Tuesday, June 12, 2018

Chính biến ở Romania năm 1989


Chính biến ở Romania năm 1989

Trần Lê
Tháng 12-1989. Chỉ trong vòng mươi ngày, thể chế của Nicolae Ceauşescu đã bị lật đổ với cái chết thảm thương và đến giờ vẫn gây nên nhiều tranh cãi của cặp vợ chồng nhà độc tài. Cách mạng hay đảo chính, âm mưu của nước ngoài hay ý nguyện của người dân…, đấy là những gì mà sau 20 năm, chúng ta vẫn chưa có câu trả lời thống nhất
Ngày 16-12-1989, tại Timişoara, đám đông đã ngăn cản việc chính quyền muốn cưỡng bức mục sư Tin lành (gốc Hungary) Tőkés László – người có quan điểm đối lập với chính quyền – phải rời nơi cư ngụ. 
Trong những ngày sau, chính quyền tìm cách dùng bạo lực để đàn áp các cuộc biểu tình, nhưng vô hiệu: dần dần, cư dân các tỉnh thành trên toàn quốc và cả thủ đô cũng ồ ạt xuống đường. 
Một cuộc khởi nghĩa, rồi cách mạng (hay đảo chính) đã cuốn đi sự ngự trị trong hơn ba thập niên của “Người chỉ đường” (Conducător) Nicolae Ceauşescu trong vòng chưa đầy 2 tuần lễ. 
Câu hỏi được đặt ra: mọi sự đã diễn ra như thế nào? Tại sao Nicolae Ceauşescu thất bại và trong số các lãnh tụ cộng sản khu vực Đông Trung Âu, chỉ mình ông có kết cục bi thảm nhất? Bài viết 4 phần sau đây hy vọng sẽ đưa lại một số thông tin khách quan và đa chiều cho bạn đọc về biến cố cách đây hai thập niên tại Romania.
Cặp vợ chồng nhà độc tài Ceausescu
Khủng hoảng và chứng cuồng “hoàng tráng” 

Những gì xảy ra vào tháng 12-1989 và sau đó tại Romania, cho đến nay, vẫn là đề tài cửa miệng và quan trọng của dân xứ này, và thường xuyên được truyền thông đả động tới. Không chỉ nhân dịp 20 năm nhìn lại, mà hầu như những hồi tưởng, phóng sự, những lời phân bua, giảng giải hoặc “phát hiện” động trời về cuộc cách mạng và những hậu quả của nó cũng luôn xuất hiện ở Romania. 
Tuy nhiên, cho dù đã có vô số tư liệu, bài viết, hồ sơ… được công bố, những dấu hỏi liên quan tới sự kiện 1989 không giảm, mà chỉ tăng theo thời gian. Những nhận định được đưa ra – thường là mâu thuẫn nhau – chỉ càng khiến hình ảnh tổng thể trở nên nhiễu loạn hơn. 
Đồng thời, sự đánh giá quá khứ cũng không đồng nhất: bởi lẽ, đối với một số giai tầng, lãnh tụ Nicolae Ceauşescu và thể chế của ông đồng nghĩa với biểu tượng của khủng bố, áp bức và đói nghèo, nhưng đối với không ít người lại là sự đảm bảo và ổn định tương đối về mặt xã hội. 
Vì thế, rất cần thiết phải điểm lại một số thực tế, khi chúng ta muốn nhìn nhận hai thập niên trước một cách khách quan. 
Cuối năm 1989, Nicolae Ceauşescu và những cận thần gần gũi nhất bắt đầu rơi vào cảnh khó khăn. Xét trên phương diện ngoại giao, vào thập niên 80 thế kỷ trước, Romania đã hoàn toàn bị cách ly với thế giới bên ngoài, cho dù trước đó, trên cương vị người đứng đầu một “thành viên bất trị” của khối XHCN, Nicolae Ceauşescu còn tương đối được ưa chuộng ở Phương Tây. 
Tuy nhiên, với thời gian, những tiếng nói phê phán thể chế Ceauşescu đến từ nước ngoài ngày càng tăng, đặc biệt là khi Liên Xô thực hiện quá trình cải tổ và công khai, Romania đã đánh mất vị thế “đặc quyền” trong con mắt Phương Tây và kèm theo đó, sự ủng hộ của thế giới tư bản cũng ra đi. 
