Báo VN sửa lời phát
ngôn Chủ tịch Quang về Luật Biểu tình
·
5 giờ trước
Mạng xã hội hôm nay đưa tin báo Tuổi Trẻ sửa nội dung bài dẫn
phát ngôn của Chủ tịch Trần Đại Quang: "Cần luật Biểu tình, sẽ báo cáo
Quốc hội ban hành" chỉ sau khoảng ba tiếng đăng bài.
Hôm 19/6, link bài nêu trên của tờ báo được nhiều facebooker
chia sẻ trên mạng xã hội.
Bài báo "Chủ tịch nước đồng ý cần ban hành Luật biểu
tình" với nội dung ban đầu ghi: "Tiếp xúc cử tri với vai trò đại biểu
Quốc hội TP.Hồ Chí Minh, Chủ tịch Trần Đại Quang nói ông đồng tình với kiến
nghị cử tri cần có luật Biểu tình và hứa báo cáo Quốc hội về nội dung
này."
Nay nội dung bài đã được sửa lại và không còn bất kỳ phát ngôn
nào của ông Quang về luật Biểu tình. Người đọc chỉ còn thấy Chủ tịch Quang nói
những vụ việc nghiêm trọng xảy ra tại Bình Thuận, TP.Hồ Chí Minh" là do
các đối tượng chống đối, kích động, lôi kéo."
Việc này gây xôn xao cộng đồng mạng. Cây bút tự do Nguyễn An Dân
bình luận trên trang cá nhân: "Báo Tuổi Trẻ đã vi phạm luật An ninh mạng
khi để phát biểu của lãnh đạo bị cắt xén. Thế lực thù địch ghê quá, cắt xén
được cả phát biểu của cấp chủ tịch nước, cũng là lãnh đạo số hai của
Đảng."
Bình luận với BBC về việc Quốc hội lùi luật Biểu tình, bà Ann
Đỗ, kỹ sư gốc Việt tại Melbourne, Úc, nói: "Thay vì Quốc hội phải đưa ra
luật Biểu tình càng nhanh càng tốt, họ lại nhiều lần lùi việc xây dựng luật này
vì có thể họ chưa tự tin vào khả năng của bộ máy an ninh, công an dày đặc trên
cả nước."
"Biểu tình (ôn hòa) là một trong những hành vi hay hoạt
động bày tỏ quan điểm thái độ của người dân một cách văn minh, nó có sự tác động
nhất định đến suy nghĩ của người xung quanh lẫn đối tượng bị phản đối, và đó
cũng thuộc quyền cơ bản mà một nhà nước văn minh muốn xây dựng cho công dân của
mình."
"Vừa tìm cách trì hoãn luật Biểu tình và nhanh chóng bàn
đến luật An ninh mạng khiến người dân có cảm tưởng chính phủ, quốc hội đang tìm
cách bóp miệng người dân nhiều hơn là đưa ra những chính sách để xây dựng một
thể chế lành mạnh và cởi mở. Theo tôi, có thể một số quan chức đã nhìn thấy vấn
đề nhưng vẫn cứ quanh quẩn với các giải pháp ngắn hạn, làm chỉ được một thời
gian tiêu tiền ngân sách rồi tình trạng như cũ, thậm chí tệ hại hơn."
Trước đó, trả lời BBC, nhà báo Đặng Tâm Chánh, cựu Tổng biên tập
báo Sài Gòn Tiếp Thị, nói: "Tôi biết việc trì hoãn Luật Biểu tình thì ngay
cả một số đại biểu cũng không đồng ý."
"Và không chỉ Luật Biểu tình, ngay cả với các dự thảo luật
về quyền con người khác thì cách chính quyền tiếp cận có thể nói là khá dè
dặt."
"Dường như như không có cơ chế đủ hiệu năng để gây áp lực
với Quốc hội về việc trình các dự luật đó."
Hôm 18/6, tổ chức Ân xá Quốc tế gửi thông cáo yêu cầu Việt Nam
phải ngay lập tức thả những người biểu tình đang bị giam giữ cuối tuần vừa rồi
và mở một cuộc điều tra nhanh chóng về nghi vấn một vài người biểu tình đã bị
tra tấn.
Theo Ân xá Quốc tế thì "Trên phạm vi cả nước, đã có khoảng
150 người đã bị giam giữ tùy tiện sau khi họ tham dự các cuộc biểu tình vào
ngày 9 và 10/6 chống lại dự thảo luật Đặc Khu Kinh Tế. Ân Xá Quốc Tế đã nhận
được báo cáo của hàng chục người và họ cho biết rằng họ đã bị tra tấn trong lúc
giam giữ, một vài người cho rằng họ đã bị đánh đập bởi gậy gỗ sau khi từ chối
mở mật khẩu điện thoại theo yêu cầu của công an."
Trong một diễn biến khác, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng được
truyền thông Việt Nam hôm 17/6 dẫn lời nói lòng yêu nước chân chính 'bị lợi
dụng' trong sự kiện biểu tình phản đối dự luật Đặc khu và An ninh mạng.
Trong cuộc tiếp xúc cử tri ở Hà Nội, ông Trọng mô tả các cuộc
biểu tình tại một số thành phố và địa phương, trong đó có vụ trở thành bạo động
ở Bình Thuận, là 'có bàn tay của phần tử phá hoại' và 'không loại trừ có yếu tố
nước ngoài'.
No comments:
Post a Comment