Quốc khánh
tận Trung Quốc
Nguyễn Xuân Nghĩa
2019-10-01
2019-10-01
Mừng 70 năm ngày Cộng
hòa Nhân dân Trung Quốc ra đời, lãnh đạo Bắc Kinh có thể mừng là chế độ sống
thọ hơn Liên bang Xô viết, chỉ tồn tại có 69 năm, từ 1922 tới 1991. Nhưng 70
năm đó cũng là nhiều chấn động kinh hoàng. Tương lai rồi sẽ ra sao và xứ này đang
bị thách đố thế nào. Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu…
Đoạn đường đến Sinh nhật thứ 70 của Trung Quốc
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng
Nguyên Lam xin kính chào chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông, mừng
ngày Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc ra đời đúng 70 năm trước, lãnh đạo của xứ này
đã tổ chức nhiều sinh hoạt kỷ niệm, với cuộc duyệt binh tại Bắc Kinh vào ngày
mùng một Tháng 10 vừa qua. Theo dõi các sinh hoạt này, ông có cảm nghĩ thế nào?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Như trường hợp của Liên bang Xô viết,
hay Hoa Kỳ, với lãnh thổ bát ngát, Trung Quốc có nhiều vấn đề có thể gọi là vĩ
đại, khác hẳn trường hợp các quốc gia có diện tích trung bình. Như Liên Xô ngày
xưa, Trung Quốc cũng có chế độ độc đảng, là đảng giữ độc quyền chân lý về tư
tưởng, điều khiển nhà nước và quân đội, cho nên khó chấp nhận sự can ngăn hay
phê phán. Vì chế độ toàn trị ấy mà Liên Xô kiệt quệ vì bành trướng quá khả năng
kinh tế, khi tiến hành cải tổ để cứu đảng thì tuột tay và sụp đổ sau có 69 năm.
Lãnh đạo Bắc Kinh có thể mừng là đã qua được mốc thời gian thử thách này, nhưng
thâm tâm cũng thấy ra vấn đề.
Vì giữ độc quyền chân
lý, lãnh đạo Trung Quốc nói về quá khứ theo ý mình, làm như lịch sử chỉ khởi
đầu với đảng Cộng sản Trung Hoa thôi. Họ Tập áp dụng phương pháp Mác-Lênin để
xây dựng Chủ nghĩa Đại Hán nhuốm mùi phát xít để vuốt ve tự ái người dân.
-Nguyễn Xuân Nghĩa
-Nguyễn Xuân Nghĩa
- Vì vậy, tại Trường
đảng của Trung ương, mùng ba tháng trước, Tổng bí thư Tập Cận Bình cả chục lần
nói tới “đấu tranh”. Tổ chức xong Quốc khánh, họ phải giải quyết các vấn đề ấy
mà chúng ta sẽ nói sau, tôi thấy là Tập Cận Bình thật ra không vui mà hơi lầm
lỳ, rầu rĩ. Chuyện thứ hai, vì giữ độc quyền chân lý, lãnh đạo nói về quá khứ
theo ý mình, làm như lịch sử chỉ khởi đầu với đảng Cộng sản Trung Hoa thôi. Họ Tập
áp dụng phương pháp Mác-Lênin để xây dựng Chủ nghĩa Đại Hán nhuốm mùi phát xít
để vuốt ve tự ái người dân.
Nguyên Lam: Hình như là vậy, vì người ta thấy dân
Trung Quốc có vẻ hãnh diện trong lễ Quốc khánh vừa qua khi chứng kiến sự lớn
mạnh của khả năng quân sự chưa từng thấy trong lịch sử của họ.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Có tham vọng và duy ý chí còn hơn Mao
Trạch Đông, Tập Cận Bình cũng vẽ ra “Trung Quốc Mộng”, hay “Xã hội Chủ nghĩa
với màu sắc Trung Hoa”, và toàn dân toàn quân sẽ đoàn kết sau đảng để đưa Trung
Quốc vào một kỷ nguyên cường thịnh mới.
