Wednesday, June 10, 2015

Bán Thân Mua Phiếu



Nguyễn-Xuân Nghĩa - Người Việt Ngày150608
"Hoa Kỳ Nhìn Từ Bên Ngoài"

Nền Dân Chủ Của Hoa Kỳ Có Vấn Đề

Trong năm tới, Hoa Kỳ có bầu cử tổng thống và cuộc tranh cử khởi sự rất sớm trong cả hai đảng chính là Dân Chủ và Cộng Hòa.

Bên đảng Dân Chủ, cựu Ngoại trưởng Hillay Clinton là ngôi sao sáng nhất mà lu mờ dần vì những tai tiếng về chuyện hối mại quyền thế. Nôm na là để tiền bạc chi phối quyết định chính trị khi Hillary cầm đầu ngành ngoại giao của quốc gia. Chúng ta sẽ có dịp theo dõi xem truyền thông xử lý chuyện này ra sao, có ráo riết và triệt để như với một ứng cử viên Cộng Hòa hay chăng? Cũng bên đảng Dân Chủ, chi tiết đáng chú ý lần này là trường hợp Nghị sĩ Bernie Sanders, một ứng cử viên công khai xác nhận chủ trương xây dựng “xã hội chủ nghĩa”, là danh hiệu trước đây ai cũng tránh vì gây liên tưởng đến chủ nghĩa cộng sản. Bây giờ, nước Mỹ có vẻ chấp nhận tinh thần ấy vì ngoài ông Sanders, Nghị sĩ Elizabeth Warren cũng trình bày nhiều lý luận cực tả tưởng như đã trở thành lỗi thời từ nửa thế kỷ về trước.

Một cuộc thăm dò dân ý gần đây của tờ Wall Street Journal tiến hành cùng hệ thống truyền hình NBC có thể giải thích xu hướng thiên về cánh tả của xã hội Hoa Kỳ.

Qua ba cuộc khảo sát ý kiến của người ghi danh bầu cử, số người tự xưng là thiên tả có tăng từ 23% lên 26% so với năm ngoái. Dù không nhiều vì chỉ ở khoảng một phần tư thì cũng đáng lưu ý. Trong khi đó, số người xưng danh bảo thủ thì giảm từ 37% xuống 33%.

Nhiều nhà nghiên cứu chỉ ra sự chuyển dịch qua cánh tả xuất phát từ năm thành phần sau đây. Trước hết là phụ nữ, mạnh nhất trong lứa tuổi 18-49, kế đó thành phần thanh niên ở lớp tuổi 18-34, rồi tới thành phần thiểu số Latino và đặc biệt là trong thành phần có học của xã hội, tại các tiểu bang miền Tây và các thành phố. Ngoại trừ giới Latino, sự chuyển dịch quan điểm qua cánh tả chủ yếu xuất hiện từ những người sẽ có ảnh hưởng đến tương lai vì trẻ tuổi và có học.

Đây là tin mừng cho đảng Dân Chủ, mà là bài toán cho đảng Cộng Hòa.

Bên Cộng Hòa, các chuẩn ứng cử viên theo nhau xuất hiện tới hơn một tá, và có thói quen tự sát cao độ: ráo riết đả kích nhau về nhiều chuyện phụ mà chưa đề nghị chương trình hành động gì cụ thể cho nước Mỹ trong tương lai. Có lẽ chúng ta phải đợi tới sang năm sau khi vòng sơ bộ loại bớt một số ứng viên chỉ đáng ngồi chầu rìa.

Từ nay đến đó người ta có thể nhìn ra nhiều nhược điểm của nền dân chủ Hoa Kỳ.


*


Trước hết, ngược với quan điểm của nhiều người ở xa, Tổng thống Mỹ không có toàn quyền hành động trong lãnh vực nội chính. Lãnh đạo Hành pháp bị Tối cao Pháp viện chi phối và phải chia quyền với lưỡng viện Quốc hội cùng Thống đốc các tiểu bang.

Lãnh vực tương đối thoải mái cho tổng thống là đối ngoại, tương đối thôi, như ta có thể thấy nỗi gian lao của Tổng thống Barack Oabama khi vận động Quốc hội biểu duyết dự luật TPA về thủ tục thương thuyết các hiệp ước ngoại thương như TPP hay T-TIP. Trước những sáng kiến dồn dập của Trung Quốc và mối nguy gia tăng ngoài Đông hải, những cản trở của Quốc hội Mỹ về Hiệp ước Xuyên Thái Bình dương TPP là một món quà cho Bắc Kinh.

Nhìn từ bên ngoài, ta sẽ có dịp kiểm chứng chuyện này qua kỳ họp vào cuối Tháng Sáu giữa Ngoại trưởng John Kerry và Tổng trưởng Ngân khố Jack Lew với hai người tương nhiệm của Bắc Kinh là Ủy viên Quốc vụ viện Dương Khiết Trì và Phó Thủ tướng Uông Dương, rồi qua Thượng đỉnh vào Tháng Chín tới đây giữa Tổng thống Obama với Chủ tịch Tập Cận Bình.

