Tuesday, April 23, 2019

Nữ hoàng phản chiến Jane Fonda không muốn ảnh bên pháo cao xạ HN


Nữ hoàng phản chiến Jane Fonda
không muốn ảnh bên pháo cao xạ HN
·         38 phút trước
Cuộc đời diễn viên Hollywood Jane Fonda nổi tiếng với sự nghiệp điện ảnh và bức hình bà ngồi trên mâm pháo cao xạ gần Hà Nội năm 1972.
Là một trong những nhân vật phản chiến nổi bật nhất ở Hoa Kỳ, Jane Fonda, sinh năm 1937, đã được phép bay vào Bắc Việt Nam, quốc gia thù địch của Mỹ.
Bức hình đem lại cho Jane Fonda cái tên 'Hanoi Jane' và đó cũng đúng với quan điểm chống chiến tranh, ủng hộ Hà Nội của bà nhiều năm liền.
Nhưng đây vẫn là chủ đề gây tranh cãi trong dư luận Mỹ, cho tới ngày hôm nay.
Ủng hộ Hà Nội, ghét Sài Gòn
Thậm chí một trang web của Hoa Kỳ còn đăng lại nguyên bài 'ngày này năm xưa' về nội dung hôm 13/04/1973 từ trang Synapse, báo sinh viên trường UCSF về cuộc vận động chống chiến tranh tại đó của Jane Fonda.
Kể từ chuyến thăm Hà Nội trở về, quan điểm của Jane Fonda không thay đổi, mà còn mạnh mẽ hơn trong việc chống cả các cựu binh Hoa Kỳ, và lên án chính quyền Mỹ cùng chính phủ Nguyễn Văn Thiệu ở VNCH.
Jane Fonda cũng nhắc sinh viên Mỹ rằng hãy nhớ là các phi công Hoa Kỳ ném bom Bắc Việt Nam "không phải là vô tội".
Nhưng có lẽ điều Jane Fonda gây chia rẽ nhất là những lời nói về tù binh Mỹ bị Hà Nội bắt được và cầm giữ:
"Đa số những tay kể lại chuyện bị tra tấn là những gã đàn ông già, bọn diều dâu, cơ hội chủ nghĩa hói đầu, là sĩ quan,"
Jane Fonda nói với cử tọa chừng 300 người trước tòa nhà Nursing building về các cuộc trả lời báo chí mà một số cựu tù binh chiến tranh (POW) được thả ra sau thỏa thuận ký tại Paris thực hiện khi về nước.
"Ai đạo diễn cả một làn sóng trả lời báo chí này?" Jane Fonda đặt câu hỏi.
"Chúng ta cần bao lâu nữa để biết rằng trên thực tế chỉ có một nhúm tù binh, dưới 20 người từ con số trên 500, là trở về và gây ra cho chúng ta cảm tưởng rằng phía Bắc Việt Nam có chính sách tra tấn tù binh Mỹ một cách có hệ thống."
Jane Fonda cho rằng các cựu tù binh Mỹ nếu không kể chuyện bịa rằng họ bị Hà Nội tra tấn thì có thể bị đưa ra tòa án binh ở Mỹ, và nhắc các sinh viên rằng, "không phải tù binh, mà chính chúng ta bị tẩy não".
Tinh thần phản chiến nhiệt thành còn khiến Jane Fonda nói rằng người Mỹ đừng nên quên rằng các phi công của họ làm gì ở Việt Nam.
"Những phi công này không bị bắt cóc khỏi sân golf ở Fort Ord, khỏi Fort Bragg mà họ thực hiện phi vụ đều đặn như thể là chuyển thư tín. Chúng ta đừng nên quên những người này không phải anh hùng."
Điều đặc biệt là Jane Fonda sẵn sàng chia sẻ những gì nghe thấy ở Bắc Việt Nam, và cho cử tọa biết "người Bắc Việt Nam không coi nhân dân Mỹ có trách nhiệm về cuộc chiến, mà đó là chính phủ Mỹ".
Đi xa hơn, Jane Fonda kêu gọi biểu tình chống cuộc chiến tranh của chính phủ Mỹ để chứng tỏ cho thế giới biết còn những người Mỹ tốt, có lương tâm, mà không phải thứ "tốt như Đức phát-xít" trong Thế Chiến 2, nhắc lại quan niệm của Hitler rằng "những người Đức tốt là người ủng hộ chính phủ".
Jane Fonda cũng bình luận về Hòa đàm Paris, thỏa thuận ngừng bắn và bày tỏ thái độ với chính phủ Nguyễn Văn Thiệu.