- Trong bài huấn từ
đọc tại Quảng trường Thiên An Môn, họ Tập 10 lần nhắc tới sự xâm lược của Nhật
Bản và cái công chiến thắng của đảng. Câu hỏi ông chẳng nêu ra là vì sao nước
Nhật không có tài nguyên công nghiệp lại sớm công nghiệp hóa để thành cường
quốc quân sự đã khuất phục nhà Đại Thanh năm 1894-1895 và đánh bại Đế quốc Nga
năm 1905?
- Chính là sự lụn bại
của nhà Thanh mới dẫn tới điều mà ngày nay Bắc Kinh gọi là “bách niên quốc sỉ”,
trăm năm ô nhục, và đảng sẽ rửa nhục cho toàn dân, trong tinh thần đoàn kết để
tái thống nhất xứ sở. Nhưng do địa dư, hình thể và kinh tế, việc tái thống nhất
đó không dễ, như ta đang thấy tại Hồng Công và Đài Loan.
Trung Quốc không dễ thống nhất
Nguyên Lam: Nguyên Lam xin đề nghị ông giải thích
cho thính giả của chúng ta các yếu tố địa dư, hình thể và kinh tế khiến xứ này
rất khó thống nhất.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Lãnh thổ Trung Quốc có ba khu vực địa
dư khác biệt. Từ hướng Đông là vùng duyên hải trù phú nhất và đã quen với việc
giao dịch với thế giới từ giữa Thế kỷ 19, dù là giao dịch bất công, thí dụ
chính là Hồng Công. Nơi đây cư dân nhìn ra thế giới bên ngoài, coi đó là tiến
bộ.
- Khu vực thư hai là
các tỉnh bị khóa trong lục địa, khó giao thương với bên ngoài và sống trong sự
lạc hậu nên trông ngóng vào vùng duyên hải giàu có với sự thèm khát. Khu vực
thứ ba là các vùng bị nhà Đại Thanh chiếm đóng, như Tân Cương, Tây Tạng, Nội Mông
hay Mãn Châu của các sắc tộc đã từng cai trị Trung Quốc trong đa số thời gian,
từ nhà Đại Tống năm 960 tới khi nhà Thanh sụp đổ năm 1911. Vì vậy, họ phải biến
khu vực này thành vùng trái độn quân sự để khỏi bị tấn công nữa.
- Trên lãnh thổ kỳ lạ
như vậy, mâu thuẫn về quyền lợi dễ xảy ra và “nội chiến” giữa các lãnh chúa cai
trị từng vùng là điều tự nhiên, trước khi có sự can thiệp của ngoại quốc. Nó
khác hẳn trận Nội chiến tại Hoa Kỳ từ năm 1861 tới 1865. Nhà Thanh mà suy sụp
và tan rã thì cũng vì hiện tượng nội chiến hay hợp tan đó. Sau khi đảng Cộng
sản Trung Hoa ra đời năm 1921, Trung Quốc bị cả ngoại xâm lẫn nội chiến và Mao
Trạch Đông khó thắng tại các đô thị trù phú vùng duyên hải nên vét quân từ giới
nông dân nghèo túng ở trong và sau cùng thì chiến thắng.
- Chính là vì bài toán
địa dư hình thể quái đản ấy, ông muốn thống nhất tất cả để duy ý chí công
nghiệp hóa trong sự bình đẳng mà thật ra là bần cùng, khiến mấy chục triệu
người chết đói trong “Bước Nhảy Vọt Vĩ Đại” từ 1958 tới 1961. Trong lễ Quốc
khánh, Tập Cận Bình không nhắc gì tới 30 năm đầu bi thảm của Cộng hòa Nhân dân
Trung Quốc, từ 1949 tới 1978…
Phát triển và khó khăn
Nguyên Lam: Sau khi Mao Trạch Đông tạ thế năm
1976, Đặng Tiểu Bình mới thâu tóm lại quyền lực và tiến hành cải cách kể từ năm
1979, nhờ đó mà kinh tế xứ này đã có sự tăng trưởng khác hẳn thời Mao. Thưa ông
có phải vậy không?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Họ Đặng muốn làm một cuộc cách mạng
thật để ra khỏi sự lầm than kéo dài, nhưng lấy một quyết định đầy tính mạo
hiểm. Đó là cho các tỉnh duyên hải được giao thương với thế giới để đón nhận
đầu tư, nhưng lãnh thổ vẫn do đảng kiểm soát. Việc giao thương tạo ra “phép lạ
kinh tế nửa vời” là vùng duyên hải trở nên giàu hơn gấp bội, nhưng chỉ được 30
năm thôi - ở giữa còn có vụ thảm sát Thiên An Môn vào ngày bốn Tháng Sáu năm
1989 mà Tập Cận Bình cũng coi như không có. Trong 30 năm đó, từ 1979 tới 2009,
sự dị biệt về lợi tức và nhận thức giữa các vùng đã bị đào sâu và nạn Tổng suy
trầm năm 2008-2009 khiến Trung Quốc ào ạt bơm tiền và chất lên một núi nợ, nay
đã lên tới 300% Tổng sản lượng GDP.
