Wednesday, July 8, 2015

Không – Không Lối Thoát-NXN



Nguyễn-Xuân Nghĩa - Sống 150707
"Vùng Oanh Kích Tự Do"

Chặng Đường Huấn Nhục Bất Tận Của Hy Lạp  
Khách có người hỏi, rằng người viết này nghĩ sao về chuyến thăm viếng Hoa Kỳ của Tổng bí thư đảng Cộng sản Việt Nam. Câu trả lời gây thất vọng lớn: - “Chẳng nghĩ gì cả!”

Bèn giải thích vậy:

Mọi người lãnh đạo lớn nhỏ đều chỉ có khả năng hành động hay xoay trở trong những giới hạn của thực tế để đạt mục tiêu của mình. Thực tế ấy có những chuyển động mâu thuẫn, đôi khi có lợi, đôi khi trái ngược với mục tiêu. Nếu hiểu ra các chuyển động lớn trong môi trường thường xuyên dời đổi thì may ra ta suy đoán được lập trường hay hành động của người trong cuộc, dù sao cũng chỉ là người trần mắt thịt với những thẩm quyền giới hạn. Thực lực và ảnh hưởng càng kém thì khả năng càng có hạn. Vì vậy, có lẽ tìm hiểu về những chuyển động lớn trong quan hệ của Hoa Kỳ với các nước Á Châu mới có ích, hơn là suy đoán về khả năng của một kẻ nổi danh lú lẫn của Hà Nội!

Áp dụng bài học đó vào chuyện khác, xin nhìn lại Hy Lạp.


***


Tối mùng năm Tháng Bảy, dân chúng Hy Lạp tưng bừng nhảy múa khi kết quả của cuộc trưng cầu dân ý được thông báo.

Họ được hỏi ý về kế hoạch giảm nợ và cấp cứu của Âu Châu cho Hy Lạp, một kế hoạch đã được Âu Châu hủy bỏ khi Chính quyền Hy Lạp hủy bỏ thượng đỉnh vào 10 ngày trước để trở về hỏi ý dân qua cuộc trưng cầu dân ý. Xin quý độc giả đọc lại câu trên: Chính quyền cực tả Syriza hỏi ý người dân về một văn kiện không còn giá trị. Và đa số tới 61% bực bội chống kế hoạch này. Họ chống bằng cả hai tay lẫn đầu gối trên một khoảng trống không! Đúng là chuyện Không – Không Lối Thoát.

Chúng ta ra khỏi bi kịch Hy Lạp mà bước vào một hài kịch của sự phi lý.

Đa số dân Hy Lạp đồng ý với đề nghị của Syriza, là phản đối kế hoạch cấp cứu của Âu Châu và mong rằng nhờ vậy mà các nước Âu Châu phải thương thuyết lại việc cứu nguy kinh tế Hy Lạp. Trong trận đấu trí – chiến tranh cân não – với Âu Châu, Chính quyền Syriza đã thắng một keo - để tiến tới bờ vực. Một giáo sư kinh tế chuyên về thuật đấu trí là Yanis Varoufakis lập tức từ chức Bộ trưởng Tài chánh để tạo điều kiện đàm phán thuận lợi hơn là tiếp tục thương thuyết bằng cách nhục mạ các định chế chủ nợ.

Vì trò lắt léo ấy có đủ chất ái ố hỷ nộ về kinh tế lẫn chính trị, người viết xin đi chầm chậm để độc giả khỏi lạc trong một mê cung không lối ra.

Khi hủy bỏ thượng đỉnh và chấm dứt đàm phán với Âu Châu về những điều kiện cứu nguy kinh tế Hy Lạp, Chính quyền Syriza đánh đòn tháu cáy. Rằng dân Hy Lạp của chúng tôi không đồng ý với đề nghị của Âu Châu, rồi trình bày với dân chúng ở nhà rằng mình sẽ được những điều kiện tốt đẹp hơn. Quả nhiên là đa số người dân tin như vậy. Mà không biết rằng sau đó sẽ là gì.