Đến lúc mô hình CNXH nhà nước bắt đầu rạn nứt tại khu vực Trung Đông Âu, thể chế tân-Stalinist của Ceauşescu không thể tính đến sự cảm thông của Gorbachev (người có tư tưởng cải tổ) và với sự sụp đổ của những đồng minh lớn – các chính khách bảo thủ Tiệp Khắc và Đông Đức -, Ceauşescu chỉ còn lại đơn độc một mình. Thậm chí, tháng 11-1989, làn sóng đổi mới cũng bắt đầu thổi vào Romania. 
Tuy nhiên, trong cảnh khối XHCN ở Đông Trung Âu đã đồng loạt tan rã, tại Romania dường như mọi sự vẫn yên ổn, cho dù chính sách kinh tế sai lầm của Ban lãnh đạo nước này đã đẩy nền kinh tế và người dân vào cảnh vô cùng tệ hại. 
Lẽ ra phải cải tổ cơ cấu, thì Ceauşescu vẫn tiếp tục theo con đường công nghiệp hóa cưỡng bức, đồng thời, ông đưa ra biện pháp “chế ngự khủng hoảng” đặc biệt bằng cách đặt mục tiêu trả hết các khoản nợ nước ngoài bằng mọi giá. 
Cho đến năm 1989, do tăng cường xuất khẩu và giảm thiểu nhập khẩu, mức sống của người dân Romania sụt giảm ở mức độ khủng khiếp. Đa số các cửa hiệu đều trống rỗng và nếu có chút hàng hóa được chở tới, chỉ trong nháy mắt người dân đã xếp hàng rồng rắn để chờ đến lượt. 
Xăng dầu và các liệu nhiên liệu khác thường xuyên thiếu thốn, điện và nước cũng không có đều, tại những khu chung cư rộng lớn và cách nhiệt rất tồi tệ được xây hàng loạt trong quá trình đô thị hóa kéo dài mấy thập kỷ, người dân rét mướt vì không mấy khi có sưởi tử tế. 
Trong khi đó, chứng cuồng “hoành tráng” của Ceauşescu không giảm. Việc xây dựng những “công trình thế kỷ” như kênh đào nối Danube và Hắc Hải, trung tâm mới của thủ đô – mà ở giữa là tòa Nhà Cộng hòa đồ sộ (nay là Nhà Quốc hội Romania) – chỉ càng làm tăng sự bất bình trong dân chúng. 
Đồng thời, sự sùng bái cá nhân lãnh tụ lên tới cao điểm và trở nên lố bịch. Vô số những mỹ từ được sử dụng một cách chính thức và vô độ cho Nicolae Ceauşescu, còn vợ của ông, bà Elena, chỉ tốt nghiệp lớp 4 cũng được phong kỹ sư hóa học, rồi giữ chức chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Romania, bên cạnh những cương vị chính trị lớn khác. 
Khủng hoảng càng được gia tăng khi Nicolae Ceauşescu không chấp nhận bất cứ lời phê bình nào, cho dù sự phản biện xã hội – nếu có ở Romania – cũng là rất nhỏ nhoi, không đáng kể. Với hệ thống chỉ điểm rất phát triển, cùng sự hoạt động hữu hiệu của cơ quan mật vụ chính trị khét tiếng Securitate, chính quyền có khả năng kiểm tra và “quản lý” cư dân một cách chặt chẽ nhất. 
Một vài nhân vật đối lập (như các nhà văn Doina Cornea, Paul Goma, nhà thơ Mircea Dinescu) và một số đề xuất mang tính đối kháng (sách báo “chui”) đều bị cách ly và xóa sổ. Hành động phản kháng lớn nhất của giới công nhân – cuộc đình công của thợ thuyền Braşov năm 1987) bị đàn áp thẳng tay. 
Cuối cùng, Đại hội Đảng Cộng sản Romania lần thứ 14 diễn ra cuối tháng 11-1989 cho thấy, Ceauşescu không hề có ý muốn thay đổi, cho dù thế giới quanh ông đã không còn như xưa…
Có thể coi cuộc chính biến ở Romania đã được khơi mào từ ngày 14-12-1989 ở tỉnh Iaşi (phía Đông Romania), nơi một cuộc biểu tình chống Ceauşescu được dự tính, nhưng sau đó không thành. Tuy nhiên, sự căng thẳng thực sự thì xảy ra tại Timişoara, khi chính quyền muốn dùng vũ lực để buộc mục sư Tin lành Tőkés László phải rời nơi ở.