- Thật ra tăng trưởng
chưa là phát triển vì thiếu phẩm chất, gây ô nhiễm và bất công trong một cơ chế
kinh tế mà thế hệ Hồ Cẩm Đào gọi là “không cân đối, không phối hợp, không công
bằng và không bền vững”. Tập Cận Bình được đưa lên lãnh đạo sau Đại hội 18 vào
cuối năm 2012 là để giải quyết các bài toán đó. Ông ta tập trung quyền lực tới
tối đa mà lại đưa Trung Quốc vào những khó khăn mới nên nói nhiều về những “mâu
thuẫn cơ bản” theo kiểu Mác-xít và lại dùng khái niệm “đấu tranh” như Mao Trạch
Đông.
Nguyên Lam: Thưa ông, những khó khăn đó là gì?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Trước hết, để giải trừ hiện tượng lãnh
chúa trong đảng, như trường hợp Bạc Hy Lai và Chu Vĩnh Khang, với kế hoạch gọi
là “đả hổ diệt ruồi” ông loại bỏ hàng loạt đối thủ chính trị. Thứ hai, trong
năm năm đầu, ông nói cải cách kinh tế theo quy luật thị trường, mà vẫn muốn khu
vực kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong khi đà tăng trưởng hết còn là
10% một năm như mấy chục năm đầu. Khi kinh tế nghèo đi thì làm sao san xẻ lợi
tức từ nơi trù phú cho các tỉnh bần cùng ở bên trong? Đã vậy, họ Tập còn thâu
tóm quyền lực và xiết chẳt chế độ kiểm duyệt thông tin, kiểm soát tư tưởng y
như Mao. Thứ tư, vì đảng lãnh đạo tất cả trong một chế độ mà đảng viên nắm
nhiều quyền hạn nhưng không chịu trách nhiệm với dân ở dưới, nên tham nhũng
chính trị, kinh tế và ăn cắp của công vẫn xảy ra. Đấy là sự bất công của một xứ
tự xưng xã hội chủ nghĩa! Trong huấn từ tại lễ Quốc khánh, họ Tập nói nhiều về
sự công bằng là vì lẽ đó.
- Nhưng bất công nhất
là chính họ Tập đã phá vỡ hệ thống chuyển quyền giữa các thế hệ lãnh đạo từ
thời Đặng Tiểu Bình khi ngồi như hoàng đế trên ngai mà không chỉ định người sẽ
kế nhiệm sau hai Đại hội đảng. Vì vậy, mâu thuẫn đã âm thầm xảy ra trong đảng.
Tập Cận Bình không mạnh như người ta nghĩ và dù phô trương các võ khí hiện đại
nhất và nói rằng Trung Quốc sẽ tiến chứ không lùi, ông chỉ làm thế giới thêm
nghi ngờ về cái “trật tự quốc tế dựa trên hòa bình và phát triển” do Trung Quốc
lãnh đạo. Dân Hồng Công và Đài Loan không tin vào trật tự đó, chính sách đàn áp
tại Tân Cương và Tây Tạng càng làm thế giới kết án và chán ghét, cho nên giấc
mơ thống nhất sẽ khó thành.
