Friday, May 1, 2020

Biệt-Đội Thiên-Nga, Nữ Chiến Sĩ Tình Báo


Biệt-Đội Thiên-Nga, Nữ Chiến Sĩ Tình Báo

Tôi được dịp gặp  Cựu Thiếu Tá Cảnh Sát Đặc Biệt  Nguyễn Thanh Thủy, Nguyên Biệt Đội Trưởng, Biệt Đội Thiên Nga TrungƯơng, một cơ quan tình báo phụ nữ thuộc  Bộ Tư Lệnh Cảnh Sát Quốc Gia VNCH, trong ngày  Đại Hội Nữ Quân Nhân kỳ IV ở California. Qua cuộc tiếp xúc với Cựu Thiếu Tá Thủy, tôi cảm thấy vô cùng cảm kích và  thật hãnh diện về tinh thần phục vụ của những người phụ nữ VN trong Biệt Đội Thiên Nga. Các chị  đã can đảm chấp nhận  sự nguy hiểm, sẵn sàng hy sinh  tính mạng của mình trong cuộc chiến ngăn chặn CS xâm nhập và xâm lăng Miền Nam.
Cựu Thiếu Tá Nguyễn Thanh Thủy cho biết, trong năm 1968,  sau cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân và cuộc tấn công vào Tháng Năm, 1968, Chính Phủ VNCH thấy cần tăng cường các lực lượng Cảnh Sát trong việc bảo vệ an ninh đất nuớc để ngăn chận VC xâm nhập Miền Nam bằng đường bộ cũng như đường thủy. Từ đó vai trò của Cảnh Sát  quan trọng hơn, đặc biệt là cần có sự bổ sung một số phụ nữ để thành lập một tổ chức toàn những Nữ Cảnh Sát, hoạt động trong các công tác tình báo, hoạt động riêng rẻ hoặc  phối hợp với  Nam Cảnh Sát.
Do đó Tháng  8, 1968, Bộ Tư Lệnh Cảnh Sát QG quyết định thành lập một tổ chức toàn là phụ nữ có tên là Biệt Đội Thiên Nga, trực thuộc Khối Đặc Biệt, Bộ Tư Lệnh Cảnh Sát QG VNCH. Tổ chức này hoạt động độc lập. Nhiệm vụ của Biệt Đội Thiên Nga là sưu tầm tin tức các tổ chức VC xâm nhập và phá vở các tổ chức hạ tầng cơ sở của VC tại Thủ Đô Saigon cũng như tại địa phương ở các tỉnh trên toàn lãnh thổ Miền Nam VN.
Về tổ chức thì Biệt Đội Thiên Nga Trung Ương có văn phòng tại Khối Đặc Biệt, Bộ Tư Lệnh CSQG VNCH. Biệt Đội Thiên Nga Thủ Đô gồm mười một quận của Đô Thành, có văn  phòng tại Bộ Chỉ Huy Cảnh Sát Quốc Gia Thủ Đô và BCH Cảnh Sát Quốc Gia ở các Quận trong Đô Thành. Ngoài ra còn có Biệt Đội Thiên Nga Vùng I, Vùng II, Vùng III, Vùng IV và tại các tỉnh trong toàn quốc. Từ Quảng Trị đến Cà Mau đều có Biệt Đội Thiên Nga.
Biệt Đội Trung Ương có bốn ban như  Ban Hành Chánh, Ban Tổ Chức, Ban Huấn Luyện, Ban Hoạt Vụ. Nhiệm vụ của Biệt Đội Thiên Nga Trung Ương là tuyển mộ và huấn luyện, tìm đầu mối phát triển công tác, đôn đốc và hướng dẫn cán bộ, thành lập  đội Thiên Nga địa phương của mười một quận trong Đô Thành và tại các tỉnh.
Các đội Thiên Nga địa phưong tuyển mộ nhân viên gởi về Saigon, Biệt Đội  Thiên Nga Trung Ương gởi những chị em mới được tuyển mộ đi thụ huấn các khóa tình báo tại Trường Tình Báo Trung Ương ở đường Cộng Hòa, Saigon. 
Về trình độ văn hóa, các chị em Thiên Nga ít nhất phải có bằng Trung Học Đệ Nhất Cấp hay cao hơn. Ngoại trừ quả phụ của Cảnh Sát thì không đòi hỏi điều kiện văn bằng như trên, nhưng ít nhất phải có bằng tiểu học. Các sĩ quan Thiên Nga thì phải có bằng Tú Tài hay cao hơn.
Các nhân viên được tuyển lựa gồm các chị em ở mọi lứa tuổi, mọi thành phần khác nhau trong xã hội, từ người bán hàng rong cho đến thư ký văn phòng hay cô giáo, vũ nữ …các nữ nhân viên tình báo lần luợt được học qua các lớp “ tình báo căn bản”  là bốn tuần, khóa “ theo dõi “ sáu  tuần và “cán bộ điều khiển “ thì tám tuần…các khóa sinh phải đủ điểm ở lớp thấp trước rồi mới được lên lớp kế tiếp và trong thời gian huấn luyện thì các khóa sinh phải ở nội trú và mang ám số.