Cuộc đại biểu tình thu hút 100 ngàn người tại quảng trường Opera
Từ Timişoara tới biến chuyển ở Bucharest
Ngày 15-12, chính quyền muốn buộc vị mục sư gốc Hungary này rời khỏi thành phố, nhưng từ sáng sớm, các tín đồ của ông đã tập trung đông đảo trước căn hộ ông sinh sống. Thoạt tiên, chính quyền muốn giải quyết tình thế bằng con đường hòa bình, nhưng đám đông ngày một tăng và sự phản kháng vẫn tiếp tục trong ngày hôm sau.
16-12, bắt đầu có những phát biểu và một vài động thái huyên náo chống chế độ và Ceauşescu. Mặc dù đến hôm sau, mục sư Tőkés László bị đưa đi, song càng ngày, càng đông người tụ tập tại trung tâm Timişoara và họ tràn cả vào tòa nhà của Thành uỷ tỉnh.
Sau khi giới lãnh đạo địa phương hoàn toàn mất khả năng kiểm soát các sự kiện diễn ra, các sĩ quan quân đội cấp cao đã được cử tới Timişoara và đường phố của đô thị này tràn ngập các đơn vị quân đội và nội vụ. Súng phun nước đã được huy động và sau khi như vậy vẫn chưa đủ để đẩy lui đoàn người, các đơn vị an ninh đã được lệnh nổ súng. Những cuộc đụng độ đầu tiên đã khiến hơn 60 thường dân thiệt mạng, chừng 200 người bị thương và rất nhiều người phản kháng bị bắt giữ.
Ngày 18-12, trong thực tế, Timişoara đã bị đặt vào tình trạng khẩn cấp. Bề ngoài, có vẻ như chính quyền lại làm chủ được tình thế, nên Ceauşescu quyết định không hoãn chuyến công du Iran với hy vọng có được một “phi vụ” đáng kể; việc xử lý khủng hoảng được giao lại cho Ban lãnh đạo thượng đỉnh và vợ ông, bà Elena, người giữ cương vị phó thủ tướng thứ nhất và ủy viên Ban Chấp hành Trung ương đảng.
Đảng Cộng sản Romania tìm cách vận động giới thợ bảo vệ thể chế, nhưng chính công nhân trong các nhà máy lại bắt đầu tập hợp để chống lại chế độ Ceauşescu. Những tin tức được lan truyền về con số nạn nhân tử vong, về những thi thể bị bí mật chở đi và hỏa thiêu, về những đám đông bị hành hung… càng khiến làm tăng cảm giác bất ổn trong cư dân trước sự can thiệp thô bạo của các lực lượng an ninh.
Trong những ngày tiếp theo, sự bất bình ngày càng tăng và lan nhanh từ nhà máy này sang công xưởng khác. Giới công nhân hòa mình vào những cuộc đình công tự phát và ngoài phố, tiếp tục những đụng độ đâ đó. Ngày 20-12, thợ thuyền Romania tuyên bố tổng đình công và tuần hành trên đường phố. Tuy nhiên, quân đội không can thiệp, thậm chí còn rút khỏi trung tâm thành phố.
Những người biểu tình tràn vào tòa nhà Opera, đưa ra những phát biểu, kêu gọi với đám đông tụ tập tại quảng trường chính mang tên Opera (nay là quảng trường Chiến thắng) rồi bắt đầu những cuộc đàm phán với thủ tướng và giới chính khách. Trong ngày, Mặt trận Dân tộc Romania được thành lập.
Tuy nhiên, các cuộc đàm phán không đem lại kết quả, còn bài phát biểu trên TV và Đài Phát thanh của Ceauşescu – khi đó vừa về nước từ Iran – chỉ như đổ thêm dầu vào lửa: “Người chỉ đường” tuyên bố rằng “những tên hu-li-gan” và “các lực lượng bên ngoài” phải chịu trách nhiệm về những gì đang xảy ra.
Từ đầu đến cuối, Ceauşescu cho rằng một âm mưu toàn diện và rộng lớn chống lại Romania đang được tiến hành bởi Liên Xô và các thành viên khối Hiệp ước Warsaw, cùng thế giới Phương Tây, với mục đích lật đổ ông và CNXH theo mô hình Romania. Em trai của ông, tướng Ilie Ceauşescu, thứ trưởng Bộ Quốc phòng cũng tin rằng đây là một chiến dịch phá hoại được điều khiển từ Hungaray nhằm giành lại những mảnh đất rộng lớn từng thuộc lãnh thổ xứ này, sau bị cắt cho Romania.
Xét về khía cạnh ấy, đối với Nicolae Ceauşescu và bè đảng của ông, việc huy động “nhân dân” để bảo vệ chính quyền là điều hợp lý – tuy nhiên, trong thực tế, điều này chứng tỏ một nhãn quan hoàn toàn sai lạc về tình thế.
