Wednesday, December 27, 2017

Bí Mật Bitcoin-Nguyễn Xuân Nghĩa

Bí Mật Bitcoin
Nguyễn Xuân Nghĩa, RFA
2017-12-20

Từ vài năm qua, cơn sốt về một loại tiền ảo đã bùng phát trên các thị trường tài chính quốc tế, với đồng tiền tiêu biểu là Bitcoin vọt tăng giá hơn mọi loại tài sản đầu tư khác. Nhưng Bitcoin là gì và trái bóng đầu tư ấy có thể bị vỡ hay không?
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin kính chào chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông, là tư vấn kinh tế cho ban Việt ngữ đài RFA từ ngày thành lập vào dịp Tết Đinh Sửu năm 1997, ông hay nêu các đề tài tổng hợp tình hình kinh tế cuối năm và viễn ảnh kinh tế cho năm sau. Năm nay, Nguyên Lam xin đặc biệt yêu cầu ông phân tích cho thính giả của chúng ta hiện tượng mới lạ là Bitcoin.
Số là hôm Thứ Tư 12 vừa qua, Thống đốc hệ thống Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ là bà Janet Yellen đã lần đầu nói tới hiện tượng đó, rằng “Bitcoin là loại tài sản có tính chất đầu cơ khá cao, nhưng vẫn giữ vai trò rất nhỏ trong hệ thống thanh toán và không phải là dạng thanh toán tiền tệ ổn định”. Thế rồi, vài ngày sau thì truyền thông quốc tế loan tin là từ Tháng Hai, chế độ cộng sản Bắc Hàn đã xâm nhập mạng giao dịch điện toán Bithumb của Nam Hàn để đánh cắp một số Bitcoin trị giá chừng bảy triệu đô la, ngày nay đã lên tới hơn 82 triệu, tăng hơn gấp 10. Trong khi đó, nhiều người tại Á Châu và cả Việt Nam cũng sôi nổi theo dõi kênh đầu tư để kiếm lời thật nhanh đó. Vì vậy, kỳ này, xin được hỏi ông Bitcoin là gì?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Nếu ưa giải trí cuối tuần thì từ thuyết âm mưu hay “conspiracy theory”, tôi đã dựng ra một truyện trinh thám chính trị giả tưởng về một âm mưu lũng đoạn tiền tệ hoặc giải phóng hệ thống thanh toán của các quốc gia khỏi sự kiểm soát của chính quyền. Nhưng tôi e rằng thính giả và chính mình cũng chẳng hiểu gì cả mà phải uống thuốc nhức đầu!
Bitcoin là loại tài sản có tính chất đầu cơ khá cao, nhưng vẫn giữ vai trò rất nhỏ trong hệ thống thanh toán và không phải là dạng thanh toán tiền tệ ổn định.
- Janet Yellen
Trở lại trọng tâm kinh tế của diễn đàn này, tôi xin được trình bày trước hết nỗi khó khăn về nhận thức chuyên môn, kết hợp phát minh khoa học với tâm lý con người và diễn giải bằng thuật ngữ Việt Nam đôi khi vẫn chưa có, trong thời lượng nhất định của chúng ta. Chuyện ấy cũng khá nhức đầu nên tôi xin phép tạ lỗi trước và sẽ chú trọng đến thính giả ở Việt Nam.
Nguyên Lam: Như mọi khi, xin đề nghị ông từng bước trình bày bối cảnh cho thính giả.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Đầu tiên về tiền tệ. Đấy là phát minh của con người, với ý “nhân tạo”, nhằm giải quyết bốn nhu cầu là:
- Đo đếm tài sản
- Lưu trữ tài sản
- Giao dịch thanh toán
- Tiêu chuẩn định giá thanh toán trong thời gian, giả dụ từ khi vay tới khi trả.
