Tuesday, April 23, 2019

Tướng Nguyễn Khoa Nam: Cuộc Đời Thành Huyền Thoại - Phạm Văn Thanh


Tướng Nguyn Khoa Nam: Cuộc Đời Thành Huyền Thoại
01/05/2007
·         Phạm Văn Thanh
·          



(Phạm Văn Thanh nguyên là Hải Quân Trung Úy thuộc QLVNCH vào năm 1975, được giao trách nhiệm nhuận bút và hoàn thành tác phẩm "Nguyễn Khoa Nam" ấn bản đầu tiên 2001.)
Từ ngày nhập ngũ cho đến khi tuẫn tiết, Tướng Nguyễn Khoa Nam đã dâng trọn cuộc đời cho quân đội, chiến đấu bên cạnh các chiến hữu của ông trên khắp mọi miền đất nước từ Bắc vào Nam. Chín năm sau, hài cốt ông đã được bà Nguyễn Khoa Phước (em dâu ông) cải táng, hỏa thiêu và trong cuộc hành trình về lại Sài Gòn, rải tro cốt xuống giòng sông Hậu, sông Tiền, nơi mà Tướng Nam đã sống và chết bảo vệ an ninh lãnh thổ cho vùng Đồng Bằng Cửu Long. Xác thân ông đã hoà vào giòng nước đục phù sa, linh hồn ông đã nhập cùng hồn thiêng sông núi! Tướng Nam không bỏ người chiến hữu nào mà đã vĩnh viễn ở lại cùng họ, những người lính chiến VNCH đã hi sinh mạng sống hay một phần thân thể để bảo vệ nền tự do, dân chủ non trẻ của miền Nam suốt 20 năm dài.
Chúng ta không ngạc nhiên khi thấy ông bình thản chu toàn trách vụ của vị tướng Tư Lệnh Quân Đoàn IV tới phút cuối cùng xong mới thanh thản trở về với lòng đất mẹ. Tướng Nam đã không đành đoạn bỏ nước và dân chúng ra đi hay chịu yên vui sống tiếp quãng đời còn lại trên xứ người, nhìn đất nước bị Cộng Sản nhuộm đỏ và đồng bào ông sống trong cảnh tủi nhục đọa đày.
Dù không bắt buộc, theo quan niệm về nhân đức truyền thống Việt Nam, 5 vị tướng cùng nhiều vị quân cán chính VNCH đã tự nguyện trói buộc sinh mạng mình với nỗi thăng trầm của vận nước. Như Tướng Nam, cả đời xả thân phuc vụ dân tộc, đã đứng chiêm ngưỡng non sông, khóc cho vận nước lần cuối trước khi tuẫn tiết để bảo toàn danh dự. Như Tướng Hưng, từng hứng chịu hàng vạn quả đạn pháo sấm sét trên công sự phòng thủ An Lộc chẳng hề nao núng mà 'không thể sống nhục'. Như Tướng Hai, khi tuẫn tiết vẫn mang trong lòng niềm tin son sắt: "Sớm muộn gì đất nước ta cũng có ngày sáng sủa." Như Tướng Phú, Tướng Vỹ, Đại Tá Hồ Ngọc Cẩn và hàng ngàn chiến sĩ anh hùng khác đã hiên ngang tìm cái chết để "trả nợ núi sông" chứ không chịu hàng giặc.
