Tuesday, November 27, 2018

Giới khoa học nghi ngờ kết quả 'chỉnh sửa gene' của TQ - Michelle Roberts


Giới khoa học nghi ngờ kết quả 'chỉnh sửa gene' của TQ
Michelle Roberts Phóng viên y tế, BBC News online
1 giờ trước
Tuyên bố của một khoa học gia Trung Quốc theo đó nói ông đã giúp tạo ra được những em bé được chỉnh sửa gene đầu tiên trên thế giới đã vấp phải những nghi ngờ to lớn.
Ông Hà Kiến Khuê (He Jiankui) nói hai bé gái sinh đôi, chào đời cách đây vài tuần, có bộ DNA được chỉnh sửa từ khi còn trong giai đoạn phôi thai nhằm giúp các bé khỏi lây nhiễm HIV.
Tuyên bố của ông, được hãng AP ghi hình, chưa được xác minh và đã khiến các khoa học gia khác tức giận. Họ gọi ý tưởng của ông là hoàn toàn sai trái.
Việc chỉnh sửa trên bị cấm ở hầu hết các nước.
Những thế hệ tương lai
Chỉnh sửa gene có thể hữu ích trong việc giúp tránh những bệnh di truyền thông qua việc loại bỏ hoặc thay đổi các đoạn mã code xấu trong phôi thai.
Nhưng các chuyên gia lo rằng việc đụng chạm vào gene của phôi thai có thể gây hại không chỉ cho một cá nhân đơn lẻ đó mà còn cho các những thế hệ trong tương lai, những người sẽ thừa hưởng các chỉnh sửa đó.
Nhiều quốc gia, trong đó có Anh, đã ra luật cấm việc sử dụng hình thức chỉnh sửa gene của phôi thai trong quá trình hỗ trợ sinh sản ở người.
Các khoa học gia có thể tiến hành nghiên cứu về chỉnh sửa gene đối với các phôi thai thụ tinh ống nghiệm đã bị loại bỏ, với điều kiện các phôi thai phải được hủy bỏ ngay lập tức sau đó và không được dùng để tạo ra em bé.
'Những đứa trẻ được thiết kế'
Nhưng ông Hà Kiến Khuê, người tốt nghiệp trường Stanford, Hoa Kỳ, và làm việc tại một phòng thí nghiệm ở thành phố Thâm Quyến, miền nam Trung Quốc, nói rằng ông đã dùng các công cụ chỉnh sửa gene để cho ra đời một cặp sinh đôi hai bé gái, được gọi là "Lulu" và "Nana".
Trong một đoạn video, ông nói ông đã loại bỏ một gene có tên là CCR5 để khiến hai bé gái có thể kháng lại HIV nếu các em có lúc nào phải tiếp xúc với virus này.
Ông nói việc này là nhằm tạo ra những đứa trẻ không phải chịu bệnh này, thay vì tạo ra những đứa trẻ được thiết kế để mang màu mắt ưa thích hoặc có chỉ số IQ cao.
"Tôi hiểu rằng công việc tôi làm sẽ gây tranh cãi - nhưng tôi tin rằng các gia đình cần đến công nghệ này và tôi sẵn sàng chấp nhận chỉ trích," ông nói trong đoạn video.
'Có khả năng chữa trị cao'
Tuy nhiên, một số tổ chức, trong đó có một bệnh viện, có liên hệ với tuyên bố này đã lên tiếng bác bỏ việc họ có tham gia thực hiện.
Đại học Khoa học và Công nghệ Nam Phương tại Thâm Quyến nói họ không hề biết gì về dự án nghiên cứu này và nay sẽ tiến hành điều tra.
Các khoa học gia khác nói nếu như nội dung các báo cáo là chính xác thì Giáo sư Hà đã đi quá xa, đã thử nghiệm trên phôi thai khỏe mạnh trong lúc không có lý do thỏa đáng để biện minh cho việc đó.
Robert Winston, giáo sư danh dự tại khoa Nghiên cứu về Sinh sản và là giáo sư Khoa học Xã hội tại Đại học Imperial College London, nói: "Nếu đây là báo cáo giả, thì đó là hành vi sai trái về khoa học và là hành vi cực kỳ vô trách nhiệm."
"Nếu là thật, thì cũng là hành vi sai trái về khoa học."
Tiến sỹ Dusko Ilic, một chuyên gia về khoa học tế bào gốc tại Đại học King's College London, nói: "Nếu cho rằng làm chuyện này là đạo đức thì cách hiểu của họ về đạo đức là vô cùng khác với cách hiểu trên thế giới."
Giáo sư Julian Savulescu, chuyên gia về đạo đức tại Đại học Oxford, nói: "Nếu là thật thì thử nghiệm này là hoàn toàn sai trái. Phôi thai hoàn toàn khỏe mạnh, không có bệnh gì."
Các khoa học gia nói việc chỉnh sửa gene trẻ em có thể sẽ đến một ngày trở thành việc thỏa đáng, có thể làm đươc, nhưng trước khi điều đó xảy ra thì cần phải có thêm các biện pháp kiểm tra, nghiên cứu.
Tiến sỹ Yalda Jamshidi, chuyên gia về gene ở người tại St George's, Đại học London, nói: "Chúng ta chưa nắm được mấy thông tin về các tác động dài hạn, và hầu hết mọi người sẽ đồng ý rằng việc thử nghiệm ở người chỉ để nhằm tìm nâng cao kiến thức trong lúc đó là việc có thể tránh được là chuyện vô đạo đức, không thể chấp nhận được."



No comments:

Post a Comment