Bốn chức năng ấy của đồng tiền, nhất là chức năng thứ tư, đòi hỏi một điều kiện là sự tín nhiệm của chúng ta, các tác nhân kinh tế, vào đồng tiền. Niềm tin đó được đảm bảo khi đồng tiền là do một nhà nước phát hành nên ta gọi là “tín tệ” hay “fiat currency”. Cụ thể là cứ lật mọi tờ giấy bạc Hoa Kỳ, ta đều thấy ghi “tờ giấy này là cơ sở thanh toán hợp pháp – hay legal tender - mọi khoản nợ, công và tư”. Phát minh đó giúp ta thoát khỏi cách giao dịch qua hiện vật, như đổi heo lấy gà, và giá trị của tờ giấy bạc là niềm tin. Nhờ niềm tin do vai trò của một chính quyền và của các nền kinh tế giao dịch với nhau nên trị giá đồng bạc nếu so với hàng hóa hay các ngoại tệ khác chỉ xê dịch trong một biên độ nhỏ, từ 7-8 đến 10%, là tự điều chỉnh theo quy luật cung cầu của thị trường.
Nguyên Lam: Chúng ta được báo trước rằng đề tài này sẽ khá nhức đầu, và qua vài bước đầu đã thấy choáng váng! Nguyên Lam xin ông trình bày tiếp về cái chuyện rắc rối đó.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Khởi đi từ khái niệm “tín tệ” hay niềm tin, đồng Bitcoin hay các loại tiền ảo khác không là “tín tệ” do một nhà nước phát hành và giữ vai trò đảm bảo sau cùng nếu có tranh chấp về cách đếm hoặc cách thanh toán. Đó là một phát minh mới nhờ khoa học mở bung chân trời giao dịch giữa các tác nhân kinh tế trên toàn cầu qua không gian điện toán hết còn biên giới. Niềm tin nếu có là từ các tác nhân kinh tế khi nghĩ “đồng bạc ảo” này sẽ có giá trị cao hơn trong tương lai qua một số giai thoại được loan truyền. Nhưng khi đó, chúng ta lại có hai yếu tố cần chú ý…
Bitcoin hay các loại tiền ảo khác không là “tín tệ” do một nhà nước phát hành và giữ vai trò đảm bảo sau cùng nếu có tranh chấp về cách đếm hoặc cách thanh toán.
- Nguyễn-Xuân Nghĩa
Nguyên Lam: Thưa ông, thính giả của chúng ta tại Việt Nam nên chú ý đến hai yếu tố nào?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Thứ nhất là tiến bộ về thuật lý điện toán khiến ta có thêm phương tiện tiếp xúc, liên lạc và giao dịch mà tưởng là chẳng còn bị ai kiểm soát nữa. Đấy là một ảo giác vì trên các mạng giao dịch ẩn danh đó, nhiều người vẫn có thể xâm nhập, tác động và thậm chí đánh cắp như ta đã thấy qua việc Bắc Hàn lấy cả Bitcoin lẫn thông tin về lý lịch của ba vạn người giao dịch. Nhưng đấy mới chỉ là phần nổi.
Yếu tố thứ hai cũng xuất phát từ tâm lý lạc quan. Khi vừa có phát minh mới, có người tưởng ăn trùm thiên hạ mà chẳng biết rằng ngoài vòm trời này còn có vòm trời khác. Vì vậy, một số người Việt thiếu am hiểu không chỉ nghĩ đến đầu tư mà còn muốn đầu cơ, và sẽ lỗ to.
Nguyên Lam: Nguyên Lam cho là ông đang từ từ dẫn chúng ta về chuyện Bitcoin này. Xin ông vui lòng giải thích thêm sự kiện nhiều người không chỉ nghĩ đến đầu tư mà muốn đầu cơ.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Như đã trình bày nhiều lần thì thuần về kinh tế đầu tư và đầu cơ chẳng khác gì nhau. Đầu tư là nhịn tiêu thụ trong hiện tại để thu hoạch lợi tức cao hơn sau này, đầu cơ cũng vậy, nhưng tìm mối lợi cao hơn với rủi ro lớn hơn. Ta không nói đến khía cạnh đạo lý mà hai từ ngữ này có thể gây ra. Bây giờ, ta hãy nhìn vào thực tại.
