Monday, December 25, 2017

Số phận 'chó du hành vũ trụ' của Liên Xô

Số phận 'chó du hành vũ trụ' của Liên Xô
Richard HollinghamBBC Future
·         11 tháng 12 2017
Khi những người kỹ sư đóng cửa Sputnik 2, chiếc phi thuyền không gian hẹp và không có cửa sổ, bên trong đặt chó Laika, vào ngày 3/11/1957, họ biết rằng đó là lần cuối cùng họ nhìn thấy cô chó này.
Sau thành công của phi thuyền Sputnik 1 vào ngày 4/10, nhà lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev đã ra lệnh trong vòng một tháng phải đưa chó lên vũ trụ. Nhưng trong lúc gấp rút để chuẩn bị cho kịp thời gian phóng phi thuyền, không ai hình dung ra làm cách nào để đưa Laika trở về mà vẫn sống sót.
Anh hùng quốc gia
"Các vụ phóng phi thuyền lúc đó luôn là một đi không trở lại," ông Doug Millard, người phụ trách chủ đề không gian tại Bảo tàng Khoa học London, nói. "Đó là vào lúc cao trào của Chiến tranh Lạnh và việc phóng phi thuyền là một công việc hệ trọng nằm trong cuộc đấu quyền lực giữa các siêu cường."
Sau khi phi thuyền đã đi được vào quỹ đạo, thế giới được thông báo rằng Laika vẫn có thể sống sót một cách thoải mái trong một tuần lễ với rất nhiều thức ăn và nước uống trước khi nó qua đời một cách nhẹ nhàng không đau đớn. Tuy nhiên, hồi năm 2002 người ta mới biết rằng Laika chỉ sống được có bảy giờ và sau đó nó chết vì sợ hãi và sốc nhiệt.
Tuy nhiên, đối với Liên Xô, vụ phóng phi thuyền này là một chiến dịch tuyên truyền và cô chó không gian Laika trở thành anh hùng quốc gia. Và với việc phóng được một phi thuyền có kích thước đáng kể (nặng 113kg) với một sinh vật sống trên khoang, dường như người Nga đã đi trước người Mỹ rất xa trong lĩnh vực không gian và công nghệ tên lửa.
"Bạn có thể lập luận rằng Sputnik 2 cũng có tầm lan tỏa lớn như Sputnik 1," Millard nhận định. "Chắc chắn là nó làm phức tạp thêm tình hình đối với Mỹ bởi vì phi thuyền nặng như vậy - nó chứng tỏ rằng Liên Xô có khả năng lắp đầu đạn hạt nhân vào hỏa tiễn và phóng đến Mỹ.
Liên Xô đã từng đưa chó vào không gian vào những ngày đầu của chương trình không gian của họ khi mà họ đang cố gắng học lóm theo mô hình những chiếc V2 do Wernher Von Braun phát minh mà họ lấy được. Những chuyến đi vào không gian đầu tiên là ở mức độ dưới quỹ đạo, đưa chó ra khỏi bầu khí quyển và quay trở lại Trái Đất. Khác với Laika, hầu hết những con chó lúc đầu đều sống sót.
Chăm sóc tử tế
Trong khi người Mỹ thích thử nghiệm trên khỉ và tinh tinh, người Nga chọn chó vì chúng dễ huấn luyện hơn, có thể tạo mối liên hệ tình cảm với con người và dễ kiếm. Tất cả những con được chọn đều là chó cái lai. Mặc dù một số con được hiến tặng, đa phần là chó hoang.
"Câu hỏi khi đó là là làm thế nào để bắt được chúng," Millard cho biết. "Chúng ta có một kịch bản lạ lùng là các thành viên của chương trình không gian đi săn tìm trên các đường phố của Moscow để tìm kiếm mục tiêu khả dĩ và sau đó tìm cách bắt chúng."
"Họ muốn những con chó này phải khỏe mạnh, do đó họ không thể ngược đãi chúng, ông Vix Southgate, người viết và minh họa những cuốn sách về chương trình không gian dành cho thiếu nhi, nói. "Chúng được đặt tên, có chuồng riêng và được cho ăn đầy đủ. Họ muốn có một con chó sống hạnh phúc với những gì mà nó sắp làm và muốn làm yên lòng những người sẽ đón nhận thành tích của nó."
Những con chó được cho sẽ được kiểm tra sức khỏe chi tiết và được đưa vào chương trình huấn luyện sâu rộng. Nhờ đó mà chúng cảm thấy thoải mái khi phải mặc bộ đồ không gian và nằm bó hẹp trong khoang phi thuyền. Đa số chúng đi có cặp để các khoa học gia có thể so sánh dữ liệu giữa hai cá thể.
Trong vòng ba năm, một lần nữa chó du hành không gian của Liên Xô lại làm nên lịch sử. Vào ngày 19/8/1960, các con chó lai Belka và Strelka được phóng vào quỹ đạo bên cạnh hai con chuột, một con thỏ, một đám ruồi giấm và một số cây.
