Wednesday, April 15, 2015

Giấc mơ 40 năm chưa thành



Giấc mơ 40 năm chưa thành
Tidoo Nguyễn Gửi cho BBC từ Sài Gòn
40 năm đánh dấu sự kiện quân đội Bắc Việt chiếm lĩnh và cắm cờ trên nóc Dinh Độc Lập, và cũng là 40 năm đánh dấu ngày tôi ra đời trong ngày đầu tiên của chế độ mới.
Nền giáo dục của chế độ mới dạy tôi rằng ngày 30 tháng 4 là ngày “Thống nhất đất nước”, “Ngày giải phóng miền Nam” bằng chiến thắng vẻ vang. Nhưng khi lớn lên tôi nhận thức được rằng mình phải tìm hiểu sự thật về sự kiện ngày 30 tháng 4.
Mãi cho đến đầu thế kỷ 21 tôi mới tiếp cận được với internet và tìm hiểu sự thật lịch sử qua những tài liệu bằng tiếng Anh trên những trang web nước ngoài, qua những đoạn phim tài liệu về những ngày cuối cùng của Sài Gòn được đăng tải trên Youtube. Và gần đây nhất là được xem bộ phim tài liệu đầy đủ mang tên “Last days in Vietnam”.
Vào ngày 3 tháng 4 năm 1975, khi chiến tranh đã đến hồi hỗn loạn, tổng thống Mỹ Gerald Ford tuyên bố tất cả trẻ em mồ côi Việt Nam ngay lập tức sơ tán bằng máy bay ra khỏi Sài Gòn. Ước tính có 3.000 trẻ em, bao gồm 150 trẻ sống sót trên máy bay C-5 bị rơi, đã được sơ tán ra khỏi miền Nam Việt Nam vào khoảng ngày 3 tháng 4 cho đến 26 tháng 4 năm 1975. Cuộc sơ tán đó là chiến dịch không vận trẻ em Việt Nam hay còn gọi là Operation Babylift.
Tôi đã tham gia vào những cộng đồng “Operation Babylift” trên Facebook, đọc những câu chuyện của những đứa trẻ ấy, và tìm hiểu những thông tin liên quan đến chiến dịch không vận trẻ em Việt Nam trên báo mạng. Qua đó tôi đã biết được những đứa trẻ nàyđã và vẫn tiếp tục dằn dặt với những câu hỏi : “Tại sao tôi là con nuôi?”, “Tại sao bố mẹ đẻ bỏ rơi tôi?”, “Tại sao tôi là người Châu Á duy nhất trong khi các thành viên trong gia đình là da trắng?” Cũng không ngoại trừ trường hợp có người trong số đó muốn đánh đổi tất cả để trở thành người da trắng.
Mỉa mai thay, tôi đã từng mơ ước rằng mình là một trong những đứa trẻ của chiến dịch không vận trẻ em Việt Nam, được đưa ra khỏi đất nước Việt Nam để làm con nuôi cho gia đình ở nước ngoài trong chiến dịch đó. Nếu được như vậy thì cuộc đời của tôi đã không phải chịu đựng nhiều cơn đói khát, đau đớn trong quá khứ và đầy lo âu ở hiện tại.
Những năm đầu đời của tôi cũng là những năm tháng đất nước bị “ngăn sông cấm chợ”.
Thời đấy tôi không mong ước gì hơn ngoài việc được ăn no. Bữa ăn mà tôi mơ ước chỉ cần có cơm và muối ớt. Thế nhưng cơm và muối ớt là những bữa ăn vô cùng hiếm hoi trong gia đình tôi. Hàng ngày, chúng tôi hái những quả mít non, quả chuối xanh, cắt những mụt măng sau nhà hay đi lượm mót từng hạt mít mà người ta bỏ đi để đem về luộc lên ăn. Chúng tôi ăn cả vỏ khoai mì, cây chuối non để sống. Những hôm “nguồn tài nguyên” cạn kiệt, chúng tôi không có gì để ăn đành nhịn đói ngủ qua đêm.
Cái mặc thì cũng không kém phần khó khăn như cái ăn. Quần áo cũ đứa lớn mặc không còn vừa thì đứa nhỏ hơn sử dụng lại. Tôi là con trai mà phải mặc quần áo của chị tôi. Vì vậy tôi thường là tâm điểm bị đem ra làm trò cười khi đến lớp học trong bộ quần áo của con gái. Chúng tôi không nhận được bất cứ sự trợ giúp nào từ chính phủ.
Tôi không còn mơ ước được sống ở nước ngoài mà mong ước đất nước Việt Nam có sự thay đổi lớn để lấy đi những nỗi lo của tôi và trả lại một xã hội có trật tự như miền Nam Việt Nam nói chung và như Sài Gòn nói riêng của những ngày tháng cũ.
Năm 1978, mẹ tôi chết trong nghèo khó vì không có tiền chữa bệnh, bỏ lại 6 đứa con, 3 gái và 3 trai. Tôi là con trai út trong nhà. Chúng tôi sống cùng người cha đẻ. Tuy nhiên, không phải người bố đẻ nào cũng thương con. Ông ta thường xuyên đánh đập và hành hạ tôi mà không cần lý do gì. Cho đến khi tôi 18 tuổi , thoát khỏi ngôi nhà để đến Sài Gòn sống thì mới tránh được những cơn đòn thừa sống thiếu chết của ông. Chính phủ không có bất cứ tổ chức nào để bảo vệ trẻ em bị ngược đãi.
Đất nước mở cửa đã hơn 25 năm, tôi đã đi làm cho những công ty nước ngoài. Ước mơ được ăn no của tôi đã thành hiện thực và không còn chịu đựng những cơn đau thể xác từ việc ngược đãi của người cha đẻ. Tuy nhiên, đêm đêm những cơn ác mộng vẫn ập về với hình ảnh bị hành hạ, bị đói khát. Và những nỗi lo về cuộc đời vẫn còn đó. Nếu chẳng may tôi thất nghiệp thì sẽ không có trợ cấp của chính phủ. Tôi chỉ có thể nhận được bảo hiểm thất nghiệp và trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần vì tiền bảo hiểm đã bị trừ vào lương hàng tháng. Tuy nhiên, hiện nay bảo hiểm xã hội đang có nguy cơ vỡ quỹ, dẫn đến điều khoản vô lý của Luật bảo hiểm xã hội mới là không trả trợ cấp bảo hiểm một lần!
Ngoài ra, tôi đang đối đầu với những căng thẳng trong môi trường sống đang bị đe dọa, giao thông càng ngày càng hỗn độn, tệ nạn xã hội tràn lan, cướp giật hoành hành v.v.
Mặc dù vậy, tôi không còn mơ ước được sống ở nước ngoài mà mong ước đất nước Việt Nam có sự thay đổi lớn để lấy đi những nỗi lo của tôi và trả lại một xã hội có trật tự như miền Nam Việt Nam nói chung và như Sài Gòn nói riêng của những ngày tháng cũ.
40 năm đã đi qua, 40 năm nhìn lại với những ước mơ của tôi đã thay đổi theo thời gian. Tôi chỉ có một ước mơ hiện tại rất đơn giản mà đáng lẽ ra cuộc sống của một con người phải có. Chẳng lẽ cả đời này tôi không đạt được ước mơ ấy hay sao?
Nguồn: http://www.bbc.co.uk/vietnamese/forum/2015/04/150414_tidoo_nguyen_uoc_mo_40_nam



No comments:

Post a Comment