Nguyên Lam: Ngoài ra, dường như ngay từ bên
trong, Trung Quốc cũng có lắm vấn đề nan giải, thưa ông, có phải như vậy không?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Quả thật là họ còn có nhiều vấn đề
khác, xin kể ra ở đây. Một là nạn lão hóa dân số vì chế độ mỗi hộ một con từ
1978 tới 2015; hai là thất quân bình về giới tính nam nữ, nôm na là trai thừa
gái thiếu nên dân số còn giảm; ba là hệ thống giáo dục sơ cứng không thực tiễn,
tới 30% trẻ em không xong lớp trung học thì làm sao công nhân có thể cải tiến
tay nghề; bốn là nạn tẩu tán tư bản của các đại gia không tin vào tương lai
kinh tế, làm dân nghèo thêm oán than; năm là vẫn đầu tư quá nhiều mà hết còn
khả năng xuất khẩu như trước nên thổi lên trái bóng đầu cơ sẽ bể; sáu là Trung
Quốc vẫn nằm dưới cái bẫy sập của lợi tức trung bình với một người dân bình
quân chỉ có hơn một ngàn đô la một năm mà thôi, đó là hiện tượng “chưa giàu đã
già”; vấn đề thứ bảy, nan giải nhất, là kinh tế xứ này vẫn cần ngoại quốc và
đầu tư của nước ngoài vào vùng duyên hải để có công nghệ hay mức thuật lý
cao hơn.
Về thực chất thì kinh
tế Trung Quốc lại cần nhập khẩu. Không ai dọa nạt bạn hàng bằng hỏa tiễn và tầu
ngầm hoặc đòi phong tỏa các dòng hải lưu khi còn phải nhập dầu, ngũ cốc và vật
liệu điện tử loại cao cấp để theo kịp thiên hạ.
-Nguyễn Xuân Nghĩa
-Nguyễn Xuân Nghĩa
- Đâm ra trận thương
chiến Mỹ-Hoa làm chúng ta thấy cuộc phiêu lưu của Đặng Tiểu Bình đang đi vào bế
tắc và các tỉnh duyên hải bị thiệt hại nặng lại càng không muốn trung ương đòi
chu cấp cho các tỉnh nghèo ở bên trong, và họ thầm oán Tập Cận Bình vì lẽ đó.
Trung Quốc tuổi 70
Nguyên Lam: Nếu như vậy, ông kết luận thế nào về
Trung Quốc ở tuổi 70?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Sự thật thì 70 năm qua có thể chia làm
ba: 30 năm đầu là sự hoang tưởng chết người của Mao Trạch Đông từ 1949 tới
1978; 30 năm kế tiếp từ 1979 tới 2009 là tăng trưởng cao nhờ cải cách của Đặng
Tiểu Bình; 10 năm sau cùng là sự tụt hậu, đi tới cực điểm là Tập Cận Bình. Ở
tuổi thất thập này thì người ta khó thay đổi, huống hồ là cải sửa hệ thống kinh
tế, xã hội, chính trị.
- Vì cường thịnh là
giấc mơ mà Tập Cận Bình hứa hẹn với người dân, khi dân chưa có sự thịnh vượng
thì ông cho họ ăn bánh vẽ là có sức mạnh quân sự với các võ khí tối tân ăn cắp
của thiên hạ, như hỏa tiễn Đông Phong 17, Đông Phong 41, v.v. Mắc bệnh vĩ cuồng
của Mao, ông còn cho phổ biến tư tưởng của mình trong cuốn cẩm nang là “Học Tập
Cường Quốc”, hàm ý là học theo họ Tập thì xứ sở sẽ là cường quốc.
- Phải chục năm nữa,
cường quốc quân sự này mới có thể là đối thủ của Hoa Kỳ, nhưng ngay trước mắt
thì Nhật Bản và Đài Loan, Ấn Độ và Úc sẽ chẳng ngồi yên. Đã vậy, về thực chất
thì kinh tế Trung Quốc lại cần nhập khẩu. Không ai dọa nạt bạn hàng bằng hỏa
tiễn và tầu ngầm hoặc đòi phong tỏa các dòng hải lưu khi còn phải nhập dầu, ngũ
cốc và vật liệu điện tử loại cao cấp để theo kịp thiên hạ.
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam
xin cảm tạ kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phân tích tuần này.
Tin, bài liên quan
No comments:
Post a Comment