Tuesday, July 7, 2015

Toàn Cảnh Chuyến Mỹ Du của Trọng Lú



TRỰC TIẾP Toàn cảnh chuyến thăm Mỹ của TBT Việt Nam
Sự kiện đang được tường thuật
21:58
Trên mạng xã hội đã xuất hiện những bức ảnh đầu tiên từ chuyến đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Hoa Kỳ. Những bức ảnh này từ Facebook của cô Hoàng Như Thơ, một trong những người ra đón đoàn Việt Nam tại Căn cứ Không quân Andrew ở Maryland, Hoa Kỳ.
21:04 tin mới nhất
Truyền thông Việt Nam cho biết Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng đoàn đại biểu Việt Nam đã đã tới sân bay quân sự Adrew, bang Maryland bắt đầu chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ.
Ra sân bay đón đoàn, về phía Hoa Kỳ có Quyền trợ lý ngoại trưởng - Scot Marciel, Cục trưởng Cục lễ tân - Peter Selfridge, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam - Ted Osius.
20:15
Trong bài viết riêng trên BBC, Tiến sĩ Zachary Abuza nói:
“Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng sẽ có chuyến thăm chưa từng có tới Hoa Kỳ.
Mặc dù ông Trọng không trực tiếp kiểm soát chính quyền, khả năng đưa ra đường lối của Đảng Cộng sản (ĐCS) là rất lớn.
Ông Trọng là người bị giằng xé giữa quá khứ và tương lai.
Hai mươi năm sau khi quan hệ ngoại giao được tái lập, nhiều người trong ĐCS vẫn nghi ngờ ý định của Hoa Kỳ trong lúc người dân Việt Nam coi quan hệ với Hoa Kỳ là quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế và an ninh.
Dù Chủ tịch Trương Tấn Sang đã gặp Tổng thống Obama ở Nhà Trắng hồi tháng Bảy năm 2013, đây là lần đầu tiên Tổng Bí thư ĐCS gặp Tổng thống Hoa Kỳ.
Trong nhiều năm qua, trở ngại là vấn đề nghi thức: ông Trọng là lãnh đạo đảng, không phải nguyên thủ quốc gia khiến người ta kêu gọi thống nhất hai vị trí giống như ở Trung Quốc. Nhưng Việt Nam tự hào về lãnh đạo tập thể và đã không thay đổi.
Nhưng hai nước hiểu rằng thắt chặt quan hệ là quá quan trọng và không thể để vấn đề nghi thức cản trở.”
19:51
Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp nhận định trên trang web BBC:
“Giờ đây, trong khi một Trung Quốc hùng mạnh và hung hãn hơn trên Biển Đông đang là một mối quan ngại chính ở Hà Nội thì Washington cũng đang cảm thấy bất an trước việc Bắc Kinh theo đuổi quyết liệt một vị thế toàn cầu áp đảo hơn, điều theo thời gian chắc chắn sẽ lật đổ vị thế cường quốc dẫn đầu của Hoa Kỳ.
Do đó, hợp tác chiến lược giữa Mỹ và Việt Nam đã được củng cố trong những năm gần đây, với bước đi lớn đầu tiên là bản Ghi nhớ về quan hệ quốc phòng ký năm 2011.
Các chỉ dấu khác của sự xích lại gần nhau giữa hai bên về mặt chiến lược còn có việc Mỹ cam kết năm 2013 sẽ cung cấp cho Việt Nam 18 triệu đô la để tăng cường năng lực hàng hải và mua các tàu tuần tra, cũng như quyết định của Mỹ vào tháng 10 năm 2014 nhằm dỡ bỏ một phần lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam.
Đầu tháng này, hai nước cũng đã công bố một bản “Tuyên bố tầm nhìn chung” nhằm củng cố quan hệ quốc phòng và làm cho mối quan hệ “đối tác toàn diện” thêm phần thực chất. Bất chấp những bước tiến này, hợp tác chiến lược song phương hiện tại vẫn còn khiêm tốn, và vẫn còn nhiều dư địa để nâng cấp trong tương lai.
Do đó, có thể nói, các động lực trong tam giác chiến lược Mỹ - Trung – Việt đã bước vào giai đoạn thứ ba trong một chu kỳ vòng tròn. Những năm 1950 và 1960, Việt Nam và Trung Quốc đã hợp tác để chống lại Mỹ.