Trong khi đó, hệ thống ngân hàng của Hy Lạp vẫn như trứng để đầu đẳng.

Các ngân hàng Hy Lạp hiện đã hết tiền - thậm chí hết giấy bạc. Dù bị đóng cửa từ ngày 28 và chỉ cho trương chủ rút tiền nhỏ giọt, 60 Euro một ngày, các ngân hàng đã cạn vốn, thiếu tiền mặt nên phải yêu cầu Ngân hàng Trung ương Âu châu ECB tạm cấp vốn cho nhu cầu chi dụng. Ngân hàng ECB lại chỉ được phép tài trợ những ngân hàng nào không bị vỡ nợ, vì vậy, Chính quyền Syriza phải cấp bách thương thuyết điều kiện tài trợ này trước khi cả hệ thống ngân hàng sụp đổ.

Nếu Bộ trưởng Tài chánh mới được đề cử là Euclid Tsakalotos thất bại thì Syriza chỉ còn ba ngả xoay trở. Hoặc là trưng thu một phần ký thác của người dân để đắp vốn cho các ngân hàng, nôm na là gọt đầu dân để trả nợ cho lũ tư bản đáng ghét. Hai là dùng trở lại đồng Drachma để có toàn quyền in giấy bạc ra xài – và thổi bùng lạm phát. Ba là phát hành một loại giấy nợ của nhà nước làm đơn vị tiền tệ đặc biệt và song hành trong buổi giao thời này để nền kinh tế ra cái vẻ vận hành.

Toàn những kịch bản ghê người!

Chuyện thứ hai là sau khi cho kẻ năng nổ Yanis Varoufakis ra đi, Syriza phải xuống giọng “xề” và ăn nói ngọt ngào hơn với các định chế chủ nợ (Liên Âu, Ngân hàng ECB và Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF) để xin hoãn trả các khoản nợ đáo hạn, được xóa bớt nợ và còn vay thêm tiền. Nhưng sau khi “đại thắng” với cuộc trưng cầu dân ý, Syriza lại khốn đốn ở bên trong: các thành phần cực đoan nhất trong tập thể ô hợp này thấy thái độ cứng rắn với Âu Châu là đắc sách nên khó chấp nhận việc ngày nay Hy Lạp phải dịu giọng với các chủ nợ.

Mà các chủ nợ cũng ở vào thế kẹt và đang bàn với nhau về cách đáp ứng. Các quốc gia có kỷ luật ngân sách tại miền Bắc, kể cả và nhất là nước Đức hay Hòa Lan và Phần Lan, thì tối kỵ việc xóa nợ. Chính quyền các nước lâm nạn tại miền Nam, như Bồ Đào Nha hay Tây Ban Nha, thì chẳng muốn nhượng bộ Chính quyền cực tả Syriza vì sẽ bị cử tri ở nhà hỏi tội: tại sao không giở trò bài bây như Hy Lạp? Nếu họ thỏa mãn Hy Lạp thì cánh tả ở nhà sẽ thắng thế trong cuộc bầu cử từ nay đến cuối năm!

Rốt cuộc, sau khi nhảy múa, người dân Hy Lạp sẽ đối diện với sự thật. Một số không ít thì cho rằng việc phản đối giải pháp cứu nguy của Âu Châu sẽ khiến Hy Lạp tiến dần đến hoàn cảnh xé chiếu ngồi riêng, kịch bản “Grexit”. Khi ấy, tiền tiết kiệm của họ sẽ hao hụt, hoặc mất hết. Nếu hệ thống ngân hàng lại sụp đổ, kinh tế khủng hoảng, lạm phát tăng vọt, thì dù bỏ phiếu chống hay thuận, nhà nhà đều điêu đứng và sau khi nhảy múa họ sẽ xuống đường biểu tình! Biểu tình để phản đối Âu Châu, phản đối lập trường cứng rắn của Syriza hay phản đối việc ra khỏi khối Euro thì cũng là biểu tình.