Trong thời gian làm Tư Lệnh Quân Đoàn IV-Quân Khu 4, Tướng Nam không những chưa để mất một tấc đất nào mà trong cơn dầu sôi lửa bỏng nhất, ông vẫn sát cánh chiến đấu và chăm lo cho đời sống quân dân. Tinh thần trách nhiệm, khả năng và đức độ của ông đều được quân dân biết tiếng: là một vị tướng nhân hậu, tận tụy với công việc, giỏi điều quân, trăm trận trăm thắng mà số binh sĩ thương vong rất thấp. Tài đức đó đã trở thành mẫu mực, gương sáng được thuộc cấp tâm phục, noi theo. Thế nên, thật dễ hiểu khi một số tướng lãnh, sĩ quan và binh sĩ dưới quyền cũng đã chọn lối xử sự tương tự như ông và quân nhân các cấp thuộc Quân Đoàn IV-Quân Khu 4 ở lại chịu cảnh tù đày cải tạo đông nhất. Dù chưa phải là một vị tướng chiến lược như Alexander Đại Đế mở rộng Đế Quốc Hi Lạp thành rộng lớn nhất thời cổ, Tướng Subodai "bất bại" của Mông Cổ giúp Hốt Tất Liệt san thành bình địa bao quốc gia từ Á sang Âu hay Mac Arthur, chỉ huy toàn bộ chiến trường Á Châu thời Đệ II Thế Chiến nhưng Tướng Nam với những cá tính và khả năng đặc biệt, trong ý niệm so sánh chừng mực, cũng đã trở thành vị tướng VNCH mà cuộc đời đượm màu huyền thoại (legendary) như các tướng nói trên. Cái chết của ông cùng các anh hùng liệt sĩ khác để lại trong lòng người bao nhiêu thương tiếc, ngưỡng mộ lẫn ngậm ngùi!
Tướng Nam Là Hiện Thân Của Danh Tướng Nguyễn Khoa Kiên"
Chiến thắng Đồi Ngok Van đã nâng tên tuổi Tướng Nam lên ngang tầm với các vị tướng giỏi của VNCH mà thuật dụng mưu của ông trong nhiều trận chiến quan trọng đã được các "Thiên Thần Mũ Đỏ" ưu ái đặt cho ông biệt danh "Hành Khất Đại Hiệp," nhân vật bất hủ trong truyện kiếm hiệp Kim Dung. Khả năng điều quân của Tướng Nam được một số thân nhân, bằng hữu tin rằng ông thừa hưởng từ nhiều danh tướng thuộc dòng họ Nguyễn Khoa; đặc biệt, có người đã coi ông là hiện thân của Tướng Nguyễn Khoa Kiên vì nhiều điểm trùng hợp.
Dưới đời Huệ Vương (1765-1777), Tướng Nguyễn Khoa Kiên giữ chức Khâm Sai Đốc Chiến Triệu Thành Hầu. Ông có sức mạnh hơn người, được vua phái đi đánh dẹp loạn Tây Sơn. Ông đánh đâu thắng đó, nên được ví như Triệu Tử Long, một danh tướng nhà Hán, thời Tam Quốc bên Tàu. Trong một trận thủy chiến ngoài khơi Phú Yên, chiến thuyền ông gặp bão, phải tấp vào đảo Tam Sơn và bị địch bắt sống. Nhà Tây Sơn dùng kế "ly gián," phong cho ông Kiên chức Đại Tướng, sai cầm quân đánh lại quân nhà Nguyễn do Tướng Quyên và Tướng Xuân chỉ huy đang chống cự Tây Sơn ở Quảng Nam. Ông Kiên hiểu rõ mưu kế của địch nên nhất định từ chối, xỉ vả sứ thần rồi rút kiếm tự vận lúc mới 22 tuổi.
Ngày 28 tháng 4 năm 1915, vị cố đạo Pièrre Cardière nghiên cứu về tộc Nguyễn Khoa đã viết: "... Tôi tìm được bia mộ ghi tên một vị tướng trong tộc Nguyễn Khoa là Nguyễn Khoa Kiên. Trong Đại Nam Chánh Biên Liệt Truyện sơ tập, và Đại Nam Liệt Truyện Tiền Biên cũng đã viết về một danh tướng tên là Nguyễn Khoa Kiên. Nguyễn Khoa Kiên thuộc đời thứ bảy dòng họ Nguyễn Khoa, sanh năm Giáp Tuất 1754 và mất năm Ất Vị 1775."