Đến thời kỳ 1970 và 1980, Trung Quốc chuyển sang cộng tác với Mỹ để kiềm chế Việt Nam. Giờ đây, sóng đã đổi chiều khi Mỹ và Việt Nam đang tăng cường quan hệ chiến lược với Trung Quốc là đối thủ chung trong tâm trí của mình.”
19:45
Việt Nam cho biết hôm 3/7, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tiếp và trả lời phỏng vấn của một số hãng thông tấn, báo chí Hoa Kỳ trước thềm chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ.
Ông nói: “Thời gian đã cho thấy, vượt lên trên hết là khát vọng hòa bình và mong muốn xây đắp quan hệ hữu nghị, hợp tác của nhân dân Việt Nam và Hoa Kỳ, hai nước đã cố gắng “gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng, hướng tới tương lai.”
“Việt Nam và Hoa Kỳ còn có những tồn tại khác biệt trên một số lĩnh vực như nhận thức về dân chủ, nhân quyền, thương mại… Đối với những khác biệt, tôi cho rằng cách tốt nhất và hiệu quả nhất là hai bên tiếp tục đối thoại thẳng thắn, xây dựng để hiểu nhau hơn, không để những khác biệt đó gây trở ngại cho việc tăng cường quan hệ chung.”
Khi được hỏi về mong muốn trong chuyến thăm, ông Trọng trả lời:
“Đây là thời điểm tốt để chúng ta đánh giá lại chặng đường đã qua và chia sẻ tầm nhìn “hướng tới tương lai”, cùng chung tay xây dựng quan hệ hữu nghị, hợp tác ổn định lâu dài, trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, tôn trọng thể chế chính trị của nhau, vì lợi ích của nhân dân mỗi nước và góp phần vào việc duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác, phồn vinh ở khu vực và trên thế giới.
Tôi cũng mong muốn khẳng định với Chính quyền, Quốc hội và nhân dân Hoa Kỳ về đường lối đối ngoại nhất quán của Việt Nam, đó là độc lập tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, là bạn và đối tác tin cậy của các nước trên thế giới, vì hòa bình, độc lập và phát triển; trong đó chúng tôi luôn coi trọng quan hệ với Hoa Kỳ, coi Hoa Kỳ là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Việt Nam.
Chuyến thăm này sẽ là cơ hội làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác toàn diện giữa hai nước trên tất cả các lĩnh vực. Bên cạnh hợp tác song phương, chúng tôi cũng muốn trao đổi với các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ với tầm nhìn dài hạn các vấn đề khu vực và quốc tế mà hai bên cùng quan tâm, như tình hình khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương, vấn đề biến đổi khí hậu, các cơ chế hợp tác chính trị, kinh tế và an ninh khu vực, an ninh và an toàn hàng hải, nhằm cùng nhau góp phần duy trì hòa bình, ổn định, an ninh và hợp tác, phát triển của khu vực và trên thế giới.
Tôi hy vọng, đây cũng là một dịp để hai bên có thể trao đổi thẳng thắn về các vấn đề mà hai bên còn có những khác biệt, nhằm góp phần vào việc tăng cường hiểu biết lẫn nhau, giảm bớt khác biệt, từng bước xây dựng lòng tin giữa hai bên nhằm đưa quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ ngày càng phát triển ổn định và thực chất, hướng tới tương lai tốt đẹp hơn.”
19:42
Viết cho BBC, Tiến sĩ Vũ Tường, Phó Giáo sư, Đại học Oregon nhận định:
"Tổng thống Barack Obama, lãnh đạo Đảng Cộng Hòa, giới chức quốc phòng, và các nhóm lợi ích đại diện cho một số đại công ty của Mỹ muốn Quốc Hội Mỹ thông qua Hiệp định Thương mại Xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Hai trong những trở ngại chính liên quan đến Việt Nam là việc Hà Nội không cho công nhân quyền tự do lập công đoàn và thành tích vi phạm nhân quyền cao của Việt Nam.
Mời ông Trọng và ông Quang sang Mỹ là có ý định cho thấy Mỹ công nhận quyền lãnh đạo của Đảng Cộng sản và không có mưu đồ chuyển hóa Việt Nam như họ lo sợ.
Qua việc bày tỏ thiện chí, chính quyền Obama có thể thuyết phục Bộ Chính trị chấp nhận viết vào Hiệp định TPP một vài câu mơ hồ về cải thiện nhân quyền ở Việt Nam để Quốc Hội Mỹ dễ chấp thuận hơn.