Tại thủ đô, vào ngày 21-12, Ceauşescu triệu tập một cuộc mít-tinh lớn – với sự có mặt của hàng trăm ngàn người – tại quảng trường Cung điện (nay là quảng trường Cách mạng), ngay trước trụ sở Trung ương Đảng Cộng sản Romania. Được đài phát thanh và TV truyền trực tiếp, mục đích của cuộc mít-tinh là để chứng tỏ giới công nhân vẫn tiếp tục đứng về phía lãnh tụ và thể chế của ông (vô số “chân gỗ” cùng các mật vụ Securitate đã được trà trộn vào đoàn người để thực hiện nhiệm vụ này).
Tuy nhiên, trong khi Ceauşescu phát biểu, một điều gì đó (cho đến nay vẫn chưa được làm sáng tỏ) đã xảy ra trên quảng trường khiến “Người chỉ đường” phải ngừng lời và cho dù sau đó vị lãnh tụ tiếp tục phát biểu, hiệu quả như ông mong muốn đã không đạt được. (Oltványi Ottó, phóng viên thường trú của Hãng Thông tấn Hungary MTI – một trong số rất ít ký giả ngoại quốc là nhân chứng của những sự kiện xảy ra tháng 12-1989 tại Romania – cho rằng một nhóm đối kháng bí mật đã dùng thuốc nổ phá rối cuộc mít-tinh, khiến bầu không khí trở nên náo loạn).
Một số lời hứa hẹn như tăng lương và lương hưu – cũng như lời kêu gọi “toàn dân đoàn kết” để “bảo vệ nền độc lập, bảo toàn lãnh thổ” của Romania, và bảo vệ CNXH – đã không khiến đám đông phấn chấn lên. Rốt cục, cuộc mít-tinh bị giải tán, nhưng các đoàn người lại dồn lại tại các tụ điểm khác ở trung tâm thành phố và chẳng mấy chốc, trở thành những cuộc biểu tình lớn chống Ceauşescu. Tối hôm đó, lực lượng an ninh được điều động và can thiệp vũ trang, khiến 49 người biểu tình thiệt mạng, gần 500 người bị thương và vài trăm người bị bắt giữ.
Rạng sáng, những tưởng trật tự tại thủ đô Bucharest được tái lập. Nhưng trong ngày 22-12, cư dân thành phố lại xuống đường: đa số là thành niên và ngày càng có nhiều công dân cũng tham dự. Ở các tỉnh thành khác tại Romania, người dân cũng đồng loạt lên tiếng khiến chính quyền phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc (cấm sự tụ tập của 5 người trở lên).
Tuy nhiên, tình trạng càng trở nên hỗn loạn khi chính quyền thông báo tin bộ trưởng Quốc phòng Vasile Milea tự sát vì “bị phát hiện khi có ý đồ phản bội”. Quyền lực quân đội về tay tướng Victor Atanasie Stănculescu, thứ trưởng thứ nhất Bộ Quốc phòng, trước đó từng là tư lệnh quân đội ở Timişoara trong vòng 2 ngày.
Tướng Stănculescu đã có vai trò lớn trong cuộc đảo chính khi quân đội do ông chỉ đạo được điều từ trụ sở Trung ương đảng về doanh trại và án binh bất động, không nổ súng vào phe khởi nghĩa. Mặt khác, trước đó, ông cũng thu phục được sự ủng hộ của tướng Iulian Vlad, người đứng đầu Cơ quan An ninh Quốc gia (Securitate) và các đơn vị cảnh sát địa phương, đồng thời, cho họ thấy rằng trong tình thế lúc ấy, không nên sử dụng bạo lực mà nên thương lượng với dân.
Trưa 22-12, một lần cuối, Ceauşescu còn thử “có lời” với đám đông trên quảng trường Cung điện, nhưng khi chưa dứt lời, ông đã bị đoàn người la ó, thậm chí còn bị một người ném một thanh gỗ trúng mặt, rồi họ tràn vào tòa nhà. “Người chỉ đường” và vợ vội vàng đi thang máy lên nóc nhà rồi đào tẩu trên một chiếc trực thăng.
Sau khi rời thành phố, cặp vợ chồng nhà độc tài dùng xe đi tiếp, tuy nhiên, đến buổi tối, cuộc phiêu lưu của họ đã chấm dứt tại một doanh trại quân đội ở Târgovişte.