Như vậy, Tướng Nguyễn Khoa Kiên tự vẫn đúng 200 năm trước ngày Tướng Nguyễn Khoa Nam tuẫn tiết. Cả hai Tướng Kiên và Tướng Nam đều nổi danh, cùng tự vẫn ở tuổi còn rất trẻ. Người tin vào thuyết Luân Hồi của Phật Giáo có lẽ sẽ tự hỏi: "Phải chăng Tướng Nguyễn Khoa Nam là hiện thân của danh tướng Nguyễn Khoa Kiên, 200 năm về trước""
Kế Hoạch Hành Quân Mật
Quân Đoàn IV vào khoảng đầu tháng 4 năm 1975 vẫn giữ vững được hoàn toàn lãnh thổ và còn nguyên vẹn 3 Sư Đoàn Bộ Binh 7, 9 và 21 cùng các lực lượng Không Quân và Hải Quân yểm trợ. Nhiên liệu dự trữ còn đầy đủ với vũ khí và đạn dược, tuy thiếu thốn vẫn đủ khả năng chống cự với đại quân CSBV trong ít nhất là nửa năm trời mà có thể kéo dài lâu hơn nếu nhận thêm tiếp vận. Trong giờ phút sinh tử của Quân Đoàn IV-Quân Khu 4, Tướng Nam vẫn theo đuổi một kế hoạch, gọi là "Hành Quân Mật" với hi vọng lật ngược thế cờ. Kế hoạch này đã soạn thảo từ khi Tướng Nam nhận được lệnh chuẩn bị căn cứ cho Bộ Tổng Tham Mưu QLVNCH cùng Bộ Tư Lệnh các quân chủng di tản chiến thuật về Quân Đoàn IV chỉnh đốn lại lực lượng.
Cuộc hành quân mật nhằm mục đích triệt thoái toàn bộ lực lượng Quân Đoàn IV cùng các đơn vị di tản về một vị trí hiểm yếu hầu tiếp tục chiến đấu để chuyển bại thành thắng hay kéo dài thời gian tìm một giải pháp chính trị thuận lợi hơn cho chính phủ Việt Nam Cộng Hoà. Thế nhưng, "mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên," khoảng 10 giờ sáng ngày 30 tháng 4 năm 1975, Dương Văn Minh, vị Tổng Thống cuối cùng của miền Nam ra lệnh cho quân đội VNCH buông súng chờ đợi bàn giao cho CSBV. Trưa hôm đó, tại văn phòng làm việc dưới hầm của Tướng Nam, một quyết định nghiêm trọng cho đất nước đã được thi hành: Thay vì ban lệnh Hành Quân Mật, Thiếu Tướng Tư Lệnh Nguyễn Khoa Nam đã ra lệnh hủy bỏ kế hoạch này.
Tướng Nam quyết định hủy bỏ Kế Hoạch Hành Quân Mật, có lẽ dựa vào nhiều dữ kiện:
Ngay từ đầu, lệnh hành quân mật không được thi hành đúng như kế hoạch chiến lược đã được hai Tướng Tư Lệnh Nguyễn Khoa Nam và Tư Lệnh Phó Lê Văn Hưng soạn thảo. Ví dụ, vào khoảng 5 giờ chiều ngày 29 tháng 4, Tướng Nam đã viết nhật lệnh trấn an quân dân Vùng 4, kêu gọi đồng bào bình tĩnh và ra lệnh các đơn vị quân đội tử thủ. Bản nhật lệnh được Thiếu Tá Đức, chánh-văn-phòng chuyển đến phòng CTCT để đọc trên Đài Phát Thanh Cần Thơ. Nhưng nội dung bản nhật lệnh này đã bị "ai đó" sửa đổi và thay vì "BTL ra lệnh tử thủ thì lại kêu gọi buông súng và trấn an dân chúng." (1)