Washington cũng có thể hy vọng công an Việt Nam thả một vài nhân vật đối kháng và giảm bớt việc bắt bớ đàn áp trong một giai đoạn nào đó.
Có thể tiên đoán Washington sẽ đạt được những mục tiêu khiêm tốn trên.
Thứ hai, vì sao Việt Nam nhận lời?
Tại sao ông Trọng (và trước đó là Nghị và Quang) nhận lời đi Washington?
Áp lực từ Trung Quốc và đấu đá nội bộ là những lý do chủ yếu.
Vụ Trung Quốc đặt giàn khoan năm ngoái đã làm yếu thế phe thân Trung Quốc ở Việt Nam.
Ông Trọng có thể hài lòng với chuyến đi, như ông từng tuyên bố sau khi đi Vatican về: “Mình phải như thế nào người ta mới mời chứ!”
Nhưng áp lực từ Trung Quốc và đấu đá nội bộ rõ ràng sẽ không giảm, đòi hỏi ông phải tiếp tục cố gắng hơn.
Nhìn xa hơn chuyến đi, những xu hướng căn bản của chính trị Việt Nam cho phép chúng tôi tiên đoán ba điều sau đây:
Thứ nhất, Hiệp định Thương Mại Xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ được thông qua, nhưng kinh tế Việt Nam ngày càng lệ thuộc Trung Quốc nhiều hơn;
Thứ hai, chiến tranh Việt-Trung sẽ không xảy ra dù Trung Quốc ngày càng lấn lướt;
Và thứ ba, lệnh cấm vận vũ khí sát thương của Mỹ sẽ được giỡ bỏ phần lớn, nhưng quan hệ đồng minh thực sự giữa Việt Nam và Mỹ vẫn xa vời.
Nếu những tiên đoán trên chứa đựng nghịch lý, điều đó không phải ngẫu nhiên, mà do chúng phản ánh những mâu thuẫn sâu sắc và sự bế tắc của nền chính trị Việt Nam."
19:33 tin mới nhất
Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã rời Hà Nội lên đường thăm chính thức Hoa Kỳ.
Thông tấn xã Việt Nam cho hay: "Nhận lời mời của Chính phủ Hoa Kỳ, đêm 5/7, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã rời Hà Nội đi thăm chính thức Hợp Chúng Quốc Hoa Kỳ".
Tháp tùng ông tổng bí thư là một đoàn quan chức cao cấp trong đó có hai ủy viên Bộ Chính trị - bà Tòng Thị Phóng và ông Lê Thanh Hải, cùng nhiều ủy viên Trung ương Đảng CSVN.
Đại diện cho hai Bộ Quốc phòng và Công an là hai thượng tướng thứ trưởng, ông Nguyễn Chí Vịnh và ông Tô Lâm.
Ông Nguyễn Phú Trọng là tổng bí thư đầu tiên của Đảng CSVN thăm Hoa Kỳ và Nhà Trắng.
Ông và Tổng thống Obama sẽ có hội đàm hôm thứ Ba 7/7 để thảo luận cách thức đẩy mạnh quan hệ hai bên, theo một thông cáo của Nhà Trắng.
Quan chức Mỹ nói ông Nguyễn Phú Trọng, người đứng đầu đảng cầm quyền ở Việt Nam nhưng không có chức vụ trong chính phủ, sẽ được tiếp đón tại Phòng Bầu dục.
Đây là vinh dự đặc biệt dành cho người không phải nguyên thủ quốc gia.
Chuyến thăm Mỹ của ông Nguyễn Phú Trọng diễn ra trong bối cảnh Đảng Cộng sản Việt Nam đang chuẩn bị cho sự chuyển giao lãnh đạo tại Đại hội năm 2016.
Giới quan sát tin rằng ông Trọng sẽ nghỉ hưu vào năm sau.
Tuy vậy, ông Trọng là Trưởng Tiểu ban Nhân sự Đại hội XII.
Chuyến thăm Mỹ có thể là cơ hội tạo thêm sức mạnh cho ông trong công tác chuẩn bị nhân sự cho giai đoạn 2016-2021.
Nguồn: http://www.bbc.com/vietnamese/rolling_news/2015/07/150706_toan_canh_chuyen_tham_my_nptrong

No comments:

Post a Comment