Nhưng năm tới, Hoa Kỳ cũng có bầu cử Quốc hội và đây là điều còn đáng chú ý hơn vì 1) Lập pháp có nhiều quyền hạn về nội chính hơn Hành pháp, 2) vì sự chuyển dịch tư tưởng qua cánh tả và 3) nhất là vì ưu tiên của các ứng viên tranh cử chức Dân biểu và Nghị sĩ là được tái đắc cử.

Vì cần tái đắc cử, các dân biểu nghị sĩ ít khi hướng dẫn công luận về những điều hệ trọng cho nước Mỹ trong trường kỳ mà chỉ bọc xuôi theo dư luận tại địa phương để tìm thành tích ngắn hạn. Tình trạng này kéo dài quá lâu đã biến các chính khách Mỹ thành người bán thân mua phiếu.

Trước hết, họ mua phiếu và thanh toán bằng công quỹ nên ngân sách liên bang bị bội chi ngày một nhiều, số người lãnh an sinh xã hội ngày một cao và hiện tượng bao cấp làm suy giảm sức mạnh kinh tế. Khi dư luận chuyển sang cánh tả và khoảng cách giàu nghèo gia tăng thì xã hội Mỹ càng trôi vào nạn bao cấp, với nhà nước đảm nhiệm vai trò vú em bằng tiền thuế của người khác.

Hậu quả thứ hai của nạn bán thân mua phiếu là nền dân chủ làm các chính khách chỉ lo chuyện ngắn hạn, khó có viễn kiến trường kỳ và càng không dám lấy quyết định khắc khổ là hy sinh trong  ngắn hạn để có sự thịnh vượng trong lâu dài. Các ứng cử viên đều xin phiếu bằng cách chứng minh cho cử tri những gì cử tri “được” ngay trước mắt và khỏi nhắc đến cái “mất” trong dài hạn cho cử tri hay cho thành phần khác.

Hậu quả thứ ba là gây phân hóa trong xã hội do tinh thần tranh giành quyền lợi. Dựa trên lý luận nhuốm mùi đấu tranh giai cấp hoặc theo khẩu hiệu “lấy của người giàu cho người nghèo”, các chính khách tạo ra phản ứng tâm lý trong đa số quần chúng là “lấy cho bõ ghét”. Phản ứng này khiến nhiều người cho rằng việc được hưởng phúc lợi xã hội là điều khôn ngoan và chính đáng, hơn là tự cố gắng cho tương lai. Thay vì nghĩ đến việc sản xuất ra một cái bánh to hơn, người ta giành nhau phần hơn của một cái bánh ngày càng nhỏ đi.

Bất ngờ hơn cả là nạn bán thân mua phiếu lại gây tác dụng ngược là làm đa số bị thiệt hại. Khi tranh thủ lá phiếu của một thành phần cử tri của mình tại địa phương, các dân biểu nghị sĩ thường  lấy tài nguyên ngân sách để tái phân lợi tức mà bất kể tới hậu quả cho các thành phần khác. Cho dù các thành phần kia có thấy là bị thiệt hại thì kết quả cũng không nhiều, gần như không đáng để ráo riết phản đối. Nhưng hậu quả tích lũy thật ra lại trầm trọng hơn vậy. Một thí dụ là đạo luật về nông sản, Farm Bill, đem lại lợi ích cho thiểu số nông gia nhưng cái giá phải trả thì tỏa rộng cho đa số còn lại, trong đó cũng có dân nghèo.

Nhân loại đã bị hai tai họa trong thế kỷ 20 là chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa phát xít, cả hai đều xuất phát từ xã hội chủ nghĩa và dẫn tới ách độc tài. Khi chủ nghĩa cộng sản phá sản cùng sự sụp đổ của Liên bang Xô viết vào năm 1991, người ta lạc quan kết luận là kinh tế thị trường và chính trị dân chủ đã thắng thế, và gọi đó là “sự cáo chung của lịch sử”. Nào ngờ là một thế hệ sau, tư tưởng xã hội chủ nghĩa lại tái xuất hiện và đang trở thành thời thượng, ăn khách.

Hiện tượng “bán thân mua phiếu” trên chính trường sẽ dẫn Hoa Kỳ tới con dốc nguy hiểm của Âu Châu trong thế kỷ trước.

_______

Chuyện chỉ xảy ra tại nước Mỹ


Tờ Washington Free Beacon vừa tiết lộ rằng năm 2008 sáng viện “Clinton Family Foundation” đã tặng một trăm ngàn đô la cho quỹ từ thiện “Neediest Cases Fund” của nhật báo The New York Times. Năm đó tờ Times bèn bỏ rơi Nghị sĩ Barack Obama mà ủng hộ Nghị sĩ Hillary Clinton trong cuộc tranh cử tổng thống bên đảng Dân Chủ. Phải chăng, đấy là một biểu hiện của nạn bán thân mua phiếu?

Nguồn: http://dainamaxtribune.blogspot.com/

No comments:

Post a Comment