Friday, April 17, 2015

Cái giá của ngày 30/4



Cái giá của ngày 30/4
Nguyễn Văn Châu Gửi cho BBC từ Texas
Trong thời gian này hằng trăm bài xã luận sẽ đề cập đến mốc lịch sử ngày ba mươi tháng tư năm 1975, hoặc như ngày thống nhất đất nước, ngày chiến thắng vinh quang nhất lịch sử theo luận điệu Ðảng Cộng Sản Việt Nam và những người xu nịnh ĐCSVN, hoặc như ngày quốc hận theo quan điểm của người Việt chống cộng hay không thân cộng trong nước cũng như ngoài nước.
Có lẽ đây là một cơ hội tốt để cả hai bên cùng nhau ôn lại vài bài học mà nhân dân Việt Nam đã phải trả mua bằng giá rất đắt.
Ðộc Lập, Thống Nhất và Chiến Tranh
Sau Thế Chiến Thứ Hai, các nước thực dân trên thế giới đứng trước hoàn cảnh mới và khí thế mới của các phong trào nhân dân đòi lại độc lập trên toàn cầu đành phải đi từ nhượng bộ này đến nhượng bộ khác và cuối cùng phải cúi đầu công nhận nền độc lập của các quốc gia mà họ thống trị trước đó.
Chế độ thực dân suy sụp và chủ nghĩa đế quốc đã đến thời kỳ cáo chung. Chúng ta cứ nhìn vào Nam Dương và Việt Nam, hai nước cùng tuyên bố độc lập vào mùa thu 1945. Hòa Lan công nhận quyền độc lập Nam Dương vào năm 1949. Pháp chỉ công nhận chủ quyền Bắc Việt Nam năm 1954, sau khi chiến tranh Pháp Việt đẩm máu gây trên 300,000 binh sĩ và trên một triệu thường dân Việt Nam bị tử thương,
Trong lúc đó, chế độ thực dân Anh chấm dứt ở Ấn độ vào năm 1947, đưa đến độc lập cho Ấn Độ và Hồi Quốc. Việc này cũng xảy ra ở Miến điện và Tích Lan vào năm 1948. Phi luật Tân lấy lại từ Hoa Kỳ quyền độc lập vào năm 1946 .
Phần lớn các nước nhược tiểu ở châu Á, châu Phi không cần đổ máu nhân dân, chiến đấu trường kỳ, bần cùng hóa dân tộc, phá hủy bao nhiêu công trình văn hóa của đất nước mà vẫn đạt được mục đích giải phóng quốc gia và lấy lại quyền độc lập cho xứ sở nhanh chóng hơn ta. Phải chăng vì các nước đó đã có những nhà lãnh đạo sáng suốt có cái nhìn chiến lược, thấu hiểu sự suy tàn của chủ nghĩa thực dân, nên đã ứng dụng phương thức đàm phán, đấu tranh không võ trang, không bạo động để tiết kiệm xương máu nhân dân.
Phải chăng nhân dân ta đã không tiết kiệm được xương máu, đã phải chứng kiến bao nhiêu tàn phá, cùng khổ vì các nhà lãnh đạo Cộng sản thời đó không có cái nhìn chiến lược? Hay tệ hơn nữa họ đã có những mục tiêu khác thay vì mục tiêu dành quyền độc lập và thống nhất cho xứ sở trái lại theo đuổi mục tiêu tận diệt các đảng phái cách mạng khác và tất cả những người Việt Nam không cùng chính kiến với họ?
Ai Chia Cắt Việt Nam?
Cuối cùng, sau chín năm máu lửa, hòa hội Genève quyết định số phận Việt Nam. Pháp và Trung Cộng đã đi đêm với nhau và đưa ra giải pháp chia cắt Việt Nam thành hai mảnh. Thủ Tướng Phạm Văn Đồng đành phải nghe theo nước đàn anh phương bắc, chính quyền Ngô Đình Diệm nhất quyết không nghe lời Pháp và Trung Cộng, và cuối cùng không ký vào bản hiệp định đó.
Sông Bến Hải và Vĩ Tuyến 17 đã phân chia Nam, Bắc. Người miền Nam gọi ngày đất nước bị qua phân (20 tháng 7) là ngày Quốc Hận từ năm 1954 đến năm 1975.
