có thể là lúc mới hồi phục hoặc vài
tháng sau đó.
Capsulotomy:
Chữa trị PCO khá giản
dị, thực hiện ngoại chẩn chừng vài phút thì xong. Bác sĩ dùng tia laser rọi vào
mắt, nhắm vào vùng vỏ [capsule] bị đục , phá huỷ các tế bào biểu bì và bịnh
nhân thấy rõ ràng trở lại (YAG laser capsulotomy). Sau đó bs có thể cho thuốc
nhỏ mắt có tác dụng giảm viêm. Bịnh nhân có thể thấy rõ lại nội trong ngày và
sinh hoạt như bình thường. Tuy nhiên bịnh nhân có thể thấy như "ruổi
bay" trước mắt (floaters, mouches volantes ( Pháp)). Các floaters này sẽ
hết sau vài tuần. Cũng như phẫu thuật lấy cataract, capsulotomy là một thủ
thuật rất an toàn. Tuy nhiên, về biến chứng: sau khi mổ cataract có 1% cơ nguy
bị tróc võng mạc (detachment of the retina); cơ nguy này tăng thêm 1% nữa (=2%)
sau khi là capsulotomy.
2) Thấu kính nhân tạo
nội tròng bị lệch chỗ (dislocation or displacement of the intraocular lens):
Khi đặt thấu kính IOL vào vỏ [capsule], có thể IOL không nằm đúng vị trí.
Lý do:
Vỏ chứa thuỷ tinh thể
vì rất mỏng (dày bằng một hồng cầu) có thể đã bị rách sau khi lấy cataract ra.
Các sợi giữ vỏ capsule
bị đứt (zonules)
Cánh ("arms"
giữ IOL có thể bị hư, gảy, không neo IOL đúng cách trong vỏ capsule.
Nếu IOL bị lệch, bs
cần biết sớm để may lại giữ nó đúng chỗ, hay thay IOL khác. Sau 3 tháng, sẽ khó
lấy IOL ra vì nơi mổ đã thành thẹo dính chặt lại. Nghiên cứu trên 17000 trường
hợp ở Mayo Clinic (Mỹ) cho thấy tỷ lệ sau 10 năm 1/1000, sau 20 năm 7/1000 và
sau 25 năm là 17/1000.
3) Tróc võng mạc (võng
mô) (detachment of the retina)
4) Bịnh nhân có thể
vẫn bị mờ mắt sau khi đã giải quyết vì những bịnh khác nhau ở võng mạc như
thoái hoá điểm vàng võng mạc (macular degeneration) ở người già, bịnh võng mạc
do tiểu đường (diabetic retinopathy), vv (3,4))
7 điều có thể giúp
ngừa đục thủy tinh thể (Theo VisionSource-Reference- 5)
Các nghiên cứu không
kết luận dứt khoát về phòng ngừa đục thủy tinh thể, mặc dù nhiều bác sĩ đồng ý
rằng có những điều có thể giúp giảm nguy cơ đục thủy tinh thể và duy trì sức
khỏe toàn diện của mắt, chẳng hạn như:
1) Đi khám bác sĩ mắt
thường xuyên. Ngay cả khi tầm nhìn của bạn rõ ràng và khỏe mạnh, nên hẹn khám
mắt hàng năm, giúp phát hiện các dấu hiệu đục thủy tinh thể (cataract), tăng
nhãn áp (glaucoma), thoái hóa điểm vàng (macular degeneration) và các rối loạn
thị lực khác. Phát hiện sớm có thể thực sự cứu thị giác của bạn.