Vào khoảng nửa đêm ngày 29 tháng 4, Bộ Tư Lệnh Vùng 4 Sông Ngòi đã di tản một số đơn vị tại Cần Thơ khi nhận được lệnh từ Bộ Tư Lệnh Hải Quân. Phải chăng sự ra đi của Lực Lượng Hải Quân mang theo một số dân chúng đã làm nản lòng phần nào binh sĩ Vùng 4" Lực lượng Hải Quân rất cần thiết cho các cuộc chuyển quân, hành quân trong vùng sông rạch chằng chịt thuộc Vùng 4 Chiến Thuật. Do đó, cuộc ra đi của Hải Quân Vùng IV đã làm hỏng một phần quan trọng của Kế Hoạch Hành Quân Mật chăng"
Là Tư Lệnh Quân Đoàn, Tướng Nam chắc chắn phải suy nghĩ nhiều về hai cuộc triệt thoái đầy bí ẩn của Quân Đoàn I và Quân Đoàn II. Ban Mê Thuột thất thủ vào giữa tháng 3, nhưng đó không phải là lý do "sống còn" để Tổng Thống Thiệu ra một lệnh rất khó hiểu mà đối với vị tướng cầm quân, đó là lệnh "tự sát" khi quyết định bỏ vùng Cao Nguyên. Cuộc di tản từ Cao Nguyên, bỏ trống phần đất phía Nam Quân Đoàn I-Quân Khu 1 đã gây hoang mang tinh thần khi quân dân Quân Đoàn I cảm thấy bị cô lập giữa hai gọng kềm CS từ Bắc địa đầu đang áp lực nặng xuống và từ Cao Nguyên lên. Sau đó, lệnh bất nhất, truyền thông đưa tin thất thiệt, cuộc di tản hỗn loạn đã gây tác dụng bi thảm "giây chuyền" kéo tới sự tan rã nhanh chóng của hai quân đoàn và rồi sự sụp đổ của miền Nam. Tuy thế, sáng sớm ngày 30 tháng 4, Tướng Nam vẫn bay xuống họp ở Tiểu Khu Định Tường. Cuộc họp chấm dứt và ông bay trở về Cần Thơ ngay để họp hành quân tại Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn IV-Quân Khu 4. Bề ngoài, Quân Đoàn IV cho đến lúc này vẫn trong tình trạng chiến đấu.
Như vậy, lý do tối hậu khiến ông bãi bỏ kế hoạch chính là lệnh buông súng do Tổng Thống Dương Văn Minh đọc trên đài phát thanh khoảng 10:30 sáng ngày 30 đã làm "bể quân" khiến ông, dù có muốn, cũng khó thể thi hành kế hoạch Hành Quân Mật được nữa. Biết rằng, "không thể cãi mệnh Trời," phần vì đức hiếu sinh, lòng thương quân dân vô tội, ông đành tuân lệnh vị Tổng Tư Lệnh Quân Đội hủy bỏ kế hoạch. Do đó, ông không cho phá sập cầu Long An để chận bước tiến của quân CS. Cũng vì thế, sau bữa ăn trưa ở Câu Lạc Bộ Cửu Long về, Tướng Nam mới ra lệnh cho Trung Úy Danh tháo gỡ những dấu chỉ ranh giới, mũi tên tượng trưng kế hoạch điều quân giữa lực lượng ta và địch trên bản đồ Hành Quân Mật. Đây cũng là chỉ dấu cho biết căn cứ mật thuộc Quân Khu 4, có thể là vùng Thất Sơn (2) như phu nhân cố Chuẩn Tướng Lê Văn Hưng là Phạm Thị Kim Hoàng sau này đã tiết lộ về kế hoạch Hành Quân Mật có tên "Nối Bàn Tay" trong bài Hồi Ký của bà.