Khi đầu tư, với triển vọng gia tăng sản xuất hay lợi nhuận thì nếu lời được 7% một năm với lãi đơn chồng lãi kép thì về dài cũng là khả quan. Trên thị trường đầu tư cổ phiếu chẳng hạn, nếu có lời 15% một năm thì cũng là đáng kể. Trên thị trường trái phiếu ít rủi ro và an toàn hơn thì lời 2-3% đã là tốt rồi. Đầu cơ vào thị trường thương phẩm có hạn kỳ, gọi là futures, thì đôi khi lời to mà lỗ nặng: chỉ có 5% là kiếm lời nhờ khoản lỗ của 95% còn lại! Hai yếu tố then chốt là thời gian và rủi ro. Khi đầu cơ, người ta muốn sớm lời thật cao nên dễ đánh giá sai yếu tố rủi ro. Vụ Bitcoin chỉ là một hiện tượng đầu cơ không hơn không kém.
Nguyên Lam: Sau khi phân biệt đầu tư và đầu cơ, ông kết luận với ý cảnh báo rằng Bitcoin chỉ là hiện tượng đầu cơ và hàm nghĩa là có rủi ro lớn. Thính giả của chúng ta có lẽ cũng muốn ông phân tích thêm chuyện đó.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Cụ thể là do thuật lý hiện đại, người ta phát minh loại tiền ảo vượt qua biên giới quốc gia, gọi là “crypto currencies”, mà tôi tạm dịch là “tiền tệ mật mã hóa”, hay nói cho gọn mà vẫn đúng dù có chút mỉa mai là “tiền mã”. Xuất hiện từ gần 10 năm nay, đồng Bitcoin tiêu biểu của loại tiền mã đó đã gây chấn động vì năm nay tăng giá khoảng 1.500%.  Khi đếm ngược về thuở ban đầu, năm 2010, nếu đầu cơ vạn bạc vào Bitcoin thì tuần qua nhà đầu tư có lượng tài sản hơn 710 triệu, nôm na là tăng hơn 79.000%. Đó là đầu cơ thăng thiên! Cơn sốt Bitcoin bùng nổ vì mấy con số kinh hãi đó nhưng ít ai hỏi có bao nhiêu người lời như vậy, họ ở đâu, lấy tiền ấy làm những gì? Đa số là còn rất trẻ và ở ngoài Việt Nam! Tôi thì hỏi thêm một câu thật ra chưa có giải đáp.
Nguyên Lam: Chúng ta biết trước đề tài này sẽ nhức đầu nhưng khi kinh tế gia còn hỏi một câu mà chính ông chưa có giải đáp thì quả thật là ta cần ông phân tích thêm. Thưa ông, câu hỏi đó là gì?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Theo định nghĩa cổ điển như trình bày ở trên thì Bitcoin không là một đơn vị tiền tệ chính thức mà chỉ là loại tài sản có khả năng trao đổi hay giao hoán bất thường. Trên thị trường đầu tư, ta có các loại tài sản thông dụng như cổ phiếu, trái phiếu, ngoại tệ và thương phẩm, hay “commodities” mà Việt Nam dịch sai là “hàng hóa”, ví dụ như nguyên nhiên vật liệu, xi măng, sắt thép, phân bón, nông sản và lương thực. Trị giá các thương phẩm ấy thăng giáng rất mạnh nên là loại tài sản được giới đầu cơ chiếu cố. Cho tới nay, biến động mạnh về giá cả Bitcoin cho thấy loại tài sản ấy hơi giống thương phẩm. Nhưng thương phẩm còn có đặc tính hữu dụng và giá cả bị quy luật cung cầu chi phối: khi thấy giá phân bón tăng ở ngoài chợ thì tôi mua ít hơn cho khoảnh vườn ba gang của mình vì thế giá phân sẽ giảm, chứ giá Bitcoin lại khác cho nên tôi chưa tìm ra giải đáp cho câu hỏi “Bitcoin là gì?”