Vì đất nước bị qua phân, nên chỉ năm năm sau Bộ Chính Trị Bắc Việt lại đưa nhân dân ta vào chiến tranh một lần nữa, và lần này chiến cuộc kéo dài mười lăm năm, với ba triệu người Việt bị tử vong.
Từ 1960 đến 1975
Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam (MTGPMN) chỉ có danh mà không có thực. Không mấy ai ở Việt Nam tin rằng MTGPMN là một tổ chức độc lập. Ai cũng thừa biết MTGPMN được Bắc Việt thành lập, chỉ huy và điều động. Chỉ có báo chí ngoại quốc mới nhắm mắt dùng tổ chức ngụy trang này để mô tả chiến cuộc từ năm 1960 đến năm 1969, và những năm 1970 đến 1973 là một phong trào võ trang của nhân dân Miền Nam nổi lên chống chính quyền Miền Nam.
Bằng chứng MTGPMN hoàn toàn ở trong bàn tay của chính quyền Hà Nội là: 1. sự thành lập Văn Phòng Trung Ương Cục Miền Nam vào năm 1960, đặt trực tiếp dưới quyền chỉ huy của Ban Chính Trị, Ðảng Cộng Sản Việt Nam; 2. lực lượng võ trang của MTGPMN là Quân Ðội Giải Phóng Miền Nam đã bị ném vào hơn mười đô thị trong một cuộc tổng tấn công thiếu chuẩn bị vào dịp Tết Mậu Thân (1968 để đến nỗi trên hai trăm ngàn binh sĩ bị tử vong ; 3. chỉ một năm sau ngày 30 tháng tư 1975 thì tất cả tổ chức ở Miền Nam kể cả Chính Phủ Cách Mạng Lâm Thời đều bị xóa bỏ.
Chính quyền miền Bắc đã đưa gần một triệu dân Việt Nam vào các trại tù cải tạo, đày đọa gia đình họ, làm cho hàng triệu gia đình người miền nam điêu đứng bao nhiêu năm qua.
Nói Chiến Tranh ở Việt Nam, nói đến sự mất còn của Miền Nam thì không thể không đề cập tới Tổng Thống Ngô Đình Diệm, người đã nhất thiết không để Hoa Kỳ đổ quân vào Việt Nam, và vì vậy đã bị lật đổ và giết chết một cách tàn bạo.
Nhưng rồi Mỹ vào thì Mỹ lại ra, chỉ tội nghiệp cho bao nhiêu người Việt, người Mỹ bị thiệt mạng hay tàn phế.
Hoa Kỳ đã đạt được mục tiêu chiến lược của họ là nhân sự leo thang của họ trên chiến trường và việc xử dụng vũ khí tối tân đã khiến nhà cầm quyền Bắc Việt phải ôm chân Nga Sô, tạo ra thù hiềm và kình địch giữa Nga Sô và Trung Cộng.
Miền Nam không những bị Mỹ bỏ rơi mà còn bị trói buộc của Hiệp Định Paris 1973.
Chỉ cần thêm vào đó vài sai lầm chiến lược của nhà cầm quyền hồi đó là cả Miền Nam sụp đổ.
Năm 1975 Ðảng Cộng Sản Việt Nam lại có một cơ hội nữa để thực sự thống nhất đất nước, xóa bỏ hận thù để toàn dân tham gia vào việc xây dựng quốc gia. Nhưng họ đã không làm như vậy. Chiêu bài yêu nước yêu dân đã bị lột bỏ. Chính quyền miền Bắc đã đưa gần một triệu dân Việt Nam vào các trại tù cải tạo, đày đọa gia đình họ, làm cho hàng triệu gia đình người miền nam điêu đứng bao nhiêu năm qua. Chính quyền đã khiến bao nhiêu người Miền Nam phải bỏ xứ sở để ra đi.
Khó tìm thấy lý do gì để gọi ngày 30 tháng 4 1975 là một ngày vinh quang của dân tộc.
Bài viết nêu quan điểm riêng của tác giả, người từng viết một cuốn sách về bà Ngô Đình Thị Hiệp, em gái của Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa Ngô Đình Diệm.
Nguồn: http://www.bbc.co.uk/vietnamese/forum/2015/04/150417_nguyen_van_chau_304_suynghi

No comments:

Post a Comment