Monday, February 12, 2018

Cơn Sốt Chứng Khoán Việt Nam:TS Phạm Đỗ Chí


Tiến sĩ Phạm Đỗ Chí tốt nghiệp bằng cử nhân Kinh tế học tại Đại học Laval (Canada) và các bằng thạc sĩ, tiến sĩ kinh tế học tại Wharton School, Đại học Pennsylvania (Hoa Kỳ).
Ông từng kinh qua nhiều vị trí công việc:
- Nhà kinh tế cao cấp và chuyên viên đầu tư của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) (1974 - 2001);
- Phó Giáo sư thỉnh giảng về kinh tế và tài chính thuộc chương trình MBA, trường American University tại Washington D.C (2002 - 2003);
- Cố vấn trưởng về nghiệp vụ Ngân hàng Quốc tế tại Vientiane (2003 - 2005);
- Phó Giám đốc điều hành và Kinh tế gia Trưởng của VinaCapital tại Việt Nam (2007-2009);
- Chuyên gia cấp cao kinh tế tài chính, USAID/STAR Program (2010 - 2013);
- Giám đốc Thành viên Quản trị của Công ty Kidwell International (2014).

Cơn Sốt Chứng Khoán Việt Nam:

                                                   VN Index Liệu Sẽ Đi Bao Xa?

Chi  Pham

(Viết lại ở Saigon, 20/01/2018)


Sau cơn hồ hởi của kỳ họp APEC ở Đà Nẵng vào tháng 11/2017, VN Index hy vọng vượt  mốc tâm lý quan trọng 1,000 và tìm về kỷ lục cũ 1100 của năm 2007, cũng sau kỳ họp APEC tháng 11/2006 ở Hà nội. Quả nhiên chỉ số chứng khoán VN đã tạm thời khựng lại (ngày 6/12/2017) xuống mức 900-930 trong một tuần, nhưng sau đó đã vượt mức 1000 và tạo "cơn sốt" đầu tư và đầu cơ trong cả nước, tất nhiên có cả sự tham dự của các quỹ đầu tư quốc tế trong vùng. "Câu hỏi bạc tỷ" đặt ra là cơn sốt này sẽ tiếp tục trong cả năm mới 2018 như phần đông kỳ vọng, hay là sẽ ngừng lại và bắt đầu một cơn lao dốc như trong hai năm 2007-2008?

VN Index đang được dân đầu tư và đầu cơ mong tái lập kỷ lục cũ 1,100 của năm 2007 cũng sau kỳ họp APEC ở Hà nội vào tháng 11/2006. Dạo đó, thay vì tìm đến đỉnh trời bao la không giới hạn như giới chứng khoán mong mỏi, chỉ số này đã lao xuống nhiều vực thẳm tới mức 250 trước khi tạm dừng và loay hoay ở mức 300-400 trong nhiều năm. Trong cả hai thời kỳ, thị trường chứng khoán (TTCK) có phản ánh tình trạng thực của nền kinh tế không và ra sao?

Mười một năm trước, TTCK còn phản ánh các yếu tố căn bản của nền kinh tế nhiều triển vọng hơn về “công nghiệp hoá, hiện đại hoá” được tung hô, và nền tài chính ngân hàng tương đối ổn định chưa bị phá nát về nợ nần của các xí nghiệp quốc doanh lớn kiểu Vinashin hay Vinalines...Đầu cơ BĐS đang sôi sục nhưng nợ xấu ngân hàng còn chịu đựng được. Ngân sách quốc gia thời cựu TT Phan Văn Khải còn có kỷ luật tương đối do một nhà điều hành kỹ trị dè dặt ("a docile technocrat").