Việc giảng dạy do các trường tình báo phụ trách, còn giám thị thì do các nhân viên Thiên Nga đảm  nhận. Sau khi đã học xong thì các nhân viên tình báo trở về Biệt Đội Trung Ương hoặc địa phương để hoạt động.
Các công tác đều có ám danh, vì là phụ nữ nên các ám danh có tên của các loài chim như sơn ca, hoạ mi, hải âu, hoàng oanh, hoàng yến vv… những công tác phối hợp chung với nam Cảnh Sát thì có tên như Trùng Dương hay Trường Sơn …
Do sự thay đổi của tình hình chính trị,  Biệt Đội Thiên Nga có ám danh mới để hoạt động cho dễ. Song song với những công tác được huấn luyện, Biệt Đội Thiên Nga thi hành  nhiều công tác như xâm nhập, len lõi vào các hội đoàn phụ nữ VN hoặc hội hè ở các chợ hoặc lên lõi vào những phong trào phụ nữ đòi quyền sống, hoặc lực lượng thứ ba chống chính quyền VNCH… để kịp thời ngăn chận VC nằm vùng và phá vỡ những âm mưu nguy hại an ninh quốc gia. Ngoài ra Biệt Đội Thiên Nga cũng xâm nhập vào tận mật khu của VC để thu thập tin tức tính báo, góp phần tiêu diệt các cơ sở đầu não của CS.
Để thi  hành công tác, các chị em Thiên Nga luôn chấp nhận sự  hiểm nguy, tính mạng lúc nào cũng bị đe dọa. Qua tài liệu thì VC bị thất bại nhiều từ khi Biệt Đội Thiên Nga được thành lập, vì vậy VC luôn đề cao cảnh giác về hoạt động của Biệt Đội Thiên Nga. Để đối phó vấn đề này VC luôn tìm cách bắt cốc, gây tai nạn xe, tạo án mạng hay ám sát những ai mà chúng nghi ngờ là thuộc Biệt Đội Thiên Nga.
Các nhân viên Thiên Nga phải có những ngụy tích (lý lịch) và ngụy thức (cách trang phục) để len lõi vào các hội đoàn, tham dự các cuộc biểu tình nên cũng phải chịu hơi cay hay dùi cui của Cảnh Sát.  
Một trong những công tác điễn hình là vấn đề cung cấp thực phẩm cho phái đoàn bốn bên VC, CS Bắc Việt, Mỹ và VNCH sau khi hiệp ước đươc ký ở Paris. VC và CS Bắc Việt đòi để họ chọn nhà thầu. Biệt Đội Thiên Nga cử người vào thầu giống như những nhà thầu tư nhân. Đội Thiên Nga đã hoạt động  âm thầm cho đến ngày cuối cùng. Công tác đó có ám danh là Trùng Dương.
Cựu Thiếu Tá Nguyễn Thanh Thủy cho biết trong thời gian hoạt động với các cán bộ nằm vùng, các chị em cố thuyết phục và có những người CS đã giác ngộ, quay lại họp tác với các chị em Thiên Nga. Công tác này gọi là công tác Hoàng Oanh.
Biệt Đội Thiên Nga có rất nhiều nhân viên chính thức khắp các vùng chiến thuật, nhưng sau 1975 Cộng sản không tìm ra đuợc nhiều người vì hồ sơ đã được hủy trước khi Miền Nam mất. Vấn đề tình báo luôn  được giữ bí mật, trong thời gian thụ huấn ở Trung Tâm Huấn Luyện Tình Báo các chị em có bí danh, bí số. Sau khi ra trường, trở về  đơn vị các chị em hoạt động độc lập, nhận lệnh và báo cáo với cấp chỉ huy trực tiếp, chứ giữa các chị em trong Biệt Đội Thiên Nga không có sự liên lạc với nhau như ở các đơn vị Cảnh Sát sắc phục hay các quân binh chủng khác.
Các Nữ chiến sĩ tình báo Thiên Nga bị CS liệt kê là thành phần phản động, nguy hiểm, tích cực chống Cộng chứ không phải vì hoàn cảnh, vì sinh kế mà gia nhập ngành này. Sau 1975, chị em người nào bị bắt thì bị trừng trị rất nặng, ở tù rất lâu. Riêng Cựu Thiếu Tá Nguyễn Thanh Thủy bị tù mười ba năm và bị biệt giam hơn một năm, mãi ba năm sau mới được giam chung với các chị em nữ quân nhân từ cấp bực Đại Uý trở lên.
Các Nữ chiến sĩ tình báo Thiên Nga thật xứng đáng là con cháu của hai Bà Trưng, Bà Triệu; là niềm hãnh diện của người phụ nữ Việt Nam, đã đóng góp một phần không nhỏ trong việc tô thấm màu cờ và làm vẻ vang những trang sử oai hùng của dân  tộc Việt.
Tuyết-Mai


No comments:

Post a Comment