Cho đến khi cặp vợ chồng Ceauşescu bị bắt giữ, gần như cả đất nước Romania đã vùng dậy. Thoạt tiên, những cuộc biểu tình, xuống đường lan từ Timişoara sang các đô thị lân cận, rồi các tỉnh khác, xa hơn.
rumani 1989 2
Sức mạnh của nhân dân trong chính biến tháng 12-1989 tại Romania
Cuộc chiến “ma” 
Đến ngày 21-12, biểu tình đã diễn ra hàng loạt tại các thành phố lớn như Oradea, Arad, Cluj-Napoca, Târgu Mureş, Braşov… Trong nhiều trường hợp, những cuộc tuần hành đã trở thành đụng độ với lực lượng an ninh, khiến nhiều người thiệt mạng. 
Sau khi quân đội đứng về phe khởi nghĩa, tại nhiều nơi, quân khởi nghĩa đã phá các trụ sở của cảnh sát và mật vụ chính trị, cũng như của các tổ chức đảng địa phương. Không ít thành viên của chế độ Ceauşescu bị đám đông cuồng nộ “trừng trị”, thậm chí giết hại. 
Tại thủ đô Bucharest, sau khi cặp vợ chồng Ceauşescu trốn chạy, câu hỏi lớn nhất là ai sẽ lên thay họ. Tác giả Peter Siani-Davies, trong cuốn sách về cách mạng Romania, đã điểm lại một số thử nghiệm lớn nhỏ trong vấn đề này. Chẳng hạn, ngay thủ tướng của chế độ cộng sản Dăscălescu cũng muốn lập nội các mới, nhưng khi ông vừa tuyên bố đã bị quần chúng la ó, huýt sáo phản đối nên đành bỏ ngay ý định đó và từ chức. 
Dăscălescu chỉ là một trong hằng hà sa số các “nhà cách mạng” và “thủ lĩnh nhân dân” tự xưng: theo Peter Siani-Davies, trong những giờ khắc ấy, “tại mọi tầng và mọi góc” của tòa nhà Trung ương đảng đã bị chiếm, có tới 14 “nội các” được thành lập và một trong những “nội các” ấy có các thành viên là một tài xế taxi, 1 quân nhân, 1 diễn viên đóng vai phụ, 1 nhà xã hội học và 1 điêu khắc gia! 
Tuy nhiên, chỉ trong thời gian ngắn, trung tâm các sự kiện được chuyển về trụ sở Đài Truyền hình Romania. Tại đây, đã tập trung một nhóm nghệ sĩ, rồi các sĩ quan và các cán bộ đảng cũng gia nhập “ê-kíp” này. Tận dụng những phương tiện truyền hình, họ đã đưa được thông điệp tới toàn dân và sử dụng Đài Truyền hình – mà họ gọi bằng tên mới là Truyền hình Romania Tự do – làm công cụ để chứng tỏ tính hợp thức của mình. 
Thời gian sau đó, một số nhân vật có ảnh hưởng trong cuộc chính biến 1989 đã xuất hiện tại đây: Ion Iliescu, Silviu Brucan, Petre Roman, Gelu Voican Voiculescu, v.v… Iliescu, một cựu cán bộ đảng cao cấp, bị thất sủng vì phê phán Ceauşescu, lúc đó nhân danh Mặt trận Cứu quốc – tổ chức tạm thời nắm quyền lực trong giai đoạn chuyển tiếp – tuyên bố rằng Ceauşescu là thủ phạm chính của cuộc khủng hoảng mà Romania gặp phải. 
Ngay trong tối hôm đó, Hội đồng Mặt trận Cứu quốc được thành lập với mục đích tạm thời nắm quyền, với bản chương trình 11 điểm, đặt mục tiêu dân chủ hóa Romania, tái cơ cấu nền kinh tế và giáo dục, đặt ra đường lối đối ngoại mới, tôn trọng nhân quyền và quyền lợi của các sắc tộc thiểu số, v.v… 
39 nhân vật có uy tín đã góp mặt trong Hội đồng: bên cạnh những nhà đối lập có tiếng (Doina Cornea, Tőkés László, Mircea Dinescu), có các sĩ quan quân đội (Stănculescu, Ştefan Guşă), các cựu cán bộ đảng (Iliescu, Brucan, Alexandru Bârlădeanu), các nhân vật mới xuất hiện trong biến cố cách mạng (Petre Roman)… 
Tuy nhiên, quyền lực thực sự nằm trong tay bè đảng của Iliescu. Một trong những biện pháp quan trọng nhất của Ban lãnh đạo mới là xét xử và hành quyết cặp vợ chồng Ceauşescu. Ngày 24-12, một quyết định được đưa ra: phải lập tức đưa ra tòa hai vị lãnh tụ thất thế, đang bị giam giữ tại một doanh trại quân đội ở thành phố Târgovişte. Hôm sau, vào đúng dịp Giáng sinh, trong một “phiên tòa” kéo dài chừng 1 giờ, vợ chồng Ceauşescu bị buộc tội diệt chủng và các tội phản quốc khác. 