Lý do là giá cả của tài sản này lên xuống trên thị trường giao dịch ảo. Khi thấy giá tăng, nhiều người không theo quy luật cung cầu là mua ít hơn mà lại mua thêm vì tin là giá còn tăng nữa. Ta có thí dụ điển hình của việc đầu cơ vào một loại tài sản chưa là tiền mà cũng chẳng là thương phẩm. Khi chốt lại với hai yếu tố khác thì người Việt ta rất nên thận trọng với Bitcoin.
Xuất hiện từ gần 10 năm nay, đồng Bitcoin tiêu biểu của loại tiền mã đó đã gây chấn động vì năm nay tăng giá khoảng 1.500%.
- Nguyễn-Xuân Nghĩa
Nguyên Lam: Thưa ông, hai yếu tố khác đó là gì?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Đó là thuế vụ và an ninh cho thế giới văn minh bên ngoài. Trong mọi giao dịch kinh tế tài chính với đồng bạc làm bản vị, tác nhân kinh tế phải trả thuế khi có lời. Trên thị trường “tiền mã” như Bitcoin thì ai trả thuế cho ai? So với lượng giao dịch còn rất nhỏ trong hệ thống thanh toán của toàn cầu thì câu hỏi vẫn có lúc được đặt ra và nhiều chính quyền sẽ ban hành luật lệ quản lý. Nếu điều ấy xảy ra thì giá Bitcoin sẽ rớt như cục gạch, tương tự nhiều loại tài sản đầu cơ khác.
Việc một số thị trường giao dịch tại Chicago như Cboe Global Markets hay CME Futures vừa mở ra cho nghiệp vụ giao dịch hứa phiếu, ước phiếu hoặc có kỳ hạn, là options, hay futures, làm nhiều người thêm hồ hởi. Nhưng đừng quên là các cơ sở nổi tiếng đó chỉ là doanh nghiệp tư nhân, khi thấy thiên hạ mua bán thì họ lập ra một trung tâm như cái mái chợ hay sòng bạc cho mọi người ra vào kiếm tiền và trả hoa hồng cho họ. Họ cổ võ việc đó, nhưng các ngân hàng sẽ phải đề ra tiêu chuẩn thẩm định rủi ro và các chính quyền để ý hơn tới thuế vụ và luật lệ. Huống hồ, nếu nhìn vào khía cạnh an ninh của luồng giao dịch ấy thì ta không chỉ có rủi ro trốn thuế mà còn bao hàm các vấn đề như chuyển ngân lậu, rửa tiền hoặc thậm chí khủng bố. Vì vậy, trước sau gì các chính quyền cũng sẽ can thiệp cân nhắc và lập ra luật lệ quản lý, khi đó Bitcoin hay tiền mã có thể là đồng tiền chính thức vì có thể được dùng cho việc trả thuế. Chỉ khi ấy, Bitcon mới là tiền tệ, chứ hết là tài sản đầu cơ đầy rủi ro như một số thương phẩm.
Nguyên Lam: Câu hỏi cuối, thưa ông, từ nay đến đó thì chuyện gì có thể xảy ra?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Lòng người vốn tham mà tối, thay vì lời 10% thì có người mơ 7.000 hay 80.000% trong vài năm mà quên là thiên hạ tốn rất nhiều tiền điện để máy vi tính bày ra trò ảo đó. Đa số dân Á Châu và người Việt mình cũng mơ như vậy và đấy là chỉ dấu của bong bóng đầu cơ, tức là sẽ bể như nhiều trái bóng đã tan tành trước đây. Dân trong nghề cứ ví von rằng khi bà già trầu cũng chơi stock thì cổ phiếu sẽ sụp đổ. Cái chuyện tiền mã cũng vậy thôi, với tôi thì đó chỉ là tiền hàng mã để cúng cô hồn cho tới khi các chính quyền nhảy vào xác nhận giá trị và kiểm soát. Chỉ mong rằng từ nay tới đó, là vài ba năm nữa chứ không sớm đâu, bà con ở nhà không sạt nghiệp. Đấy cũng là lời chúc của tôi cho một mùa Giáng Sinh bình an!
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin cảm tạ kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phân tích kỳ này và xin kính thúc quý thính giả một lễ Giáng Sinh an lành.


No comments:

Post a Comment