Saturday, December 1, 2018

Thức ăn, thuốc bổ và phản ứng phụ của thuốc - Bác Sĩ Hồ Ngọc Minh


Thức ăn, thuốc bổ và phản ứng phụ của thuốc
Bác Sĩ Hồ Ngọc Minh

Trong thế kỷ này tuổi thọ trung bình ngày càng tăng cao. Đi kèm theo đó, càng nhiều người cao niên sử dụng rất nhiều loại thuốc khác nhau để chữa trị bệnh và trị cả những triệu chứng không hẳn là bệnh.
Không riêng gì người cao tuổi, trẻ tuổi hơn cũng uống khá nhiều thuốc bổ và thuốc phù trợ supplements mua ở Costco, trên Amazon, trên mạng online, theo lời đồn hay lời khuyên của “bác sĩ Google”.
Rất nhiều bệnh nhân đến gặp bác sĩ mang theo danh sách của nhiều loại thuốc tây, thuốc bổ và thuốc dược thảo, chưa kể những loại thuốc không được liệt kê vào danh sách. Hiện tượng này có thể dễ đưa đến tình trạng thuốc men tương tác lẫn nhau và gây ra phản ứng phụ tai hại. Mà dẫu không có tai hại thì lại dẫn đến việc uống thêm thuốc khác để chữa phản ứng phụ mà không biết!
Thuốc men không những tương tác lẫn nhau mà còn tương tác với đồ ăn, thức uống, cũng như nhiều loại thuốc dược thảo.
1.     Thuốc giảm cholesterol statins và nước juice trái bưởi
Thuốc statins là một loại thuốc đưa đến nhiều bàn cãi nhất trong cộng đồng y dược. Rất nhiều người được bác sĩ cho toa thuốc statins để phòng ngừa bệnh đột quỵ tim và tai biến mạch máu não.
Bệnh nhân khi có lượng cholesterol trong máu cao, thường được cho uống statins, kèm theo lời khuyên nên thay đổi nếp sống, bao gồm cả chuyện nên ăn nhiều rau cải, trái cây và uống nhiều nước trái cây.
Thuốc statins hiện thời được xem là “chuẩn” để “chỉnh” “bệnh cao mỡ cholesterol” nhưng cũng mang theo nhiều phản ứng phụ, trong đó có phản ứng phụ khi uống thuốc với nước bưởi.
Điều cần lưu ý ở đây là nước bưởi làm chậm mức độ phân hóa của thuốc statins trong cơ thể, do vậy làm tăng nồng độ thuốc trong máu, làm tăng phản ứng phụ của thuốc. Một trong những phản ứng phụ của thuốc statins là làm suy gan.
Nước bưởi làm chậm mức độ phân hóa của thuốc statins trong cơ thể, do vậy làm tăng nồng độ thuốc trong máu, làm tăng phản ứng phụ của thuốc. (Hình minh họa: Getty Images)

2.     Thuốc loãng máu warfarin và rau cải
Thuốc warfarin, một loại thuốc loãng máu dùng để phòng ngừa và chữa bệnh máu đông, rất được cho uống thông dụng trong nhiều bệnh nhân bị bệnh tim mạch.
Bệnh nhân uống thuốc warfarin cần phải thường xuyên đi thử nghiệm máu để được điều chỉnh liều lượng thuốc do phản ứng phụ của thuốc với vitamin K.
Rất nhiều thuốc bổ, thuốc phụ trợ “supplements” và thức ăn có chứa nhiều vitamin K, thí dụ như những loại rau cải có “lá màu xanh” (green leafy vegetables), kể cả trà xanh, có thể giảm hiệu nghiệm của thuốc warfarin bằng cách tăng mức độ sa thải của thuốc ra khỏi máu, đưa đến những hậu quả không tốt, ví dụ như tăng nguy cơ bị tai biến não hay bị nghẽn tĩnh mạch (deep vein thrombosis).
3.     Thuốc chữa bệnh trầm cảm và thuốc giảm đau ibuprofen
Người bị bệnh trầm cảm thường hay nhức mỏi toàn thân. Các thuốc trị bệnh trầm cảm nằm trong nhóm gọi là selective serotonin reuptake inhibitors (SSRIs), ví dụ như Zoloft (sertraline) Prozac (fluoxetine) Celexa (citalopram), có thể tương tác với các loại thuốc giảm đau NSAIDS, trong đó có Motrin (ibuprofen), làm tăng nguy cơ bị chảy máu đường ruột hay tăng nguy cơ bị xuất huyết, nhất là khi uống chung với thuốc loãng máu warfarin.
Những triệu chứng liên hệ đến tình trạng chảy máu đường ruột gồm có đi tiêu ra phân màu đen, đau bụng, mệt mỏi, ói mửa ra máu, bị chóng mặt hay ngất xỉu.
Để chữa triệu chứng hay tình trạng bị đau bao tử, bệnh nhân có khi lại uống thuốc trị đau bao tử bán không cần toa, thí dụ như các loại thuốc thuộc nhóm Proton Pump Inhibitors, như Prevacid (Lansoprazole), Prilosec (omeprazole), Nexium, Zegerid… lại làm suy thận, và ảnh hưởng đến công hiệu của thuốc trị bệnh trầm cảm SSRI. Một vòng lẩn quẩn!
Thuốc dược thảo có chứa Đơn Qui (Dong quai) có thể làm tăng nguy cơ bị xuất huyết nhất là khi uống chung với các loại thuốc loãng máu như warfarin (Coumadin), clopidogrel (Plavix), Aspirin hay ibuprofen.