Từ đầu đến cuối, Ceauşescu luôn phủ nhận tính hợp thức của phiên tòa và tuyên bố: ông chỉ hợp tác trước Quốc hội và rằng, ông là nạn nhân của một âm mưu phản trắc của nước ngoài. Bị kết án tử hình, hai vợ chồng nhà độc tài bị bắn chết ngay sau khi bước ra sân ngoài phòng xử án. 
Cho dù, một phần băng ghi hình cuộc xét xử và hành quyết được chiếu lại trên truyền hình, rất nhiều người vẫn nghi ngờ rằng có thể không phải Ceauşescu – mà một người đóng thế ông – đã bị bắn chết. Về sau, việc phải mở một phiên xử tùy tiện và không hề mang tính pháp lý như vậy được lý giải là bởi nguy cơ khủng bố của các lực lượng chống đối, nhưng toàn bộ sự kiện này là một “điểm đen” của chính quyền mới. 
Mặc dù Ban lãnh đạo mới được hình thành khá nhanh, cuộc chiến còn tiếp tục trong nhiều ngày với những dấu hỏi tới nay vẫn chưa được giải đáp. Ngay trong đêm 22-12, tại nhiều nơi đã xảy ra những cuộc đọ súng ngày một gia tăng. Các bản tin nhắc tới những kẻ “khủng bố” “ngăn cản bước tiến của cách mạng”, và quân đội lại được điều ra đường phố. 
Những kẻ lạ mặt ấn náu và xả súng vào người dân, binh lính và các tòa nhà chính quyền được gọi bằng cái tên “kẻ thù của cách mạng”, “khủng bố”, nhưng nhân thân – và đặc biệt là mục đích của họ – vẫn không được làm sáng tỏ. Trong cuốn sách về cách mạng 1989, tác giả Ruxandra Cesereanu đưa ra 10 khả năng liên quan tới các nhóm “khủng bố” này, chẳng hạn: các lực lượng trung thành với Ceauşescu trong Securitate; những đơn vị đặc biệt của “Người chỉ đường”, đa phần được tuyển từ các trại trẻ mồ côi; lính đánh thuê Ả Rập; điệp viên, binh lính nước ngoài (Liên Xô, Hungary…) 
Không loại trừ khả năng các “đạo quân ma” này chính là những đơn vị quân đội, nội vụ và lực lượng đặc biệt, được giới lãnh đạo mới sử dụng như con bài để chia chác và phân bổ quyền lực. Cạnh tin tức về quân “phản cách mạng”, còn vô số những nguồn tin đồn thổi – sau này được xác nhận là hoàn toàn vô cơ sở – khiến người dân càng hoảng hốt, về hệ thống hầm ngầm dưới thủ đô Bucharest, về nguồn nước uống bị quân “khủng bố” rải thuốc độc, v.v… 
Những cuộc đọ súng giảm dần sau cái chết của vợ chồng Ceauşescu ngày 25-12, rồi chấm dứt sau chừng 1 tuần. Mặc dù người đứng đầu cơ quan mật vụ chính trị Securitate, tướng Iulian Vlad nhiều lần nhấn mạnh rằng các đơn vị của ông đứng về phía cách mạng, sự tình nghi chủ yếu đặt vào Securitate vẫn được duy trì. Chẳng bao lâu, Vlad bị cách chức và bắt giữ. Trong những ngày đó, vài trăm kẻ “khủng bố” đã bị bắt, nhưng về sau, không ai bị xét xử với tội danh khủng bố. 
Cho đến giờ, những điểm mờ ám xảy ra trong thời gian sau ngày 22-12 vẫn không có lời đáp thuyết phục. Một thực tế là trong giai đoạn ấy, cuộc chiến “ma” đã gây ra cái chết của 942 người (trên tổng số 1.104 người), và khiến 2.251 người bị thương (trên tổng số 3.352 người). Đa số nạn nhân ở thủ đô Bucharest và đều là thường dân, nhưng trong số đó còn có giới binh lính và các nhân viên nội vụ.
Câu hỏi “cách mạng hay đảo chính?”, “ý nguyện của người dân hay âm mưu của một số cá nhân, bè đảng?” thực ra đã được đặt ra ngay từ mốc 1989 và tới giờ, sau 20 năm, vẫn còn rất mang tính thời sự với câu trả lời không hề thống nhất.