Theo bà, chính phủ ông Thiệu "sẽ không cho người miền Nam trở về miền Bắc Việt Nam một cách tự do".
Một nữ sinh viên Mỹ ngành nha khoa đứng lên phát biểu tiếp lời Jane Fonda: "Họ còn nhà cửa gì đâu mà về, nhà họ đã bị (bom Mỹ) phá huỷ hoàn toàn rồi."
Chính phủ ông Thiệu sẽ không cho người miền Nam trở về miền Bắc Việt Nam một cách tự doJane Fonda
Các hoạt động của Jane Fonda đã khiến Quốc hội Hoa Kỳ phải mở cuộc điều tra để xác định bà có "phản bội" nước Mỹ hay là không.
Bà cũng phải lên tiếng phủ nhận cáo buộc rằng trong chuyến thăm tới Hà Nội, chính quyền cộng sản đã cho bà "gặp tù binh Mỹ để lấy cung" giúp họ.
Thay đổi 180 độ
Những hoạt động của Jane Fonda được giới phản chiến và thiên tả Hoa Kỳ ngưỡng mộ một thời gian dài.
Nhưng càng về sau này càng có các chỉ trích rằng Jane Fonda đã đi quá xa, đã "phản bội các quân nhân Hoa Kỳ".
Bức hình Hanoi Jane ngồi bên mâm pháo của một đơn vị cao xạ QĐNDVN trở thành biểu tượng khác, biểu tượng của việc tiếp tay cho phòng không Bắc Việt bắn máy bay Mỹ và giết phi công Mỹ.
Bà Jane Fonda cũng nói lại rằng đó là một sai lầm, một "mistake" và cho biết bà không có ý thức về tấm hình đó được tuyên truyền của phe XHCN sử dụng ra sao.
Trong cuốn hồi ký ra năm 2005 "My Life So Far", Jane Fonda kể lại:
"Ai đó, (tôi không nhớ là ai) dẫn tôi đến bệ pháo, tôi ngồi xuống, vẫn cười, vẫn vỗ tay. Tất cả chẳng có gì liên quan đến chỗ tôi ngồi, tôi thậm chí còn không nghĩ tôi ngồi ở đâu."
"Ánh đèn máy ảnh loé lên. Tôi đứng dậy, và khi bước trở lại xe ô-tô, tôi chợt hiểu ra điều gì vừa xảy ra. Chúa ơi. Nó sẽ là cảnh như thể tôi tìm cách bắn hạ phi cơ Hoa Kỳ! Tôi cầu xin ông ta, 'Ông hãy đảm bảo là không ai đăng các bức hình này nhé. Tôi xin, tôi đấy. Đừng cho họ đăng ảnh'."
"Người ta nói với tôi là tôi cứ yên tâm (I am assured it will be taken care of). Tôi không biết phải làm gì. Rất có thể người Việt Nam đã chuẩn bị, lên kế hoạch hết rồi. Tôi sẽ không bao giờ biết được sự thật. Nhưng nếu họ làm thế thì tôi đổ lỗi cho họ ư? Không, lỗi là của tôi."
Có vẻ như khi đã có tuổi - lúc viết hồi ký bà Fonda đã 68 - bà có thêm nhiều suy ngẫm về hành động hồi trẻ:
"Nếu tôi bị lợi dụng, thì tôi đã cho phép việc đó xảy ra. Đó là lỗi lầm của tôi và tôi đang tiếp tục trả giá đắt cho sai lầm của mình."
10 năm sau, bà Jane Fonda tiếp tục hối lỗi, rằng bà xuất hiện trong bức hình 'oan nghiệt' đó không với ý định giết các quân nhân Mỹ.
Trả lời tại Frederick, Maryland trong một sự kiện tháng 1/2015, nơi có nhóm biểu tình chống bà bên ngoài, Jane Fonda nói:
"Tôi thấy đau đớn và điều này sẽ theo tôi tới khi xuống mồ rằng tôi đã phạm sai lầm, rất nhiều sai lầm khiến nhiều người nghĩ tôi chống lại các quân nhân Mỹ."
Tại Mỹ, thái độ chống chính phủ là điều bình thường, nhưng chống lại các quân nhân lại bị cho là sai trái với nhiều người.
Nhóm biểu tình bên ngoài cầm biểu ngữ thách thức Jane Fonda cùng bức hình "bên mâm pháo ở Hà Nội" của bà, cùng dòng chữ "Tha thứ? Có thể. Nhưng quên đi? Không bao giờ!" (Forgive? Maybe. Forget? Never), theo The Guardian.


No comments:

Post a Comment