Mười năm sau (2007-2016) dưới lãnh đạo của chính phủ mới, thực sự đã phá tan nền tài chính cả nước với các nhóm lợi ích thân cận ("cronies") thu vén không nương tay, đưa đến tài nguyên quốc gia cạn kiệt, ngân sách ở thế vỡ trận và nợ công ở mức 210% GDP thực sự (thay vì 67% như công bố chính thức, vì không kể đến món nợ lớn của các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) mà chính phủ thực sự phải gánh trả), nợ xấu ngân hàng trên 15% tổng dư nợ nhưng vẫn được gói gọn dưới mức chính thức công bố là 3%? Các DNNN vẫn không lối thoát vì thiếu quyết tâm giải quyết thực sự. Suốt 8-9 năm thời kỳ này đã đi ngược lại chính sách Đổi Mới tương đối thành công của 2 thập niên trước! Và kết quả hiện tại là trong vài tháng vừa rồi lại sôi sục những thua lỗ hàng ngàn tỷ đồng được khám phá của các hãng dầu khí quốc doanh và ngân hàng liên hệ.
KINH TẾ ĐI VỀ ĐÂU?

Kinh tế Việt Nam bây giờ, không ai còn nhắc nhở đến khẩu hiệu “công nghiệp hoá, hiện đại hoá”, cliches quen thuộc của 10 năm trước. Thay vào đó, với lượng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ào ạt và nóng hổi, nhưng không có định hướng quốc gia, nền kinh tế hướng đến mô hình kinh tế dịch vụ theo mẫu của Philippines! Sẽ khai thác du lịch thành công, các khu resorts khách sạn nhà hàng giải trí phát triển liên tục để phục vụ khu dịch vụ đó và khu FDI, nhất là khách hàng Tàu, Hàn quốc và Nhật bản. Sẽ gửi thêm lao động rẻ gồm trí thức và chuyên nghiệp, vốn thất nghiệp số đông trong nước vì kinh tế đang thật sự bế tắc, ra nước ngoài kiếm sống và gửi về hỗ trợ gia đình, số nhỏ trí thức có vốn kỹ thuật cao sẽ tìm được bến đỗ ở các nước tiên tiến mà thiên đường là Mỹ, Canada...

Còn lại nền kinh tế nội địa phục vụ giới đầu tư ngoại và giới trung lưu trong nước giàu có lên, sẽ phát triển mạnh trong vài năm tới.

Giải quyết thâm hụt ngân sách? Hy vọng giá dầu tăng lên trên 60$-65$/thùng để khai thác thêm khối tài nguyên dự trữ, nhưng giải pháp chính là bán các công ty nóng như Vinamilk, Sabecom, Vinaconex...trong tài sản của Công Ty Đầu Tư Quốc Gia (SCIC). Điều kiện là phải hâm nóng TTCK và bất động sản để tăng thu cho ngân sách trong kế hoạch này. Và bước đầu thành công, do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã cho in thêm tiền và biết châm tín dụng ào ạt cho hệ thống ngân hàng vào hai khu vực này từ quý 3 năm 2017, nhằm mục đích tăng mức tín dụng lên mục tiêu công bố chính thức là 20-21%, để đẩy tốc tăng trưởng GDP lên 6,7% cho cả năm 2017 như mục tiêu chính thức. 

SỐT CHỨNG KHOÁN TIẾP DIỄN

Bước thứ hai thành công đáng kế và nhờ hình ảnh hấp dẫn của kỳ họp APEC như năm xưa, đầu cơ đã đưa VN Index lên nhanh chóng vượt mức 800 rồi 900 trong thời gian kỷ lục một tháng, như dạo tháng 11/2006 đến tháng 1/2007 đã vượt mức 1100 trong hồ hởi của thị trường. Ai nói ngược lại là “thằng điên” như người viết này đã chịu đựng sự châm biếm trêu chọc trong nhiều tháng lúc đó, khi còn là "phân tích gia chiến lược” của một quỹ đầu tư hàng đầu! Dù kết quả là quỹ này đã xuống vài trăm triệu đô trong năm 2007 khi thị trường chứng khoán sụp đổ!