Bảo Vệ An Ninh Và Sinh Mạng Quân Dân Trong Giờ Thứ 25
Đã quyết định dứt khoát, nhưng khi cuộc chiến đến hồi tàn, lúc tinh thần con người hỗn loạn và khi kẻ thắng, lòng vẫn còn ngun ngút hận thù thì bất cứ chuyện bất trắc nào cũng có thể xảy ra gây phương hại đến tình trạng an ninh của dân chúng. Tướng Nam đã cố gắng giữ yên tĩnh cho Quân Đoàn IV, bảo toàn sinh mạng, tài sản của binh sĩ thuộc cấp và của dân chúng tối đa. Thực hiện điều này, vào trưa ngày 30, Tướng Nam chỉ định Đại Tá Thiện vào chức vụ Tỉnh Trưởng kiêm Tiểu Khu Trưởng Phong Dinh thay Đại Tá Tỉnh Trưởng Phong Dinh đã ra đi. Đến 4 giờ chiều ông vẫn bình thản tiếp hai VC vào Dinh, chỉ uống trà nói chuyện chứ không bàn giao sổ sách, giấy tờ gì cả; có lẽ, ông thuyết phục CS đừng giết hại quân dân vô tội; đổi lại, sẽ để họ "tiếp thu" một cách êm thắm chăng"
Khoảng 6:30 chiều, Tướng Nam đi thăm viếng các thương bệnh binh tại Bệnh Viện Phan Thanh Giản, an uỉ từng người, một thương binh chợt níu tay ông nói:
"Thiếu Tướng đừng bỏ tụi em, nhé Thiếu Tướng""
"Qua không bỏ các em đâu! Qua ở lại với các em!"
Tôi tưởng tượng ra hình ảnh đầy xúc động này:
"Qua ánh đèn của bệnh viện, tôi (Trung Uý Danh) thấy Tư Lệnh đưa tay nâng sửa cặp mắt kính đen và hai giọt nước mắt từ từ chảy lăn dài trên khuôn mặt đau thương của ông. Tư Lệnh cố nén xúc động nhưng người đã khóc, khóc không thành tiếng và những giọt nước mắt tự nhiên tuôn trào. Tư Lệnh vịn vai người thương binh nói trong nghẹn ngào: "Em cố gắng điều trị... có Qua ở đây!"
Trở về Quân Đoàn IV, Tướng Nam đứng trên ban-công lầu hai của Bộ Tư Lệnh nhìn lại giang sơn lần cuối với hai Trung Úy Tùy Viên Lê Ngọc Danh và Trung Úy Việt, cả ba cùng khóc nức cho cảnh "vật đổi sao dời" đang thật sự xảy ra trước mắt. Sau đó, Tướng Nam chắc hẳn thức suốt đêm 30, suy ngẫm về thế cuộc, vận nước nổi trôi của một dân tộc hiền hòa và cầu nguyện trước khi tuẫn tiết trước bàn thờ Phật vào khoảng 7 giờ 30 phút sáng ngày 1 tháng 5, 1975.
Nghĩ đến việc Tướng Nam lo lắng cho sinh mạng dân chúng, vào thăm viếng uỷ lạo thương bệnh binh khi cuộc chiến đã tàn, khi mà nhiều đồng đội chẳng qui hàng, bỏ nước tìm tự do đã yên lành trên các chiến hạm Đệ Thất Hạm Đội hay một quốc gia đệ tam nào đó mà lòng tôi thương cảm, kính phục ông hơn. Là một vị tướng liêm khiết, yêu nước, thương dân, hết lòng lo lắng cho chiến sĩ thuộc cấp, Tướng Nam đã chọn cách tuẫn tiết để "ở lại với thuộc cấp đúng như lời hứa," ở lại với đồng bào, quê hương và để giữ tròn tiết tháo của một tướng lãnh trách nhiệm an ninh lãnh thổ cho một Quân Khu đông dân và trù phú nhất miền Nam.
Điều Lạ Lùng Xảy Ra
Có một điều khác thường đã xảy ra trong buổi lễ Kỷ Niệm Ngày Quốc Hận và ra mắt sách "Nguyễn Khoa Nam" tổ chức vào 1:30 trưa ngày Chủ Nhật 29 tháng 4 năm 2001 tại Trung Tâm Công Giáo, Nam California.