4.     Thuốc dược thảo và thuốc giảm đau NSAIDS: Aspirin, ibuprofen…
Thuốc dược thảo có chứa Đơn Qui (Dong quai) có thể làm tăng nguy cơ bị xuất huyết nhất là khi uống chung với các loại thuốc loãng máu như warfarin (Coumadin), clopidogrel (Plavix), Aspirin hay ibuprofen. Hiệu ứng tai hại có thể tăng cao nếu uống chung với các loại thuốc dược thảo hay thuốc phụ trợ khác như thuốc dầu cá, omega-3, tỏi, nghệ, gừng, bạch quả (ginkgo), nhân sâm và nhiều thứ khác.
5.     Phản ứng phụ của St John’s Wort
St. John’s Wort ( Hypericum perforatum), một loại dược thảo được sử dụng rất nhiều để trị bệnh phiền muộn, trầm cảm, mặc dù bằng chứng lâm sàng cho thấy những tác dụng của nó trong việc chữa trị này còn bị hạn chế. Được cho là thuốc dược thảo nên thường tin tưởng là vô hại, một hiểu lầm tai hại.
Thành phần hoạt tính dược lý chính của St John’s Wort là hyperforin, một chất ức chế arachidonate 5-lipoxygenase và chất ức chế COX-1 (giúp sản xuất ra prostaglandins, tương tự như Aspirin) trong ống nghiệm. Tác dụng tiêu biểu của thuốc là làm tăng sự phân hóa của nhiều loại thuốc khác. Khi bị phân hóa nhanh hơn bình thường, thuốc bị ảnh hưởng sẽ kém phần công hiệu.
Thuốc tiêu biểu bị ảnh hưởng của thuốc St. John’s Wort là thuốc ngừa thai. Tai hại ở đây là nhiều phụ nữ uống thuốc St. John’s Wort như là thuốc an thần để trị bệnh trầm cảm nhẹ. Khi uống hai loại thuốc nầy chung với nhau, phụ nữ có thể bị cấn thai ngoài ý muốn.
Ngoài ra St. John’s Wort còn ảnh hưởng đến các loại thuốc khác như thuốc trị bệnh tim digoxin và ranolazine, thuốc cho người được ghép nột tạng như cyclosporine, thuốc trị HIV, thuốc trị ung thư như irinotecan, thuốc loãng máu warfarin. Khi kết hợp với thuốc chống trầm cảm SSRI đề cập ở trên có thể làm rối loạn nồng độ serotonin, gây ra hội chứng serotonin.
6.     Thuốc bổ xương calcium
Cho người cao niên, xương bị yếu đi, bị xốp và dễ gãy, vì thế nhiều người được khuyên là nên uống thêm calcium cọng với vitamin D để cho xương thêm vững chắc.
Thuốc calcium có thể mang lợi ích đến cho một số người, nhưng phần lớn, theo các nghiên cứu mới thì chẳng có công hiệu gì đáng kể cả. Trong khi đó “thuốc bổ xương” calcium có thể ảnh hưởng đến  việc các thuốc khác không thấm được vào cơ thể khi uống. Nói cho dễ hiểu, mỗi tế bào có một hệ thống bơm để bơm nguyên vật liệu ra vào. Thuốc calcium ảnh hưởng đến các hệ thống bơm li ti nầy.
Những thuốc bị ảnh hưởng bởi calcium gồm có thuốc chống sốt rét, nhiều loại thuốc trụ sinh và thuốc trị bệnh suy tuyến giáp trạng.
Nếu phải uống thuốc calcium hay các loại thức ăn có chứa nhiều calcium thì không nên uống chung mà nên cách khoảng từ 2 đến 6 tiếng đồng hồ.
Nguyên tắc uống thuốc cách khoảng nầy cũng là nguyên tắc chung khi phải uống nhiều loại thuốc khác nhau. Cũng vì thế nên giảm bớt tất cả các loại thuốc không cần thiết. Không có bệnh thì đừng uống thuốc chữa. Khi nói đến thuốc men, càng ít, càng đơn giản, càng an toàn và càng hữu hiệu.


No comments:

Post a Comment