Lịch sử có tái diễn? Tất nhiên, nhưng trong khung cảnh nền kinh tế vĩ mô tệ hại hơn nhiều cần xét đến trong dài hạn, dù trong ngắn hạn đang có vẻ hấp dẫn. Thêm vào đó tuy chứng khoán Việt Nam đang dẫn đầu so với các nước ASEAN, và lên vù vù bắt kịp chỉ số Dow Jones ở Hoa kỳ (lên gần 40% từ ngày 08/11/16 lúc ông Trump đắc cử TT đến hôm 10/01/18), nhưng tỷ số quan trọng P/E của thị trường Việt Nam ở mức 18-20 không còn rẻ nữa! 

Con đường cho VN Index vượt mức 1,100 có lẽ còn hé mở trước khi lao xuống. Một thân hữu theo sát tình hình kinh tế và thị trường nhận xét rằng đầu cơ chứng khoán sẽ vẫn còn tiếp: "nếu NHNN không thay đổi chính sách cho vay vào chứng khoán và bất động sản để "tăng tốc nền kinh tế" thì chẳng ai dừng đánh bạc đâu, nhất là dịp trước Tết ta vào ngày16/2/2018!". Ông Các Mác có câu nói rất hay và hoàn toàn đúng cho máu chuộng bài bạc và đầu cơ ở xứ mình: "nhà đầu tư nếu lãi 300% thì chết cũng vẫn làm". Câu này cũng đúng lắm cho toàn nền kinh tế hiện nay. Vì lợi nhuận, người ta chẳng sợ gì hết và không phải chỉ giới hạn ở nhà đầu tư như Mác nhận xét mà là toàn xã hội.

Nhưng nếu VN Index thật sự lần này đang lao xuống, sẽ dừng ở mức nào và bao lâu nữa? Câu hỏi khó nhất cho cả các dân chơi và nhà phân tích để trả lời chính xác khi không khí đầu cơ dâng trào cả nước. Có lẽ may mắn chỉ số có thể tạm dừng ở mức 650-700 lúc lao xuống, nhờ đầu cơ mới bùng nổ trong nửa năm sau của 2017 và ngân sách còn cần nguồn thu mới cho năm 2018 từ bán tài sản hiện có. Bao giờ tới mức đó? Câu trả lời tùy theo sự sáng suốt tỉnh ngộ kịp thời của giới hữu trách, nhất là NHNN, nếu muốn có hạ cánh an toàn cho thị trường lần này để tránh thảm kịch xảy ra cho toàn nền kinh tế kéo dài từ 2007 đến 2010, khi cả bất động sản và chứng khoán cùng "sập tiệm", và đe dọa đổ vỡ của hệ thống ngân hàng!

Các quỹ đầu tư chứng khoán đã tạo thành tích lợi nhuận cao trong năm qua 2017 và có thể chịu đựng các mất mát trên giấy tờ của những danh mục đầu tư ("portfolios") cho các tháng sắp tới của năm 2018 hay ngay cả sang năm. Nhưng riêng cho các dân chơi đầu cơ cá nhân, có biết tỉnh ngộ sớm hay không để bán bớt "chốt lời" và giữ chút tiền ăn chơi Tết Con Chó là dấu hiệu năm phát tài phát lộc theo truyền thống? Tết này sẽ là thời điểm khôn ngoan để lấy lời, ai khôn thì tỉnh sớm cho vợ con hay chồng con nhờ, lấy tiền ra ăn một cái Tết huy hoàng?

Phải biết nhớ lại lịch sử đầu tư hay đầu cơ (?) xứ mình, mới 10 năm trước thôi! Còn chuyện ngày nay? Bitcoin trên thế giới sẽ ngã gục thảm hại như buôn trứng chim cút ở Saigon dạo nào trước 1975, cho những ai ngày nay ở tuổi 70-90 còn nhớ?


No comments:

Post a Comment