2) Chế độ ăn uống giàu
chất dinh dưỡng tốt. Có một số chất chống oxy hóa (antioxidant), vitamin và
khoáng chất có thể giúp giảm nguy cơ phát triển bệnh đục thủy tinh thể. Một
nghiên cứu năm 2008 của 35.551 phụ nữ phát hiện ra rằng những người tiêu thụ
nhiều lutein và zeaxanthin nhất (chất chống oxy hóa được tìm thấy trong rau lá
vàng hoặc xanh đậm), có nguy cơ bị đục thủy tinh thể thấp hơn 18% so với những
người tiêu thụ ít nhất lutein và zeaxanthin. Một nghiên cứu khác được thực hiện
vào năm 2005 cho thấy axit béo omega-3 có thể giúp bảo vệ đôi mắt tránh sự phát
triển đục thủy tinh thể. Căn cứ trên dữ liệu về 71.083 phụ nữ, các tác giả của
nghiên cứu phát hiện ra rằng những người có lượng omega-3 cao hơn (được tìm
thấy trong cá nhiều dầu như cá hồi và cá mòi (salmon, sardine), cũng như trong
hạt lanh) có nguy cơ bị đục thủy tinh thể. Ăn thực phẩm chứa nhiều chất chống
oxy hóa như beta-carotene, selenium và vitamin C và E có thể giúp ngăn ngừa sự
phát triển đục thủy tinh thể.
3) Bỏ hút thuốc - hoặc
tốt hơn, đừng hút. Tất cả chúng ta đều biết rằng thuốc lá gây nguy hiểm cho sức
khỏe cho người hút và những người xung quanh. Nghiên cứu cho thấy rằng hút
thuốc tăng gấp đôi cơ hội phát triển bệnh đục thủy tinh thể và nguy cơ tiếp tục
phát triển tĩ lệ với lượng thuốc lá được dùng.
4) Cắt giảm các loại
rượu, bia. Giống như thuốc lá, tiêu thụ quá nhiều rượu có thể gây ra một số rủi
ro về sức khỏe, bao gồm tăng nguy cơ bị đục thủy tinh thể.
5) Bảo vệ đôi mắt lúc ra
nắng! Một nghiên cứu năm 2014 của John Hopkins đã chứng minh rằng những năm
tiếp xúc với ánh sáng mặt trời mãn tính có thể làm tăng nguy cơ bị đục thủy
tinh thể. Nên đội mũ rộng vành và mang kính mát có khả năng bảo vệ tia cực tím
khi ra ngoài nắng lâu.
6) Kiểm soát bệnh tiểu
đường. Dữ liệu cho thấy những người mắc bệnh tiểu đường có nhiều nguy cơ bị đục
thủy tinh thể hơn. Đó là lý do tại sao duy trì lượng đường trong máu ở mức vừa
phải rất quan trọng - cho cả sức khỏe nói chung cũng như sức khỏe thị giác.
7) Tránh sử dụng thuốc
corticosteroid dù là lâu hay chỉ thời gian ngắn. Dùng steroid lâu dài làm đục
thủy tinh thể. Tuy nhiên, về các steroid dạng hít (inhaler) và xịt mũi (nasal
spray) dùng để trị bệnh suyễn và dị ứng mũi, không có bằng chứng dứt khoát
chúng có làm tăng nguy cơ đục thủy tinh thể hay không.
Xin nhắc lại là bịnh
nhân cần bàn với bác sĩ chuyên khoa của mình cũng như với bác sĩ gia đình để
tìm hiểu những lựa chọn khác nhau. Những điều nói ở trên không có mục đích thay
thế ý kiến của bác sĩ của mỗi người.
References: 1) When is
the Right Time to Have Cataract Surgery?
https://www.aao.org/newsroom/news-releases/detail/when-is-right-time-to-have-cataract-surgery22)
Uday Devgan: Dense brunescent cataracts present surgical challenges
http://www.healio.com/ophthalmology/cataract-surgery/news/print/ocular-surgery-news/%7Bd249a6d3-5826-4336-86d4-5558a8f1f67e%7D/dense-brunescent-cataracts-present-surgical-challenges
3)Chris A. Knobbe, MD:
Cataract Surgery Complications
http://www.allaboutvision.com/conditions/cataract-complications.htm
4)Posterior Capsule
Opacification After Lens Implantation
https://www.medscape.com/viewarticle/781856
5) Is There Any Way to
Prevent Cataracts?
http://visionsource.com/blog/prevent-cataracts/
6) American Academy of
Ophthalmology (AAO)
Chúc bịnh nhân may
mắn.
Bác sĩ Hồ Văn Hiền
June 18, 2018
No comments:
Post a Comment