Sau đó, đến vòng quỹ đạo thứ 4, Belka bắt đầu ói mửa. "Chính vì điều đó mà cả hai đều tỉnh dậy," Southgate cho biết. "Từ hình ảnh video được ghi lại trên phi thuyền, chúng ta có thể thấy chúng đi vòng quanh và sủa. Thông số y khoa cho thấy chúng điềm tĩnh và không căng thẳng quá mức."
Chuyện tình Chiến tranh Lạnh
Sau 17 vòng quanh quỹ đạo, những nhân viên kiểm soát trên mặt đất phóng tên lửa lùi và những con chó này được đưa trở lại Trái Đất. Khi khoang phi thuyền mở ra, Belka và Strelka trông có vẻ hạnh phúc và không bị tổn hại gì.
Chỉ trong vòng vài giờ chúng đã trở thành những nhân vật nổi tiếng. Chúng xuất hiện trên trang bìa các tờ báo và được ca ngợi trong các show trò chuyện trên truyền hình.
"Danh tiếng của chúng lan ra quốc tế - nào là tem, bưu thiếp in ảnh chúng - ở đâu cũng có hình ảnh chúng," Southgate cho biết. "Thật phi thường."
Sau đó mọi chuyện lại đi theo một hướng hoàn toàn khác.
Vào tháng 6/1961, hai tháng sau khi Yuri Gagarin trở thành người đầu tiên đi vào quỹ đạo Trái Đất, Tổng thống Mỹ John F Kennedy và nhà lãnh đạo Soviet Khrushchev đã có cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên ở Vienna. Tất cả tài liệu sau này cho thấy đó là một cuộc gặp rất khó khăn. Tuy nhiên, trong bữa ăn tối, Đệ nhất Phu nhân Jackie Kennedy bắt đầu nói về chó du hành không gian.
"Ông ấy nói rằng Strelka có cún con, rồi bà ấy nói Ngài phải gửi cho tôi một con cún của Strelka nhé," ông Andrew Hager, nhà sử học thường trú tại Bảo tàng Thú cưng Tổng thống, nói. "Một vài tuần sau đó, một trong số các con cún đã đến Nhà Trắng với hộ chiếu Nga."
Sau khi được FBI rà xem có con bọ theo dõi nào trên mình nó hay không, con cún có tên là Pushinka đã sống cùng đệ nhất gia đình nước Mỹ. Mặc dù Tổng thống Kennedy dị ứng với chó, Pushinka dành thời gian chơi đùa với bọn trẻ và trở nên đặc biệt thân thiện với một con chó khác trong Nhà Trắng - Charlie. Đôi vợ chồng khuyển này đã sinh ra một đàn cún. "Tôi xem đây như là tình yêu thời Chiến tranh Lạnh," Hager nói.
Cứu tinh nhân loại?
Tuy nhiên, ông tin rằng món quà Pushinka có ý nghĩa ngoại giao rất quan trọng và thậm chí còn giúp nhân loại tránh khỏi thế chiến thứ ba. "Nó còn hơn là một món quà. Tôi nghĩ rằng Pushinka có tầm quan trọng về mặt lịch sử," Hager nói. "Kennedy và Khrushchev có kênh liên lạc cửa sau được duy trì và họ trao đổi quà với nhau trong giai đoạn này."
"Điều đó thật sự giúp họ xuống thang trong cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba một năm sau đó," Hager cho biết. "Tôi cho rằng Pushinka là một phần của quá trình cân nhắc trong Nhà Trắng khi cuộc khủng hoảng tên lửa diễn ra và là một nguyên nhân khiến Kennedy không nghe theo cánh diều hâu là ném bom Moscow ngay lập tức."
Hai trong số các con của Pushinka - được tổng thống đặt biệt danh là 'pupnik' - được tặng cho trẻ em Mỹ vốn viết thư cho Jackie Kennedy xin được chăm sóc chúng. Khi Tổng thống Kennedy bị ám sát vào năm 1963, Pushinka được giao cho một người làm vườn trong Nhà Trắng và sau đó sinh ra thêm một lứa cún con nữa.
Hager đã cố gắng tìm hậu duệ của Pushinka nhưng cho đến nay tất cả chỉ là một tờ giấy trống trơn. "Chắc chắn rằng ở đâu đó trên nước Mỹ vẫn còn hậu duệ của chó không gian Liên Xô," ông nói.
Còn bản thân những cô chó du hành không gian, sau những chuyến bay thành công đầu tiên của các phi hành gia, chương trình này bị thu nhỏ lại. Tuy nhiên, Millard tin rằng những cô chó đi tiên phong trong du hành không gian xứng đáng được ghi nhớ hơn là câu chuyện bên lề lịch sử.
"Tôi cho rằng chúng không được sự công nhận mà chúng xứng đáng, cũng như các con tinh tinh mà Mỹ đưa vào không gian vậy," Millard nói. "Con đường vươn đến các vì sao của nhân loại được trải thảm bởi những con chó và khỉ.


No comments:

Post a Comment