Hai mươi năm nhìn lại
Trong những ngày qua, Romania đã có những hoạt động rầm rộ kỷ niệm biến cố 1989. Tổng thống tái đắc cử Traian Băsescu đã kêu gọi người dân Bucharest vinh danh những nạn nhân của biến cố tháng 12-1989 và gọi họ là “những anh hùng đã đã hy sinh cho tự do”.
Thành phố Timişoara – được coi là nơi khởi đầu cuộc cách mạng 1989 với sự kiện hàng trăm ngàn người đã xuống đường để phản đối việc chính quyền định dùng vũ lực cưỡng bức mục sư Tin lành Tőkés László phải rời thành phố – năm nay cũng có nhiều kỷ niệm lớn.
Ông Tőkés László, hiện là nghị sĩ Quốc hội Châu Âu của Romania, đã được nhận huy chương Ngôi sao Romania (Steaua Romaniei), phần thưởng cao quý nhất của nước này, cho vai trò lớn lao trong biến cố 1989.
Chính quyền Romania đã làm tất cả để khẳng định tính “chính thống” và “hợp thức” của họ, thông qua việc tôn vinh sự kiện 1989 như một cuộc cách mạng xuất phát từ nhân dân và thể hiện ý nguyện người dân Romania khi ấy.
Cho dù, 20 năm trôi qua, một bộ phận rất lớn ở Romania đã cho rằng, cuộc nổi dậy của người dân xứ này đã bị lợi dụng và các chính phủ từ thời đó tới giờ đã làm tất cả để phủ lên 1989 một tấm màn che giấu sự thật, cho lợi ích của riêng họ.
Cách mạng hay đảo chính?
Thủ phạm của những vụ thảm sát diễn ra sau khi Mặt trận Cứu quốc đã giành được quyền lực ở Romania – gấp nhiều lần con số nạn nhân của thời gian khi Nicolae Ceauşescu còn tại vị – vẫn chưa hề bị trừng phạt.
Khoảng thời gian kéo dài chừng 1 tuần từ ngày 22-12-1989 và đi kèm những đụng độ đẫm máu – trước kia vẫn được chính quyền mới cho là thời gian mà cuộc nổi dậy phải đương đầu với các lực lượng thân Ceauşescu – đến nay được nhiều nghiên cứu xem như lúc mà các phe phái tranh giành và thu xếp quyền lực của thời hậu Ceauşescu.
Rất nhiều chi tiết mù mờ của những ngày này không được làm sáng tỏ. Bộ máy tư pháp Romania không hề có hiệu quả, vì những quan chức hàng đầu trước kia – trong số đó có nhiều sĩ quan quân đội – đều qua đời trong hoàn cảnh bí ẩn.
Rất nhiều giả thuyết đã được đưa ra để lý giải một thực tế rằng sau hai thập niên, lại vẫn những nhân vật cựu cộng sản và mật vụ đã nắm giữ những cương vị quan trọng nhất trong bộ máy nhà nước và chính quyền Romania.
Vài chục ngàn hồ sơ liên quan tới những tên tuổi chính yếu trên chính trường Romania tiếp tục không được giải mật, và có lẽ sẽ không bao giờ được bạch hóa, theo một nhà phân tích chính trị nổi tiếng, ông Cornel Nistorescu. Bởi lẽ, theo lời ông, “không thể làm điều đó khi vẫn luôn là họ đang nắm trong tay nhà nước, họ có mặt trong các chính đảng, trong các tổ chức phi chính phủ, trong truyền thông và đời sống kinh tế”.
Nhà bình luận này đã tỏ ra bi quan khi nhận xét rằng, xã hội Romania đã bị nhiễm trùng và bại hoại, và “trong 10 nội các gần đây nhất, không thể tìm ra nổi một nội các nào có 3 thành viên có thể coi là trong sạch”.
Một trong những giả thuyết có thể chấp nhận được cho rằng, biến cố 1989 khởi đầu bằng cuộc nổi dậy của người dân Timişoara và lan ra cả nước, nhưng sau đó đã bị lợi dụng để trở thành một cuộc đảo chính, được điều khiển bởi những kẻ thù trong và ngoài đảng của Ceauşescu, với sự thông đồng của cơ quan mật vụ chính trị và quân đội, cùng những yếu nhân của các lực lượng này.