Chẳng xứ nào lại muốn xóa nợ và cấp cứu một quốc gia phá sản trong hỗn loạn như vậy! Và xoay vần mãi thì Chính quyền Syriza có thể đổ, khiến người dân lại đi bầu để thành lập một chính quyền mới. Chính quyền nào bây giờ? Nếu có giải pháp thì cử tri đã chẳng bầu lên tập hợp Syriza!


***


Khách ngồi bên có vẻ ngao ngán sự đời, nhưng rồi bật ra ý lạ.

“Nhà bác có nói rằng tập hợp cộng sản này có lắm mưu lạ vì đắc cử vào đầu năm với ba lời hứa mâu thuẫn là vừa đòi xóa nợ, vừa đòi vay thêm tiền mà vẫn ở trong khối Euro. Thắng rồi đã vậy thì múa gậy làm sao? Liệu họ còn có mưu nào khác hay không?”
Có chứ! Dựng việc quịt nợ lên hàng quốc sách.

Chúng ta có thể thấy ra mưu thâm đó khi Ủy ban Giám định Công trái của Hy Lạp đưa ra kết luận hôm 18 tháng trước. Rằng các khoản công trái, nợ của chính phủ, là “bất hợp pháp, không chính đáng và là loại nợ ghê tởm”.

Khách ngẩn người không hiểu. “Nợ ghê tởm” là cái quái gì vậy?

Số là vào năm 1927, một luật gia gốc Nga là Alexander Nahum Sack nghiên cứu khía cạnh pháp lý của nợ nần và đưa ra khái niệm “nợ ghê tởm”, odious debt. Đó là các khoản nợ của một chính quyền độc tài, đi vay mà không đem lại lợi ích cho công chúng, nhưng vẫn được các chủ nợ tài trợ dù họ biết thực chất ghê tởm của loại nợ này. Với ba tiêu chuẩn đó, chính quyền mới có thể từ chối thanh toán các khoản công trái của chế độ cũ.

Ủy ban Giám định Công trái Hy Lạp nhá ra cái ngả quịt nợ này:

Tại sao bắt dân Hy Lạp thanh toán những khoản công trái ghê tởm của các chính quyền đã qua? Nghe thấy vang rân chính nghĩa dân tộc! Nếu viện ra chuyện này thì số công trái lên tới 177% Tổng sản lượng có thể được “xù” một cách chính đáng!

Quả là mưu thâm…

Khốn nỗi, từ năm 1974, Hy Lạp đã có Hiến pháp và bầu lên các chính quyền dân chủ, không thể gọi họ là độc tài được. Quả rằng khoản công trái đã tăng vọt từ khi Hy Lạp gia nhập khối Euro vào đầu năm 2001, nhưng trong 10 năm sau đó, mức lương tối thiểu cho dân chúng đã tăng gấp đôi nên chẳng thể nói rằng các chế độ cũ đã vay tiền mà không cho dân hưởng. Và bảo rằng các chủ nợ đều biết những khoản công trái này là bất chính thì cả cơ chế Âu Châu cũng có tội! Mà ngoài Hy Lạp, không thiếu gì chính quyền Âu Châu đã rộng tay vay mượn như vậy.

Chẳng khi nào các nước Âu Châu lại cho phép thành lập một tòa án quốc tế để cứu xét lời khiếu nại của Hy Lạp. Cho nên, mưu sâu của đòn quịt nợ chỉ có thể lừa được người dân ở nhà mà thôi.

Đọc đến đây, khách bừng sáng như con bệnh gặp lương y: Mưu thâm của tập hợp cộng sản Syriza lại là bản án cho các chế độ cộng sản độc tài! Làm sao bắt dân ta phải trả nợ của tập đoàn Vinashin?

Quả là khách lạc đề. Nhưng trúng tủ! Hãy hỏi Trọng Lú hay Ba Ếch xem sao…. Câu trả lời chắc là “Không – Không Biết!”

Nguồn: http://dainamaxtribune.blogspot.com/

No comments:

Post a Comment