Trong lúc các niên trưởng đại diện quân, cán, chính dâng hương lên Bàn Thờ Tổ Quốc thì thấy một con chim sẻ bay quanh Bàn Thờ, lởn vởn trong Hội Trường một lát rồi bay đi mất. Sáng hôm sau, trên đường đưa tôi ra phi trường trở về Michigan, anh Nguyễn Mạnh Thông có đề cập đến chuyện con chim sẻ và anh cũng thắc mắc về sự kiện xảy ra - biết đâu chẳng liên hệ đến tính siêu hình" Chị Nhã Ca suy diễn sự kiện xảy ra một cách rất lạc quan rằng: "Con chim sẻ tượng trưng cho anh linh các vị anh hùng liệt sĩ hiển hiện để chia sẻ niềm đau buồn trong ngày tủi nhục của cả dân tộc." Tôi chợt nhớ đến một đoạn trong Thánh Kinh về việc Chúa Thánh Thần hiện ra dưới dạng con chim bồ câu khi Thánh John Baptist rửa tội cho Chúa Giê Su dưới sông Jordan. Mỗi lần nghĩ đến điều đó, tôi tự nhiên cảm thấy lòng ấm áp và phấn khởi vô cùng.
Cho đến nay, tôi vẫn thắc mắc về thân thế và sự nghiệp của Tướng Nam - phải chăng Tướng Nam là hiện thân của Tướng Kiên" Tôi vẫn thắc mắc về Kế Hoạch Hành Quân Mật - phải chi kế hoạch đó được thực hiện tới cùng thì chưa biết dân tộc ta ngày nay sẽ ra sao và đời sống của 3 triêụ người Việt tại hải ngoại chắc chắn đã đổi khác" Tôi vẫn thắc mắc về con chim sẻ bay quanh Bàn Thờ Tổ Quốc mà cánh chim quạt mẩu tàn nhang rơi vào tay tôi một cách lạ lùng. Tôi vẫn nghĩ mãi: "Phải chăng hồn thiêng sông núi và anh linh tiền nhân cùng các tướng sĩ tuẫn tiết "vị quốc vong thân" vẫn hiện diện khắp nơi trên núi sông đất nước để quan phòng và phù trợ cho dân tộc Việt Nam"" Điều này ngoài sức hiểu biết của tôi, nhưng có một điều tôi có thể khẳng định mà không sợ lầm là: Cuộc đời và sự nghiệp của Tướng Nguyễn Khoa Nam đã trở thành huyền thoại!
***
Chú Thích:
(1) "Nguyễn Khoa Nam," Hội Phát Huy Văn Hóa Việt Nam, 2001.
(3) Đây chỉ là điều suy đoán của tác giả bài viết:
"Vùng Thất Sơn giáp biên giới Việt Miên, có nhiều hang động, thuận tiện cho việc ẩn nấp, tàng trữ vũ khí, tránh được thiệt hại do các cuộc tấn công hoặc không tập, pháo kích bằng đại pháo của quân CS. Cứ địa hoạt động phải gần hậu cần có đông dân chúng hậu thuẫn, yểm trợ lâu dài về mọi mặt như nhân lực, vũ khí, lương thực, tin tức tình báo, v.v. Hơn nữa, thành phần dân chúng theo đạo Hoà Hảo sống chung quanh vùng này đều căm thù Cộng Sản đã sát hại Đức Huỳnh Giáo Chủ nên lực lượng quốc gia dễ được cảm tình của dân chúng. Do đó, địa điểm Thất Sơn là một chọn lựa tốt nhất vì địa thế hiểm yếu, có nhiều ưu thế về chiến lược, chiến thuật vì quân đội quốc gia có thể cầm cự lâu dài trong các hang động ngõ ngách của vùng thâm sơn cùng cốc Thất Sơn huyền bí. Trong trường hợp gặp áp lực địch quá mạnh, muốn bảo toàn lực lượng hoặc cần thời gian dưỡng quân, quân đội quốc gia sẽ rút tạm qua bên kia biên giới."
(3) Hồi Ký "Ngày Cuối Cùng Trong Cuộc Đời Của Chồng Tôi, 30-4-1954" của bà Phạm Thị Kim Hoàng, phu nhân cố Chuẩn Tướng Lê Văn Hưng, Tư Lệnh Phó Quân Đoàn IV-Quân Khu 4.
(4) Trích trong "Nguyễn Khoa Nam," Vân Lộc Foundation, 2007, pg 578.


No comments:

Post a Comment