Điểm mới của “ván bài Romania” là cuộc đảo chính – và sự chuyển giao quyền lực – đã được thực hiện với những công cụ của một cuộc khởi nghĩa nhân dân và các chủ nhân mới của quyền lực luôn bám vào đó để chứng tỏ sự “chính thống” của mình.
Sau biến cố 1989, chính quyền mới về tay những thành viên “hạng hai” của Đảng Cộng sản Romania trước kia, trong đó có thủ lĩnh Ion Iliescu, từng là đồng minh của Ceauşescu trước khi bị thất sủng vào đầu thập niên 80 thế kỷ trước.
Nhiều đảng phái dân chủ truyền thống được hình thành sau cuộc chính biến, lập tức bị giới elit mới kiểm soát và chỉ đạo chặt chẽ. Những cuộc bầu cử phi dân chủ và có nhiều mờ ám được tổ chức mà kết quả chỉ là sự duy trì bộ máy quyền lực cùng những nhân vật cựu cộng sản.
Sự hoạt động của đài phát thanh và truyền hình bị quản lý chặt chẽ, giới truyền thông bị lũng đoạn và sử dụng để tung những tin thất thiệt nhằm hạ nhục các địch thủ chính trị mới. Những thủ đoạn cũ được lặp lại, như trong các sự kiện tháng Giêng 1990: Iliescu đã không ngần ngại khi huy động thợ mỏ và cảnh sát về thủ đô Bucharest để uy hiếp giới sinh viên và trí thức, khi họ lên tiếng phản đối việc cuộc cách mạng 1989 bị chính quyền phản bội và sử dụng để xóa sổ các địch thủ chính trị.
Trong ba nhiệm kỳ tổng thống của mình, Ion Iliescu cũng đã dùng quân đội và chủ nghĩa quốc gia cực đoan như những con bài chính yếu, khiến biến cố 1989 tại Romania trở thành một “điểm lạ” trong biến chuyển dân chủ khu vực Đông Trung Âu, nơi những yếu tố của một thứ CNCS nhà nước thời kỳ hậu Ceauşescu có thể thấy rõ ràng ở đây.
Hoài nhớ quá khứ
Trong một khung cảnh như vậy, không phải là quá lạ lẫm nếu một bộ phận rất đáng kể trong cư dân Romania cảm thấy hồi nhớ quá khứ: bởi lẽ, đối với một số giai tầng, lãnh tụ Nicolae Ceauşescu và thể chế của ông đồng nghĩa với biểu tượng của khủng bố, áp bức và đói nghèo, nhưng đối với không ít người lại là sự đảm bảo và ổn định tương đối về mặt xã hội.
Bên thềm kỷ niệm 20 năm sự kiện 1989, khi đời sống của cư dân không những không được cải thiện, mà còn tệ hại hơn bao giờ hết, nhiều cuộc trưng cầu cho thấy, đa số dân Romania coi Ceauşescu “công nhiều hơn tội”, và cho rằng thời đại của ông thực ra cũng không tệ!
Thú vị là ngay cả giới thanh niên không hề có trải nghiệm dưới thời cộng sản, cũng cho biết họ có cảm tình với Ceauşescu. Thậm chí, theo điều tra năm 2007 của Quỹ Soros (chi nhánh ở Romania), một phần tư cư dân xứ này còn coi ông là chính khách Romania vĩ đại nhất tính đến nay.
Không chỉ Ceauşescu mà con cái họ – vì cái tên của cha mẹ – cũng thường xuyên được các chính đảng nhỏ đề nghị gia nhập đảng, như một chiêu thức quảng cáo. Thậm chí, một đồng sự gần gũi của Ceauşescu, tướng Stefan Gusa, cựu tổng tham mưu trưởng quân đội Romania kiêm thứ trưởng Quốc phòng, người từng hạ lệnh bắn vào đoàn biểu tình tại Timişoara, cũng được chính quyền địa phương đề xuất… dựng tượng.
Tuy nhiên, dường như hoài niệm về thời Ceauşescu không đồng nghĩa với việc cư dân nước này muốn quay trở lại thời đó. Nếu họ có đến viếng cung điện được xây dựng vô cùng xa hoa và tốn kém của Ceauşescu, hay “hành hương” về thành phố nhỏ nơi ông chào đời, hoặc tới thăm mộ phần của vợ chồng ông tại nghĩa trang Bucharest, thì điều này có thể do hiếu kỳ hoặc nhu cầu tìm hiểu lịch sử, hơn là bởi ý muốn đi ngược thời gian về xứ sở Romania khốn khổ những thập niên 70-80 thế kỷ trước.
Trần Lê tổng hợp


No comments:

Post a Comment